Trong cuốn “Thailand: A short story” của David Wyatt, lịch sử của vùng đất Mai Châu gắn liền với người Thái sinh sống ở vùng phía nam Trung Quốc – vương quốc Đại Lý. Sau khi nơi đây bị người Mông Cổ thôn tính, người Thái dần di cư về phía nam và tây nam. Họ đặt chân đến Việt Nam trong thời gian từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII. Trung tâm tập trung lúc ấy của người Thái là Điện Biên Phủ (Mường Thanh), từ đây họ tỏa đi khắp khu vực miền Bắc Việt Nam và thường định cư ở các thung lũng thích hợp cho việc canh tác nông nghiệp như Mường Lò, Mường Tấc. Mai Châu cũng là một trong những thung lũng được người Thái định cư và dần tách ra thành một nhánh riêng gọi là Thái Trắng (chiếm 55%), khác với Thái Đen ở hầu hết các vùng khác ở Tây Bắc.
Ảnh: Tư liệu
Được bao bọc giữa trùng trùng núi non, Mai Châu là mảnh đất hội tụ, giao lưu của nhiều dân tộc anh em sinh sống, từ người Thái đến các sắc tộc người Mường, H’Mong, Dao. Những ngôi nhà sàn nhỏ nhắn tụ họp thành các bản làng trải rộng ở khắp mọi nơi, từ những cánh đồng lúa mênh mông đến các đỉnh núi cao vót. Cách Hà Nội 3 tiếng lái xe, phong cảnh của vùng đất Mai Châu mang lại trải nghiệm tách biệt và an tĩnh hẳn với sự ồn ã của đô thị, bởi sức hút mê hoặc đến từ thiên nhiên kỳ vỹ lẫn con người thân thiện nơi đây.
Đèo Thung Khe
Đèo Thung Khe hay còn gọi là “Đá Trắng” là điểm đến đầu tiên khi đến với Mai Châu bằng đường quốc lộ 6, con đèo này thuộc địa phận huyện Tân Lạc tiếp giáp với Mai Châu. Không hiểm trở và quanh co như tứ đại đỉnh đèo nhưng đèo Thung Khe lại thu hút du khách bởi những đoạn đường uốn nhẹ mềm mại và tầm nhìn toàn vẹn về phía thung lũng Mai Châu. Thời tiết ở đèo Thung Khe bốn mùa đều đẹp, buổi sáng có sương sớm vương vấn trên những rặng cây xa xa, buổi trưa ánh nắng chiếu rọi vàng rực như mùa hè, đến chiều tối không khí sẽ giảm xuống, lạnh như mùa đông.
Sở dĩ con đèo này được gọi là Đá Trắng vì khi mở đường, những mảng đá vôi sạt xuống lộ ra màu trắng xóa, nhìn từ xa đã thấy màu sắc đặc biệt này. Ảnh: Tô Thanh Hào
Khung cảnh từ đèo nhìn về phía thung lũng Mai Châu. Ảnh: Tô Thanh Hào
Cảng Thung Nai
Cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 20km, Thung Nai được mệnh danh là “Hạ Long trên sông Đà”. Vẻ đẹp của Thung Nai được tạo nên từ những ngọn núi hùng vĩ tạo bởi đập thủy điện Hòa Bình, nơi đây gồm nhiều các hòn đảo lớn nhỏ xen lẫn các bản làng của người Thái trải dài theo dòng chảy của nước. Vào những ngày mưa, mặt hồ như được phủ thêm lớp màu đỏ au của phù sa, thời gian còn lại Thung Nhai được thiên nhiên bao bọc bởi màu xanh lam ngọc huyền ảo.
