Trong các loại vật liệu xây dựng, có lẽ gạch là phổ biến nhất. Những công trình bằng gạch vẫn mọc lên khắp nơi trên thế giới, xuyên suốt lịch sử kiến trúc hàng nghìn năm. Đến thập niên 20 của thế kỷ XX, phong cách xây gạch trần được nhiều kiến trúc sư áp dụng, thực sự trở thành một trường phái, được đặt tên là Brick Expressionism (tạm dịch: Chủ nghĩa Biểu Hiện Gạch), nở rộ ở khu vực Đức, Hà Lan và Bỉ, rồi nhanh chóng lan ra toàn cầu. Nó một mặt kế thừa những giá trị duy lý trong thời kỳ thịnh trị chủ nghĩa Hiện Đại, mặt khác đề cao chất cảm bề mặt mà chỉ hoạt động xây cất tỉ mỉ mới có thể đem lại. Brick Expressionism phủ nhận mỹ cảm sạch trơn và đồng đều của những công trình tựa những khối hộp trắng hay những khối hộp bằng kính và thép.
Bài viết này tổng hợp những người cá nhân đặt viên gạch đầu tiên cho rất nhiều “viên gạch” khác mong mỏi được lộ ra bên ngoài, mà trước đó đa phần vùi mình dưới lớp vữa hoàn thiện.
1. Peter Behrens (1868-1940)
Trong những năm đầu thế kỉ XX, Peter Behrens được xem là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong giới thiết kế và kiến trúc ở Đức. Ở Peter Behrens không có giới hạn về phong cách hay trường phái khi các sáng tác của ông trải dài từ Art Nouveau, Neo-Classicism, đến Biểu Hiện và Hiện Đại.

Chân dung Peter Behrens. Ảnh: Tư liệu
Khi thuật xây gạch đã có một lịch sử tồn tại lâu dài, với nhiều thiên kiến và kinh nghiệm chủ nghĩa, Peter Behrens dường như là nhân vật đầu tiên mở ra một hướng đi mới. Tòa nhà trụ sở điều hành Hoechst AG ở Frankfurt, được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1920 đến 1924 là ví dụ duy nhất về Brick Expressionism mà ông để lại, song cách tân và toàn diện nhất.
Một không gian chiếm lĩnh bởi gạch sẽ mang sắc đỏ đặc trưng. Thế nhưng, Behrens thêm màu cho từng mảng vật liệu, làm nhân lên nhiều lần tính chồng lớp của hình thức. Một cảm giác vừa hoài cổ với vật liệu quen thuộc trong tổ hợp đăng đối, vừa vị lai với dải màu chuyển sắc tựa như tập hợp của nhiều điểm ảnh kỹ thuật số.

Trụ sở điều hành Hoechst AG, 1920, Frankfurt, Đức. Ảnh: Marixverlag

Ảnh: Marixverlag

Ảnh: Marixverlag

Ảnh: Marixverlag
2. Gillespie, Kidd & Coia: Andy MacMillan (1928-2014) và Isi Metzstein (1920 – 2012)
Công ty kiến trúc Gillespie, Kidd & Coia, trụ sở tại Glasgow, có lịch sử phát triển lâu đời, nổi bật với các dự án tái thiết hậu chiến. Trong giai đoạn từ năm 1956 cho đến năm 1987, hai kiến trúc sư chủ chốt là Isi Metzstein và Andy MacMillan được truyền cảm hứng từ kiến trúc Hiện Đại, nhưng không có có ý định phá vỡ mà chỉ tái diễn giải lịch sử, bằng việc sử dụng các yếu tố như vật liệu, cấu trúc, hình thức và sự điều tiết ánh sáng.

Chân dung Andy MacMillan và Isi Metzstein. Ảnh: Tư liệu
Nhà thờ St. Bride là một trong những ví dụ tiêu biểu cho nỗ lực thổi hồn yếu tố hiện đại vào trong công trình tôn giáo truyền thống. Hai kiến trúc sư đã vận dụng nhuần nhuyễn các cấu tạo gạch truyền thống. Độ chân thật của vật liệu hiển hiện trong từng chi tiết nhỏ, từ máng thoát nước, góc cửa lối vào, chi tiết bệ đỡ hay khe sáng trên diện tường. Nhà thờ là một khối hộp với mái phẳng, không có bố trí mặt bằng chữ thập truyền thống, song tinh thần thủ công tràn ngập khắp gian thánh, tôn vinh những giá trị lâu đời của đạo Thiên Chúa, của con người.

