Hoa là một thành phần quan trọng trong các tác phẩm thực vật họa của Phan Thị Thanh Nhã – một họa sĩ minh họa thực vật với nền tảng khoa học vững chắc. Các tác phẩm của chị thường giới thiệu đầy đủ các nhóm thực vật đặc biệt, từ rêu, địa y, dương xỉ đến các loài hạt trần và hạt kín. Đối với thực vật có hoa, chị sẽ tái hiện hình ảnh của hoa ngay từ những giai đoạn đầu tiên, khi nụ hoa hình thành, dần hé mở, nở rộ rực rỡ, đến khi cánh hoa rơi rụng, chỉ còn lại quả non. Mỗi chi tiết đều được chị chăm chút tỉ mỉ: từ kết cấu của hoa, vân trên cánh hoa, cách cánh hoa xếp chồng để thu hút côn trùng thụ phấn, cho đến màu sắc, cách hoa nở theo cụm hay đơn lẻ… Những yếu tố này không chỉ phản ánh sự tinh tế của bàn tay thiên tạo mà trên hết là tôn trọng các thông tin khoa học, giúp người xem hiểu rõ hơn về cơ chế và chức năng của hoa trước khi tiếp cận những lớp ý nghĩa thầm lặng bên trong mỗi bức vẽ.
Trên con đường gập ghềnh của thực vật họa – một bộ môn chỉ vỏn vẹn dưới 10 nghệ sĩ tại Việt Nam, ít ai vừa bước chân vững chãi trong lĩnh vực khoa học vừa thăng hoa trong nghệ thuật như Thanh Nhã. Được đào tạo bài bản về giải phẫu thực vật tại Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, chị hiểu rõ cấu trúc của từng mô, từng tế bào trong các loài cây. Từng lớp mô mà chị quan sát dưới kính hiển vi giờ đây được chuyển hóa thành những đường nét tinh tế trên giấy, vừa chính xác đến từng chi tiết, vừa tràn đầy cảm xúc. Trong khi đó, thiên khiếu được di truyền từ gia đình nhiều đời làm kỹ sư cơ khí, lớn lên với những bản vẽ tay các chi tiết máy móc đã thiết lập trong Nhã nền tảng sử dụng bút vẽ kỹ thuật một cách điêu luyện. Cho đến bây giờ, chị vẫn tự nhận rằng thế mạnh của mình là vẽ trắng đen và các tác phẩm được đánh giá cao nhất vẫn là những tác phẩm đơn sắc hoặc minh họa khoa học.

Họa Sĩ Phan Thị Thanh Nhã. Camellia yokdonensis (Trà mi Yok Đôn), bút chì màu, 2024.

Camellia annamensis (Trà mi Trung bộ), bút chì màu, 2024.

Syzygium ngheanense (Trâm Nghệ An), bút kỹ thuật, 2023, triển lãm tại Margaret Flockton Award Exhibition 2024.
Từ nhỏ, Nhã đã được tiếp xúc với thế giới tự nhiên trong khu vườn trước nhà. Tình yêu dành cho thực vật được khơi nguồn từ những lúc quan sát cây cối, hái hoa, chạm vào những vết nứt trên thân cây hay ngửi mùi thơm của lá và đặt ra vô vàn câu hỏi vì sao; sau đó lại được hun đúc thêm qua những cuốn sách khoa học của gia đình. Khi được tiếp cận Asia (Singapore, 2022) và Margaret Flockton Award (Úc, 2023) bộ sách Tủ Sách Kiến Thức của NXB Kim Đồng phát hành năm 1998, chuỗi series sách khoa học được dịch từ nguyên bản tiếng Anh Eyewitness Books của NXB D.K. (Anh Quốc), những kiến thức khoa học đi cùng hình minh họa sinh động đã nhen nhóm trong Nhã ước mơ trở thành nhà khoa học và vẽ minh họa sách của chính mình.
Năm 2010, khi làm việc tại phòng thí nghiệm thực vật, Nhã bắt gặp các hình vẽ tự minh họa trong sách của cố GS.TS. Phạm Hoàng Hộ và GS.TS. Lê Công Kiệt. Điều này đã khai mở trong chị suy nghĩ rằng, “nếu làm khoa học mà đủ yêu và đủ hiểu, rõ ràng mình cũng có thể tự tay vẽ nên những bản minh họa này”. Bước ngoặt thực sự chỉ đến khi chị được chiêm ngưỡng cuốn sách Weeds of Rice in Indonesia.
Những bức tranh minh họa của họa sư Mohamad Soerjani đã thức tỉnh niềm đam mê của chị với thực vật họa. Từ đó, Nhã say mê tìm hiểu các khái niệm như Botanical Illustration (minh họa khoa học cho thực vật), Scientific Illustration (minh họa khoa học nói chung), Botanical Art (thực vật họa), cũng như bắt đầu tự vẽ minh họa cho các bài viết khoa học của mình. Đến cuối năm 2021, chị quyết định học vẽ bài bản để phát triển thêm kỹ thuật ký họa, chì màu và màu nước, đồng thời dần hình thành phong cách riêng.

Aristolochia decandra (Sơn địch), bút kỹ thuật, 2023, Triển lãm tại Margaret Flockton Award Exhibition 2024.

