Kinh nghiệm du lịch Yên Bái là bí kíp không thể thiếu dành cho các tín đồ du lịch chinh phục trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ nơi đây. Cùng theo chân Harper’s Bazaar Vietnam để khám phá hành trình đầy cảm hứng này – từ lịch trình gợi ý, điểm đến nổi bật, món ăn ngon tới những mẹo nhỏ giúp chuyến đi của bạn thêm trọn vẹn.
Yên Bái ở đâu?
Tọa lạc ở vùng Tây Bắc hùng vĩ, Yên Bái cách Hà Nội gần 160 km – vừa đủ xa để tránh khói bụi thành phố, vừa đủ gần để trở thành điểm đến lý tưởng cho những chuyến đi ngắn ngày. Tỉnh này giáp với nhiều địa phương nổi tiếng như Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Sơn La, tạo nên một mạng lưới kết nối du lịch Tây Bắc cực kỳ thuận tiện.
Nhắc đến du lịch Yên Bái, người ta sẽ nhớ ngay đến những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ – đặc biệt là vào mùa lúa chín hay mùa nước đổ, khi sắc vàng và ánh bạc phủ kín những sườn núi. Không chỉ có vậy, Yên Bái còn khiến du khách say lòng bởi những đỉnh núi cao chạm mây, suối nước nóng tự nhiên, những ngôi làng cổ đậm chất văn hóa dân tộc, cùng với đó là nền ẩm thực đậm đà, khó quên.
Du lịch Yên Bái mùa nào đẹp?
Nếu đam mê xê dịch, chắc hẳn bạn đã từng nghe đến cái tên “Mù Cang Chải mùa vàng”. Nơi đây, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn như tranh, rực rỡ trong sắc lúa chín trải dài khắp các sườn đồi. Và không sai khi nói rằng, khoảng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 chính là thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Yên Bái. Lúc này, tiết trời vào thu dịu nhẹ, không khí trong lành, nắng vàng ươm nhẹ trải khắp lối đi. Thời tiết cực kỳ thích hợp để vi vu, check-in và tận hưởng khung cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ.
Thế nhưng, Yên Bái không chỉ đẹp vào mùa thu. Mỗi mùa, mỗi thời điểm nơi đây lại mang đến một vẻ đẹp riêng khiến du khách chẳng thể rời mắt:
• Mùa hè: Bạn có thể ngắm lúa trổ bông và thưởng thức hương cốm Tú Lệ thơm lừng.
• Mùa đông: Không khí se lạnh, thích hợp để săn mây trên các đỉnh núi cao. Nếu may mắn, bạn còn có thể bắt gặp tuyết rơi trắng xóa.
• Mùa xuân, Yên Bái bừng tỉnh trong sắc hoa đào, hoa mận nở rộ, cùng hàng loạt lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc của các dân tộc Mông, Thái, Dao…
Kinh nghiệm di chuyển đến địa điểm du lịch Yên Bái
Nếu bạn thích đi theo cung phượt truyền thống và ngắm cảnh dọc đường, từ Hà Nội đi theo Quốc lộ 32 – cung đường xuyên qua Sơn Tây, cầu Trung Hà, rồi lên Thu Cúc (Phú Thọ). Tuyến đường này dài khoảng 200 km và mất khoảng 6 – 7 tiếng di chuyển.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian, cao tốc Hà Nội – Lào Cai là phương án cực kỳ lý tưởng. Tuyến đường hiện đại này giúp rút ngắn quãng đường xuống còn khoảng 150 km, thời gian di chuyển chỉ khoảng 3 – 3,5 tiếng, rất thuận tiện cho những chuyến đi ngắn ngày.
Tùy theo địa điểm du lịch Yên Bái cụ thể mà bạn dự định ghé thăm, bạn có thể chọn tuyến đường phù hợp. Sau đây là một vài khoảng cách bạn có thể tham khảo khi lên kế hoạch:
• Nghĩa Lộ – Tú Lệ: khoảng 50 km.
• Tú Lệ – Mù Cang Chải: khoảng 60 km.
• Nghĩa Lộ – Trạm Tấu: khoảng 30 km.
• Thành phố Yên Bái – Nghĩa Lộ: khoảng 75 km.
Với du khách ở xa, bạn có thể đến Hà Nội trước bằng máy bay, tàu hỏa hoặc xe khách, sau đó tiếp tục hành trình đến Yên Bái bằng nhiều phương tiện như xe cá nhân, xe khách tuyến, xe thuê riêng hoặc taxi.
Du lịch Yên Bái 2 ngày 1 đêm ở đâu?