Nhà thờ St. Bridge, 1958, East Kilbride, Scotland. Ảnh: Giles Rocholl Photography

Nhà thờ St. Bridge, 1958, East Kilbride, Scotland. Ảnh: GSA

Nhà thờ St. Bridge, 1958, East Kilbride, Scotland. Ảnh: GSA

Ảnh: GSA

Ảnh: GSA

Ảnh: GSA
3. Heinz Bienefeld (1926 – 1995)
“Trong thời gian ở Cologne,… tôi đến thăm vài ngôi nhà do Bienefeld thiết kế. Lần đầu tiên được ngó vào bên trong, … một cảm giác hết sức ấn tượng. Công trình đẹp đến từng chi tiết… Giống như cảm nhận được sự hiện diện của Heinz Bienefeld, trải nghiệm những gì mà ông ấy khoác lên nơi chốn này, cả cung cách của con người sống tại đây.” (Trích lời của kiến trúc sư Peter Zumthor trong cuốn sách Atmospheres, trang 34 – 35).

Chân dung Heinz Bienefeld. Ảnh: Tư liệu
Gạch là luôn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thể công trình của Heinz. Khác với người bạn cùng thời Gottfried Böhm (kiến trúc sư người Đức đầu tiên được trao giải Pritzker năm 1986), Heinz Bienefeld dùng gạch như một lớp nền để các thành tố kiến trúc khác nổi lên trên. Bê tông được sử dụng chừng mực, chỉ cho các cấu kiện kết cấu; gỗ và thép là những vật liệu mảnh được ưu tiên hơn. Nếu không khí trầm lặng, u tịch bao trùm thánh đường nhà thờ của Gottfried Böhm, thì ở không gian của Heinz Bienefeld, vẫn là nét tĩnh tại đấy nhưng thanh thoát hơn.
Ông khai thác triệt để kỹ thuật liên kết gạch, các cách tổ hợp, ráp nối. Viên gạch xoay trở, ngang, dọc, nghiêng, từng viên một mang suy tư về phương vị mà nó muốn đặt vào.

Tư gia Kühnen, 1988, Đức. Ảnh: Winhov.nl

Ảnh: Winhov.nl

Ảnh: Winhov.nl

Ảnh: Winhov.nl
Thử nghiệm về gạch của Heinz đã từng gặp rất nhiều trắc trở. Với công trình nhà Kühnen, Heinz bị hàng xóm phàn nàn đã phạm một lỗi căn bản: để mặt sau viên gạch quay ra ngoài. Nhưng vợ chồng nhà Kühnen lại thích thành quả và giao phó cho ông phần việc thiết kế. Ông tạo ra một atrium đóng mở linh hoạt theo mùa và một thư phòng tĩnh lặng. Hai không gian này có cùng loại gạch xây tường, nhưng với kích cỡ nhỏ hơn. Tổng thể mảng sàn trong như một mô típ thảm trang trí.

Nhà thờ Bonifatius, 1974, Đức. Ảnh: Schweig Matt và Lukas Roth

Nhà thờ Bonifatius, 1974, Đức. Ảnh: Schweig Matt và Lukas Roth
Trong công trình nhà thờ Bonifatius tại Wildbergerhütte, Heinz tạo ra mảng tường phẳng với những lớp gạch xô nghiêng bất quy tắc. Nhìn từ xa, mảng tường thô cứng bỗng hóa một lớp lông thú.

Nhà thờ Bonifatius, 1974, Đức. Ảnh: Lukas Roth

Ảnh: Lukas Roth

Ảnh: Lukas Roth
4. Eladio Dieste (1917 – 2000)
Eladio Dieste là kỹ sư – kiến trúc sư người Uruguay. Ông còn là một trong những đại diện tiêu biểu cho nền kiến trúc và kỹ thuật Mỹ Latinh. Các thiết kế, phần lớn là hầm chứa, nhà kho và nhà máy công nghiệp có sự thú vị không chỉ ở tỷ lệ mà còn ở cấu trúc ngoạn mục của phần mái với chiều dài nhịp từ 40m đến hơn 50m. Bên cạnh đó, có những yếu tố khác, có lẽ hơn cả cảm xúc, đã thấm nhuần trong các tác phẩm của Eladio Dieste.