Calocedrus macrolepis (Tô hạp bách), bút chì màu, 2024, triển lãm tại 10th BAAK International Botanical Art, Competition & Exhibition.
Phong cách của Nhã là sự kết hợp giữa tính chính xác của khoa học và cảm thụ tinh tế của hội họa. Chị chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ họa sĩ Mohamad Soerjani và thầy Victor Wong – một họa sĩ gốc Hồng Kông đang sống tại Canada, người đã động viên Nhã tham gia triển lãm Flora of Southeast Asia ở Singapore. Ngoài ra, chị cũng được truyền cảm hứng từ các họa sĩ thực vật họa nổi tiếng của Singapore như Wai Wai Hove, Teo Nam Siang và Teo Hwee Lee Debbie. Nhìn vào tranh của Nhã, ta thấy được cả những chỉ dấu rất kỹ lưỡng về hướng hoa nở, các tầng cụm lá và cả cấu trúc vi mô mà khó lòng nhận ra nếu chỉ nhìn thoáng qua. Điểm độc đáo trong tranh của Nhã là khả năng tái hiện trọn vẹn thông tin về một loài cây. Từ nụ hoa, cành lá đến hạt, mọi chi tiết đều được khắc họa một cách chân thực.
Chị sử dụng bút kỹ thuật, chì màu và màu nước để thể hiện sự sống động, nhẹ nhàng của thực vật, mang lại cảm giác như chúng đang chuyển động trong chính bức tranh. Việc sắp xếp bố cục của tác phẩm cũng rất quan trọng, vì nó giúp diễn tả đầy đủ các bộ phận và vòng đời của một loài cây trên một khổ giấy mà không làm người xem bị rối hay cảm thấy quá ngột ngạt. Điều này quan trọng vì với Nhã, nếu tác phẩm thực vật họa khiến người xem cảm thấy hứng thú và muốn tìm đọc thêm thông tin về loài cây, đó mới là thành công.
Tình yêu và niềm tự hào dành cho hệ sinh vật bản địa Việt Nam khiến Nhã không bao giờ thiếu cảm hứng và luôn cảm thấy hạnh phúc khi được vẽ. Nhưng Nhã không chỉ vẽ vì thích hay phục vụ mục đích khoa học, đằng sau mỗi bức tranh là một lời kêu gọi bảo tồn. “Con người chỉ yêu và bảo vệ được những gì mà họ thấy đẹp và hiểu được”, Nhã chia sẻ. Khi nhìn những loài cây ngoại lai trong không gian sống hiện đại, chị luôn trăn trở “vì sao Việt Nam – một điểm nóng đa dạng sinh học toàn cầu – có biết bao loài hoa bản địa đẹp không kém nhưng lại bị lãng quên?”.

Camellia yokdonensis (Trà mi Yok Đôn), bút chì màu, 2024.

Sinh cảnh trên nhánh cây Mua, bút chì màu và màu nước, 2023, triển lãm tại Inherent Nature Exhibition 2024.
Câu hỏi ấy đã thôi thúc chị thực hiện các dự án nhằm nâng cao nhận thức về giá trị của hệ thực vật bản địa. Chị tin rằng nghệ thuật thực vật họa không chỉ giúp mọi người yêu thiên nhiên hơn, mà còn góp phần bảo tồn hệ sinh thái phong phú của Việt Nam bằng cách khơi dậy tình yêu với cây trồng bản địa. Những nụ hoa trà mi, những cụm địa y hay những cánh sen trong tranh của chị đều là sự tái hiện sống động di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của đất nước, như một lời nhắc nhở: bảo tồn thiên nhiên chính là bảo tồn tương lai, giữ gìn vẻ đẹp của những điều giản dị, gần gũi quanh ta.
Nhã đặc biệt thích hoa trà mi – biểu tượng hoàn hảo cho sức sống mãnh liệt. Nụ hoa được hình thành trong mùa Đông khắc nghiệt để rồi bung nở rực rỡ nhất khi Xuân về, như một khúc giao mùa đầy hy vọng và niềm tin vào sự tái sinh. Trong dự án Camellia hợp tác với thương hiệu Hemp Ơi, chị đã mang hình ảnh hoa trà mi lên những thiết kế thời trang qua các chi tiết gân lá, cánh hoa, hay cả dáng phồng của tay áo, mô phỏng nụ hoa lúc mới nở… Đó là một trong những bước đi đầu tiên của Nhã trong việc đưa thực vật họa thoát ra khỏi khung tranh, bước vào đời sống thực tế.
Nhìn về tương lai, Thanh Nhã không giấu tham vọng xây dựng một cộng đồng thực vật họa tại Việt Nam. Chị muốn thành lập một hiệp hội để tập hợp các họa sĩ, nhà khoa học và những người yêu nghệ thuật lại với nhau nhằm nâng tầm thực vật họa trong nước, từ đó tiếp tục kể câu chuyện về tình yêu thiên nhiên, về nhịp cầu nối con người với vẻ đẹp giản dị mà sâu sắc của cỏ hoa.
Bài: Đoàn Trúc | Ảnh: NVCC
Xem thêm
Nghệ sĩ cắm hoa Sơn Trần: Biến trực giác thành tác phẩm hoa
Beatrix Farrand: Cái nhìn nhạy cảm với cảnh quan và tình yêu thực vật
Mái bậc thang xanh: Vườn treo sống động