Genre: Gia đình, Tâm lý
Director: Khương Ngọc
Cast: Việt Hương, Hồng Đào, Lê Khánh, Đinh Y Nhung, Ngọc Trinh...
Rating: 7.5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim
Trong Marriage Story (2019), Nicole Barber (Scarlett Johansson) trước lúc ly hôn chồng từng nức nở thốt lên rằng: “Em chưa từng thực sự sống cho chính mình. Em trước giờ chỉ nuôi dưỡng sự sống của anh ấy”. Đối tượng Nicole nhắc tới ở đây là Charlie Barber, người chồng cô từng yêu đắm say, trước khi cả hai phải rời đi khỏi cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Cuộc ra đi ấy đầy đớn đau và sóng gió. Như Nicole tự sự, ly hôn không đơn thuần chấm dứt ở cột mốc hết yêu.
Trước đó ở The Wife (2017), người vợ Joan Castleman (Glenn Close) cũng có câu thoại đầy ám ảnh: “Em đã là một người vợ, một người mẹ, và một người phụ nữ tuyệt vời. Nhưng em không bao giờ nghĩ rằng mình cần phải đi chứng minh điều ấy”. Từng câu chữ là xúc cảm giằng xé trong tâm tư người vợ nhiều năm “núp bóng” thành công của chồng, nhưng rốt cuộc chẳng được ông công nhận.
Chuyện những người đàn bà kiệt quệ trong nấm mồ tình yêu, hôn nhân đã là tình tự muôn thuở của điện ảnh. Chúng dễ bắt gặp, dễ lan tỏa, dễ chạm vào cảm xúc. Trong từng tác phẩm, người xem vẫn có thể thấy được thái độ riêng của nhà làm phim, qua cách họ chọn kể lại câu chuyện về những thân phận đáng thương ấy.
Mâu thuẫn của những người đàn bà
Do Khương Ngọc đạo diễn, chuyện phim Chị dâu theo chân hai Nhị (Việt Hương). Sau khi chồng qua đời, cô dâu trưởng phải gánh vác nhiều việc lớn nhỏ trong gia tộc. Ngày giỗ mẹ chồng, hai Nhị gọi 4 cô em chồng về tụ họp, làm cơm mời bà con xóm giềng. Cũng trong đám giỗ, hai Nhị thông báo muốn sửa sang, xây lại căn nhà từ đường đã mục nát, xuống cấp.
Quyết định này của hai Nhị, vô tình châm ngòi cho xung đột ngầm giữa các chị em bùng nổ.
Tạo hình của Ngọc Trinh trong phim.
Trung tâm Chị dâu là nhân vật hai Nhị. Cô thuộc tuýp phụ nữ truyền thống, lại khó tính, hay cằn nhằn, muốn mọi việc phải được chu toàn. Tính cách khó gần của chị dâu khiến cả 4 cô em chồng không vừa lòng, nhưng ít ai dám thể hiện ra mặt. Họ lập nhóm chat riêng, nói xấu chị cho hả dạ.
Khi mới về làm dâu, cuộc sống hai Nhị cùng chồng luôn trong cảnh túng thiếu. Cũng nhờ chăm chỉ làm lụng, lại được trời thương, hai vợ chồng dần dà góp đủ vốn, mở được tiệm vàng. Rồi chồng mất sớm, con trai du học, hai Nhị sống cô độc ở tuổi trung niên. Dù trở thành bà chủ tiệm vàng, hột xoàn rủng rỉnh trên người cũng không che nổi dáng vẻ quê kệch của cô dâu trưởng.
Cả 4 em chồng của hai Nhị mỗi người một tính. Ba Kỳ (Hồng Đào) là chủ cơ sở thẩm mỹ, giàu có, học thức và sành điệu. Cũng bởi vậy mà cô xem thường chị dâu, đôi lúc thể hiện thái độ khinh khỉnh ra mặt. Tư Ánh là người đồng tính, tính cách lầm lì, sống trong căn nhà từ đường để lo chuyện hương hỏa.
Năm Thu là dân kế toán, sống keo kiệt, bủn xỉn. Cả đời cô “chỉ biết thu chứ chưa từng chi cho ai, ngay cả em gái”. Năm Thu ngoài mặt hay giả lả cười đùa, nhưng sau lưng thích xỉa xói, đâm bị thóc chọc bị gạo. Út Như nhỏ tuổi nhất, vì lỡ cấn bầu mà phải kết hôn sớm. Nhưng lấy phải ông chồng chơi bời, cả hai phá sản, rơi vào cảnh “nợ tràn bờ đê”. Tháng nào, Út Như cũng phải mặt dày xin tiền chị dâu đóng lãi.
5 người đàn bà thuộc các thế hệ, hoàn cảnh sống và tính cách khác nhau. Ấy vậy mà lại có điểm chung. Chẳng ai trong số họ thực sự có một tổ ấm trọn vẹn hạnh phúc. Nó là căn nguyên dẫn đến mọi mâu thuẫn. Xuyên suốt Chị dâu, ta thường xuyên bắt gặp hình ảnh những người đàn bà sống nín nhịn, dồn nén ấm ức trong hôn nhân. Để rồi khi không còn chịu đựng nổi, họ quyết định quay sang trút giận lên nhau.
