Là một tỉnh miền núi nằm ở vùng Đông Bắc của Việt Nam, Cao Bằng sở hữu đường biên giới dài trên 300km giáp ranh Trung Quốc. Tuy địa thế hiểm trở nhưng thiên nhiên của vùng đất này lại được tạo hóa ưu ái với phong cảnh hữu tình. Ngoài ra, vùng đất này còn là nơi sinh sống của đại đa số dân tộc Tày với nền văn hóa đặc trưng giàu bản sắc.
Thác Bản Giốc
Nằm ở địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, thác Bản Giốc gồm hai phần. Thác Thấp là phần chính nằm giữa biên giới Việt – Trung, vốn được phân định ranh giới bởi dòng sông Quây Sơn. Phần còn lại tên Tháp Cao nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam. Thác chính rộng khoảng 100m, cao 70m và sâu 60m, dòng đổ xuống trắng xóa, tựa dải lụa trắng vắt ngang núi rừng Đông Bắc.
Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia. Ảnh: Thùy Dương
Núi Mắt Thần
Núi Mắt Thần còn được gọi bằng một cái tên khác là “núi Thủng”, do hình dáng bên ngoài của ngọn núi ở phía trên đỉnh có một hang thủng hình tròn tựa như “con mắt” của núi với đường kính hơn 50m.Ngọn núi này nằm gọn trong lòng thung lũng giữa quần thể hồ Thang Hen của Công viên địa chất non nước Cao Bằng, nơi có khung cảnh vô cùng quyến rũ với những bãi cỏ thảo nguyên mênh mông bên những hồ nước xanh ngát một vùng trời.
Theo ngôn ngữ của người Tày bản xứ, núi Mắt Thần có tên địa phương là “Phja Piót”, dịch ra là cái núi bị thủng một lỗ. Ảnh: Lê Viết Thanh
Hồ Thang Hen
Được biết đến với mỹ danh “Tuyệt tình cốc” của Cao Bằng, hồ Thang Hen thu hút sự chú ý của du khách với vẻ đẹp huyền bí tựa chốn bồng lai tiên cảnh nằm giữa núi rừng. Nằm trong công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng, thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, cách thành phố Cao Bằng khoảng 20km, Thang Hen là hồ nước ngọt tự nhiên nằm trên núi cao nhất của Việt Nam, được bao bọc quanh bởi hệ thống rừng cây cổ thụ trùng điệp mọc trên núi đá vôi. Tên gọi “Thang Hen” xuất phát từ chính đặc trưng của vùng đất nơi đây. Từ trên cao nhìn xuống, hồ có hình thoi như phần đuôi của một con ong nên được gọi là Thang Hen – trong tiếng Tày có nghĩa là “đuôi ong”.
Quần thể Thang Hen gồm 36 hồ nước ngọt tự nhiên với những tên gọi độc đáo như Thang Hoi, Thang Vạt, Nà Ma, Thang Loỏng… Mỗi hồ có bờ vách ngăn riêng biệt cách nhau khoảng vài chục mét đến vài trăm mét nhưng đều thông nhau qua hang động ngầm trong núi đá. Ảnh: Hải Nam
Đèo Mã Phục
Vị trí nằm tại xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, đèo Mã Phục còn được gọi là đèo “Bảy Tầng”, bởi khi chinh phục đoạn đèo này du khách sẽ phải vượt qua bảy tầng dốc, nơi các con dốc uốn lượn lên xuống kéo dài khoảng 4km và cao khoảng 700m so với mặt nước biển. Đường đèo Mã Phục mang vẻ đẹp hùng vĩ của miền tự nhiên Đông Bắc nhưng lại khá quanh co và gấp khúc, một bên là núi đá cheo leo, một bên vực sâu hoặc khe núi hẹp.
