Trong suốt hơn 50 năm sự nghiệp, Colin Fournier đã góp phần thay đổi cách thế giới nhìn nhận về kiến trúc, không dừng lại ở yếu tố chức năng vật lý thông thường mà cả khả năng liên tục biến đổi, thích ứng với nhu cầu của con người và sự phát triển của xã hội. Ông là một trong những kiến trúc sư tiên phong của thế kỷ 20, luôn không ngừng tìm kiếm những giải pháp mới mẻ và táo bạo, phá vỡ mọi khuôn khổ của các xu hướng kiến trúc đương đại. Mỗi công trình của ông đều mang trong mình hơi thở của tương lai, tạo nên những trải nghiệm sống động và không gian tương tác độc đáo.
Archigram và tính đột phá trong kiến trúc
Colin Fournier sinh năm 1944 tại Paris, nhưng sự nghiệp kiến trúc của ông lại gắn liền với London khi ông theo học tại trường Architectural Association School of Architecture vào năm 1964. Tại đây, ông gặp gỡ và tham gia nhóm Archigram với các thành viên Peter Cook, David Greene, Warren Chalk-tập thể những kiến trúc sư với tầm nhìn tiên phong, vượt xa quy chuẩn truyền thống. Nhóm đã tạo nên một cuộc cách mạng trong tư duy kiến trúc, đặc biệt là cách nhìn về đô thị tương lai. Với những ý tưởng táo bạo và giải pháp thiết kế mang tính đột phá như “Plug-in City” và “Walking City”, họ đã thúc đẩy sự thay đổi toàn diện trong cách thiết kế và hình dung về môi trường sống. Nhờ vào tinh thần sáng tạo và tư duy vượt thời đại, Colin Fournier cùng các cộng sự đã trở thành những người dẫn đầu, tạo cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ sau.
“Không cần biết một tòa nhà sáng tạo, thay đổi, hay mang tính thử nghiệm đến đâu, điều thực sự quan trọng là toàn bộ thành phố phải thay đổi.” — Colin Fournier. Ảnh: J.J. Kucek.
Điểm nổi bật trong triết lý kiến trúc của Colin Fournier chính là khả năng biến các công trình thành những thực thể sống động, luôn tương tác với môi trường và người sử dụng. Ông đưa ra những ý tưởng về cách bố trí không gian, tìm cách kết nối chúng với các yếu tố tự nhiên và công nghệ. Khả năng của kiến trúc trong việc phản hồi trước sự thay đổi, từ khí hậu, ánh sáng đến nhu cầu của con người — là điểm cốt lõi trong mọi dự án của Colin Fournier. Với ông, không gian sống không phải là những khối hình bất biến, mà là những môi trường linh hoạt, có khả năng thích ứng và tiến hóa theo thời gian.
Những dấu ấn trên bản đồ kiến trúc toàn cầu
Một trong những dự án đáng nhớ nhất của Colin Fournier là Kunsthaus Graz tại Áo, được thực hiện cùng với Peter Cook vào năm 2003. Công trình này nổi tiếng với biệt danh là “Người ngoài hành tinh thân thiện” (Friendly Alien) bởi hình dáng đặc biệt và cách nó thách thức mọi giới hạn về kỹ thuật và công nghệ.
Toàn cảnh Kunsthaus Graz — biểu tượng kiến trúc đương đại ở thành phố Graz, Áo, với hình dáng tựa sinh vật lạ ngoài hành tinh. Ảnh: Marion Schneider & Christoph Aistleitner.
Kunsthaus Graz được xây dựng bằng công nghệ tiên tiến, cho phép tạo ra các bề mặt cong một cách chính xác và liền mạch. Tòa nhà sử dụng hệ thống điều khiển ánh sáng hiện đại, mặt ngoài được bao phủ bởi 930 đèn LED, được bố trí phía sau các tấm plexiglass màu xanh dương trong suốt. Mỗi bóng đèn được kết nối với một hệ thống điều khiển số và có thể điều khiển riêng lẻ, cho phép hiển thị các hình ảnh và thông điệp với tốc độ 18 khung hình mỗi giây.
Kunsthaus Graz không chỉ là một công trình nghệ thuật mà còn là một phần của đô thị Graz, tạo ra trải nghiệm thị giác độc đáo và mang tính tương tác cao. Ảnh: Isiwal.