Ảnh: Tư liệu
Chợ Pà Cò
Chợ phiên Pà Cò cách thị trấn Mai Châu gần 40km về phía Bắc, nằm giữa trung tâm 3 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) và Loóng Luông (Mộc Châu, Sơn La). Chợ phiên Pà Cò chỉ họp vào ngày chủ nhật hàng tuần, khi sương mù còn mịt mùng khắp rừng, khắp núi, bà con người H’Mông vùng cao Mai Châu đã hăm hở cùng nhau xuống chợ. Không chỉ là nơi mua bán và trao đổi hàng hóa, chợ phiên vùng cao ở đây còn là nơi gặp gỡ giao lưu của bà con vùng cao. Chợ bày bán đủ các sản phẩm từ nông sản, vật nuôi, vải vóc, đồ thổ cẩm, nông cụ cho đến cả đồ gia dụng, điện tử, đĩa nhạc, mỹ phẩm…
Các gian hàng ở đây khá giản đơn, chỉ gồm một cái bàn gỗ hoặc ít dây hay thanh gỗ vắt ngang, vắt dọc để treo bày các sản phẩm. Ảnh: Tư liệu
Bản Lác
Bản Lác từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tránh xa sự ồn ào của phố thị, muốn trở về với cuộc sống giản đơn nơi bản vùng cao yên bình, khoáng đạt. Là khu du lịch thuộc huyện miền núi Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, bản Lác cách Hà Nội khoảng 140 km, là nơi thích hợp cho nhóm bạn bè cùng đi dã ngoại để khám phá nếp sống của người Thái nơi miền sơn cước. Bản Lác như món quà của núi rừng dành tặng những ai yêu thích sự bình yên, tĩnh lặng để cùng hoà mình vào không gian khoáng đạt mướt màu xanh của núi rừng Hoà Bình.
Nếu ghé thăm nơi đây vào tháng 9 – 10, bạn sẽ được ngắm nhìn mùa lúa chín vàng ươm và đồng thời trải nghiệm những nét văn hoá độc đáo trong tiết trời mát mẻ. Ảnh: Lý Thành Cơ
Có tuổi đời trên 700 năm, dân cư ở bản Lác chủ yếu là người Thái Trắng – với 5 dòng họ chính là Hà, Lò, Vi, Mác, Lộc – sinh sống đời này qua đời khác với nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm là chính. Mỗi mùa của bản Lác đều sở hữu một nét đẹp rất riêng. Mùa xuân là những tháng ngày hoa đào, hoa ban, hoa mận đua nhau khoe sắc chào năm mới. Trong khi đó, khi hè sang, bầu không khí tại Bản Lác dường như mát mẻ hơn với cảnh sắc rừng cây xanh rì và đồng lúa xanh màu mạ non vừa cấy.
Nổi bật trong cảnh quan hùng vĩ, các thửa ruộng bậc thang tại bản Lác đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa bình dị, vừa quyến rũ. Ảnh: Tư liệu
Hang Chiều
Đến tham quan Bản Lác thì không nên bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng Hang Chiều – một địa đến tuyệt đẹp tại Bản Lác. Với tuổi thọ lên đến hàng nghìn năm, hang động này gồm 2 tầng với nhiều thạch nhũ có hình thù độc đáo và lạ mắt. Muốn tới được hang Chiêu, thì phải băng qua 1200 bậc đá giữa những cây Xà Pùng xanh mát. Cửa hang rộng khoảng từ 10 mét đến 15 mét, trải ngược lên đỉnh núi 30 mét, du khách có thể vừa tản bộ, vừa thưởng ngoạn vẻ đẹp của núi rừng.
Ảnh: Tư liệu
Sau khi đi hết bậc đá là tới tầng hang thứ nhất, nơi có chiều dài khoảng 50 mét và rộng hơn 40 mét, với vòm trần có chiều cao trung bình khoảng 55 mét. Trải qua hàng nghìn năm bào mòn, những măng đá ở hang Chiều đều mang những hình thù phức tạp, sần sùi, uốn lượn. Thạch nhũ lấp lánh không ngừng chồi ra từ khắp nơi, nhũ đá từ trên đổ xuống vì nước xâm thực.
Thác Gò Lào
Thác Gò Lào, còn gọi là thác Gò Mu hay thác Ba Khan, là thác nước trên suối Thung Cang ở vùng đất xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu. Thác ở giáp ranh giữa xóm Gò Lào và xóm Gò Mu, trong đó xóm Gò Mu ở phía hạ lưu thác và sát với bờ hồ thủy điện Hòa Bình. Dòng thác phân thành 3 dòng chảy trên vách đá dựng đứng trên suối trong một cánh rừng nguyên sinh xanh tốt. Đường vào thác vẫn còn khá khó khăn, tuy nhiên địa điểm này vẫn được nhiều người săn đón bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ mộc mạc và không khí trong lành.