Nơi đây có khá nhiều truyền thuyết nói về tên gọi của đèo Mã Phục, một trong số đó gắn liền với huyền thoại người anh hùng dân tộc Nùng Chí Cao – người đã qua đời trên khu đèo này cùng chiến mã của mình sau những lần bị truy đuổi. Ảnh: Tư liệu
Động Ngườm Ngao
Ẩn mình trong một ngọn núi ở xã Đàm Thủy huyện Trùng Khánh, động Ngườm Ngao hay còn có tên gọi khác là động “Ngao” được phát hiện năm 1921 và khai thác du lịch năm 1996. Trong tiếng Tày, “Ngườm Ngao” có nghĩa là “động hổ”, lời truyền miệng kể lại rằng trước đây, trong động có nhiều hổ sinh sống, chúng thường vào khu dân cư xung quanh bắt vật nuôi của nhân dân địa phương.
Nhũ đá có hình dạng độc đáo bên trong động Ngườm Ngao. Ảnh: Hoàng Như Quỳnh
Với vẻ đẹp kỳ ảo của thạch nhũ, nơi đây được mệnh danh là hang động đẹp nhất Việt Nam và sở hữu rất nhiều khối đá có hình dạng độc đáo. Động gồm 3 cửa chính: cửa Ngườm Lồm quanh năm mát lạnh nằm ẩn mình dưới những khối đá dưới chân núi, cửa Ngườm Ngao cách chân núi vài trăm bậc thang và cửa Bản Thuôn phía sau núi, kề cận bản Thuôn của người Tày.
Hang động này nằm tại một vị trí khá hiểm trở và khó đi, thế nên nơi đây vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ. Ảnh: Hoàng Như Quỳnh
Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén
Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén là một khu rừng đặc biệt nằm trong hệ thống công viên Non nước Cao Bằng, được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu bởi hệ thống địa chất đặc biệt với những dãy núi cao, nhiều khoáng sản quý hiếm, hệ sinh thái đa dạng vaf nhiều loài động thực vật quý hiếm.
Diện tích vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén trải dài trên địa bàn của 5 xã: Thành Công, Hưng Đạo, Quang Thành, Phan Thành và Tĩnh Túc thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Tư liệu
“Phia Oắc – Phia Đén” là tên hai đỉnh núi cao trong khu vườn quốc gia với độ cao lần lượt là 1.391m và 1.931m. Ngoài ra, trong khuôn viên vườn quốc gia này cũng có rất nhiều ngọn núi cao ấn tượng khác như đỉnh Tam Loang cao 1.446m, đỉnh núi Niot Ti cao 1.574m. Nơi đây được phân thành 3 khu vực chính: khu bảo vệ nghiêm ngặt, khu phục hồi sinh thái và khu dịch vụ hành chính, với các thảm thực vật đa dạng như rừng á nhiệt đới mưa mùa, rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và một kiểu rừng nguyên sinh đặc trưng của miền Bắc Việt Nam đó là rừng lùn hay còn gọi là rừng rêu.
Rừng rêu – rừng nguyên sinh đặc trưng của núi rừng miền Bắc. Ảnh: Tư liệu
Suối Lê Nin – Núi Các Mác
Suối Lê Nin, Núi Các Mác thuộc cụm di tích đầu nguồn nằm trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Trước đây, dòng suối Lê Nin không có tên gọi như bây giờ mà người dân địa phương gọi là suối Giàng, còn ngọn núi Các Mác được gọi với cái tên là Phja Tào – gắn liền một một tích xưa được người Tày truyền miệng.
Nằm trong núi Các Mác có hang Cốc Bó – đây là di tích lịch sử đặc biệt từng gắn với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầu trở về Tổ quốc lãnh đạo Cách mạng giai đoạn 1941 – 1945. Ảnh: Tư liệu
Gắn liền với hồ nước trong xanh kì ảo này là một loại cá tên “Liềng”, nổi bật với lớp vảy bạc óng ánh. Ảnh: Lưu Hoàng Bảo
Tổng hợp: Vân Thảo
Xem thêm
Mai Châu-Tiếng gọi nơi núi rừng Tây Bắc
Tà Xùa-Núi rừng hùng vĩ trong làn mây khói
Thiên nhiên quanh một thức trà