Nữ doanh nhân sinh năm 1962 này không xuất hiện trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán, tuy nhiên, bà Huỳnh Bích Ngọc lại sở hữu trong tay nhiều doanh nghiệp lớn ngành mía đường. Gia đình của bà Ngọc cũng tập hợp những đại gia có tên tuổi của Việt Nam: chồng là ông Đặng Văn Thành – chủ tịch HĐQT Sacombank, con trai Đặng Hồng Anh – chủ tịch HĐQT Sacomreal, con gái Đặng Huỳnh Ức My – chủ tịch HĐQT Bourbon Tây Ninh.
Bà Ngọc cũng là Chủ tịch CTCP Sản xuất – Thương mại Thành Thành Công.
Tiền thân của Thành Thành Công là cơ sở kinh doanh cồn được thành lập vào năm 1979. Tại thời điểm đó, đây là một trong hai cơ sở kinh doanh cồn có quy mô nhất ở Tp. HCM.
Thời gian đầu, Thành Công do ông Thành – chồng bà Ngọc quản lý. Sau năm 1991, ông Thành chuyển sang lĩnh vực ngân hàng, Bà Ngọc tiếp quản và đổi tên doanh nghiệp là Thành Thành Công.
Thành Thành Công nhờ vào tiềm lực tài chính và quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, sau khi chủ yếu làm phân phối đã tiến hành đầu tư vào nhiều doanh ngiệp sản xuất mía đường khác.
Từng bước phát triển doanh nghiệp này mở rộng đầu tư vào dịch vụ du lịch, bất động sản và đầu tư tài chính, hình thành tập đoàn đa ngành nghề.
Thương vụ lớn nhất và gây tiếng vang cho Thành Thành Công chính mua lại cổ phần chi phối của Bourbon Tây Ninh khi tập đoàn Bourbon Pháp quyết định thoái toàn bộ vốn tại công ty này. Trước đó, Thành Thành Công cũng chi phối hoặc nắm quyền ảnh hưởng tới các doanh nghiệp mía đường có tên tuổi như Đường Ninh Hòa, Đường Biên Hòa, Mía đường nhiệt điện Gia Lai, Mía đường 333, Mía đường Phan Rang, La Ngà…
Đã có lúc báo chí đặt vấn đề về việc có hay không Thành Thành Công đang làm lũng đoạn thị trường đường. Tuy nhiên, đại diện phía Bộ Công Thương khi đó cho biết chưa có nguồn tin phản ánh vào từ các bên liên quan vè vấn đề này nên Bộ chỉ theo dõi và tiến hành kiểm tra xác minh.
Là một nữ tướng trên thương trường, nhưng bà Ngọc lại vô cùng nguyên tắc trong gia đình, vấn đề con cái, người nội trợ của gia đình, hay quan niệm về vợ chồng.
"Tôi quan niệm, dù thành đạt đến đâu, ở vị trí nào trong xã hội, nhưng trong gia đình người vợ vẫn phải “thấp” hơn chồng một bậc. Vì vậy, ngoài sự hiểu biết để ứng xử, người phụ nữ luôn phải giữ sự dịu dàng, nhân hậu. Đó là nguyên tắc thành công trong cuộc sống và công việc”.
Thế nên, dù sở hữu trong tay quyền lực khổng lồ người phụ nữ ấy vẫn quyết đứng đằng sau để chồng mình tỏa sáng.
Là một trong 50 nữ doanh nhân tiêu biểu do Forbes Việt Nam bình chọn, bà Hà Thu Thanh được mệnh danh là “nữ tướng ngành kiểm toán”.
Tốt nghiệp đại học Tài chính – Kế toán (nay là Học viện Tài chính Hà Nội), bà Thanh được phân công về thẳng Bộ tài chính công tác. Khi đó, cuộc sống đối với bà rất khó khăn vì phải nuôi con một mình, chồng điều chuyển công tác ở miền núi phía Bắc, bản thân bà phải nhận cả công việc hành chính văn thư trong gần hai năm.
Trở lại với chuyên ngành kế toán sau hai năm nuôi con nhỏ là lúc chiến dịch cải cách kế toán toàn quốc diễn ra mạnh mẽ vào cuối những năm 80 của thế kỷ 20. Cơ hội để bà làm việc và phát triển nghề của người phụ nữ kiểm toán.