Thác Gò Lào nổi bật với hình ảnh thác nước đổ xuống tung bọt trắng xóa một vùng cây xanh mướt, cùng với đó là âm thanh của dòng chảy hòa với tiếng gió rừng rì rào qua những tán cây. Ảnh: Mai Trang
Bản Pom Coọng
Pom Coọng là cái tên có ý nghĩa rất hay và độc đáo, từ ”Pom” trong tiếng Thái là quả đồi, còn ”Coọng” nghĩa là cái trống. Ghép cả hai từ Pom Coọng lại với nhau có nghĩa là bản làng có những quả đồi nằm bên trên một cái trống lớn. Kết cấu địa hình ở đây khá đặc biệt khi núi đồi nằm xen lẫn với đồng bằng, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Ít náo nhiệt hơn so với bản Lác, bản Pom Coọng có hơn 300 người với gần 70 hộ gia đình trong 7 dòng họ lớn cùng nhau chung sống chan hòa vui vẻ.
Ảnh: Tư liệu
Tại bản Pom Coọng, những ngôi nhà mọc lên san sát chỉ cách nhau bởi luống rau hay bờ giậu mỏng. Khác với nhà sàn của các dân tộc khác, nhà sàn của người Thái thường cao hơn trên dưới 2m được thiết kế bằng những cột gỗ chắc chắn vì vậy luôn tạo được cảm giác an toàn, sạch sẽ và thoáng mát. Sàn nhà thường làm bằng các nguyên liệu như tre hoặc bương. Mái nhà lợp gianh, lá mây hoặc được cải tiến bằng gạch cho một tý sự hiện đại. Các cửa sổ trong nhà có kích thước khá lớn để đón gió mát và cũng là nơi để chủ nhà treo các giò hoa phong lan, hoa rừng hoặc những lồng chim cảnh.
Thác Mu
Thuộc xóm Mu, xã Tự Do, Thác Mu có thể là một tên gọi khá mới lạ với nhiều người vì nơi đây du lịch chưa thật sự phát triển. Cũng chính bởi vậy mà thác nước nằm ở vị trí cao trên 1000 mét so với mực nước biển này đến nay vẫn giữ được những vẻ đẹp tự nhiên vốn có của mình. Nằm ở địa thế khá cao, nên khu vực quanh thác Mu sở hữu khí hậu phân biệt hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa mưa tại thác Mu rơi vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 9, đây cũng là thời điểm khung cảnh nơi đây đẹp và nhiều nước nhất. Lúc này, dòng nước từ trên đỉnh thác tuôn đổ tung bọt trắng xóa xuống lòng hồ bên dưới, khiến bầu không khí cũng trở nên mát mẻ, trong lành hơn. Vào những ngày mùa nắng, khung cảnh nơi Thác Mu như hiền hòa hơn với biển sương mù bồng bềnh bao phủ.
Lòng hồ dưới chân thác chỉ sâu tầm 2 mét, khá an toàn để bạn an tâm vẫy vùng. Ngoài ra, dọc hai bên thác còn có những mỏm đá đa dạng hình thù cùng nhiều tán cổ thụ xum xuê. Ảnh: Tư liệu
Đặc biệt hơn, vào những ngày từ tháng 11 và tháng 1 năm sau, tại khu vực quanh thác Mu thường có lễ hội Cồng chiêng do người dân tộc Mường tổ chức. Bầu không khí rộn ràng tiếng cồng chiêng sẽ khiến nơi đây thêm phần sinh động, náo nhiệt hơn hẳn ngày thường.
Vượt qua những khúc quanh co đèo dốc ở Thung Khe, thác Mu, những ngọn núi gập ghềnh,… vẻ đẹp non nước của Mai Châu quả thật hấp dẫn đối với những kẻ lữ hành đặt chân lên vùng đất này. Sự yên bình của Mai Châu không chỉ hiện diện trong thiên nhiên hoang dã mà còn trong bản sắc văn hóa lẫn con người miền này. Trải nghiệm trọn vẹn hơn hết là được lắng nghe các chàng trai cô gái dân tộc hát những giai điệu truyền thống, ngắm nhìn họ tung xòe những bộ váy sặc sỡ và thưởng thức nền ẩm thực lẫn các nét văn hóa độc đáo tại đây. Dù là người đi nhiều nơi hoặc chưa từng di chuyển xa thì Mai Châu luôn ẩn chứa những điều khiến bạn phải dừng chân đôi ngày.
Thực hiện: Vân Thảo
————
Xem thêm
Thiên nhiên quanh một thức trà
Thung lũng trời & tranh
- Bali-Thiên đường mùa hè