Từ một ngôi làng nhỏ ở Thanh Hóa, Lê Thúy mang theo mình những ký ức tuổi thơ giản dị – những góc nhìn đầu tiên về thiên nhiên, về không gian chậm rãi của miền quê. Những hình ảnh ấy giống như những mảnh ghép vô hình và cùng trưởng thành, để rồi sau này trở thành nguồn cảm hứng sâu sắc cho những tác phẩm sơn mài và lụa của chị.

Họa sĩ Lê Thúy.
Được đào tạo tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ 2008-2013, Lê Thúy học qua các loại hình sáng tác đa dạng, từ vẽ lụa, sơn mài đến sơn dầu. Những chuyến viếng thăm các ngôi đền, chùa đã để lại trong chị những ấn tượng sâu đậm – những bức tượng phật sơn son thếp vàng, những tấm phướn lụa thêu rực rỡ – tất cả đều trở thành những tư liệu quý giá trong kho tàng cảm hứng của chị.
Ngay từ nhỏ, chị đã bắt đầu nuôi dưỡng những suy tư sâu sắc về vòng đời con người, về sự sống và cái chết. Những nghiên cứu về tôn giáo và các nghi lễ tín ngưỡng trở thành một phần quan trọng trong hành trình nghệ thuật. Từ những tìm tòi và nghiên cứu về các nghệ sĩ, tác phẩm qua triển lãm và sách báo, điều thu hút chị và để lại ấn tượng sâu sắc nhất là những bức tranh lụa giải phẫu của họa sĩ Fuyuko Matsui, khám phá sự mong manh và huyền bí của sự tồn tại con người. Và cứ thế, những cảm thụ nghệ thuật, những kỹ thuật được nung đúc trong nhiều năm đã tạo nên hình hài nghệ thuật mang phong cách đặc trưng của Lê Thúy.

Tác phẩm lụa “Nước Tôi, Dân Tôi” (2022)

Bộ tác phẩm “Sự Im Lặng Chói Tai” lấy cảm hứng từ cuốn sách “Mùa xuân vắng lặng” của Rachel Carson, được tạo ra trong giai đoạn đen tối của nhân loại với đại dịch, chiến tranh, sự cô lập, làn sóng người tị nạn tìm kiếm sự an toàn và cứu rỗi. Lê Thúy thu thập những chiếc đàn bầu, đàn cò hay đàn tỳ bà không còn sử dụng được, dùng kỹ thuật sơn mài để miêu tả cảnh quan thiên nhiên mà nhân loại đang trải qua và cuộc đấu tranh đơn độc của họ.

Những cây đàn từng có thể cất lên âm thanh nay được sắp đặt thẳng hàng như một nghĩa trang. Những bài ca giờ chỉ còn là ký ức, và nỗi đau bị che giấu trong sự im lặng. Dẫn lời của nghệ sĩ: “Đôi khi, sự im lặng làm chói tai, và đôi khi sự im lặng là tiếng nói duy nhất chúng ta có.”
Với Lê Thúy, nghệ thuật không phải là kỹ thuật thuần túy, mà là một lối biểu đạt chân thực của cảm xúc và trải nghiệm. Những áng thơ, một câu hát, hay thậm chí chỉ là một khoảnh khắc đời thường – tất cả đều có thể trở thành nguồn cảm hứng. Hơn hết, chị luôn lắng nghe những ý niệm lặp đi lặp lại trong tâm trí, để rồi biến chúng thành những tác phẩm mang dấu ấn riêng.
Năm 2020, cuộc sống của Lê Thúy có những chuyển động mới. Sau những năm tháng sôi động ở Hà Nội, gia đình nhỏ của chị quyết định chuyển đến Hội An – một vùng đất mới với không khí trong lành và nền văn hóa giàu bản sắc. Nơi đây, giống như quê nhà ngày xưa, đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho chị.

Bộ tác phẩm “Tiếng Vọng” nói về những con người từng tồn tại mắc kẹt trong ngôi nhà họ mong muốn. Bên cạnh tranh lụa là sở trường của Lê Thúy, các tác phẩm còn có những cánh cửa cũ được thu thập từ một bãi phế liệu và gạch bê tông, được thực hiện bằng kỹ thuật sơn mài. Tác phẩm được trưng bày tại Queensland Art Gallery / Gallery of Modern Art, Úc.

Những cánh cửa, ngoài tượng trưng cho sự bảo vệ, còn mang ý nghĩa biểu tượng về sự giam cầm. Lê Thúy đặt câu hỏi: “Nơi trú ẩn thực sự ở đâu? Chúng ta đang ở trong, hay ở ngoài?”
Trong suốt hành trình nghệ thuật, những bộ tác phẩm tiêu biểu của Lê Thúy là: “Sự Im Lặng Chói Tai” với những chiếc đàn bầu được xử lý bằng kỹ thuật sơn mài; “Tiếng vọng” nói về nơi trú ẩn, sự an toàn và kiểm soát; và mới đây là “Thời Gian”, với những phiến gỗ của những cây cổ thụ bị đốn hạ, tiếng nói nghệ thuật của chị qua bộ tác phẩm “Thời Gian” được chọn vào vòng chung kết của Loewe Foundation Craft Prize.

Tác phẩm “Thời Gian” là một suy ngẫm về chu kỳ sống, về sự tồn tại và biến đổi.

Các tác phẩm được thực hiện bằng kỹ thuật sơn mài với các vật liệu vỏ trứng, xà cừ, lá vàng và lá bạc, cùng với các sắc tố tự nhiên.
Các tác phẩm của Lê Thúy luôn đề cao sự vĩnh cửu của thiên nhiên, vòng tuần hoàn của sinh vật và thời gian. Mỗi thân gỗ với những vòng tròn đồng tâm như những vết dấu thời gian. Chúng là những con lắc đồng hồ treo lơ lửng, cũng là những tinh cầu trong vũ trụ – tất cả đều kể về sự liên tục, về những giai đoạn chuyển biến không ngừng nghỉ của sự sống. Triết lý sáng tạo của chị là thành thật với chính mình, không ngừng học hỏi, nghiên cứu, và rèn luyện nền tảng kỹ thuật để thực hiện những tác phẩm.

Tác phẩm lụa “Người Mẹ – Hy Vọng” (2022)
Trong thế giới nghệ thuật luôn năng động và thay đổi, Lê Thúy như một làn gió nhẹ – mang theo sự trầm lắng, suy tư và chiều sâu của riêng mình. Nếu ví chị là một người kể chuyện, những câu chuyện của chị không được kể bằng lời nói, mà bằng những lớp sơn mài mỏng manh, những đường nét lụa uyển chuyển. Và trong sự im lặng ấy, tiếng nói của nghệ thuật vẫn luôn vang vọng, mạnh mẽ và không thể xóa nhòa.
Thực hiện: Hoàng Lê
Xem thêm
Nguyễn Xuân Lục | Tác phẩm – sản phẩm đều như nhất
Bụi Tinh Vân: Vũ trụ sơn mài của họa sĩ Đinh Quân
Doãn Chí Trung | Kinh nghiệm những “giờ bay” với sơn mài