Những quả châu Giáng Sinh được trưng bày bên trong bảo tàng thủy tinh ở Lauscha, Đức. Ảnh: Thüringer Wald Service GmbH
Chúng ta đã biết lý do vì sao Giáng Sinh có truyền thống trang trí cây thông Noel, nhưng còn những quả châu trên cây thông thì ra đời vào khi nào? Đây là một câu chuyện rất dài, bắt nguồn từ thị trấn Lauscha nằm kề bên thung lũng Thuringia nước Đức. Nơi đây chính là cái nôi khai sinh những quả châu Giáng Sinh, một di sản văn hóa phi vật thể của Đức được UNESCO công nhận đã có hơn 150 năm tuổi đời.
Nếu bạn rất muốn tìm những quả châu Giáng Sinh đặc biệt, được thổi tay thủ công thay vì chế tác công nghiệp đại trà, hãy ghé qua thị trấn Lauscha trong chuyến du lịch Đức.
Ngược dòng lịch sử truyền thống trang trí cây thông Noel
Ảnh: Hert Niks on Unsplash
Cách đây hàng trăm năm, con người ở châu Âu dùng trái cây – đặc biệt là táo – và các loại ngũ cốc khô để trang trí cây thông. Không rõ lý do vì sao. Có lẽ vì họ không nhiều lựa chọn, hoặc đây là một cách để các người nông dân bán đi những gì còn thừa từ mùa vụ thu hoạch của mình.
Tất nhiên, dùng đồ ăn thật trang trí cây thông đồng nghĩa với việc chúng dễ dàng bị hỏng. Vậy tại sao chúng ta không tìm vật liệu để thay thế? Đây là sáng kiến của những người nghệ nhân thổi thủy tinh ở thị trấn Lauscha tại Đức.
Theo truyền thuyết, quả châu Giáng sinh được phát minh ở thị trấn Lauscha vào những năm 1830. Người địa phương truyền miệng nhau rằng, một người thổi thủy tinh không đủ tiền mua trái cây tươi và các loại hạt để trang trí cây thông Noel của mình đã quyết định làm phiên bản thủy tinh mô phỏng những món ăn này.
Cũng có ghi chép cho rằng Hans Greiner, một người sáng lập xưởng sản xuất thủy tinh tại Lauscha, đã lên ý tưởng sản xuất đồ trang trí cây thông bằng thủy tinh vào năm 1847. Ông không những thổi quả châu mà còn quết lớp bạc lên bên trong quả châu, làm từ hợp chất bạc nitrat và nước đường, tạo ra những món đồ trang trí nhà cửa lấp lánh phản chiếu ánh sáng.
Quả Châu Giáng Sinh nối dài truyền thống thổi thủy tinh ở thị trấn Lauscha nước Đức
Các mẫu quả châu Giáng Sinh từ cuốn catalogue của Erwin Geyer, thuộc Lauscha, năm 1936. Ảnh: Corning Museum of Glass
Truyền thống thổi thủy tinh đã có ở Lauscha từ năm 1597. Thị trấn này nằm nép mình trong thung lũng và rừng Thuringia, nơi dư dả các vật liệu để làm thủy tinh: gỗ để tạo lửa, cát để nấu chảy thành thủy tinh và đá vôi để làm cứng chất liệu. Thiên thời địa lợi nhân hòa, Lauscha và các cộng đồng xung quanh trở thành một trong những vùng sản xuất thủy tinh quan trọng nhất ở Trung Âu từ thời Trung Cổ.
Khi những nghệ nhân ở thị trấn Lauscha đưa ra phát kiến sáng chế những quả châu Giáng Sinh, việc trang trí đón mùa lễ về đã trở thành một truyền thống lớn tại đây. Thị trấn nhỏ ở phía Đông nước Đức này đã bắt đầu xuất khẩu quả châu sang các quốc gia khác từ những năm 1870, như Anh Quốc và Mỹ.
Những bông hoa thủy tinh trang trí nhà cửa. Ảnh: ELIAS Glashütte – Farbglashütte Lauscha
Tháng 11 hàng năm, Lauscha lại mở hội chợ quả châu – Kugelmarket – trưng bày những kiểu dáng quả châu thủy tinh đặc sắc nhất. Các thiết kế nổi tiếng từ khu vực gồm hình trái nho, rau củ quả, những đôi giày, các loại hạt, cá, dụng cụ âm nhạc, thiên thần,…
VUI VUI: Bên cạnh thị trấn Lauscha chuyên sản xuất quả châu thủy tinh, còn có ngôi làng Steinach nổi tiếng với các món đồ trang trí bằng giấy và kỹ thuật paper maché. Tại ngôi làng Steinach, xưởng Marolin thành lập năm 1900 chuyên sản xuất các quả châu làm từ giấy paper mache có bề ngoài trông như sứ bóng loáng.
Biết gì khi đi du lịch ở thị trấn Lauscha, Đức?
Thị trấn Lauscha vào mùa thu. Ảnh: lookphotos/ Bayerl, Günther
Cách nào đến thị trấn Lauscha?
Bạn bay đến thành phố Frankfurt, dùng tàu để di chuyển đến thị trấn này. Đây là cách tiện lợi nhất, vì sân bay quốc tế Frankfurt có những chuyến bay kết nối trực tiếp với TP.HCM và Hà Nội. Dù chuyến tàu sẽ khiến hành trình của bạn dài thêm 5 tiếng đồng hồ, song việc dùng tàu cao tốc ở châu Âu rất tiện lợi và thoải mái.
Làm gì khi đến đây?
Trải nghiệm thổi thủy tinh và các quả châu Giáng Sinh ở thị trấn Lauscha. Ảnh: ELIAS Glashütte – Farbglashütte Lauscha
- Tham quan bảo tàng thủy tinh của Lauscha. Bảo tàng tích trữ những thiết kế với niên đại hơn 100 năm, cho thấy sự tiến triển của kỹ thuật thổi thủy tinh ở khu vực.
- Trải nghiệm workshop thổi thủy tinh. Đến Lauscha, bạn có thể thử tự mình thổi các quả châu Giáng Sinh, trải nghiệm quá trình nung cát ở nhiệt độ 900ºC, thêm màu và tạo hình thiết kế dưới sự theo dõi của các nghệ nhân tại Elias Glashütte.
- Tham quan xưởng thủy tinh Thüringer Weihnacht. Đây là một trong những xưởng sản xuất thủy tinh và quả châu Giáng Sinh lâu đời tại thị trấn Lauscha, ngày nay vẫn thuộc quyền quản lý của đời thứ ba gia đình thổi thủy tinh truyền thống.
- Dùng bữa tại quán GlasCafé ở studio Glaszentrum. Glaszentrum là xưởng sản xuất thủy tinh nhỏ cuối cùng ở Thung lũng Thuringia sản xuất những chiếc ly uống nước “sẵn sàng để đưa vào lò nung”. Quán cafe GlasCafé thiết kế menu ẩm thực xinh đẹp được phục vụ bởi hàng thủy tinh địa phương.
Khi nào nên đi du lịch Lauscha?
Đến đây vào mùa thu, bạn vừa có thể ngắm khung cảnh lá đỏ và theo dõi thị trấn nhộn nhịp chuẩn bị hàng hóa cho mùa Giáng Sinh. Còn nếu đi du lịch vào mùa đông, bạn có thể trượt tuyết.
Bạn có thể đọc thêm về thị trấn Lauscha tại website chính thức lauscha-glaskunst.com