Trong thiết kế kiến trúc và nội thất, nhiều nghiên cứu đã chứng minh những lựa chọn về đường nét, vật liệu và màu sắc có tác động mạnh mẽ đến tâm lý của những người cư ngụ. Chủ nhân của căn hộ này là một cặp vợ chồng trẻ làm việc trong lĩnh vực tâm lý, đã cùng Kat Studio thiết kế một không gian sống có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nuôi dưỡng và kết nối gia đình, đồng thời hỗ trợ sự phát triển độc lập của trẻ nhỏ.

Căn hộ được thiết kế cho một cặp vợ chồng trẻ làm việc trong lĩnh vực Tâm lý học.

Ảnh: Phú Đào
Vốn được liên thông từ hai căn hộ, công trình có diện tích rộng rãi với hai không gian làm việc và sinh hoạt phân chia rõ ràng nhưng có sự chuyển tiếp mượt mà. Đặc biệt, ngôi nhà hạn chế sự có mặt thiết bị điện tử để khuyến khích trò chuyện, chơi đùa và gắn kết cha mẹ và con cái.

Hành lang đóng vai trò chuyển tiếp không gian, thay đổi giữa hai trạng thái làm việc – nghỉ ngơi.

Không gian phòng khách mở và bếp ở căn hộ đầu tiên.

Cạnh khu vực bàn ăn là lối đi thông giữa hai căn hộ.

Phòng khách ở căn hộ thứ 2 được dùng làm không gian chơi cho con nhỏ, ngay cạnh phòng làm việc của bố mẹ. Thiết kế hạn chế tối đa sự hiện diện của các thiết bị điện tử để ưu tiên những tương tác tự nhiên giữa các thành viên trong gia đình.

Phòng làm việc nhỏ gọn nhưng tiện nghi, được đón nhận nguồn sáng tự nhiên dồi dào.

Ảnh: Phú Đào

Một phòng làm việc khác ở đối diện khu bếp, cạnh phòng chơi của con.

Hành lang đóng vai trò chuyển tiếp không gian, thay đổi giữa hai trạng thái làm việc – nghỉ ngơi.
Không gian “căn hộ mini” dành cho trẻ được truyền cảm hứng bởi triết lý giáo dục Reggio Emilia, Steiner và Montessori, giúp thành viên nhỏ tuổi xây dựng sự tự chủ, độc lập, trải nghiệm và học hỏi trong môi trường an toàn, dưới sự quan sát, đồng hành của bố mẹ. Các chi tiết nội thất được thiết kế phù hợp với chiều cao của trẻ, trong khi vật dụng dành cho người lớn được bố trí khéo léo nhằm đảm bảo an toàn, chẳng hạn như đặt ngoài tầm với hoặc bo góc mềm mại.

Dựa trên phương pháp giáo dục Montessori, không gian căn hộ thứ hai được thiết kế để khuyến khích bé chủ động khám phá và học hỏi một cách an toàn dưới sự hỗ trợ của người lớn.

Ảnh: Phú Đào

Ảnh: Phú Đào
Hệ thống chiếu sáng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe tinh thần của cả gia đình. Một trong những yêu cầu quan trọng của gia chủ là thiết kế đèn cần phù hợp với những nguyên tắc tâm lý học, đặc biệt có thể hỗ trợ những người khó ngủ. Studio đã giải quyết bài toán này bằng cách sử dụng hệ đèn có dimmer để điều chỉnh cường độ sáng phù hợp theo từng thời điểm trong ngày.

Ảnh: Phú Đào

Ảnh: Phú Đào
Khi mặt trời lặn, ánh sáng trong căn hộ sẽ chuyển sang gam màu ấm với nhiệt độ màu được tính toán kỹ lưỡng, giúp cơ thể dễ dàng thư giãn và chuẩn bị cho giấc ngủ. Trong khi đó, ánh sáng lạnh trong các khu vực chức năng như bếp hay văn phòng giúp duy trì sự tỉnh táo và tập trung.

Ảnh: Phú Đào
Màu sắc cũng là yếu tố quan trọng có thể tác động đến tâm lý con người. Sau khi nghiên cứu, studio đã chọn màu xanh lá nhạt với độ bão hòa thấp làm tông màu chủ đạo cho toàn bộ không gian. Theo nghiên cứu tâm lý học, gam màu này giúp giảm căng thẳng, mang lại cảm giác thư thái và duy trì kết nối với thiên nhiên – yếu tố quan trọng nuôi dưỡng cảm xúc tích cực.

Sắc xanh lá được lựa chọn xuyên suốt các phòng và vật liệu khác nhau.

Ảnh: Phú Đào

Ảnh: Phú Đào
Bằng cách ứng dụng các nguyên lý tâm lý học vào thiết kế, studio đã kiến tạo một tổ ấm hài hòa, minh chứng rằng thiết kế nội thất không đơn thuần là sắp đặt đồ vật, mà là nghệ thuật dẫn dắt tâm trạng, hành vi và sự phát triển của con người trong chính ngôi nhà của mình.
Thực hiện: Hagomani | Ảnh: Phú Đào
Xem thêm:
Pinky House – Ngôi nhà của bê tông và tính nữ – KHUÔN Studio
Biệt thự Infinity-Đầm ấm và đủ đầy – Mirai House Studio
Căn hộ Vista Verde – Farmhouse hiện đại và nhã nhặn – Vietline Interior Design