Vnluxury

Mỗi nhân vật trong phim Chuyện đời bác sĩ nội trú kể một câu chuyện sinh tồn chốn công sở

bzvn-chuyen-doi-bac-si-noi-tru-resident-playbook-review-3

Những bác sĩ nội trú trẻ đầy nhiệt huyết tại bệnh viện Yulje trong phim Chuyện đời bác sĩ nội trú (Resident Playbook). Ảnh: tvN

Sau sáu tuần liên tiếp thống trị bảng xếp hạng độ thảo luận tại Hàn Quốc do GoodData công bố, Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt (When Life Gives You Tangerines) cuối cùng cũng phải nhường lại ngôi vương. Tác phẩm nào đã làm được điều tưởng chừng bất khả thi ấy? Chính là Chuyện đời bác sĩ nội trú (Resident Playbook), phần ngoại truyện vừa ra mắt ngày 12/4 của loạt phim đình đám Những bác sĩ tài hoa (Hospital Playlist).

Liệu việc một bộ phim y khoa đậm chất chuyên môn như Chuyện đời bác sĩ nội trú trở nên nổi tiếng có phải là điều nghịch lý? Hoàn toàn không. Lấy bối cảnh bệnh viện Yulje, theo chân các bác sĩ nội trú – câu chuyện của phim tưởng chừng xa lạ với khán giả vì mấy ai được trải nghiệm nghề y khó nhằn.

Nhưng những thử thách mà các bác sĩ trẻ đối diện trong phim lại gần gũi hơn bao giờ hết với khán giả. Đó không còn là những khó khăn về chuyên môn, nơi bộ phim “tấn công” người xem bằng loạt thuật ngữ y khoa rắc rối, mà là về những con người mới chập chững bước vào nghề, với những vấn đề mà ngành nghề nào cũng có thể đối mặt.

Vượt xa thể loại phim y khoa, đây thực chất là một bộ phim về sự trưởng thành của những người trẻ. Những thông điệp đầy cảm hứng mà phim gửi gắm – về niềm tin, tình bạn, sự tử tế và cả lòng kiên trì – dễ dàng chạm đến bất cứ ai đang chật vật với những ngày đầu tại nơi công sở. Đó cũng là lý do vì sao Chuyện đời bác sĩ nội trú không chỉ chiếm được tình cảm của khán giả yêu thích Hospital Playlist, mà còn trở thành động lực tinh thần cho một thế hệ trẻ đang loay hoay đi tìm chính mình giữa đời thường.

Bài học từ những “tân binh” nơi công sở của phim Chuyện đời bác sĩ nội trú

bzvn-bai-hoc-tu-resident-playbook-chuyen-doi-bac-si-noi-tru (4)

Bốn nhân vật chính của Resident Playbook. Ảnh: tvN

Từ đầu năm 2025, màn ảnh nhỏ Hàn Quốc ngày càng quan tâm hơn đến câu chuyện của thế hệ bác sĩ trẻ, phần lớn thuộc thế hệ MZ (Millennials – Gen Z).

Khác với những bác sĩ tuổi trung niên trong phim Những bác sĩ tài hoa (Hospital Playlist), phần ngoại truyện Chuyện đời bác sĩ nội trú (Resident Playbook) chọn tập trung vào những người trẻ mới vào nghề – đồng nghĩa với nhiều hỗn loạn, bỡ ngỡ và cả những sai lầm đáng nhớ.

Nhưng chính sự vụng về đó lại khiến họ trở nên gần gũi hơn bao giờ hết với khán giả cùng thế hệ: họ như tấm gương soi chiếu, là người đồng hành, và là cầu nối gửi gắm những thông điệp thực tế về cuộc sống công sở.

Bác sĩ Oh Yi Young: Cứ nghĩ mình làm được, rồi sẽ làm được!

bzvn-bai-hoc-tu-chuyen-doi-bac-si-noi-tru (15)

Oh Yi Young lần đầu hỗ trợ bệnh nhân chuyển viện một mình, dù chưa có kinh nghiệm. Ảnh: tvN

Từng rời bỏ nghề y, nhưng vì món nợ khổng lồ mà Oh Yi Young buộc phải trở lại làm bác sĩ nội trú. Cô là kiểu người luôn miệng muốn nghỉ việc, uể oải và thiếu động lực, nhưng kỳ lạ thay, mỗi lần có việc đến tay, cô lại xử lý đầy linh hoạt và hiệu quả, dù còn non tay. Lần đầu đỡ đẻ ngay trên hành lang, lần đầu tự mình đưa bệnh nhân chuyển viện… đều là những trải nghiệm đầy lo lắng, nhưng cuối cùng cô vẫn hoàn thành tốt.

Điều quan trọng nhất nằm ở thái độ. Dù lo sợ và vụng về, cô vẫn làm. Ai cũng sẽ mắc lỗi trong lần đầu tiên, nhưng khi dám bắt đầu, bạn sẽ có cơ hội để tiếp tục lần hai, lần ba – và mỗi lần như vậy sẽ thêm một phần kinh nghiệm.

“Fake it until you make it” – cứ tạm tin rằng mình làm được, rồi một ngày bạn sẽ thực sự làm được! Điều mà sự trải nghiệm mang lại không chỉ là kỹ năng, mà còn là sự tự tin – thứ mà người trẻ dễ đánh rơi giữa những nỗi sợ sai.

bzvn-bai-hoc-tu-resident-playbook-chuyen-doi-bac-si-noi-tru (6)

Ảnh: tvN

Oh Yi Young cũng cho thấy một sự thật khác: bạn không cần phải yêu công việc của mình, nhưng hãy yêu trách nhiệm đi kèm với nó. Cô có thể không quan tâm nhiều đến việc đấu đá nơi công sở hay thành tích cá nhân, nhưng cô dành nhiều yêu thương và sự đồng cảm cho bệnh nhân – chính điều đó trở thành động lực để cô nỗ lực, và dần dần tiến bộ.

Bác sĩ Uhm Jae Il: Chăm chỉ thôi chưa đủ – cần phải thấu đáo

bzvn-bai-hoc-tu-resident-playbook-chuyen-doi-bac-si-noi-tru (11)

Ảnh: tvN

Uhm Jae Il là hình mẫu của một “tân binh công sở” khác: nhiệt huyết, cầu tiến, lúc nào cũng mong muốn được chứng minh bản thân. Cậu theo dõi bệnh nhân liên tục, cập nhật mọi thay đổi dù nhỏ nhất cho tiền bối. Dẫu vậy, cũng vì quá hấp tấp và thiếu kinh nghiệm, cậu liên tục báo thiếu, chẩn đoán nhầm và khiến người hướng dẫn mất lòng tin.

Bước ngoặt chỉ đến khi Jae Il học được cách chậm lại. Quan sát mọi việc sát sao hơn, theo dõi đủ lâu, thấu hiểu toàn cảnh rồi mới đưa ra kết luận. Từ đó, sự chăm chỉ của cậu không còn là “phiền toái” mà trở thành điểm mạnh. Người hướng dẫn cậu cảm động vì lần đầu tiên thấy được nhiệt huyết đi đúng hướng.

bzvn-bai-hoc-tu-resident-playbook-chuyen-doi-bac-si-noi-tru (7)

Ảnh: tvN

Người trẻ nơi công sở cũng thường như vậy: không thể hiểu hết mọi quy trình từ đầu, nhưng luôn muốn chứng tỏ bản thân – và đôi khi vì vậy mà vội vàng, thiếu kiểm tra kỹ càng, dễ gây lỗi. Chăm chỉ là một phẩm chất tốt, nhưng nếu không đi kèm sự thận trọng và tỉnh táo, nó có thể khiến bạn trở thành người cản trở thay vì người góp sức.

Bác sĩ Kim Sa Bi: Tính người là thứ không thể học qua sách vở

bzvn-bai-hoc-tu-chuyen-doi-bac-si-noi-tru (10)

Ảnh: tvN

Kim Sa Bi là hình mẫu của một bác sĩ xuất sắc về mặt chuyên môn. Tốt nghiệp với thành tích hàng đầu, cô luôn vượt trội so với những người bạn cùng nhóm nội trú năm nhất về kiến thức y khoa.

Quảng cáo

Tuy nhiên, chính vì quá lý trí và chỉ chú trọng vào con số, Sa Bi lại thiếu sự đồng cảm với bệnh nhân – một yếu tố quan trọng trong nghề y. Hậu quả là cô khiến bệnh nhân tức giận và yêu cầu chuyển viện, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của bệnh viện Yulje.

Khi bị chỉ trích vì thiếu sự quan tâm đến bệnh nhân, Sa Bi tìm cách cải thiện bằng cách học qua sách cách giao tiếp và ứng xử với người bệnh. Tuy nhiên, sự thay đổi thực sự chỉ diễn ra khi cô bắt đầu học cách quan sát những người xung quanh, lắng nghe những lời khuyên từ bạn bè và đồng nghiệp.

bzvn-bai-hoc-tu-resident-playbook-chuyen-doi-bac-si-noi-tru (13)

Ảnh: tvN

Cô dần nhận ra rằng, để thực sự quan tâm đến bệnh nhân, không chỉ cần kiến thức, mà còn cần sự hiểu biết về cảm xúc và tâm lý con người. Phân đoạn Sa Bi ngồi xuống dưới chân giường bệnh nhân để trò chuyện, thay vì đứng cạnh bệnh nhân như trước, là hình ảnh minh chứng cho sự thay đổi trong cách ứng xử của cô. Sa Bi đã học được cách mềm dẻo hơn, thả lỏng và thể hiện tính người qua ngôn ngữ cơ thể lẫn lời nói.

Bài học rút ra từ nhân vật phim Chuyện đời bác sĩ nội trú này? Việc giỏi ở trường lớp không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc trở thành một nhân viên giỏi. Kiến thức cần phải được áp dụng một cách linh hoạt và phù hợp với từng tình huống. Trong các tình huống ứng xử, đôi khi thay vì tìm đến sách vở, bạn cần học cách quan sát và học hỏi từ những người xung quanh. Một người giỏi là người biết nhận thức và tận dụng cơ hội học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau, không chỉ giới hạn trong những gì sách vở dạy.

Bác sĩ Pyo Nam Kyung: Luôn có trái ngọt cho người hết mình vì công việc

bzvn-bai-hoc-tu-resident-playbook-chuyen-doi-bac-si-noi-tru (3)

Ảnh: tvN

Yêu hàng hiệu, luôn chăm chút cho vẻ ngoài, Pyo Nam Kyung rồi cũng vì công việc mà ăn qua loa, không thể chăm sóc cho bản thân từ những điều nhỏ nhất như tắm gội. Chuyện không của riêng ai! Hẳn những người mới gia nhập cuộc sống cơm áo gạo tiền của người lớn cũng dần nhận ra vì công việc mà mình có thể cố gắng đến mức quên bản thân. Đôi khi, ta có thể cảm thấy bất công vì tại sao lại sẵn sàng hi sinh cho công việc nhiều như thế.

bzvn-bai-hoc-tu-resident-playbook-chuyen-doi-bac-si-noi-tru (14)

Ảnh: tvN

Nhưng rồi Pyo Nam Kyung nhận ra công việc của mình cũng hữu hạn. Những bệnh nhân khiến cô không còn thời gian để chăm chút cho bản thân, thực ra cũng có thời gian rất ít ỏi cho bản thân mình. Khoảnh khắc cô suýt nhận nhầm một bệnh nhân đã qua đời khiến Pyo Nam Kyung dường như nhẹ nhàng và đón nhận sự vất vả hơn. Cũng vì vậy mà cô có thể khiến người bệnh nhân đó cảm động vì dù bận rộn đến mấy vẫn có thể chăm sóc cho họ. Đó cũng là khi cô dần có sự gắn kết với những người bệnh nhân – nguồn động lực để cô gắn bó với nghề.

Học hỏi từ những vị tiền bối trong Resident Playbook

Go Yoon Jung – “Át chủ bài” khuấy đảo mạng xã hội

Ảnh: tvN

Trong tuyến nhân vật của Chuyện đời bác sĩ nội trú (Resident Playbook) không chỉ có các bác sĩ năm nhất. Họ còn làm việc dưới sự dìu dắt của những bác sĩ có thâm niên hơn, là những người đứng ra hướng dẫn và cộng tác với họ. Theo dõi câu chuyện trong phim, khán giả sẽ như được hóa thành các bác sĩ trẻ và nhận được bài học từ những người tiền bối dày dặn kinh nghiệm.

Bác sĩ Ku Do Won: Cách sống để đáp ứng với công việc bận rộn

bzvn-bai-hoc-tu-resident-playbook-chuyen-doi-bac-si-noi-tru (9)

Ảnh: tvN

Trong khi các bác sĩ năm nhất như Pyo Nam Kyung còn đang vật lộn với áp lực công việc, thì bác sĩ Ku Do Won, một bác sĩ nội trú năm thứ tư, đã tìm ra cách để cân bằng công việc và cuộc sống. Do Won không chỉ là người có kinh nghiệm và khả năng ứng biến xuất sắc, mà anh còn biết cách hòa nhập công việc với cuộc sống cá nhân một cách hài hòa.

Do Won không ngần ngại nhận cuộc gọi công việc vào cuối tuần hay ngoài giờ, và anh cũng luôn tạo cơ hội để kết nối với các bác sĩ trẻ hơn trong bệnh viện. Đối với anh, bệnh viện Yulje gần như là ngôi nhà thứ hai. Câu nói này có thể khiến người ngoài nghĩ rằng anh phải hy sinh hoàn toàn thời gian cá nhân cho công việc, nhưng thực tế, đó là một tư duy cần thiết đối với những nghề nghiệp quan trọng như bác sĩ, nơi không thể có bất kỳ sự chậm trễ hay uể oải nào.

bzvn-bai-hoc-tu-resident-playbook-chuyen-doi-bac-si-noi-tru (8)

Ảnh: tvN

Dù sống gần như quanh quẩn trong bệnh viện, Do Won vẫn biết cách chăm sóc bản thân: từ việc lựa chọn các món ăn yêu thích, đến việc duy trì thói quen thể dục ở các khu vực gần bệnh viện. Anh luôn sẵn sàng đáp ứng công việc mà không cảm thấy bị áp lực hay căng thẳng. Thái độ hòa nhã và sự ân cần của anh đối với các bác sĩ trẻ là điều đáng ngưỡng mộ, đặc biệt khi anh không cảm thấy công việc là một gánh nặng.

Bác sĩ Myeong Eun Won: Chọn đúng đối tượng để tạo dấu ấn

bzvn-bai-hoc-tu-chuyen-doi-bac-si-noi-tru (1)

Ảnh: tvN

Myeong Eun Won, mặc dù được phát triển như một nhân vật phản diện, nhưng cô cũng mang đến một bài học đáng suy ngẫm. Myeong Eun Won luôn tìm cách gây ấn tượng với cấp trên, đặc biệt là giáo sư chuẩn bị về hưu, để có thể thăng tiến trong công việc. Điều này không sai, vì ai cũng cần phải nổi bật để có cơ hội thăng tiến, đặc biệt là với những người có ảnh hưởng lớn trong công việc.

bzvn-bai-hoc-tu-chuyen-doi-bac-si-noi-tru (12)

Ảnh: tvN

Tuy nhiên, cách làm của Eun Won có thể tinh tế hơn. Mặc dù cô lấy lòng được cấp trên để được tiến cử, nhưng lại đối xử không tốt với cấp dưới – những người sẽ cùng cô làm việc trong nhiều năm tới. Điều này không chỉ khiến cô mất đi sự ủng hộ từ đồng nghiệp mà còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp sau này. Chính sự thiếu tinh tế này đã khiến cô bị giáo sư Seo Jeong Min phát hiện ra, và con đường thăng tiến của Eun Won bị chững lại.

Bài học ở đây là: biết cách tạo dấu ấn và xây dựng mối quan hệ tốt với cả cấp trên lẫn cấp dưới là chìa khóa để thành công lâu dài trong môi trường công sở.

NHỮNG BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG QUA PHIM HÀN:
  • BÀI HỌC KINH DOANH TỪ PHIM TẦNG LỚP ITAEWON BẤT KỲ AI CŨNG CÓ THỂ ÁP DỤNG
  • BỐN PHƯƠNG THỨC CẢI THIỆN BẢN THÂN THEO YOON GA MIN TRONG PHIM STUDY GROUP

Harper’s Bazaar Việt Nam

Nguồn https://bazaarvietnam.vn/ Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm