Sở hữu hơn 3,5 triệu độc giả trên Weibo, 850.000 người theo dõi trên WeChat, hợp tác với nhiều thương hiệu lớn như Chanel, Fendi, Givenchy… và là người châu Á đầu tiên tham gia vào công việc thiết kế với thương hiệu Tod’s là những thông tin ấn tượng về Liang Tao, một trong những người có sức ảnh hưởng nhất trong thị trường túi xách hàng hiệu ở Trung Quốc.
Chàng sinh viên tài chính đam mê túi xách
Sinh ra trong gia đình có bố và mẹ làm trong lĩnh vực tài chính, Liang được kỳ vọng sẽ nối nghiệp gia đình. Tuy nhiên, với niềm đam mê thời trang, đặc biệt là túi xách hàng hiệu, anh đã quyết định rẽ hướng.
Chàng sinh viên tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Columbia đã bắt đầu bước vào không gian kỹ thuật số vào năm 2011 với mạng lưới xã hội nổi tiếng Ren Ren, sau đó được gọi là “Facebook của Trung Quốc”. Bài đăng đầu tiên nhận về hàng nghìn lượt “chia sẻ” là một bức ảnh về chiếc túi xách bình dân có giá dưới 10.000 Nhân dân tệ (RMB).
Không chỉ yêu thích túi xách hàng hiệu, Liang còn dành nhiều thời gian để tìm hiểu sâu hơn về nó. “Đôi khi, tôi sẽ nghiên cứu cả ngày, từ sáng đến tối, chỉ để nghiên cứu ngày phát hành cho một túi cụ thể. Tôi nghĩ tôi thích túi xách theo một cách khác so với các cô gái. Tôi quan tâm đến lịch sử và triển vọng phát triển của nó”.
Từ đó, Liang mong muốn mở ra một kênh để chia sẻ những gì mình biết với mọi người, đồng thời một phần nào đó giúp họ chọn được chiếc túi xách ưng ý: “Tôi muốn mang đến cho người đọc một cách nhìn mới”, anh chia sẻ với BoF.
Từ blogger đến "ông hoàng" túi xách hàng hiệu ở Trung Quốc
Liang ra mắt blog Mr. Bags vào năm 2012 và nhanh chóng trở thành người đánh giá túi xách hàng hiệu thu hút nhiều độc giả. Xếp thứ 3 trong danh sách những blogger thời trang có ảnh hưởng nhất của Trung Quốc, Liang sử dụng “kho tàng” kiến thức về túi xách hàng hiệu không chỉ để thông tin về xu hướng mới nhất mà còn giúp các thương hiệu lớn hiểu được người tiêu dùng Trung Quốc.
“Có hàng trăm, hàng nghìn người thích mua túi xách nhưng họ cần phải đi làm, nuôi dạy con. Họ không có thời gian để nghiên cứu và quyết định túi nào đáng mua, thiết kế mới nhất là gì và mua chúng ở đâu là tốt nhất. Tôi cung cấp cho họ những lời khuyên như vậy”, anh nói.
Song, điều làm Liang khác biệt với những blogger khác ở Trung Quốc chính là góc nhìn. Không đi theo mục đích thương mại, Liang cung cấp những đáng giá dựa trên nghiên cứu tỉ mỉ và một giọng nói độc lập, thông minh. Đó chính là lý do vì sao Liang có thể xây dựng một lực lượng người hâm mộ (#bagsfan) hùng hậu đến thế.
Vào tháng 6 năm nay, Liang đã hợp tác với thương hiệu Tod’s để ra mắt mẫu túi xách mini phiên bản giới hạn có hình dáng giống như một chú chó. Chiếc túi có giá khoảng 10.800 RMB (khoảng 1.620 USD) được bán sạch chỉ trong vòng 6 phút, tạo ra 3.24 triệu RMB (gần 500.000 USD) lợi nhuận. Điều này đã phá vỡ kỷ lục của chính anh khi năm trước, anh đã đem về 1,2 triệu RMB khi bán hết mẫu túi xách hợp tác Givenchy trong 12 phút.
“Trung Quốc là thị trường chiến lược quan trọng của Tod’s và Mr. Bags. Với kiến thức sâu rộng, sự am hiểu về thị trường và khách hàng của mình, anh ấy là cộng tác viên hoàn hảo cho chúng tôi”, một phát ngôn viên của Tod’s nói với BoF.
