Bên cạnh những tranh cãi xoay quanh tình tiết và cốt truyện, không thể phủ nhận sức hút của loại phim Emily in Paris do Netflix sản xuất qua bối cảnh tuyệt đẹp, khắc họa văn hóa và lối sống của người Pháp một cách tự nhiên, gần gũi. Những thước phim nvề thành phố Paris – nơi tình yêu, ánh sáng và thời trang tụ hội, còn đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt câu chuyện và trải nghiệm của các nhân vật. Trong bài viết này, hãy cùng ELLE Decoration khám phá những địa điểm mang tính biểu tượng đã xuất hiện trong cuộc phiêu lưu của cô nàng Emily tại miền Bắc nước Pháp.
Ảnh: Netflix
1. Căn hộ của Emily
Căn hộ trên tầng 5 của một tòa chung cư ở phía nam Quảng trường Place de l’Estrapade, Quận 5, thành phố Paris là nơi cuộc phiêu lưu của Emily Cooper bắt đầu, cũng là bối cảnh chính, xuất hiện trong hầu hết series. Khu phố Latin cổ điển này thể hiện sự quyến rũ, lãng mạn của Paris qua những con đường lát đá cuội và phong cách kiến trúc truyền thống. Nhờ vào sức hút của loạt phim Emily in Paris, Place de l’Estrapade đã trở thành một địa điểm tham quan nổi tiếng đối với du khách trong và ngoài nước.
Ảnh: Netflix
2. Bistro Terra Nera
Bistro Terra Nera được biết đến trong loạt phim với cái tên “Les Deux Compères”, nhà hàng nơi Gabriel – anh chàng hàng xóm tốt bụng ở tầng dưới nhà của Emily làm đầu bếp. Địa điểm này là trung tâm của nhiều khoảnh khắc quan trọng, bao gồm những bữa tối lãng mạn và những cuộc trò chuyện căng thẳng làm phức tạp thêm đời sống tình cảm của tuyến nhân vật chính. Bistro Terra Nera thực chất là một nhà hàng Ý nổi tiếng tại Paris và chỉ cách tiệm bánh La Boulangerie Moderne – nơi Emily hay tìm đến để mua những chiếc bánh sừng bò thơm ngon vài bước chân.
Ảnh: Netflix
3. Jardin du Palais Royale
Jardin du Palais Royale được ví như viên ngọc quý giữa lòng Paris bởi không gian rợp bóng cây tươi mát, là bối cảnh hoàn hảo để sắp đặt một cuộc gặp gỡ giữa Emily và người bạn thân đầu tiên của cô tại đất nước xa lạ – Mindy. Khu vườn xinh đẹp này nằm trong khuôn viên của một cung điện hoàng gia cũ trên trục đường Rue Saint-Honoré, Quận 1, rất gần với bảo tàng Louvre nổi tiếng và hiện đang mở cửa rộng rãi cho công chúng tham quan với vai trò công viên cộng đồng.
Chiếc ghế dài nơi Mindy và Emily ngồi nằm dọc theo những hàng cây và có khắc một câu trích dẫn “Aujourd’hui, c’est demain et hier qui s’épousent” nổi tiếng của nhà thơ và nghệ sĩ người Pháp, Jean Cocteau. Ảnh: Netflix
4. Cầu Alexandre III
Pont Alexandre III là một trong những cây cầu có chi tiết cầu kì và mang tính biểu tượng nhất của nước Pháp, nổi tiếng với thiết kế tỉ mỉ và tầm nhìn bao quát ra sông Seine. Hoàn thành vào năm 1900 cho Exposition Universelle (tạm dịch: Triển lãm Thế giới), cây cầu được đặt theo tên của Sa hoàng Alexander III người Nga, tượng trưng cho liên minh Pháp – Nga lúc bấy giờ. Pont Alexandre III nối đại lộ Champs-Élysées với Les Invalides, mang phong cách Art Nouveau tinh xảo thể hiện qua các bức tượng mạ vàng, cột đèn trang trí công phu và các tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp về nàng tiên và những chú ngựa thần. Cây cầu cũng là một địa điểm phổ biến đối với các nhà làm phim. Trước khi xuất hiện trong Emily in Paris ở phân cảnh quay quảng cáo nước hoa De L’Heure cho Maison Lavaux, Pont Alexandre III đã góp mặt trong các bộ phim đình đám như: Moulin Rouge, Chocolat, Bollywood film An Evening In Paris, Ronin và Midnight in Paris.
