Căn hộ do Studio 11 thiết kế là tuyên ngôn nghệ thuật về một Sài Gòn những năm 1950 lãng mạn và ấm áp. Ở đó, mọi thứ đều được sắp đặt một cách có chủ đích, để mỗi chi tiết dù nhỏ mà vẫn mang lại một cảm giác thân quen và gần gũi.

Dù sử dụng nhiều chi tiết, vật dụng mang tinh thần của Sài Gòn xưa, cách phối hợp nhịp nhàng giữa mới và cũ của NTK vẫn mang đến cho tổng thể không gian góc nhìn mới mẻ, tinh gọn.
Cả gia chủ và nhà thiết kế đều mang trong mình một tình yêu sâu đậm với những giá trị xưa cũ của đất Sài Gòn. Họ không đơn thuần là người sáng tạo và chủ nhân của không gian này, mà còn là người gìn giữ tinh thần của một thời đại, tái hiện những đường nét một thời làm nên Sài Gòn đầy bản sắc. Thế nên, căn hộ không chỉ là nơi chốn, mà còn là một tác phẩm sống động, nơi ký ức được viết lại bằng ngôn ngữ thiết kế.

Việc kết hợp nhiều tông màu gỗ là cách NTK tạo ra nhịp điệu về thị giác trên phông nền họa tiết gạch bông đặc trưng.

Ảnh: Đỗ Sỹ
Trải qua bốn tháng thiết kế và thi công, căn hộ hiện lên như một bản hòa tấu của sắc màu và hình khối, vừa phảng phất nét hoài cổ, vừa mang tinh thần của một không gian đương đại tinh giản. Mọi thứ ở đây đều bắt đầu từ sự đồng điệu giữa nhà thiết kế và gia chủ – họ chia sẻ chung một tình yêu, nơi những giá trị cũ không bị lãng quên mà được tái sinh trong một diện mạo mới.
NTK Phạm Lê Trung Hiếu chọn cách kể câu chuyện Sài Gòn bằng những chi tiết nội thất, bằng vật liệu, ánh sáng và bố cục. Căn hộ vốn được bàn giao với kết cấu cơ bản, nhưng để phù hợp hơn với cuộc sống mới, một số bức tường đã bị thay đổi, tái cấu trúc lại không gian để mang đến sự cân bằng, hợp lý hơn cho sinh hoạt thường ngày.

Một số khu vực có phần tiết chế trong cách bài trí nhưng được nhắc lại về định hướng thẩm mỹ chung thông qua mảng gạch gốm màu xanh làm điểm nhấn trên sàn nhà terrazzo.
Tuy có diện tích nhỏ nhưng căn hộ vẫn tạo ra nhịp sống thoải mái và tràn đầy cảm hứng. Không gian bao gồm một sảnh vào, khu bếp mở hướng ra ban công, một khu vực ăn uống kết nối với phòng khách, một phòng tắm chung và hai phòng ngủ – nơi chốn đi về của cặp vợ chồng trung niên và cậu con trai du học.
Hai triết lý chính của thiết kế – “Nhà là chốn để về” và “Nhặt lại những tinh túy hợp lý trong quá khứ” – đã tạo nên một tổng thể hài hòa, nơi thanh lịch gặp gỡ sự bình yên. Căn hộ không bị đóng khung trong một phong cách cố định, mà là sự pha trộn giữa Đông Dương, Tây phương, và nét dân dã của người Việt. Một chút hoài cổ, một chút đương thời, kiêu kỳ nhưng không xa cách – tất cả hòa quyện thành một. Cái tình khiến không gian trở nên sống động và chân thật hơn một diễn giải về phong cách cụ thể. Hơn cả một nơi để ở, đây là một không gian để nhớ, để thương và để sống thật trọn vẹn với những giá trị mà gia chủ trân quý.

Vật liệu mây tre đan xuất hiện duyên dáng trong không gian.

Ảnh: Đỗ Sỹ

Ảnh: Đỗ Sỹ
Thực hiện: Đức Nguyên | Ảnh: Đỗ Sỹ
Xem thêm:
Nhà đồng quê Estancia San José: Chất mộc mạc nơi vùng đảo Menorca
Mái bằng – Điểm nhấn trong kiến trúc đương đại
Căn hộ Quận 9 – Nghệ thuật của tâm lý học trong không gian sống – Kat Studio