Thay vì đi theo những lối thiết kế quen thuộc với các bức tường cốt thép hay khung tấm thông thường, đội ngũ Cairn Architects đã tiên phong trong việc sử dụng bê tông ít phát thải carbon trong dự án cải tạo và mở rộng một ngôi nhà tại Hackney, London. Dự án mang tên House Made by Many Hands, là công trình nhà ở dân dụng đầu tiên ở Vương quốc Anh thử nghiệm LC3, một loại vật liệu carbon thấp, kết hợp với khung gỗ cứng thay cho vật liệu thép truyền thống. Đi cùng đó là những vật liệu tự nhiên được sử dụng xuyên suốt, cùng với chính sách nghiêm ngặt về tái sử dụng và tái chế nội thất.
Giám đốc sáng lập của Cairn, Kieran Hawkins cho biết : “Tính bền vững là nền tảng cho mọi dự án chúng tôi thực hiện”. Ảnh: James Retief
Nằm trên một con phố đông dân cư và không có ô tô qua lại, ngôi nhà hai tầng 77m² từ thời Victoria này sở hữu diện tích đất hạn chế khi không có sân sau và chỉ có một dải đất ngoài trời nhỏ hẹp. Trước khi cải tạo, căn nhà rất tối và chật chội. Thách thức đặt ra là phải nâng cấp nơi đây thành một không gian sống đạt tiêu chuẩn hiện đại theo hướng bền vững nhất có thể, thông qua việc tái sử dụng và tái mục đích các vật liệu sẵn có.
Căn nhà theo phong cách Victoria có mặt tiền hướng ra vịnh, nằm ngay cạnh công viên Victoria, với một góc vườn xinh xắn phía trước. Ảnh: James Retief
Mong muốn của chủ đầu tư và các kiến trúc sư là một không gian sống “nhẹ hơn, rộng rãi hơn, tiện dụng hơn và đẹp hơn, đồng thời vẫn giữ đúng các giá trị thiết kế bền vững”. Ảnh: James Retief
Được ủy thác bởi một cặp khách hàng có ý thức bảo vệ môi trường, dự án cải tạo ngôi nhà Victoria nhỏ gọn này đã trở thành nơi thử nghiệm cho xi măng từ đất sét nung và đá vôi (LC3), một loại vật liệu có thể giảm 1-2% lượng phát thải CO2 toàn cầu nếu được ngành xây dựng áp dụng rộng rãi. Trong dự án này, LC3 được sử dụng cho tấm sàn và gia cố nền móng, đồng thời giúp tăng chiều cao trần trong phần thiết kế mở rộng. Nhờ đó, tổng lượng phát thải CO2 của ngôi nhà đã giảm tới 40% so với việc xây dựng sử dụng bê tông, khung thép và tấm thạch cao truyền thống.
Công nghệ này được phát triển tại EPFL ở Thụy Sĩ, phối hợp với các chuyên gia từ Cuba và Ấn Độ. Bê tông làm từ LC3 không khác biệt về mặt hình thức và quy trình thi công so với bê tông thông thường, không đòi hỏi đào tạo bổ sung tại công trường. Ảnh: James Retief
Đầu bếp Dora Taylor – chủ sở hữu căn nhà – có niềm đam mê kiên định với thực phẩm thuần chay bền vững, vừa hoàn thành bằng thạc sĩ về nhân chủng học thực phẩm. Ảnh: James Retief
Taylor và chồng mình, Danny Hubbard – một giáo viên dạy trồng cây và người làm vườn cộng đồng – hy vọng có một gian bếp lý tưởng để cùng nhau nấu ăn, cung cấp thực phẩm thuần chay cho các doanh nghiệp. Ảnh: James Retief
Phương pháp fabric-first là trọng tâm của dự án, khi cả khách hàng và kiến trúc sư đều cam kết giữ lại các yếu tố gốc còn có thể sử dụng được và cẩn trọng trong từng bước xây dựng. Khi cần dùng vật liệu mới, ưu tiên dành cho các vật liệu sinh học như bê tông gai dầu, bần, sợi gỗ, len gỗ và vữa vôi, để bảo vệ môi trường và giúp nâng cao sức khỏe và tinh thần của người sử dụng.
