Gạch thông gió với vẻ đẹp mộc mạc và những khoảng trống tinh tế, từng là linh hồn của mặt tiền nhà phố Việt Nam. Chúng là loại vật liệu xây dựng góp phần tạo nên yếu tố nghệ thuật cho kiến trúc, khéo léo kết nối không gian sống với thiên nhiên, điều hòa không khí hiệu quả trước khi hệ thống điều hòa điện được ưa chuộng. Trước sự phát triển của đô thị và những tiện nghi hiện đại, những mảng tường hoa gió dần bị biến mất, chỉ còn sót lại vài khoảng nhỏ trên ban công hay trong góc bếp của một vài công trình cũ.

Ảnh: Hoa Gió: Những mảnh ghép Sài Gòn – Nguyễn Minh Đức
Ngày nay, khi xu hướng thiết kế đương đại đang có sự chuyển dịch quan tâm về những giá trị truyền thống, gạch thông gió dần lấy lại vị thế như một giải pháp vật liệu vừa tự nhiên, hiệu quả lại thẩm mỹ.

Ảnh: Quang Trần
Nguồn gốc và đặc điểm
Gạch thông gió, hay còn gọi là gạch bông gió hoặc hoa gió, có lịch sử lâu đời bắt nguồn từ vùng Vivier, miền đông nam nước Pháp vào những năm 1850. Đây là khu vực phát triển của những nhà máy xi măng đầu tiên trên thế giới, đánh dấu sự ra đời của gạch xi măng. Thời bấy giờ, các mẫu gạch hoa gió được sản xuất hoàn toàn thủ công với sự hỗ trợ của máy ép hơi nước, tạo nên những sản phẩm có hoa văn tinh xảo và chất lượng vượt trội. Nhờ tính thẩm mỹ cao cùng độ bền chắc, loại gạch này nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu và cả châu Mỹ La-tinh, trở thành một vật liệu trang trí được ưa chuộng với họa tiết đa dạng, tùy theo văn hóa bản địa.

Ảnh: Hoa Gió: Những mảnh ghép Sài Gòn – Nguyễn Minh Đức
Đến cuối thế kỷ 19, gạch thông gió theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam và từ đó xuất hiện trong nhiều công trình xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp. Những mảng tường được ốp gạch hoa gió tạo nên điểm nhấn độc đáo, vừa mang tính thẩm mỹ vừa đón gió giúp thông thoáng không gian, vô cùng phù hợp với đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa nhiều của nước ta.
Nhiều người cho rằng gạch thông gió chỉ có duy nhất một công năng như tên gọi. Nhưng thực chất, chúng là một giải pháp kiến trúc thông minh với những ứng dụng đa dạng và đầy sáng tạo.
Thông gió tự nhiên – giải pháp bền vững
Trong bối cảnh đô thị đông đúc với những ngôi nhà lô, nhà ống chật hẹp, thông gió trở thành một thách thức lớn. Thông thường, có hai cách thông gió chính là cưỡng bức và tự nhiên.
Thông gió cưỡng bức là giải pháp dùng các thiết bị cơ khí như quạt, máy lạnh để điều hướng không khí có chủ đích, nhằm pha loãng và thay thế không khí ô nhiễm trong nhà bằng không khí sạch. Tuy nhiên, phương pháp này khá tốn kém và không bền vững vì tiêu thụ nhiều năng lượng.

Ảnh: Arti Pictures
Cách còn lại sử dụng gạch thông gió, hoạt động dựa trên nguyên lý cơ bản là lưu thông không khí bằng áp lực gió (wind force), hay còn gọi là gió xuyên phòng, với cửa lấy gió và cửa thoát gió nằm ở hai mặt nhà đối diện nhau. Vị trí đặt cửa lấy gió tốt nhất là hướng Đông Nam (cũng là hướng gió chủ động) và các ô gạch có thể được thi công thành một mảng mặt dựng lớn để tối ưu hiệu quả.

Ảnh: Rory Gardiner
Nghệ thuật lấy sáng tinh tế
Với thiết kế hoa văn rỗng, gạch thông gió trở thành vật liệu lý tưởng để điều chỉnh ánh sáng. Sử dụng chúng cho những ngôi nhà có mặt tiền hướng Tây, chịu tác động cực mạnh của nắng mùa hè, là giải pháp tối ưu thay thế cho các lam chắn kim loại, rèm và cửa kính truyền thống.
Những khoảng trống trên gạch giúp phân tán ánh sáng một cách nhẹ nhàng, tránh được sự gay gắt của ánh nắng trực tiếp. Kết quả là một không gian được chiếu sáng mềm mại và hiệu ứng bóng đổ độc đáo tùy theo góc độ của mặt trời trong ngày.

Ảnh: Triệu Chiến

Ảnh: Mr. Dinesh Mehta
Giá trị trang trí vượt trội
Tính ứng dụng của gạch thông gió không dừng lại ở mặt tiền. Chúng còn là điểm nhấn trang trí cho nhiều không gian nội thất khác như: ban công, vách ngăn nội thất hay hàng rào… Sự sáng tạo trong việc sử dụng gạch thông gió phụ thuộc hoàn toàn vào trí tưởng tượng của kiến trúc sư và gia chủ.

Ảnh: Quang Dam

Ảnh: Pedro Kok
Thực hiện: Thùy Như
Xem thêm:
Nhà phố mang không gian xanh ngập nắng
Thiết kế thụ động: Giải pháp xanh hóa kiến trúc
Giếng trời: Giải pháp chiếu sáng hiệu quả cho nội thất