Ảnh: Moonik
5. Le Château de Sonnay
Camille, người bạn thứ hai của Emily, lớn lên tại một điền trang thuộc sở hữu của gia đình cô ở Thung lũng Loire, được gọi là Château de Lalisse, xuất hiện lần đầu trong tập 8 của phần 1. Mặc dù đó là một cái tên hư cấu nhưng điền trang lịch sử đẹp như tranh vẽ này hoàn toàn có thật với tên gốc là “Le Château de Sonnay”. Lâu đài nổi tiếng với kiến trúc Pháp cổ điển, những khu vườn xanh mát và những vườn nho rộng lớn. Lịch sử của nó có từ thế kỷ 13, trải qua nhiều thăng trầm, lâu đài vẫn được bảo tồn tỉ mỉ, duy trì mặt tiền thanh lịch và nội thất tinh tế.
Ảnh: Netflix
6. L’atelier des Lumieres
L’Atelier des Lumières là một bảo tàng kỹ thuật số nổi tiếng tại Paris, liên tục gây ấn tượng với cộng đồng quốc tế bằng các triển lãm sáng tạo đầy choáng ngợp, tái hiện nghệ thuật thông qua công nghệ tiên tiến. Mở cửa vào năm 2018, bảo tàng được cải tạo từ một nhà máy bỏ hoang, mang đến bầu không khí công nghiệp nhưng vẫn tràn ngập hơi thở nghệ thuật. Tuy nhiên, nếu bạn đang mong đợi cảnh tượng được bước đi trong bức tranh “Starry Night” của danh họa Vincent Van Gogh như trên những thước phim của Emily in Paris thì rất tiếc điều đó sẽ không còn nữa bởi đây chỉ là chủ đề của một triển lãm lưu động, được tổ chức trong thời gian ngắn tại nhiều địa điểm khác nhau trên khắp thế giới.
Ảnh: DR
7. Đền thờ Panthéon
Nằm tại khu phố Latin tươi đẹp, ban đầu, điện Panthéon được xây dựng như một nhà thờ dành riêng cho Genevieve vị thánh bảo trợ của Paris. Tuy nhiên, sau đó, công trình đã được chuyển đổi mục đích sử dụng, trở thành lăng mộ lưu giữ hài cốt của một số nhân vật được kính trọng nhất nước Pháp, bao gồm: Voltaire, Rousseau, Victor Hugo, Émile Zola và Marie Curie.
Ảnh: Netflix
Kiến trúc của điện Panthéon được ví như kiệt tác của thiết kế Tân cổ điển, lấy cảm hứng từ điện Pantheon của La Mã. Mặt tiền lớn được cấu tạo từ một cổng vòm và các thức cột Corinthian, gợi nhớ đến những ngôi đền Hy Lạp cổ đại. Mái vòm uy nghiêm bao phủ tòa nhà là một trong những mái vòm cao nhất Paris. Bên trong điện Panthéon cũng ấn tượng không kém với không gian nội thất tràn ngập những bức bích họa công phu và những tác phẩm điêu khắc phức tạp. Tuy xuất hiện trong phân cảnh chia tay của Emily và người bạn trai ở Chicago nhưng vẻ ngoài tráng lệ của công trình như muốn ám chỉ về cuộc sống tươi đẹp tại Pháp vẫn đang chờ đón cô nàng ở phía trước.
Ảnh: Jean-Pierre Lavoie
8. Café de Flore
Ra đời vào cuối thế kỷ 19, Café de Flore – quán cà phê nơi Emily thường xuyên tụ họp với đồng nghiệp ở Savoir, nhanh chóng trở thành trung tâm của giới trí thức và sáng tạo Paris. Trong suốt thế kỷ 20, nơi đây là địa điểm lui tới của một số nhân vật có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực văn học, triết học và nghệ thuật, bao gồm: Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Albert Camus và Pablo Picasso. Quán cà phê này vẫn giữ được ý nghĩa văn hóa của mình qua nhiều năm, vẫn là điểm đến phổ biến cho cả người dân địa phương và khách du lịch muốn trải nghiệm một phần lịch sử Paris.
Ảnh: Celette
9. Opera Garnier
Palais Garnier – nơi cô nàng Emily đến xem vở nhạc kịch “Hồ Thiên Nga”, được Hoàng đế Napoleon III ủy quyền xây dựng và hoàn thành vào năm 1875, do kiến trúc sư Charles Garnier đảm nhận nhiệm vụ thiết kế. Nơi đây nổi tiếng với diện mạo xa hoa từ trong ra ngoài. Mặt tiền được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc và tượng mạ vàng chạm khắc tinh xảo, thể hiện sự hùng vĩ của Paris thế kỷ 19 và di sản kiến trúc Beaux-Arts phong phú. Bản thân khán phòng cũng là một cảnh tượng ngoạn mục với thiết kế hình móng ngựa, chỗ ngồi màu đỏ sang trọng và trần nhà được vẽ bởi danh họa Marc Chagall. Nơi đây chính là nguồn cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết “The Phantom of the Opera” của Gaston Leroux, khiến nó trở nên gần gũi trong nền văn hóa đại chúng.