Thay vì dùng đến lớp phủ hoàn thiện, kết cấu và hệ khung gỗ được để lộ, tạo nên điểm nhấn thẩm mỹ ấn tượng cho không gian tầng trệt. Len gỗ thông thoáng được sử dụng để phân chia các bảng bê tông, hoàn thiện bằng lớp vữa vôi. Ảnh: James Retief
Kết cấu gỗ được lựa chọn thay cho kết cấu thép thông thường trong suốt quá trình, có thể tháo rời hoàn toàn khi hết tuổi thọ. Ảnh: James Retief
Mặt bàn bếp thuộc thương hiệu Foresso được làm từ các sản phẩm gỗ tái chế. Ảnh: James Retief
Những vật liệu thu hồi và nội thất cũ được trao tặng cuộc sống thứ hai bất cứ khi nào có thể. Khách hàng đã quyết tâm không sử dụng các vật dụng mới, trừ khi không thể tránh khỏi, nhằm giữ cho ngôi nhà thấm nhuần tính cách và lịch sử độc đáo thời kỳ Victoria.
Sàn gỗ được khai hoang từ Tòa án Bow Magistrates, quạt trần Địa Trung Hải và đèn được tân trang lại. Ảnh: James Retief
Tại tầng trệt, gian bếp rộng rãi trở thành trái tim của ngôi nhà. Sàn tại khu vực này được hạ thấp để tối ưu chiều cao trần, đồng thời giúp tăng cường kết nối thị giác với phòng khách và lối vào từ sân vườn. Để cải thiện hiện trạng tối tăm ban đầu, ánh sáng tự nhiên từ trên cao được ưu tiên tối đa bằng cách bố trí thêm nhiều cửa sổ mái, từ trên phòng tắm và hành lang khu bếp, giúp cả khu vực tầng trệt phía cuối căn nhà sáng bừng. Ở tầng trên, văn phòng làm việc tại nhà cũng được đón nắng từ khoảng sân thượng tiếp giáp.
Mặt bằng tầng trệt. Ảnh: Cairn Architects
Mặt bằng tầng hai. Ảnh: Cairn Architects
Lấy sáng trên mái ở phòng tắm. Tất cả các cửa sổ đều được thay thế bằng kính hai lớp, mang lại độ ấm áp cho ngôi nhà. Ảnh: James Retief
Ngoại trừ cửa vào nhà vệ sinh, không có cửa nội bộ nào ở tầng trệt, giúp tầm nhìn và nguồn sáng tự nhiên được lưu chuyển liên tục. Thay vào đó, các không gian được phân cách bằng các trụ cấu trúc và sự thay đổi cốt sàn.
Hai cột gạch được tái sử dụng từ bức tường cũ bên ngoài. Ảnh: James Retief
Mặt cắt. Ảnh: Cairn Architects
Dự án này là bài thực hành trong việc cân bằng các ràng buộc pháp lý với việc tái sử dụng hạ tầng có sẵn, thử nghiệm vật liệu có hàm lượng carbon thấp, kiểm chứng khả năng thi công và mức độ chi phí. Đội ngũ thiết kế đã làm việc chặt chẽ với các kỹ sư kết cấu của Structure Workshop, sử dụng công cụ Carbon Calculator có bản quyền để thực hiện các phép tính carbon tiềm ẩn, từ đó đưa ra lựa chọn loại vật liệu và số lượng cần thiết. Cả khách hàng và các đối tác cũng đã tích cực tham gia vào dự án, làm việc cùng với nhà thầu và kiến trúc sư để đúc thủ công các bức tường hempcrete. Quyết định làm tường thủ công, thay thế các công cụ điện bằng năng lượng của con người, đã tạo ra một hoạt động tập thể bổ ích và một dự án được thực hiện bởi nhiều bàn tay. Nỗ lực chung này được phản ánh trong các biển quảng cáo tại công trường được in bằng một bản phác thảo ghép về chủ đề Ngôi nhà của tương lai do học sinh của trường tiểu học liền kề thực hiện: một biển quảng cáo được thực hiện bởi nhiều bàn tay.
Bức tường Hempcrete (bê tông gai dầu lộ thiên) là một vật liệu địa phương không phát thải carbon và mang đến cá tính rõ nét cho không gian. Những lớp kết cấu xếp tầng trên bức tường chính là công sức tập thể, tạo nên một bức tường thủ công độc bản. Ảnh: James Retief
Dự án đã nhận được sự công nhận với các giải thưởng danh giá như Environmental Leadership Prize và NLA Don’t Move Improve Awards 2024, khẳng định tính bền vững và tầm ảnh hưởng trong tương lai của mô hình xây dựng ít carbon.
Thực hiện: Hoàng Mai | Theo: Archdaily, Cairn Architects
Xem thêm:
Căn hộ cải tạo Barcelona: Lưu giữ vẻ đẹp của gạch xưa
Cải tạo căn hộ Port-Royal: Kiến trúc đương đại trong tòa nhà lịch sử
Nhà North London: Dự án cải tạo mang tinh thần Wabi-Sabi