Genre: Kinh dị
Director: Lưu Thành Luân
Cast: Hồng Đào, Thiên An, Thuỳ Tiên, Văn Anh, Samuel An...
Rating: 5.5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim
Linh miêu là dự án thứ 2 thuộc vũ trụ điện ảnh linh dị dân gian Việt Nam, sau Quỷ cẩu (2023). Tác phẩm lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian linh miêu - quỷ nhập tràng. Theo đó trong lễ tang, nếu để linh miêu nhảy qua xác người chết, cổng âm dương sẽ mở ra, giúp quỷ nhập tràng chiếm được thân xác nạn nhân. Câu chuyện này vẫn được truyền miệng tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, tới tận ngày nay.
Trở lại với đứa con tinh thần của Lưu Thành Luân, tác phẩm đưa người xem trở lại xứ Huế những năm 1960, giai đoạn mới thoát khỏi chế độ thuộc địa. Chuyện phim xoay quanh gia tộc Dương Phúc, với cơ nghiệp làm khảm sành sứ vang danh cả vùng. Đứng đầu gia tộc là mệ Bích (Hồng Đào), với hai người con trai lần lượt là Vĩnh Thái (Văn Anh) và Vĩnh Trọng (Samuel An).
Năm đó, cả vợ lẫn con của Vĩnh Thái đột ngột qua đời vì tai nạn. Biến cố khiến anh suy sụp và trầm cảm, không thể gánh vác cơ nghiệp gia đình.
Nỗ lực sử dụng chất liệu văn hóa dân gian
Câu chuyện Linh miêu mở ra tại buổi lễ thượng thọ của mệ Bích.
Người cháu đích tôn duy nhất trong gia đình - thiếu gia Gia Cường - con của Vĩnh Trọng và vợ là Mỹ Kim, chết đuối vì rơi xuống hồ. Không khí tang thương phủ khắp gia tộc Dương Phúc. Nhưng ngay sau đó, chuyện kỳ lạ xảy ra tại lễ tang của cậu bé xấu số.
Gia Cường đột ngột sống dậy trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Nghĩ là do “ơn trên” phù hộ, mệ Bích quyết định phát chẩn bố thí cho người nghèo trong vùng. Song cũng từ đây, nhiều hiện tượng quái dị liên tiếp xảy ra với thành viên trong gia tộc, khiến mọi người không khỏi lo lắng.
Tạo hình của Hồng Đào.
Nhận thấy tiềm năng từ các chất liệu dân gian, Lưu Thành Luân cùng ê-kíp nỗ lực lồng ghép yếu tố đặc trưng của văn hóa bản địa vào tác phẩm, biến chúng trở thành món ăn tinh thần vừa đậm vị, lại lạ lẫm khi được bày biện với phong cách kinh dị. Đây không chỉ là hướng đi của Quỷ cẩu, Linh miêu, mà còn nhiều dự án tiếp tới cùng thuộc vũ trụ điện ảnh linh dị dân gian Việt, dự kiến kéo dài tới năm 2030.
Từ truyền thuyết dân gian về linh miêu - quỷ nhập tràng, cho tới các nét văn hóa đặc trưng của cố đô như nghề khảm sành sứ, đã thành công khơi dậy sự tò mò của người xem. Ngoài ra, nhà sản xuất cho thấy quan sát khi tái hiện nhiều nét văn hóa Việt như lễ thượng thọ, thả hoa đăng hay những tục lệ xưa như cảnh “mâm trên mâm dưới”, trọng nam khinh nữ... Khâu thiết kế sản xuất cũng được đầu tư tương đối chỉn chu, đặc biệt về phục trang, bối cảnh.
Mượn câu chuyện kinh dị xoay quanh ma quỷ, Linh miêu đưa đến thông điệp quen thuộc về nghiệp báo của con người. Bài học này được truyền tải qua một cốt truyện đơn giản, dễ tiếp cận. Ở khía cạnh nào đó, các nhân vật phải đương đầu với thế lực tà ác đang gieo rắc nỗi sợ hãi - cũng chính là đối diện với “bóng ma quá khứ” của chính mình. Họ phải nhận bài học, chuốc lấy hậu quả từ những sai lầm từng gây ra.
Nội dung còn hạn chế
Sở hữu lớp vỏ bọc tiềm năng, song xuyên suốt thời lượng 109 phút, nội dung Linh miêu lại nhiều lần làm vuột mất sự hào hứng của khán giả với những gì đang diễn ra trên màn ảnh. Điều này xuất phát từ một số lổ hổng đáng tiếc trong kịch bản, khiến Linh miêu, tương tự Quỷ cẩu trước đó, lãng phí tiềm năng mà nó sở hữu.
