Vnluxury

Doanh nhân Chu Thị Tiến thành công nhờ 'nắm được chỏm tóc của thần Kairos'

19 tuổi, doanh nhân Chu Thị Tiến đã đúc rút ra một bài học kinh doanh đắt giá: “Muốn thành công luôn luôn phải biết bán đúng cái người ta cần”

Trong thần thoại Hy Lạp, Kairos là một vị Thần Cơ hội, có chỏm tóc dài trước trán. Nắm được chỏm tóc này tức là nắm được cơ hội. Trò chuyện với doanh nhân Chu thị Tiến - Giám đốc công ty cổ phần Tiến Hà – Tôi chợt liên tưởng tới câu chuyện thần thoại này. Với tôi, chị đã thành công nhờ “nắm được chỏm tóc của thần Kairos”

Tất nhiên, nhìn thấy và nắm bắt được cơ hội không phải là tất cả nhưng nó cho thấy tầm nhìn và năng lực của doanh nhân. "Không có gì là vững bền mãi mãi. Luôn luôn có sự thay đổi và chúng ta cũng phải thay đổi theo...''. Chị Tiến chia sẻ và nói thêm: Khi cơ hội đến, quan trọng là phải dám quyết và dám làm.

Cơ hội đầu đời...

Được biết, sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị không tiếp tục con đường học vấn mà lại rẽ ngang để kiếm sống. Chị đã “thu hoạch” được gì từ quyết định đó?

Năm 1981, khi tôi từ bỏ con đường vào đại học là ngay lập tức, tôi bước chân vào một cơ sở nấu xà phòng tại phố Huế, do thầy dạy Hóa làm chủ. Tôi bắt đầu được tiếp xúc với sản xuất và thương trường - dù còn rất sơ khai. Mỗi ngày xách 50 thùng nước từ tầng một lên tầng hai, đi mua nguyên liệu, nấu xà phòng, mang ra chợ giao... Những công việc chân tay vất vả lại chính là bài học kinh doanh đầu tiên mà ông thầy cho tôi.

Nắm được bí quyết nấu xà phòng, lại nhận thấy nhu cầu còn rất lớn, tôi xin nghỉ làm, về quê mở xưởng của riêng mình. Thất bại cũng có nhưng tôi tự nhủ mình, đã đi đúng hướng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, cứ chăm chỉ, nỗ lực… thì Trời sẽ không phụ công người. 19 tuổi, tôi đã có số vốn kha khá, hàng bán ra đến đâu hết đến đấy, tôi mua được chiếc xe máy Honda đẹp nhất nhì huyện (bằng cả một gia tài lúc ấy)… Tuy nhiên, cái mà tôi “thu hoạch” được là kinh nghiệm đầu đời được đúc rút: ”Muốn thành công luôn luôn phải biết bán đúng cái người ta cần”...

Khởi nghiệp đang là vấn đề quan tâm đặc biệt của cả cộng đồng. vậy từ chính kinh nghiệm của mình, chị có thể chia sẻ điều gì với các bạn trẻ?

Có lẽ bắt đầu là ý chí tự lập dám dấn thân. Hồi ấy quê tôi - huyện Đông Anh - còn nghèo lắm. Ruộng chia đầu người cũng ít mà có cấy hái vất vả quanh năm cũng chẳng đủ ăn. Tôi cứ quay quắt với ý nghĩ làm sao đổi đời, làm sao thay đổi được số phận để còn giúp đỡ gia đình. Đi làm kiếm tiền gom chút vốn là con đường nhanh nhất mà tôi nghĩ phải theo... Quyết định này thực sự rất quan trọng với cuộc đời tôi. Tuy nhiên không phải ai bỏ học cũng thành công. Kiến thức luôn luôn là sự bắt buộc - nhất là đối với người kinh doanh. Vì vậy sau này tôi phải dành thời gian đi học và tốt nghiệp đại học Luật, đồng thời tự học về kinh tế, về quản trị doanh nghiệp…

Trở lại với điều chúng ta vừa trao đổi về sự tự lập - tôi đọc trên báo thấy thống kê lượng người trẻ ở châu Á dựa dẫm vào bố mẹ còn rất lớn so với châu Âu, châu Mỹ. Đó là điều mà các bạn trẻ hiện nay cần phải suy nghĩ. Dám làm, dám chịu trách nhiệm là điều cần có cho mỗi doanh nhân tương lai bởi họ sẽ trở thành thủ lĩnh là người dẫn dắt và tạo công ăn việc làm cho những người đi theo mình. Điều nữa là không ngại gian khổ, vất vả. Là doanh nhân nghĩa là chấp nhận thức khuya dậy sớm, nghĩ trước lo trước...