Bà đã xông pha trên mọi nẻo đường từ nông trường quốc doanh cho đến hợp tác xã nông nghiệp, từ miền Bắc cho đến miền trung rồi đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1991, bà được Bộ Tài chính điều chuyển sang làm việc tại Công ty Kiểm toán Việt Nam, lần đầu tiên được thành lập tại Việt Nam. Đây là cột mốc đánh đấu sự ra của nghề kiểm toán độc lập ở Việt Nam, và Hà Thu Thanh cũng chính thức làm nghề từ ngày đó. Có lẽ đến hôm nay, bà là một trong số rất ít những người của “thuở đầu tiên” còn tiếp tục theo nghề, và có thời gian làm Tổng giám đốc kiểm toán lâu nhất - 16 năm.
31 năm công tác, 23 năm làm nghề kiểm toán, 16 năm ở vị trí lãnh đạo cấp cao (CEO) của một công ty kiểm toán và tư vấn hàng đầu Việt Nam, đó là thành quả to lớn của “nữ tướng” của Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh. Bà quan niệm “Phải lãnh đạo được bản thân mình trước khi lãnh đạo bất cứ ai”. Vì vậy, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người ta đều thấy toát lên ở người phụ nữ ấy sự rắn rỏi, cương nghị, quyết đoán của nữ lãnh đạo tài năng.
Thành lập ngày 13/5/1991, Công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam (tiền thân là Công ty Kiểm toán Việt Nam - VACO) là một trong những công ty kiểm toán lớn nhất tại Việt Nam. Deloitte Việt Nam đã hoàn thành việc chuyển đổi sở hữu và trở thành thành viên đầy đủ của Deloitte toàn cầu và gia nhập Deloitte Đông Nam Á kể từ tháng 5/2007.
Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio) được mệnh danh là “bà hoàng lĩnh vực điện ảnh tư nhân”, từng là một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên nhận được học bổng ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Harvard (Mỹ).
Bà Đinh Thị Hoa là con gái của một nhà Ngoại giao có tiếng, cử nhân ngành Khoa học chính trí, báo chí trường Đại học Moscow State (Nga). Sau khi tốt nghiệp, bà về công tác tại Bộ Ngoại giao Việt Nam với vị trí chuyên viên và điều phối viên. Sau đó, bà có chuyển sang làm chuyên viên dự án tại Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO).
Sau một thời gian học thạc sĩ tại Harvard, bà Đinh Thị Hoa trở về Việt Nam thành lập công ty TNHH Thiên Ngân – Galaxy năm 1994.
Ban đầu Thiên Ngân Galaxy hoạt động trong lĩnh vực truyền thông. 10 năm sau Thiên Ngân mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh điện ảnh, phát hành và phân phối phim - ấn phẩm. Từ đó, bà Hoa giữ chức HĐQT CTCP Thiên Ngân.
Thiên Ngân là “mẹ đỡ đầu” cho một loạt phim ăn khách của Việt Nam như Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết, Cưới ngay kẻo lỡ, Mỹ nhân kế, Bí mật Eva, Lời thú nhận của Eva, Bà nội không ăn Pizza…
Bên cạnh Thiên Ngân, bà Hoa còn tham gia điều hành ở các vị trí khác nhau trong lĩnh vực ngân hàng (ACB), Cơ điện lạnh (REE), Chứng khoán (TVS)…
Bà Đinh Thị Hoa là 1 trong 10 nữ doanh nhân thành công của Việt Nam được tạp chí Forbes liệt kê trong phiên bản Việt số đầu tiên năm 2013.
Bà là Chu Thị Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT FPT Telecom, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FOC).
Bà Hà là lãnh đạo nữ cấp cao hiếm hoi tại FPT và giới công nghệ Việt Nam. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội năm 1994, bà đầu quân cho FPT và gắn bó với tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam trong 24 năm.
Bằng tài năng, sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của người phụ nữ Việt Nam, bà được bổ nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong bộ máy của FPT.
Tháng 10/2012 bà chính thức được bầu làm chủ tịch FPT Telecom, công ty con quan trọng của tập đoàn FPT. Công ty có hơn 7.000 nhân viên, rải đều khắp 59 tỉnh thành trong cả nước và đã có văn phòng đại diện tại Campuchia và Myanmar.
