Trong quá trình phát triển của kiến trúc cảnh quan, phái nữ đóng vai trò then chốt, mang đến những ý tưởng đột phá và góc nhìn mới mẻ. Từ những người tiên phong thuở ban đầu đến những thế hệ kiến trúc sư đương đại, công trình của họ đã góp phần định hình lại cách chúng ta tương tác với không gian ngoài trời, kết hợp một cách sáng tạo giữa thẩm mỹ, công năng và tính bền vững. Họ là những người tiên phong, truyền cảm hứng cho thế hệ hiện tại, vốn đang giải quyết các vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu và đô thị hóa. Các dự án cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và phủ xanh đô thị là minh chứng cho sự phát triển của ngành, dựa trên sự sáng tạo và nỗ lực của các kiến trúc sư nữ.
Nền tảng đầu tiên (Cuối Thế Kỷ 19 – Đầu Thế Kỷ 20)
Cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử kiến trúc cảnh quan, khi những kiến trúc sư nữ đầu tiên bắt đầu xuất hiện và khẳng định vị thế của mình. Những viên gạch đầu tiên này vừa có ý nghĩa lịch sử, vừa để lại một ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài cho sự phát triển của kiến trúc cảnh quan.
Beatrix Farrand: Là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của thời đại này, Beatrix Farrand là một trong những nhà sáng lập (đồng thời là người phụ nữ duy nhất) của Hiệp hội Kiến trúc sư Cảnh quan Hoa Kỳ, thiết lập các tiêu chuẩn chuyên nghiệp cho lĩnh vực thiết kế cảnh quan. Trong sự nghiệp lừng lẫy kéo dài năm thập kỷ, bà đã hoàn thành 110 dự án trải rộng từ các khu bất động sản tư nhân, công viên công cộng, vườn thực vật, khuôn viên trường đại học, và thậm chí cả Khu vườn của Đệ nhất Phu nhân cho Cánh Đông của Nhà Trắng – cùng với Ellen và Edith Wilson. Những công trình của bà nổi bật với khả năng kết hợp thiết kế hình thức và tự nhiên, đặc biệt trong các dự án khuôn viên trường học.
Đọc thêm: Beatrix Farrand: Cái nhìn nhạy cảm với cảnh quan và tình yêu thực vật

Ảnh: CT Women’s Hall of Fame

Khu vườn hoa hồng Peggy Rockefeller được Beatrix Farrand thiết kế năm 1916 và hoàn thành vào năm 1988, như một món quà từ David Rockefeller gửi đến vợ ông. Năm 2006-2007, các công trình cải tạo được tiến hành khi quản lý Peter Kukielski quyết định tạo ra một khu vườn hoa hồng bền vững. Hiện có 4.032 cây hoa hồng trong khu vườn, đại diện cho 687 loài khác nhau. Ảnh: Tư liệu
Ellen Biddle Shipman: Được mệnh danh là “Thủ lĩnh của các Nữ Kiến trúc sư Cảnh quan Hoa Kỳ”, Ellen Biddle Shipman mang đến cảm quan nghệ thuật vô song cho những khu vườn. Bà nổi tiếng với các thiết kế phức tạp, nhằm tạo không gian thanh lịch và tự nhiên, như Longue Vue House and Gardens ở New Orleans – hình mẫu cho phong cách đặc trưng của bà. Ellen đã thiết kế hơn 600 khu vườn trong sự nghiệp, và bà là một trong những kiến trúc sư cảnh quan được săn đón nhất thời bấy giờ.

Ảnh: The New York Times, Nancy Angell Streeter

Longue Vue House and Gardens là một khu biệt thự lịch sử và khu vườn công cộng rộng 3,2 ha ở New Orleans, Louisiana, Hoa Kỳ. Ban đầu được thiết kế như một ngôi nhà riêng, nhưng sau này đã được chuyển đổi thành một bảo tàng và khu vườn công cộng vào năm 1980. Ảnh: New Orleans Magazine
Marian Cruger Coffin: Là người phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp khoa Kiến trúc cảnh quan tại MIT, mở đường cho các thế hệ nữ chuyên gia tương lai trong lĩnh vực này. Các thiết kế của Marian được đặc trưng bởi quy mô to lớn, tích hợp tinh tế giữa các yếu tố tự nhiên và kiến trúc, thường thấy trong các dự án bất động sản lớn, như Winterthur ở Delaware. Thế mạnh trong việc thấu hiểu khách hàng đã giúp bà thành công và có chỗ đứng trong ngành nghề nhiều cạnh tranh bởi nam giới.

Ảnh: Tư liệu

The Reflecting Pool nằm trong khuôn viên Bảo tàng, Vườn & Thư viện Winterthur ở Winterthur, Delaware, do Marian Cruger Coffin thiết kế. Ảnh: Harvey Barrison
Những nhà cải cách giữa thế kỷ 20 – Cầu nối truyền thống và hiện đại
Giữa thế kỷ 20, lĩnh vực kiến trúc cảnh quan chứng kiến sự chuyển mình rõ rệt, hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Các nữ kiến trúc sư đã có những đóng góp quan trọng, mang đến ý thức sinh thái, sự tham gia cộng đồng và giải pháp thiết kế thiết thực.
Alice Recknagel Ireys: Sau khi tốt nghiệp Trường Kiến trúc Cảnh quan Lowthorpe năm 1933, Ireys thành lập văn phòng của mình ở Brooklyn, chuyên thiết kế các khu vườn tư nhân và không gian công cộng. Các dự án của bà, chẳng hạn như Vườn Hương Thơm (Fragrance Garden) cho người mù tại Vườn Bách Thảo Brooklyn (Brooklyn Botanic Garden) đã thể hiện sự cống hiến của bà cho tính toàn diện và sự hiện diện của các giác quan. Bà còn là tác giả các tập sách về làm vườn và phổ biến kiến thức thiết kế cảnh quan.

Ảnh: hampshirereview

Các loại cây trong Vườn Hương thơm được lựa chọn cẩn thận vì mùi hương đặc trưng của chúng, cho phép người tham quan trải nghiệm không gian thông qua khứu giác. Ảnh: Daderot
Sylvia Crowe: Bà là kiến trúc sư cảnh quan hàng đầu của Anh, người đã chuyển đổi thiết kế đô thị hậu chiến với tầm nhìn tích hợp không gian xanh vào các thành phố đang mở rộng, thúc đẩy sức khỏe cộng đồng thông qua công viên và hành lang xanh. Ngoài các dự án đã xây dựng, các bài viết có ảnh hưởng của Sylvia, chẳng hạn như The Landscape of Power, đã khám phá sự tồn tại song song của cảnh quan tự nhiên và công nghiệp, góp phần đưa bà trở thành một nhân vật chủ chốt trong việc ủng hộ quy hoạch đô thị bền vững.

Ảnh: Sheila Harvey for The Landscape Institute

Công viên Cumberland Piazza nằm ở khu vực Hotwells của thành phố Bristol, Vương quốc Anh. Để giảm tác động của dự án đường xá mới, chính quyền đã ủy quyền cho Sylvia Crowe thiết kế một không gian công cộng bên dưới và xung quanh hệ thống đường. Ảnh: Derek Harper
Herta Hammerbacher: Là nữ giáo sư kiến trúc cảnh quan đầu tiên tại TU Berlin, đóng vai trò tiên phong trong việc định hình các nguyên tắc thiết kế cảnh quan sinh thái hậu chiến tại Đức, Herta Hammerbacher có sức ảnh hưởng đến các thế hệ sinh viên trong suốt nhiệm kỳ hai thập kỷ của mình, thúc đẩy một cách tiếp cận được gọi là vườn gắn liền với cảnh quan. Đây là phong cách đặc trưng trong thiết kế cảnh quan Tây Đức vào những năm 1950 và 1960. Trong sự nghiệp của mình, bà đã hoàn thành khoảng 3.500 dự án tư nhân và công cộng chỉ riêng ở Berlin. Trong đó, 10 khu vườn của bà hiện được công nhận là di tích quốc gia.

Herta Hammerbacher (1900-1985). Ảnh: Berliner Zeitung
Những nhà đổi mới hiện đại định hình lại lĩnh vực kiến trúc cảnh quan (Cuối Thế Kỷ 20 – Đầu Thế Kỷ 21)
Trong giai đoạn này, ngành kiến trúc cảnh quan đã có những bước tiến đáng kể, tập trung vào các vấn đề môi trường, đổi mới đô thị và thiết kế lấy cộng đồng làm trung tâm. Ba nữ kiến trúc sư nổi bật trong giai đoạn này bao gồm:
Cornelia Hahn Oberlander: Là người tiên phong trong thiết kế bền vững về mặt sinh thái, nổi tiếng với các dự án như Quảng trường Robson (Vancouver) và Bảo tàng Nhân chủng học (Đại học British Columbia). Sinh ra ở Đức và sau đó chuyển đến Canada, sự nghiệp của Oberlander kéo dài hơn sáu thập kỷ. Trong thời gian đó, bà đã tạo dựng được danh tiếng là người đi đầu trong việc kết hợp các nguyên tắc sinh thái vào cảnh quan đô thị. Bà chú trọng sử dụng thực vật bản địa, hệ che phủ xanh và tôn trọng môi trường tự nhiên. Để vinh danh công việc của bà, Quỹ Cảnh quan Văn hóa (TCLF), có trụ sở tại Washington, D.C., đã thành lập Giải thưởng Kiến trúc Cảnh quan Quốc tế Cornelia Hahn Oberlander (Cornelia Hahn Oberlander International Landscape Architecture Prize).

Ảnh: Yoshihiro Makino

Quảng trường Robson được hoàn thành với sự hợp tác của kiến trúc sư Arthur Erickson và Cornelia Hahn Oberlander, được thiết kế để làm không gian công cộng kết nối liền mạch các tòa nhà chính phủ và khu vực dân sự. Ảnh: Wpcpey
Rosa Kliass: Là người góp phần định hình kiến trúc cảnh quan hiện đại ở Brazil, nổi tiếng với việc kết hợp cây bản địa và cơ sở hạ tầng đô thị có chức năng. Sự nghiệp của bà bắt đầu vào những năm 1960, và kể từ đó, bà đã phát triển một số không gian công cộng có ảnh hưởng nhất quốc gia. Dự án nổi bật của bà là Parque da Juventude ở São Paulo, biến nhà tù cũ thành công viên công cộng. Bên cạnh đó, bà cũng tích cực lấy ý kiến cộng đồng vào quá trình thiết kế để đảm bảo rằng kết quả cuối cùng phản ánh nhu cầu và nguyện vọng tập thể. Rosa còn là người ủng hộ mạnh mẽ các chính sách đô thị tích hợp không gian xanh vào khung quy hoạch, giúp thiết lập các tiêu chuẩn mới cho phát triển đô thị toàn diện và bền vững ở Brazil.

Ảnh: Kenia Hemandes

Công viên Parque do Abaeté do Rosa Kliass thiết kế. Ảnh: André Fofano Gama
Diana Balmori: Kiến trúc sư thách thức ranh giới giữa kiến trúc và thiết kế cảnh quan, tạo ra các dự án kết nối môi trường xây dựng nhân tạo và cảnh quan tự nhiên. Các dự án như thủ đô hành chính Thành phố Sejong ở Hàn Quốc đã thể hiện cam kết của bà trong việc tích hợp cảnh quan với cơ sở hạ tầng đô thị. Ngoài ra, các công trình lắp đặt tạm thời và dự án nghệ thuật công cộng của bà đã thách thức những ý tưởng thông thường về tính vĩnh cửu trong kiến trúc cảnh quan. Bên cạnh thiết kế, bà còn tham gia giảng dạy tại tại trường kiến trúc Yale và Khoa lâm học trường Yale, truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế tương lai theo đuổi các cách tiếp cận mới mẻ và sáng tạo.

Ảnh: Kristin Gladney

Dự án ở thành phố Sejong sở hữu cảnh quan kết hợp các hình thức tự nhiên và không gian công cộng vào kết cấu đô thị, thúc đẩy kết nối giữa con người và môi trường, đồng thời giải quyết các mối quan tâm về sinh thái. Ảnh: oshokim
“The First Bricks” là hành trình khám phá những nhân vật tiên phong đã đặt nền móng cho các trào lưu đổi mới trong thiết kế và nghệ thuật. Qua series này, ELLE Decoration sẽ đưa bạn đến với những câu chuyện đầy cảm hứng về những cá nhân đã dám mơ và dám làm khác, đặt những “viên gạch đầu tiên” cho sự phát triển của ngành.
Thực hiện: Thiên Thư
Xem thêm:
Trụ sở BIG Đan Mạch: Bền vững từ kiến trúc và cảnh quan
Kiến trúc thần kinh trong thiết kế cảnh quan
Khi kiến trúc hòa vào cảnh quan tại Skamlingsbanken