Không ai bỗng dưng trở nên giàu có, thành công. Bắt đầu bao giờ cũng khó khăn, thậm chí thất bại. Thành công rồi cũng vẫn phải giữ thành quả đó để đi lên. Bao giờ cũng phải biết vượt lên hoàn cảnh của mình và vượt lên chính mình. Bằng cách phải nhanh nhạy nhìn ra các cơ hội để nắm lấy.

L1008863.jpg

Chị coi việc sản xuất xà phòng là cơ hội đầu đời, mang lại cho chị không chỉ tiền bạc, đồng vốn dư dả mà còn rất nhiều những giá trị vô hình khác không thể đong đếm bằng tiền… Và rồi chị đã giã từ nó ra sao?

Thời gian đầu chuyển hướng, chúng tôi lại vấp phải những khó khăn mới và đầy thách thức. Có thể nói, nhìn thấy cơ hội nhưng nếu không biết cách, không hiểu rõ thị trường thì thất bại là khó tránh khỏi. Chúng tôi tâm niệm, dù ở hoàn cảnh nào cũng phải dồn hết tâm lực, đam mê và quan trọng hơn nữa là phải giữ chữ tín với bạn bè, đối tác… Và trong những ngày khởi đầu cho một chặng đường mới đầy khó khăn đó, tôi lại nhìn ra được một thị trường ngách của thép dân dụng.

Với tôi, có thể nói, đó chính là “cơ hội trong cơ hội”Khi công việc “sản xuất xà phòng” đang ở đỉnh cao, tôi bắt đầu nhìn thấy sự chững lại của thị trường trong một tương lai không xa. Khi ấy sẽ là sự cạnh tranh ác liệt, thị phần sẽ bị thu hẹp lại… Vợ chồng tôi lúc đó còn rất trẻ nhưng đều có đam mê kinh doanh nên bảo nhau phải quyết tâm tìm ra hướng kinh doanh khác tốt hơn. Nhận thấy nhu cầu xây dựng ngày càng lớn, chúng tôi thu hẹp rồi dừng sản xuất mặt hàng xà phòng để chuyển hướng sang sản xuất thép. Công ty cổ phần Tiến Hà (tên hai vợ chồng) ra đời.

Quảng cáo

IMGP5318.jpg

Có lần trong câu chuyện chị đã thú nhận không hiểu sao bằng tuổi ấy đã vượt qua được những thất bại đầu tiên khi hàng làm ra mang đi giao, mấy hôm sau người ta đồng loạt trả về.... Tôi bảo nếu không vượt qua được điều ấy thì làm gì có Chu Thị Tiến ngày hôm nay? Sức trẻ và quyết tâm chính là bí quyết phải không? Chị Tiến cười - nụ cười sáng ấm thật hồn hậu.

Bây giờ thì người ta nhắc đến thuật ngữ “Thị trường ngách” khá nhiều... Còn lúc ấy vì sao chị lại chọn cách thay kinh doanh thép xây dựng bằng thép lưới, thép cuộn… ?

Tôi nghĩ đơn giản rằng nên làm cái gì người ta chưa làm thì mới tốt. Thực ra kinh doanh thép xây dựng cũng khá ổn nhưng phải cạnh tranh nhiều. Thêm nữa tôi nhận thấy có nhu cầu rất lớn về các loại lưới thép, rọ thép cả trong nước lẫn xuất khẩu. Vì chưa có người đi nên tôi nghĩ – mình phải chọn lối đi riêng này. Hai vợ chồng vào Đà Nẵng chọn mua máy kéo thép, máy hàn lưới thép rồi máy dệt thép... Lại được anh ấy có kiến thức và say mê nghề cơ khí nên 50% máy trong công ty là được... tự chế. Công việc nhờ thế mà trôi chảy. Những năm kinh tế khủng hoảng, bất động sản sa lầy… Tiến Hà cũng không bị ảnh hưởng. Có thể do là chúng tôi đã chọn đúng thị trường ngách.

Chị là người rất nhanh nhạy nhìn ra các cơ hội – vậy bất động sản hay chứng khoán có kéo chị theo bằng cái hấp lực ghê gớm của nó những năm ấy?

Tôi có nhìn thấy những cơ hội từ nó nhưng không theo bởi tôi biết lượng sức mình. Mọi người nói tôi tỉnh nhưng không hẳn thế. Kinh doanh là phải tính đến lợi nhuận. Ai chẳng thế. Nhưng cái gì không phải của mình thì sẽ không phải. Tôi là nhà sản xuất. Sản phẩm của mình cung cấp cho những nhà sản xuất khác trong cùng một chuỗi kinh doanh. Tôi luôn sợ sự phát triển quá nóng... Con nhà nông từ trong máu nên luôn tự nhủ “đi chậm mà chắc”...