Trong hai năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của bà Hà, FPT Telecom nhanh chóng phát triển với số lượng thuê bao tăng gấp 40 lần từ gần 50 ngàn thuê bao lên hai triệu khách hàng Internet.
Năm 2016, FPT Telecom đạt 6.176 tỷ đồng doanh thu và 958 tỷ đồng lợi nhuân.
Mục tiêu của bà Hà hiện nay là đưa công ty bước chân vào thị trường viễn thông di động, trở thành doanh nghiệp viễn thông đạt tầm cỡ quốc tế với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, sáng tạo.
Bà được Forbes Việt Nam đánh giá là 1 trong tóp 20 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam năm 2017.
Quan điểm của nữ tướng FPT Telecom là "Làm việc gì cũng có khó khăn riêng. Nếu thích và kiên định, làm đến cùng thì nhất định sẽ gặt hái được thành quả".
Cao Thị Ngọc Dung sinh ngày 8 tháng 10 năm 1957, nguyên quán tỉnh Quảng Ngãi, là một nữ doanh nhân người Việt Nam. Bà hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Năm 2017, Cao Thị Ngọc Dung có tài sản 663 tỉ đồng, người phụ nữ giàu thứ 8 ở Việt Nam.
Tốt nghiệp cử nhân Kinh tế thương nghiệp của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là bước đệm cho người phụ nữ được coi là linh hồn của doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhất Việt Nam.
Từ năm 1988 bà Cao Thị Ngọc Dung tham gia ban quản trị Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận trên cương vị Giám đốc. Trong hơn 20 năm gắn bó với doanh nghiệp, bà đã lãnh đạo PNJ vươn lên mức doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 200 tỷ đồng mỗi năm và 194 trung tâm kim hoàn trên khắp cả nước.
Nói riêng về trang sức, cùng với DoJi, PNJ hiện đang thống trị thị trường với 20% thị phần trang sức vàng và 70% thị phần trang sức bạc (tính đến cuối năm 2012).
PNJ cũng được tổ chức Plimsoll (Anh) đánh giá và xếp hạng thứ 16 trong 500 Cty trang sức lớn nhất trong khu vực Châu Á. Do đó, tham vọng trở thành Tập đoàn bán lẻ trang sức hàng đầu châu Á của PNJ thực tế một phần đã là hiện thực. PNJ chỉ còn một bước ngắn lên vũ đài hàng đầu. Tất nhiên, khoảng cách đó nếu không có bản lĩnh thép của một CEO neo giữ, rất có thể vẫn trật chân hoặc bước hụt như thường.
Được vinh danh trong Top 5 nữ CEO quyền lực, Top 5 doanh nhân xuất sắc nhất VN trong Giải thưởng “Ernst & Young – Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp năm 2012” do VCCI phối hợp cùng Ernst & Young thực hiện, chặng đường thành công với những tham vọng đẹp của vị nữ tướng, nữ hoàng ngành trang sức vẫn đang vô cùng rộng mở.
Thế nhưng người phụ nữ này vẫn tâm niệm:
“Tôi chưa hài lòng với những gì đang có, thành công không làm tôi tự mãn mà vẫn muốn đi tìm cái tốt hơn, cải tiến để ngày mai phải tốt hơn hôm nay, phải len vào cái tốt của thế giới và chuyển mình đi đúng theo hướng đó.
Tôi rất thích câu nói của một học giả: "Tốt là kẻ thù của tốt nhất"”.
Các nữ doanh nhân Việt Nam dù ở thời kỳ nào, hoàn cảnh nào cũng đã và đang phát huy hết tài năng của mình, góp phần dựng xây đất nước. Tinh thần của họ, ý chí, và bản lĩnh của những bông hoa xinh đẹp này mãi là tấm gương, là cảm hứng, là động lực để phụ nữ Việt Nam vươn lên trên mọi mặt trận. Hy vọng rằng, chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều hơn nữa những cái tên làm nên lịch sử nữ doanh nhân Việt Nam ở đấu trường lớn hơn - Toàn cầu.
Theo Người Lãnh Đạo VN