Yên Bái có nhiều lựa chọn lưu trú đa dạng, từ homestay bình dân đến resort cao cấp, phù hợp với mọi phong cách du lịch.
Tại Mù Cang Chải, hình thức phổ biến là nhà sàn, homestay tập thể gần trung tâm huyện, Bản Thái, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình. Một số chỗ nghỉ nổi bật: Chiba Ecolodge – Mù Cang Chải, H’mong Village Mù Cang Chải, Mu Cang Chai Big view homestay, Clubhouse Mebayluon Paragliding…
Tú Lệ cũng tập trung nhiều nhà sàn, homestay, khách sạn hoặc resort cao cấp. Gợi ý: Le Champ Tú Lệ Resort Hot Spring & Spa, Búng Xổm homestay, Thùy Linh homestay, Sùng A Hờ homestay…
Trạm Tấu nổi bật với Tram Tau Eco Garden Resort & Hot Spring, An Lavita Trạm Tấu, Na Thẩm Eco Hill homestay, Xòe homestay…
Tại thành phố Yên Bái, bạn sẽ tìm thấy nhiều khách sạn 2–3 sao và homestay như: Đinh Gia Trang Coffee & homestay, khách sạn Phương Thúy Âu Cơ, Hoàng Hà River Town…
Nghĩa Lộ thường là điểm dừng chân ngắn ngày. Một số chỗ ở gợi ý: Chuồn Chuồn Nghĩa Lộ, Trần Gia homestay, Hải Long homestay…
Yên Bái có những điểm du lịch nào?
1. Thị trấn Nghĩa Lộ
Nghĩa Lộ là nơi bạn không thể bỏ qua nếu muốn chạm đến những vẻ đẹp đặc trưng của vùng Tây Bắc. Toàn bộ cánh đồng lớn thứ hai của miền núi Tây Bắc là Mường Lò đều nằm trong thị trấn Nghĩa Lộ. Mường Lò còn nổi tiếng với suối nước nóng tự nhiên, là điểm đến thư giãn lý tưởng cho cả du khách và người dân địa phương. Bên cạnh đó, vùng đất này còn là quê hương của chè shan tuyết cổ thụ, mang hương vị đặc trưng của núi rừng.
Ngoài cảnh đẹp thiên nhiên, Nghĩa Lộ cũng lưu giữ dấu ấn lịch sử với di tích Căng và đồn Nghĩa Lộ, được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1996 – nơi ghi lại những tư liệu về thời kỳ thực dân Pháp đô hộ.
Đừng quên ghé suối Thia, nằm phía Bắc lòng chảo Mường Lò. Vào mùa nước lớn, dòng suối như dải lụa bạc vắt ngang núi rừng, cuộn chảy như những dòng “nước mắt” của đại ngàn – đúng như cái tên mà người dân địa phương trìu mến dành cho nó.
2. Địa điểm du lịch Yên Bái: Hồ Thác Bà
Hồ Thác Bà nằm giữa hai huyện Yên Bình và Lục Yên, là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Với diện tích khoảng 23.400 ha và hơn 1.300 đảo lớn nhỏ, hồ được ví như “Hạ Long trên núi”, sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng.
Bạn còn có thể tham quan nhà máy thủy điện Thác Bà và đền Mẫu Thác Bà – điểm đến tâm linh nổi tiếng, mang đậm bản sắc vùng cao.
3. Du lịch Yên Bái có gì? Đèo Khau Phạ
Đèo Khau Phạ là một trong “tứ đại đỉnh đèo” nổi tiếng của Việt Nam, nối liền hai huyện Mù Cang Chải và Văn Chấn. Mỗi mùa lúa chín, đèo Khau Phạ trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai muốn trải nghiệm cảm giác mạnh. Bạn có thể thử bay dù từ đỉnh đồi cao 1.200 mét, ngắm nhìn những cánh đồng lúa vàng óng.
Chuyến bay kéo dài từ 10 đến 20 phút tùy vào thời tiết và sẽ được thực hiện cùng với một phi công chuyên nghiệp. Giá bay dao động từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng một người, tùy vào ngày trong tuần.
4. Trượt zipline ở Tú Lệ
Tú Lệ là nơi sở hữu tuyến zipline dài nhất Việt Nam, nằm trong khu vui chơi mạo hiểm Aeris Hill, mở cửa từ năm 2020. Tuyến zipline gồm hai chặng, với tổng chiều dài lên đến 1,2 km. Thời gian trượt hoàn thành cả hai chặng chỉ mất khoảng 2 phút.
Tú Lệ còn nổi bật với cảnh sắc Tây Bắc quyến rũ: những cánh đồng lúa nếp dẻo thơm, suối khoáng nóng tự nhiên và những tập tục thiêng liêng của người Thái. Khác với những địa danh khác, ruộng Tú Lệ không nằm chênh vênh trên đồi cao hay sâu trong khe núi, mà trải dài bình yên giữa lòng thung lũng.
5. Các điểm du lịch Yên Bái: Mù Cang Chải
Mù Cang Chải đẹp mọi mùa trong năm. Mùa đổ nước vào tháng 4 và 5 là thời điểm ruộng bậc thang khoác lên mình vẻ đẹp kỳ vĩ, với mặt nước phản chiếu như những tấm gương khổng lồ. Sau đó, những cánh đồng được cấy mạ xen kẽ, tạo nên một bức tranh màu xanh – trắng thanh bình.
Từ tháng 9 đến tháng 10, Mù Cang Chải khoác lên sắc vàng óng rực rỡ, thu hút đông đảo du khách và nhiếp ảnh gia. Vào mùa đông và xuân, nơi đây lại rực rỡ với sắc hồng của hoa tớ dày.
Những điểm đến không thể bỏ qua ở Mù Cang Chải gồm Bản Thái, ruộng bậc thang La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình.
6. Du lịch Trạm Tấu Yên Bái
Du lịch Trạm Tấu Yên Bái ngày càng hút khách nhờ vào cảnh đẹp hoang sơ và nhiều hoạt động thú vị. Bạn có cơ hội hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ, khám phá vẻ đẹp của núi rừng và tìm hiểu nền văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông và Thái. Đặc biệt, Trạm Tấu còn mang đến cho bạn những trải nghiệm du lịch mạo hiểm, hoạt động cộng đồng và những kỳ nghỉ dưỡng thư giãn.
7. Yên Bái có những điểm du lịch nào? Đỉnh Tà Xùa
Đỉnh Tà Xùa thuộc dãy Phusaphin, có độ cao hơn 2.800 mét so với mực nước biển, là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Địa hình Tà Xùa đặc trưng với những con đường hẹp và dốc, hai bên là vực sâu nguy hiểm. Bạn có thể phượt đến đây bằng xe máy hoặc thử thách mình với hành trình trekking lên đỉnh, chọn những cung đường có độ dài khác nhau từ cả hai phía Yên Bái và Sơn La.
Du lịch Yên Bái có gì? Những đặc sản nên thử và mua làm quà
1. Nậm pịa
Nậm pịa – Món ăn đặc trưng của Tây Bắc được chế biến từ nội tạng các loài động vật ăn cỏ, kết hợp với một loại nước sệt từ ruột non của bò, dê, trâu hoặc ngựa. Tất cả được hầm nhừ cùng các gia vị như rau thơm, mắc khén, tỏi, ớt và mùi tàu. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị đắng, nồng ban đầu nhưng ngọt hậu và lạ miệng với hương mắc khén đặc trưng.
2. Bánh chưng đen
Nguyên liệu để làm bánh gồm lá dong, gạo nếp Tú Lệ, đậu xanh và thịt ba chỉ. Để tạo màu đen, người Thái sử dụng cây núc nác hoặc hoa vừng đen để làm bột trộn với gạo. Trước đây, bánh này chỉ xuất hiện vào các dịp lễ Tết, nhưng hiện nay đã trở thành món ăn phổ biến, đặc biệt là món quà hấp dẫn cho du khách.
3. Măng vầu cuốn thịt
Măng được luộc chín, thái lát mỏng rồi cuộn với nhân thịt ba chỉ xay nhuyễn, trộn với rau răm và trứng. Sau khi cuốn, món ăn được đun trên lửa vừa cho đến khi măng và thịt chín đều. Món này có hương vị béo ngậy, thơm ngon và là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của người dân địa phương.
4. Cốm Tú Lệ
Cốm Tú Lệ là món ăn đặc sản nổi tiếng của xã Tú Lệ, nơi có giống lúa nếp đặc trưng cho ra những mẻ cốm xanh mướt, dẻo thơm. Mỗi mẻ cốm được làm thủ công ngay sau khi gặt lúa, sau khi loại bỏ hạt lép, lúa được rang, để nguội và giã trong cối đá. Cốm Tú Lệ có hạt mềm, dẻo, với vị thanh nhẹ và một chút đắng, ngọt hậu.