Đón hướng kinh doanh và chuyển giao thế hệ.

Nhìn vào chặng đường kinh doanh của chị, có thể nhận thấy sự thay đổi trong cách nghĩ, cách nắm bắt thị trường của chị có vẻ như… không giống ai. Từ những bánh xà phòng bé nhỏ, thơm tho sang thép cuộn, thép lưới; giờ lại đến lĩnh vực khách sạn, gắn liền với chốn dừng chân của lữ khách. Chị nhìn thấy cơ hội nào cho “người đàn bà đã dường như được mặc định với Thép ấy”?

Gọi là cơ hội cũng được mà gọi là chuẩn bị cho thế hệ tiếp nối cũng đúng. Tôi cứ trăn trở với vấn đề mình sẽ tiếp tục như thế nào trong tình hình kinh tế đã khác trước rất nhiều. Trong đó phát triển bền vững được đặt lên hàng đầu. Tôi rất tâm đắc với câu nói của một doanh nhân từng trải “luôn luôn đặt mình trong tâm thế khởi nghiệp và khởi nghiệp lại”. Thêm nữa hai con tôi đều học ở nước ngoài về, cũng có hướng muốn theo nghề kinh doanh của cha mẹ... Tất cả những điều ấy đã khiến tôi quyết định một hướng đi mới: Xây dựng khách sạn bốn sao quốc tế bên bờ biển Đà Nẵng để phục vụ du lịch... Tôi tự cho mình là người chịu khó đi và chịu khó quan sát.

"Càng đi xa, tôi càng thấy đất nước mình đẹp, nhất là bãi biển. So với các “Thiên đường du lịch” trong khu vực, ta đâu có kém nếu không muốn nói là có tiềm năng hơn. Cái kém nằm ở chất lượng dịch vụ và sự chuyên nghiệp kia. Hai năm trước, tôi một mình đi khảo sát, thăm thú thị trường khách sạn, du lịch ở mấy tỉnh miền Trung và sau một hồi cân nhắc, tôi quyết định dừng lại Đà Nẵng..."

Khách sạn 25 tầng với 165 phòng (trong đó có 30 căn hộ) được khởi công trong tháng 12 này với thiết kế của kiến trúc sư người Đức. Con trai lớn của tôi đã tốt nghiệp kinh tế tại Anh, cháu về nước và cùng với 3 phụ tá trong lĩnh vực xây dựng, quản lý giúp tôi công việc điều hành. Tôi rất vui và tự hào vì đó là một nhóm người trẻ đầy nhiệt huyết và trưởng thành rất nhanh. Con gái tôi sau khi tốt nghiệp trung học tại Mỹ sẽ sang Thụy Sĩ học chuyên ngành khách sạn. Tôi muốn cháu được tiếp nhận một cách bài bản, chuyên nghiệp cái nghề nó sẽ theo đuổi suốt đời. Cái gì cũng phải được xây từ gốc.

Tạo dựng cho hai con một nền tảng vững chắc để có thể thay cha mẹ quản lý, điều hành doanh nghiệp, tôi hy vọng các cháu sẽ kế tục một cách xứng đáng.

Trong một cuộc hội thảo do Hiệp hội doanh nhân nữ Việt Nam tổ chức, với trang phục giản dị, gương mặt để mộc, chị đi thẳng từ công ty đến, lên sân khấu song ca với ca sĩ Tùng Dương bài “Mẹ” của nhạc sĩ Phú Quang bằng chất giọng khỏe khoắn đầy sâu lắng; Giao lưu với MC nổi tiếng Nguyễn Cao Kỳ Duyên thật tự nhiên dí dỏm. Chị nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt, thích thú của hàng trăm nữ doanh nhân và khách mời. Hàng ngàn người sau đó đã vào Facebook của chị để xem lại Video clip ấy...

Tôi thì rất thích chia sẻ của chị với MC Kỳ Duyên rằng – doanh nhân nữ như chị cần khỏe, đẹp – để làm việc thật tốt và để biết sống một cách ý nghĩa nhất – cho cả bản thân mình. Chính vì thế, ít có người nào khi đi làm Thermage “lấy lại làn da con gái” hay ra nước ngoài tiêm tế bào gốc để trẻ, khỏe... lại có thể kể và chia sẻ tự nhiên như thế. Bởi theo chị nếu không khỏe, không đẹp thì dù có đi xe đẹp, xách túi đẹp cũng chẳng có ý nghĩa gì. Cái đẹp phải từ chính bản thân mình chứ không lệ thuộc vào những vật ngoài thân.

Tôi thích chất của Tiến, cái cách chị sống, làm việc và thể hiện bản thân mình như thế.

Yên Thao

Nguồn nhipsongthoidai.nss.vn Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm