Vnluxury

Lịch sử thăng trầm của giải thưởng Quả Cầu Vàng

Nếu bạn là người yêu thích điện ảnh thì chắc hẳn năm nào bạn cũng sẽ đón xem lễ trao giải Quả Cầu Vàng (Golden Globes). Được xem như bước đệm để đến với Oscar khi gần như tất cả những phim thắng giải Quả Cầu Vàng đều chiến thắng các giải thưởng cao quý của Viện Hàn lâm Mỹ vào hai tháng sau đó. Chiến thắng giải Quả Cầu Vàng như dự báo trước cho một mùa giải mãn nhãn đối với các tác phẩm điện ảnh, bởi thông thường những êkíp thắng lớn ở Quả Cầu Vàng cũng sẽ “ẵm” cúp tại lễ trao giải Oscar.

Khởi đầu của lễ trao giải Quả Cầu Vàng

Toàn cảnh lễ trao giải vào đầu những năm 50. Ảnh: Golden Globes

Tổ chức lần đầu tiên vào tháng Giêng năm 1944, Quả cầu Vàng là một giải thưởng của Hiệp hội Báo chí Nước ngoài ở Hollywood (HFPA) để quảng bá phim điện ảnh tại Hollywood.

Poster của bộ phim đầu tiên thắng giải Quả Cầu Vàng 1944. Ảnh: 20th Century Fox

Năm đầu tiên chỉ có sáu hạng mục và người chiến thắng như sau:

  • Phim hay nhất: The Song of Bernadette
  • Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Paul Lukas
  • Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Jennifer Jones
  • Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: Akim Tamiroff
  • Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Katina Paxinou
  • Đạo diễn xuất sắc nhất: Henry King.

Trong ngành giải trí, Quả Cầu Vàng được coi là đứng thứ hai về tầm quan trọng sau giải Oscar (cho điện ảnh) và giải Emmy (cho truyền hình). Sự kiện cũng được đầu tư nhiều hơn bao giờ hết với sân khấu trang hoàng và những buổi tiệc sang trọng.

Đa dạng hóa các hạng mục giải thưởng

Sân khấu lễ trao giải năm 1963. Ảnh: Getty Images

Dần dần về sau, lễ trao giải mở rộng hạng mục giải thưởng. Lễ trao giải bổ sung các hạng mục cho các thể loại phim khác nhau như phim hài kịch/nhạc kịch, phim hoạt hình và phim nói tiếng nước ngoài; thêm giải thưởng tôn vinh biên kịch, âm nhạc; và cả cho phim truyền hình.

Marilyn Monroe tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng 1957. Ảnh: Getty Images Cô thắng giải nữ diễn viên xuất sắc nhất cho bộ phim hài Bus Stop (1956). Ảnh: Getty Images

Sự thay đổi đáng chú ý nhất ở hạng mục trao giải bắt đầu vào năm 1951, khi các giải thưởng chính như Phim hay nhất, Nam/Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất được chia thành hai thể loại: phim chính kịch và phim hài/nhạc kịch.

Người cuối cùng nhận giải nam diễn viên mới xuất sắc là Ben Kingsley. Ảnh: HFPA

Vào năm 1948, lễ trao giải Quả Cầu Vàng bổ sung giải thưởng tân binh, được tách thành hai giải Nam và Nữ diễn viên mới xuất sắc nhất, tạo cơ hội cho những diễn viên trẻ. Tuy nhiên đến năm 1984, hạng mục này đã bị loại bỏ vì không còn phù hợp.

Poster phim truyền hình Cheyenne (1955 -1962). Ảnh: ABC

Đến năm 1957, các chương trình truyền hình bắt đầu được trao giải. Chương trình đầu tiên được vinh danh là Cheyenne (1955) và phim hoạt hình Mickey Mouse Club (1955).

Quảng cáo

Hiện nay, có 27 hạng mục được chia gần như đồng đều để vinh danh các chương trình truyền hình và phim ảnh xuất sắc nhất.

Với khối lượng giải thưởng đồ sộ, Quả Cầu Vàng được xem là lễ trao giải điện ảnh uy tín nhưng cũng khó vướng phải những tranh cãi trong quá trình trao giải. Ví dụ năm 1958, cựu chủ tịch HFPA – ông Henry Gris đã từ chức sau khi tuyên bố rằng một số giải thưởng được trao dựa trên sự ưu ái cá nhân chứ không hề có thẩm định hay đánh giá khách quan nào cả.