Colin Fournier còn đặc biệt quan tâm đến việc kiến trúc có thể tác động tích cực đến sức khỏe và đời sống con người. Một minh chứng tiêu biểu cho tầm nhìn này là dự án nhà ở thử nghiệm The Circadian House ứng dụng ánh sáng trời nhằm tối ưu hóa đồng hồ sinh học của con người. Công trình này sử dụng thiết kế thông minh với 15 cửa sổ đa hướng, cho phép ánh sáng tự nhiên chiếu vào suốt cả ngày, giúp điều chỉnh nhịp sinh học tự nhiên của người sống trong không gian. Hiện tại, The Circadian House chỉ tồn tại trong Metaverse và được trưng bày tại EPFL Pavilions Museum ở Lausanne.
Mặt ngoài của The Circadian House. Ảnh: Studio Colin Fournier.
Điểm nổi bật của thiết kế là 11 giếng trời, được bố trí sao cho ánh sáng mặt trời vào đúng vị trí dựa trên hoạt động và thời gian trong ngày. Ảnh: Studio Colin Fournier.
Ngoài những dự án tập trung vào kiến trúc dân dụng, Colin Fournier còn có những đóng góp to lớn trong việc phát triển các khu đô thị, nổi bật nhất là dự án tái cấu trúc Yanbu, Saudi Arabia. Ông đã giữ vai trò giám đốc quy hoạch của Ralph M. Parsons Company, nơi ông thiết kế mô hình thành phố công nghiệp bao gồm nhà máy lọc dầu, cơ sở hóa dầu, và khu dân cư hiện đại. Với tổng ngân sách lên đến 2 nghìn tỷ USD, đây là một trong những dự án phát triển đô thị lớn nhất ở Trung Đông.
Mô hình thành phố công nghiệp Yanbu — một tổ hợp đô thị công nghiệp khổng lồ với đầy đủ tiện ích và dịch vụ cho đội ngũ quản lý, nhân viên và gia đình họ. Ảnh: Alpin.
Không dừng lại ở các công trình mang tính quy mô công nghiệp, ông còn tham gia vào nhiều dự án quy hoạch không gian công cộng, chẳng hạn như công viên Parc de la Villette ở Quận 19, Paris (1984-1987) phối hợp cùng kiến trúc sư Bernard Tschumi, không gian công cộng của Bundesamt fur Statistik ở Neuchatel, Thụy Sĩ, Open Cinema tại Bồ Đào Nha…
Cùng với kiến trúc sư người Thụy Sĩ Bernard Tschumi (1944), Colin Fournier đã phát triển quy hoạch tổng thể và lên ý tưởng thiết kế cho công viên Parc de la Villette ở quận 19, Paris từ năm 1984 đến năm 1987. Ảnh: Modlar.
Không gian công cộng của tòa nhà Bundesamt fur Statistik ở Neuchatel, Thụy Sĩ. Ảnh: Manu Friederich.
Vào năm 2012, dự án “Open Cinema” của Colin Fournier đã được hoàn thành tại Guimarães thuộc Vùng Norte của Bồ Đào Nha. “Open Cinema” đã được chọn làm dự án cho Lisbon Architecture Triennale 2013. Ảnh: Marysia Lewandowska.
Ảnh: Marysia Lewandowska.
Nguồn cảm hứng cho thế hệ sau
Bên cạnh vai trò kiến trúc sư, Colin Fournier còn cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Năm 1995, ông trở thành giáo sư kiến trúc và đô thị tại trường Bartlett School of Architecture. Ngoài ra, ông còn là giáo sư thỉnh giảng tại trường Chinese University of Hong Kong và vẫn duy trì việc giảng dạy cho đến những ngày cuối đời tại Confluence Institute, Paris.
Colin Fournier trong một buổi giảng tại trường Chinese University of Hong Kong. Ảnh: CUHK School of Architecture
Ngoài giảng dạy, Colin Fournier còn tham gia sáng lập và dẫn dắt nhiều dự án học thuật lẫn thực tiễn có tầm ảnh hưởng quốc tế. Với vai trò Giám đốc khóa học Thạc sĩ Khoa học về Thiết kế đô thị tại Bartlett, ông đã góp phần quan trọng trong việc định hình tư duy kiến trúc cho thế hệ trẻ. Ông không bao giờ chấp nhận những giới hạn trong sáng tạo, luôn khuyến khích các sinh viên phá vỡ những khuôn mẫu cũ và tự do thể hiện tầm nhìn cá nhân của mình.
Di sản của Colin Fournier vượt xa những công trình biểu tượng hay những giải thưởng danh giá mà ông từng nhận. Ông đã khơi dậy một tầm nhìn kiến trúc đột phá, nơi không gian không còn tĩnh lặng mà luôn chuyển động, tương tác và phục vụ con người.
Tổng hợp: Bảo Trân
Xem thêm
Kiến trúc sư Frank Gehry: Biểu tượng của kiến trúc đương đại
Kiến trúc sư Frank Lloyd Wright và những công trình mang tính lịch sử
Muôn màu Iris Apfel