Chân dung Eladio Dieste. Ảnh: Tư liệu
Dieste luôn bận tâm về khái niệm “sự phát triển”: “Phát triển là gì, có phải là điều đáng ao ước? Các chuyên gia thì thường đề cập tới sản phẩm bình quân đầu người, các tiêu chuẩn sức khoẻ và giáo dục,… Bất cứ ai quen thuộc với cái gọi là “các quốc gia phát triển”, đâu biết rằng bao nhiêu phần trong đó là trống rỗng và ngớ ngẩn.” Thông qua các hoạt động học thuật và thực hành, Eladio muốn lan truyền một thông điệp: tự thân sự phát triển không phải là một đích đến. Nó chỉ tốt khi còn phù hợp với các mục tiêu của con người, không nên lệ thuộc vào khái niệm và sẽ dễ dàng hơn đối với một quốc gia ở thế giới thứ ba khi bằng nội lực, tự tìm kiếm những giải pháp của riêng mình.
Khai thác các biến thể của mặt cong Gaussian, Eladio Dieste đã tạo ra mái với nhiều hình dạng khác nhau, có khả năng ngắt đoạn để lấy sáng. Các phương pháp xây dựng của ông dựa vào máy móc hầu như thô sơ và nhân công địa phương vốn quen với việc xây dựng nhà nhỏ. Tính tương phản giữa kích thước hoành tráng của công trình với nguồn lực kỹ thuật và nhân lực thực sự vô cùng ấn tượng.
Vật liệu gạch không chỉ mang biểu hiện hình thức – một vật liệu hoàn thiện hay lớp vỏ bao che, mà trở thành kết cấu chính. Chất biểu hiện của gạch vì thế mang tính duy lý cao, song không thiếu đi nét mềm mại. Giới hạn của từng viên gạch được đẩy tới ngưỡng tối đa. Công trình có sức căng, sức đầy tự thân của vật liệu.

Trạm trung chuyển xe của thành phố, 1973, Salto, Uruguay. Ảnh: Fudu.edu.uy

Trung tâm mua sắm, 1984, Montevideo, Uruguay. Ảnh: Fudu.edu.uy

Trụ sở Citrícola Salteña, 1976, Salto, Uruguay. Ảnh: Fudu.edu.uy
Hoạt động thực hành của Eladio Dieste trải rộng nhiều công trình, từ bến xe, trung tâm thương mại, kho vận, silo, nhà thi đấu đến nhà thờ. Điều đó cho thấy tiềm năng của gạch ở các nước Mỹ Latinh vào thập niên 50-80, có thể đáp ứng nhu cầu chức năng của nhiều loại hình công trình. Đồng thời trên nền tảng thực hành đa dạng, Eladio Dieste đóng góp một phần lớn trong việc định hình đô thị, mà hai thành phố lớn nhất Uruguay là Montevideo và Salto là ví dụ điển hình.
Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Eladio là nhà thờ Atlantida. Mái là một lớp màng lượn sóng, đặt trên hai bức tường uốn lượn liên tục. Tổ hợp này tạo nên một không gian nội thất thấm nhuần tính điêu khắc, giàu chất cảm của gạch trong điều kiện ảnh sáng ảo diệu. Đường cong của bức tường mang cảm giác của một chuyển động vĩnh cửu: khi ánh sáng chạm vào lớp gạch, bóng tối thay đổi theo từng giờ trong ngày – một hiệu ứng thị giác đầy tính logic.

Nhà thờ Atlantida, 1960, Salto, Uruguay. Ảnh: Gonzalo Larrambebere

Nhà thờ Atlantida, 1960, Salto, Uruguay. Ảnh: Gonzalo Larrambebere
Niềm hoài cảm từ Brick Expressionism gợi nhớ lại bài giảng của Louis Kahn (1901-1974), là kiến trúc sư người Mỹ gốc Do Thái, nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn tới kiến trúc thế kỷ XX):
Nếu các bạn bí ý tưởng, hãy hỏi vật liệu lời khuyên. Bạn hỏi gạch: “Gạch muốn gì?” và nó sẽ đáp lại: “Tôi thích vòm.” Bạn hỏi tiếp: “Nhưng vòm thì đắt mà ta có thể dùng lanh tô bê tông. Thì sao?”, và nó sẽ đáp lại: “Tôi thích vòm”.
Louis Kahn vẫn thường nói: “Ngay đến một viên gạch cũng muốn vươn tới điều gì đó”, dường như trùng khớp với quan điểm thực hành của những nhà tiên phong trong trào lưu và là tôn chỉ cho những người kế tục.
“The First Bricks” là hành trình khám phá những nhân vật tiên phong đã đặt nền móng cho các trào lưu đổi mới trong thiết kế và nghệ thuật. Qua series này, ELLE Decoration sẽ đưa bạn đến với những câu chuyện đầy cảm hứng về những cá nhân đã dám mơ và dám làm khác, đặt những “viên gạch đầu tiên” cho sự phát triển của ngành.
Thực hiện: Nguyễn H.Quân
Xem thêm:
Những tên tuổi tiên phong bên lề những diễn ngôn của Kiến trúc Hiện đại | The First Bricks
Radical Design: Sáng tạo vượt thời gian
Kiến trúc phong cách Chiết trung là gì?