Ban đầu, mâu thuẫn chỉ mới dừng lại ở sự ức chế về đám giỗ rình rang, vừa tốn tiền bạc lại chuốc thêm phiền phức. Rồi vết nứt tình cảm xuất hiện khi hai Nhị tuyên bố sửa căn nhà từ đường. Lúc này đây, phim mới lần lượt vạch trần mặt đố kỵ và giả tạo, những suy nghĩ, tính toán xấu xí của từng thành viên đằng sau hai tiếng chị em.
Hồng Đào hóa thân ba Kỳ.
Đám giỗ đáng lẽ là nơi chị em sum vầy, vui vẻ trò chuyện. Thế nhưng, nó bỗng chốc trở thành sân khấu, nơi phơi bày những nỗi đau, ấm ức giấu kín.
Diễn xuất cảm xúc
Khương Ngọc trước đó từng vài lần “ngã ngựa” ở vị trí đạo diễn. Gần nhất, Live: Phát trực tiếp (2023) của anh bị đánh giá thảm họa về nội dung lẫn lối kể. Nhưng lần tái xuất này, Khương Ngọc lại gây không ít bất ngờ với kịch bản khá tròn trịa, chắc tay. Cách dẫn dắt của anh lôi cuốn hơn hẳn, ít điểm lợn cợn, gãy đổ.
Nam đạo diễn cho thấy góc nhìn đầy cảm thông với những người phụ nữ bất hạnh trong cuộc sống hôn nhân. Anh góp nhặt từng rắc rối tưởng chừng rất nhỏ, rồi “chế biến” nó thành mâu thuẫn, sống động mà cũng rất tự nhiên.
Những người đàn ông xuất hiện ít trên phim, cũng chẳng góp mặt trong đám giỗ, thế nhưng tác động của họ hằn lên cực kỳ rõ nét. Bi kịch lớn nhất trong Chị dâu thực chất là bi kịch của những người đàn bà khốn khổ vì lấy nhầm chồng.
Ở đó, người xem dễ đồng cảm với những câu chuyện, tính cách hay số phận quen thuộc dễ bắt gặp ngoài đời thực. Có cô bị chồng lừa dối suốt chục năm, có cô trở thành “người ở” quanh năm phục dịch, lại có cô hết lần này tới lần khác gánh nợ thay chồng, thế mà vẫn không chấp nhận từ bỏ...
Khương Ngọc kiểm soát tiết tấu phim nhịp nhàng, từ từ dẫn dắt cảm xúc người xem. Chỉ trong bối cảnh nhỏ hẹp là căn nhà từ đường, các biến cố lại cứ lần lượt ập đến, đẩy mối quan hệ gia đình vào những xô lệch của oán trách, hiềm khích cá nhân. Từ chuyện tiền bạc, hôn nhân hay thậm chí con cái, những người đàn bà chịu nhiều tổn thương lại vô tình xát muối lên vết thương lòng của những người còn lại.
Cao trào bùng nổ cũng là khoảnh khắc đắt giá nhất Chị dâu, khi cú máy dài theo chân hai Nhị đối thoại với từng cô em chồng sau phút cãi vã.
Không ngoa khi nói Việt Hương và Hồng Đào đã có màn kết hợp tỏa sáng trên màn rộng. Cả hai thuyết phục người xem với phần trình diễn đầy cảm xúc mà vẫn có sự tiết chế, khắc họa tinh tế chiều sâu tâm lý nhân vật. Từng câu thoại, sắc thái cảm xúc, giọt nước mắt cho tới tiếng nức nở đều cho thấy sự nghiên cứu kỹ lưỡng vai diễn.
Hồng Đào để lại ấn tượng mạnh mẽ khi hóa thân ba Kỳ, người đàn bà gai góc nhưng trong lòng đầy tổn thương sau khi bước ra khỏi cuộc hôn nhân đổ vỡ, bị dối lừa suốt hàng chục năm liền. Trong khi, Việt Hương rũ bỏ hết sự ồn ào, cho thấy tiến bộ rõ rệt với diễn xuất bằng mắt và lối nhấn nhá thoại.
Đặt cạnh hai đàn chị gạo cội, Lê Khánh, Đinh Y Nhung hay Ngọc Trinh không hoàn toàn lép vế, vẫn làm tròn vai. Lê Khánh duyên dáng đem tới tiếng cười, làm xoa dịu bầu không khí phim căng thẳng, trong khi Đinh Y Nhung cùng Ngọc Trinh tạo thiện cảm với nét diễn mộc mạc.
Khương Ngọc tiến bộ rõ rệt với Chị dâu.
Song bên cạnh đó, Chị dâu vẫn còn những điểm trừ đáng tiếc.
Phim mở đầu cũ kỹ, lê thê khi dẫn dắt bằng lời tự sự, cùng hàng loạt thoại. Một số cảnh ồn ào thái quá, khi để nhân vật đối thoại liên tục, chồng chéo dẫn đến khó theo dõi. Cao trào phim xây dựng tốt, nhưng cách gỡ nút thắt lại vội vàng, sơ sài. Cảnh cơn bão ập tới phá tan căn nhà từ đường nhưng giúp tình chị em khăng khít, bền chặt hơn nặng tính minh họa.
Cái kết Chị dâu đi theo lối mòn khi để nhân vật ngồi bên nhau tâm sự, ngậm ngùi nhớ chuyện cũ như chưa hề có cuộc chia ly. Sự hy sinh cho gia đình của hai Nhị dường như được thổi phồng quá mức. Chưa kể, việc sử dụng flashback cũng gượng gạo, sắp đặt, làm tác phẩm mất đi sự tự nhiên ban đầu khi cố câu nước mắt.