5. Trà shan tuyết
Trà shan tuyết nổi tiếng của du lịch Yên Bái được làm từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trồng trên đỉnh Suối Giàng, ở độ cao gần 1.400 mét. Cây chè có lớp lông tơ trắng, được thu hái một cách vất vả, và được xem là “cực phẩm” nhờ vào hương thơm, vị đậm đà và nước trà xanh óng ánh. Trà shan tuyết có bốn yếu tố đặc biệt: “cực khổ”, “cực sạch”, “cực hiếm” và “cực ngon”. Do đó, giá trà có thể lên tới 10 triệu đồng/kg đối với loại đặc biệt thượng hạng.
6. Măng ớt Trạm Tấu
Măng ớt Trạm Tấu là món ăn truyền thống được chế biến từ cây măng lay, chỉ mọc ở vùng núi cao. Măng lay có kích thước bằng ngón tay, đặc ruột và thường được thu hoạch vào mùa thu, khi sương bao phủ các lưng đèo. Món măng ớt là sự kết hợp tuyệt vời của măng cuốn với ớt, mang lại một hương vị cay nồng và đặc trưng của vùng núi cao.
7. Các loại quả
Yên Bái cũng nổi tiếng với những loại quả tươi ngon như hồng Vĩnh Lạc, cam sành Tân Lĩnh và quýt vỏ giòn Lục Yên.
Hồng Vĩnh Lạc có màu vàng tươi, vị ngọt mát và giòn, thường được ngâm và thưởng thức trong dịp Tết Trung thu. Cam sành Tân Lĩnh có múi mọng nước, ngọt đậm. Còn quýt vỏ giòn Lục Yên lại nổi bật với màu hồng tươi và hương thơm đặc trưng.
8. Mật ong rừng Mù Cang Chải
Được làm từ hoa rừng, loại mật này có màu vàng sánh, vị ngọt tinh khiết và không bị kết tinh. Mật ong rừng không chỉ ngon mà còn có tác dụng bồi bổ sức khỏe, là món quà ý nghĩa dành cho những ai yêu thích sự tinh túy của núi rừng.
Lịch trình du lịch Yên Bái 2 ngày 1 đêm
Dưới đây là gợi ý lịch trình du lịch Yên Bái 2 ngày 1 đêm tự túc, phù hợp cho những ai yêu thiên nhiên, thích khám phá, trải nghiệm văn hóa và cảnh sắc núi rừng:
1. Ngày 1: Hà Nội – Tú Lệ – Mù Cang Chải
• 5 giờ sáng: Xuất phát từ Hà Nội đi Yên Bái (khoảng 5 – 6 tiếng). Dừng chân nghỉ ngơi, ăn sáng tại thị xã Nghĩa Lộ.
• 11 giờ: Đến Tú Lệ – dừng ngắm ruộng lúa và suối khoáng nóng tự nhiên. Có thể trải nghiệm tắm suối khoáng nóng nếu có thời gian.
• 12 giờ 30 phút: Ăn trưa tại Tú Lệ với các món đặc sản như gà nướng mắc mật, xôi nếp Tú Lệ, cá suối chiên giòn.
• 14 giờ: Di chuyển tiếp đến Mù Cang Chải, trên đường ghé qua đèo Khau Phạ. Nếu đi đúng mùa lúa chín (tháng 9-10), bạn có thể kết hợp bay dù lượn.
• 16 giờ: Check-in ruộng bậc thang La Pán Tẩn là điểm sống ảo cực đẹp.
• 18 giờ: Nhận phòng homestay tại Mù Cang Chải. Nghỉ ngơi, ăn tối với các món địa phương như lẩu cá hồi, lạp xưởng, rượu ngô.
2. Ngày 2: Mù Cang Chải – Trạm Tấu – Hà Nội
• 6 giờ sáng: Thức dậy sớm ngắm bình minh, ăn sáng nhẹ tại homestay.
• 7 giờ: Di chuyển đến Trạm Tấu. Trên đường đi có thể ghé bản Dế Xu Phình hoặc Chế Cu Nha.
• 9 giờ 30 phút: Đến Trạm Tấu, nghỉ tại suối khoáng nóng suối khoáng nóng Trạm Tấu, thư giãn trong làn nước nóng giữa thiên nhiên hoang sơ.
• 11 giờ 30 phút: Ăn trưa tại Trạm Tấu.
• 13 giờ: Khởi hành về lại Hà Nội.
• 18 – 19 giờ: Về tới Hà Nội, kết thúc chuyến đi.
Bài viết trên đã chia sẻ cho bạn kinh nghiệm du lịch Yên Bái đầy đủ nhất. Một chuyến đi ngắn thôi cũng đủ để bạn cảm nhận sự bình yên, thư thả và đầy cảm hứng nơi vùng đất này. Chúc bạn sẽ có một hành trình đáng nhớ!