Liang cho biết: “Những chiếc túi xách có kích thước nhỏ, chỉ vừa một chiếc điện thoại, một vài thẻ tín dụng và một thỏi son môi đang được ưa chuộng. Các cô gái Trung Quốc thường có vóc dáng nhỏ nhắn và phong cách nữ tính. Vì vậy, họ yêu những chiếc túi nhỏ gọn, dễ thương và tiện dụng”. Đây được xem là hướng đi tức thời của Liang trong bối cảnh thanh toán di động ở Trung Quốc là hình thức được sử dụng phổ biến nhất tại quốc gia đông dân này.
Trong dịp Valentine năm 2017, Liang đã hợp tác với Givenchy và cho ra mắt chiếc túi xách màu hồng Horizon phiên bản giới hạn, bán độc quyền trên WeChat. Tất cả 80 sản phẩm, mỗi chiếc có giá 14.900 RMB (2.170 USD) được bán sạch ngay lập tức. Trước đó, vào đầu năm, Liang đã chứng minh sức hút của mình sau khi sản phẩm độc quyền hợp tác với hãng Strathberry cũng hết veo chỉ trong vòng 1 phút.
Không chỉ giới thiệu túi xách cho người hâm mộ, Liang còn thu thập phản hồi của họ và phản ánh lại cho nhãn hàng. Tuy nhiên, Liang nói rằng anh không muốn sự cộng tác của mình trở thành quảng cáo. Thay vào đó, anh tương tác với độc giả của mình theo những cách có ý nghĩa, gần gũi hơn. “Tôi luôn nói rằng mua một chiếc túi là về hạnh phúc. Đó là cảm giác đã tạo ra mối liên hệ giữa người hâm mộ và tôi”, anh chia sẻ.
“Đối với tôi, sự thành công của một dự án không được đo bằng bao nhiêu chiếc túi chúng tôi bán được trong khoảng thời gian ngắn hay chúng tôi đã tạo ra bao nhiêu doanh thu. Tất cả nằm ở sự tác động của nó”, Liang tâm sự. Hiện tại, Liang đã làm được điều đó khi các thương hiệu lớn như Fendi, Louis Vuitton, Celine, Gucci, Burberry và Stella McCartney đều là một phần trong danh sách khách hàng của anh.
Thành công không phải là kết quả ngẫu nhiên
Liang từng nói: “Thật là một sai lầm nếu mọi người nghĩ rằng không thể mua túi xách hàng hiệu trên kênh online”, và Liang đã chứng minh điều đó. Điện thoại di động là kênh mua sắm ưu việt ở Trung Quốc, nhất là khi 1/3 thời gian người dùng di động Trung Quốc liên lạc, chi tiêu trực tuyến thông qua nền tảng WeChat. Vì vậy, không bất ngờ gì khi các thương hiệu lớn đang muốn nắm bắt cơ hội từ mạng xã hội có hơn 846 triệu người dùng này.
Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về WeChat là một điều không đơn giản. Nó không đơn thuần là những thông tin có thể tìm thấy trên mạng xã hội mà còn nằm ở sự hiểu biết cặn kẽ về hành vi tiêu dùng và tâm lý khách hàng. Đó cũng là lý do sự xuất hiện của Mr.Bags được xem là “đúng người, đúng thời điểm”.
Tham vọng nào cho Mr.Bags?
Tham vọng tiếp theo của Liang là cung cấp một dịch vụ chuyên nghiệp cho phép anh tư vấn cho các thương hiệu cao cấp về các tính năng, màu sắc và loại vải của túi xách mới mà họ nên phát triển. Các phong cách phù hợp với khán giả phương Tây không nhất thiết phải phù hợp với người tiêu dùng Trung Quốc. Liang hiểu người hâm mộ của mình cần gì và làm thế nào để thỏa mãn nhu cầu mua sắm của họ.
Không dừng lại ở việc làm cầu nối cho thương hiệu và người tiêu dùng, Liang mong muốn sở hữu riêng một thương hiệu thời trang cao cấp được sản xuất ngay tại Trung Quốc, nơi anh có thể phát huy tối đa sở thích và trí sáng tạo của mình.
Theo Elle