Thùy Tiên có nỗ lực trong phim đầu tay, nhưng còn hạn chế về cách thể hiện nội tâm nhân vật.
Sau sự cố tại lễ thượng thọ, các thành viên gia tộc Dương Phúc liên tục trải qua nhiều sự kiện kỳ quái, khiến họ phải sống trong hoài nghi và lo âu. Mọi thứ ngày càng tồi tệ hơn, từ việc mệ Bích bị hình ảnh đoàn rước kiệu không mặt dọa sợ mất mật, cô con dâu Mỹ Kim liên tục gặp ảo giác cho đến cái chết kinh hoàng của nhiều gia nhân, hầu nữ trong nhà...
Từ đây, bí ẩn đen tối trong dòng tộc dần mở ra, song song với hành trình khám phá sự thật về thế lực ma quỷ đang gieo rắc cơn ác mộng. Công thức này được sử dụng trong hàng trăm tác phẩm kinh điển cùng thể loại. Thế nhưng với Linh miêu, việc thiếu đi những phát hiện, sáng tạo mới mẻ khiến phim trở nên tẻ nhạt vì rập khuôn, dễ đoán.
Người xem không còn thấy sợ, thay vào đó là sự ức chế khi chứng kiến những nhân vật nhát gan, bị động, song lại thừa tính tò mò, để rồi tự đưa mình vào tình thế nguy hiểm, điển hình như việc lần theo âm thanh lạ dù mới gặp ma trước đó không lâu.
Nhiều tình tiết thiếu tính logic, đơn cử việc gia tộc Dương Phúc luôn đầy ắp gia nhân, nhưng cháu đích tôn Gia Cường dù mới “chết hụt” trước đó lại chẳng có người theo dõi cận kề, khiến việc mất tích xảy ra thêm một lần nữa. Hay như một người sợ chết như mệ Bích lại ngang nhiên khiêu khích kẻ thủ ác đứng sau mọi chuyện đang hóa điên, sẵn sàng kết liễu mình bất cứ lúc nào...
Phần hóa trang, tạo hình máu me, xác chết được thực hiện tốt. Ê-kíp biết cách sử dụng sắc vàng, lục với những khung hình ám xám để “kể chuyện”, hay lợi dụng nhiều góc quay hẹp, tối tăm đánh thức nỗi sợ của người xem. Tuy nhiên, mảng miếng hù doạ khá cũ, dù đã có sự học hỏi từ một số tác phẩm kinh điển của James Wan như Insidious hay The Conjuring...
Việc để đám đông la hét om sòm, lồng hiệu ứng âm thanh ma quái tạo cảm giác thiếu tự nhiên. Trong khi, cảnh jump-scare cũng chưa cho thấy hiệu quả vì quá dễ “bắt bài”.
Linh miêu chưa cho thấy nhiều đột phá so với Quỷ cẩu.
Lưu Thành Luân trong lần trở lại gây hụt hẫng do chưa kiểm soát tốt tiết tấu phim. Đặc biệt khi đến cao trào, việc để nhân vật tranh cãi xen lẫn hồi tưởng là cách diễn giải đã cũ kỹ, mang tính kể lể, khó xây đắp được bầu không khí căng thẳng, kịch tính cần thiết.
Khi con quỷ ngày càng phát triển, sự hiện diện của các thành viên trong gia tộc Dương Phúc, đáng tiếc thay, lại càng mờ nhạt hơn. Họ hiện lên với tính cách một màu, thiếu đi lộ trình phát triển đủ gây được ấn tượng. Cũng vì vậy mà cú plot-twist cuối phim hoàn toàn có thể dự đoán trước, không còn gây được bất ngờ.
Một số nhân vật thậm chí dư thừa, mà điển hình là cô hầu gái có “mưu đồ” với cậu hai, hay ngay cả cậu ba Vĩnh Trọng, người có rất ít đóng góp cho sự phát triển của mạch truyện dù chiếm không ít thời lượng.
Mâu thuẫn đỉnh điểm hồi cuối phim chưa được xử lý khéo, rốt cuộc trở thành cuộc tranh luận “lỗi tại ai?”. Vì động cơ và hành trình thiếu thuyết phục, việc biện minh cho lỗi lầm cùng những lời tâm sự mà dàn nhân vật dành cho nhau tỏ ra sượng sùng và sáo rỗng.
Bên cạnh đó, vì vấn đề kinh phí, Linh miêu lộ kỹ xảo kém, thể hiện rõ trong chuyển động của quỷ nhập tràng và linh miêu. Điều này khiến nhiều cảnh kinh dị vốn phải làm khán giả sợ lại trở nên hài hước.