Ảnh: Netflix
Ảnh: Tư liệu
10. Tháp Eiffel
Khi đến Paris, bạn không thể không ghé thăm tháp Eiffel – biểu tượng đặc trưng cho thành phố tình yêu và ánh sáng. Đây cũng là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất trên thế giới. Tháp được xây dựng vào năm 1889 bởi kiến trúc sư lỗi lạc Gustave Eiffel, nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp thắng lợi. Tháp cao 324m, xây dựng hoàn toàn bằng thép, gồm ba tầng với các chức năng khác nhau: tầng mặt đất chứa móng và hệ chân đỡ của tháp, tầng hai và ba đều được trang bị cửa sổ kính và kính viễn vọng để du khách có thể nhìn ngắm toàn cảnh Paris. Trong phần 3 của loạt phim, Emily đã cùng Sylvie và đại diện thương hiệu McDonald’s dùng bữa tối tại nhà hàng Le Jules Verne ngay trên tầng 2 của Tháp Eiffel – một không gian tràn đầy phong cách để bàn chuyện kinh doanh.
Ảnh: Tư liệu
11. Cung điện Versailles
Lâu đài Versailles – một trong những cung điện xa hoa nhất thế giới, là minh chứng cho thời kỳ đỉnh cao của lịch sử hoàng gia Pháp. Ban đầu, nơi đây được xây dựng như một nhà nghỉ săn bắn của vua Louis XIII, sau đó được con trai ông là Louis XIV, biến thành biểu tượng tráng lệ của chế độ quân chủ chuyên chế và là hình ảnh thu nhỏ của kiến trúc Baroque tại Pháp. Khu vườn bao quanh cung điện có 372 bức tượng, 600 đài phun nước và nổi bật nhất là Hall of Mirrors (tạm dịch: Sảnh Gương) với 357 tấm gương. Hall of Mirrors cũng là nơi được giới thiệu trong phần 2 của series phim Emily in Paris, địa điểm tổ chức buổi ra mắt dòng sản phẩm thời trang cao cấp, quyến rũ của nhà thiết kế Gregory.
Buổi trình diễn bộ sưu tập mới của nhà thiết kế Gregory ở Hall of Mirrors. Ảnh: Netflix
12. Nghĩa trang Père Lachaise
Được thành lập vào năm 1804 bởi Napoleon Bonaparte, Père Lachaise là nghĩa trang đầu tiên ở Paris và nhanh chóng trở thành nơi an nghỉ cuối cùng của nhiều danh nhân nổi bật trong lịch sử nhân loại. Trải qua hàng thập kỷ, nơi đây đã trở thành biểu tượng di sản văn hóa Pháp, lưu giữ và không ngừng truyền tụng những câu chuyện về các nhân vật huyền thoại như Oscar Wilde, Jim Morrison, Frédéric Chopin, Marcel Proust… Trong Emily in Paris, nghĩa trang Père Lachaise xuất hiện ở phần 2 với phân cảnh Emily đến thăm mộ của danh ca Edith Piaf. Cảnh quay này ẩn chứa thông điệp vô cùng sâu sắc về cuộc sống: “Bạn không thể trân trọng những ngày được sống mà không trải qua sự suy ngẫm về cái chết”.
Ảnh: Netflix
Để tạo ra thành công cho loạt phim Emily in Paris, từng địa điểm, từng khung hình về thành phố rực rỡ và thơ mộng này đóng vai trò vô cùng quan trọng, gần giống như xây dựng một tuyến nhân vật độc lập. Không chỉ là bối cảnh đẹp, nhiều địa điểm khác nhau trên khắp thành phố còn phản ánh nét quyến rũ về văn hóa và sự sôi động định hình nên cuộc sống của người dân thủ đô nước Pháp. Từ những con phố lãng mạn cho đến những quán cà phê nhộn nhịp, mỗi bối cảnh đều phải trải qua quá trình lựa chọn và cân nhắc kỹ lưỡng để phản ánh hành trình của Emily khi cô vượt qua những trở ngại về tình yêu, công việc và tình bạn ở một đất nước xa lạ.
Thực hiện: Thùy Như
Xem thêm:
Cảm hứng thiết kế nhà bếp từ bộ phim “The Bear”
Bối cảnh siêu thực trong phim Poor Things
Bối cảnh nghệ thuật trong phim The Taste of Things