FANCì Club ngày càng phát triển sau khi được loạt sao quốc tế lăng xê. Ảnh minh hoạ: @linhtruong.ld.
Giữa tháng 11, lời tuyên bố đóng cửa của thương hiệu thời trang nội địa Lep’ sau 8 năm hoạt động gây xôn xao dư luận. Nhiều khách hàng bày tỏ sự tiếc nuối trước cái kết này.
Không chỉ Lep’, một số local brand khác cũng tuyên bố rút lui khỏi thị trường, phản ánh lĩnh vực thời trang cạnh tranh khốc liệt.
Tuy nhiên, trái ngược với cảnh đóng cửa ảm đạm của một số thương hiệu, nhiều nhãn hàng thời trang trong nước vẫn trụ vững trong giai đoạn kinh tế khó khăn, thậm chí còn mở rộng quy mô hoạt động.
Bên đóng cửa đầy tiếc nuối
Trong bài đăng thông báo dừng hoạt động của Lep’ vào ngày 14/11, Ngọc Trâm, người sáng lập local brand đưa ra lý do “không còn theo kịp thị trường thay đổi chóng mặt hàng ngày, muôn vàn phong cách thời trang mới, muôn vàn sản phẩm mới, rẻ, đẹp”.
Sự việc này phản ánh một phần thị trường thời trang cạnh tranh khốc liệt trong nước. Giá cả và xu hướng trở thành 2 yếu tố chi phối sự thành bại của thương hiệu.
Cả sản phẩm hàng ngày và bộ sưu tập áo dài Tết của Lep’ đều không thể cạnh tranh về giá với hàng thời trang giá rẻ trên sàn TMĐT. Phép so sánh này chưa hoàn toàn hợp lý, song không thể phủ nhận rằng mặt hàng thuộc phân khúc giá rẻ trên các nền tảng mua sắm trực tuyến là đối thủ đáng gờm của local brand.
Để thuyết phục khách hàng lựa chọn, lúc này thương hiệu cần chứng minh sản phẩm xứng đáng với mức giá, có chất lượng cao, kiểu dáng ấn tượng và hợp thời. Tuy nhiên, váy hoa, thiết kế chủ lực của nhãn hàng, lại không giữ được sức hút theo thời gian.
Trong khi những bông hoa 3D là xu hướng, hoạ tiết hoa trên những chiếc váy của Lep’ dần trở nên sến, lỗi mốt, theo nhận xét của một số khách hàng.
Thương hiệu nội địa Lep’ đóng cửa sau 8 năm hoạt động. Ảnh: Lep’.
Trước Lep’, các thương hiệu nội địa hoạt động trong thời gian dài như Elpis và Catsa cũng tuyên bố đóng cửa, gây tiếc nuối.
Ngày 30/8, local brand Elpis do Lucie Nguyễn sáng lập chính thức dừng hoạt động. Trước khi đóng cửa, nhãn hàng có 10 năm hoạt động trong lĩnh vực thời trang thực hiện chương trình giảm giá lên đến 90% để thanh lý hàng tồn kho.
Tương tự, Catsa cũng chính thức dừng hoạt động sau 13 năm kinh doanh hồi cuối tháng 8. Theo chia sẻ của nhà sáng lập trên trang cá nhân, thương hiệu này dần đóng cửa 22 cửa hàng theo thời hạn hợp đồng thuê mặt bằng.
Founder Catsa cũng khẳng định thông tin đóng cửa không phải chiêu trò marketing như nhiều người đồn đoán.
Bên mở rộng kinh doanh
Trong khi nhiều local brand đồng loạt rời khỏi thị trường thời trang dịp cuối năm, thương hiệu FANCì Club của nhà thiết kế Trần Khánh Duy lại khai trương cửa hàng đầu tiên hồi tháng 10.
Thành lập từ năm 2019, FANCì Club thu hút sự chú ý khi được ngôi sao quốc tế như Olivia Rodrigo, Doja Cat, Hailey Bieber, Bella Hadid và nhóm nhạc thần tượng K-pop BlackPink nhiệt tình lăng xê. Khi Jisoo (BlackPink) diện trang phục của thương hiệu này trên sân khấu concert Born Pink tại Việt Nam năm ngoái, sự quan tâm dành cho nhãn hàng nội địa này càng gia tăng.
Việc khai trương cửa hàng đầu tiên với mặt bằng rộng vào cuối năm chứng minh sự phát triển của FANCì Club bất chấp bức tranh kinh tế ảm đạm.
FANCì Club khai trương cửa hàng đầu tiên trong bối cảnh nhiều thương hiệu nội địa đóng cửa. Ảnh: FANCì Club.
Tương tự, thương hiệu L Soul (tên cũ là L Seoul) được thành lập từ năm 2016, cũng tạo dấu ấn trên thị trường thời trang Việt Nam trong năm nay. Hồi tháng 5, local brand này tổ chức buổi trình diễn giới thiệu bộ sưu tập mới, thu hút nhiều tín đồ thời trang trong nước tham gia.
Đến tháng 10, nhãn hàng cũng tái định vị thương hiệu, thay đổi tên gọi từ L Seoul sang L Soul, đồng thời thông báo mở gian hàng đầu tiên tại Thái Lan, từng bước mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường quốc tế.
Local brand L Soul mở rộng hoạt động kinh doanh, từng bước chinh phục thị trường quốc tế. Ảnh: L Soul.
Ngoài FANCì Club và L Soul, các thương hiệu nội địa như DATT, Das La Vie cũng cho thấy sự phát triển nhanh trong những năm gần đây. Điểm chung của các nhãn hàng này là khả năng nắm bắt xu hướng, đặc biệt là trào lưu Y2K, đáp ứng nhu cầu từ phía khách hàng trẻ.
Dù xu hướng không phải điều quan trọng nhất, bức tranh trái ngược của thị trường local brand Việt phần nào chứng minh được mức độ ảnh hưởng của yếu tố này. Vị trí giữa các thương hiệu dễ dàng thay đổi trong vài năm, đòi hỏi các đơn vị liên tục đổi mới và thích nghi.
Trong khi nhiều nhà mốt lớn trên thế giới nỗ lực bắt kịp thời cuộc, local brand khó tồn tại nếu đứng ngoài dòng chảy này.