Lần “lăn dốc không phanh” của Quả Cầu Vàng

Phó chủ tịch, chủ tịch hội đồng quản trị và chủ tịch HFPA lên tiếng xin lỗi và đính chính ngày trên sóng truyền hình. Ảnh: NBC

Ba năm trước, giải thưởng bị vướng vào một cuộc khủng hoảng truyền thông nghiêm trọng sau khi hiệp hội tổ chức HFPA vướng vào bê bối. Tờ nhật báo Los Angeles Times phát hiện những hành vi sai trái của hiệp hội trong quá trình bầu chọn. Trong số 87 thành viên bỏ phiếu trao giải thì không có bất cứ thành viên người da màu nào, khiến các giải thưởng thiếu đi sự đa dạng về văn hóa và chủng tộc. Đồng thời những cáo buộc về xâm hại tình dục và bốc lột sức lao động cũng khiến cho danh tiếng của lễ trao giải đi xuống.

Sau cuộc điều tra, các hãng phim lớn như Netflix, Amazon và WarnerMedia, cũng như các ngôi sao như Scarlett Johansson hay Tom Cruise lên tiếng tẩy chay giải thưởng nếu không có sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức. Kênh truyền hình NBC đã hủy bỏ việc phát sóng trực tiếp giải thưởng vào năm sau đó. Nhiều người cho rằng đã đến lúc nên gấp lại thảm đỏ của giải thưởng từng được mệnh danh là “bữa tiệc của năm” trong nhiều thập kỷ.

Những bước chuyển mình của lễ trao giải 82 tuổi

2025 là năm đầu tiên lễ trao giải này được dẫn dắt bởi một MC nữ. Ảnh: CBS

Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện ảnh không thể dễ dàng từ bỏ giải Quả cầu Vàng và những giá trị. Sau một loạt những cải tổ trong nội bộ, Giải Quả cầu Vàng đã tìm được nhà đài phát sóng mới là kênh CBS. Lễ trao giải hiện nay có hơn 330 thành viên bỏ phiếu và hơn 60% là người da màu và 47% nữ giới.

Sau đó, kênh NBC (kênh phát sóng cũ của lễ trao giải) đã đưa ra đề nghị đồng phát sóng Quả Cầu Vàng 2024 nhưng đã bị chủ sở hữu mới từ chối. Mặc dù phí bản quyền của lễ trao giải hiện nay đang dưới mức 10 triệu đô nhưng về lâu dài, lễ trao giải này vẫn sẽ tạo ra những lợi ích nhất định. CBS, cũng là đơn vị phát sóng các giải thưởng Tony, Grammy và Emmy hiện nay đã thêm Quả Cầu Vàng vào danh sách chương trình độc quyền của họ.

Ảnh: AP Ảnh: Getty Images

Cuối cùng thì sự xuất hiện của những ngôi sao hạng A trên thảm đỏ mới là yếu tố làm nên sự thành công của một lễ trao giải. Quả Cầu Vàng với lịch sử lâu đời và mối quan hệ thân mật với các hãng phim thì vẫn rất khó để “tẩy chay” khi những diễn viên và ca sĩ mà bạn yêu thích vẫn góp mặt thảm đỏ mỗi dịp đầu năm.

Chiếc cúp Quả Cầu Vàng

Chiếc cúp Quả Cầu Vàng từ lễ trao giải năm 1951. Ảnh: HFPA

Vào năm đầu tiên, lễ trao giải không hề trao cúp, những người thắng cuộc nhận được một cuộn giấy với thông tin về giải thưởng như một dạng bằng khen. Bắt đầu vào lễ trao giải lần thứ nhì vào năm sau, ban tổ chức mới sáng tạo ra phiên bản đầu tiên của chiếc cúp Quả Cầu Vàng.

Cúp làm bằng hợp kim kẽm mạ vàng 24K với dải phim quấn quanh và phần thân làm bằng đá cẩm thạch. Mỗi chiếc cúp nặng khoảng 2,5 kg và cao khoảng 27 cm.

Phiên bản cúp mới bắt đầu được sử dụng từ năm 2019, thay đổi phần thân thành hình trụ làm từ hợp kim và mạ vàng toàn bộ cúp. Từ đó chiếc cúp trở nặng hơn 1 kg và cao hơn khoảng 3 cm so với bản gốc.

Các giải thưởng Quả Cầu Vàng (Golden Globes) theo năm tháng. Ảnh: HFPA

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
  • NHỮNG SAO MẶC ĐẸP NHẤT THẢM ĐỎ LỄ TRAO GIẢI QUẢ CẦU VÀNG 2025
  • THỜI TRANG LỄ TRAO GIẢI QUẢ CẦU VÀNG: HƠN 80 NĂM THANH LỊCH, KHÔNG CHIÊU TRÒ
  • NHỮNG BỘ PHIM ĐOẠT NHIỀU GIẢI QUẢ CẦU VÀNG NHẤT LỊCH SỬ

Harper’s Bazaar Việt Nam

Nguồn https://bazaarvietnam.vn/ Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm