Xu hướng trang trí nhà cửa theo các dịp lễ hội trong năm ngày càng được nhiều gia đình quan tâm. Đôi khi chỉ xuất phát từ nhu cầu chụp ảnh của cá nhân nhưng vẫn được đầu tư hoành tráng, khiến người ngoài nhìn vào phải trầm trồ ngưỡng mộ.
Những ngày này, trên mạng xã hội rần rần về một căn nhà sở hữu 2 con rồng uốn lượn theo mẫu thiết kế mới nhất, kèm theo đó là không gian đậm chất Tết xưa.
Thuê đội thi công từ Hà Nội về Bắc Giang làm xuyên đêm
Tìm hiểu thì được biết, chủ sở hữu của không gian này là chị Bảo Ngọc, sinh năm 1996, hiện đang sinh sống và làm việc tại Bắc Giang. Theo như chia sẻ, chị Ngọc là một người thích chụp ảnh kỷ niệm cũng như trang trí nhà cửa. Hầu như dịp lễ Tết nào trong năm, chị cũng đi từ căn nhà của mình ra khắp các quán cà phê, địa điểm đẹp ở Bắc Giang để lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng nhất.
Thế nhưng, năm nay lại đánh dấu cột mốc lớn trong đời chị Ngọc khi chính thức lập gia đình và mang bầu em bé đầu lòng. Để đánh dấu sự kiện đặc biệt, hầu hết các lễ hội trong năm, chị đều chi mạnh tay hơn, biến chính căn nhà của mình thành một địa điểm chụp ảnh ấn tượng ở TP. Bắc Giang. Sau Trung thu, đến Noel và vợ chồng chị Bảo Ngọc đã ấp ủ kế hoạch “chơi lớn” cho Tết năm con rồng.
Đợt nghỉ Tết Dương lịch, vợ chồng chị Ngọc đã xuống tận Hàng Mã (Hà Nội) để xem tình hình các mẫu trang trí Tết năm nay. Đơn vị phụ trách công trình Tết nhà chị cũng là cũng là một cửa hàng kinh doanh, trang trí sầm uất bậc nhất con phố cổ.
Hai bên bàn bạc ý tưởng, tính toán thiết kế chung xong thì phía cơ sở trang trí mới đặt thêm các nguyên liệu, đồ dùng trang trí về. “Mọi người trang trí các căn chung cư hay nhà diện tích nhỏ hơn, sảnh công ty, thì sẽ có sẵn một số khung và mẫu trang trí. Còn nhà mình là riêng con rồng dài vắt từ trên cao xuống đã phải đặt riêng. Nghe nói năm nay cửa hàng nhập về có 3 con”, chị Bảo Ngọc cho hay.
Khi các mẫu đặt đã về, đơn vị sẽ vận chuyển từ Hà Nội lên Bắc Giang. Theo tiết lộ, các mô hình trang trí đều được mang lên theo dạng tháo rời và lắp ghép được. Lên tới nơi, những người thợ mới bắt đầu dựng từng tấm chiếu, phông nền, cây đào, mai.
Cứ 6 giờ chiều là thợ bắt đầu thi công, xuyên đêm cho đến sáng. “Cũng chỉ có thể làm vào lúc này bởi mình sẽ kéo cửa che sảnh, phần nào che được sẽ phủ bạt hết. Cái này để khi mọi người thấy sẽ bất ngờ. Mấy hôm đầu thì bên thi công sẽ tối lên sáng về, nhưng mấy ngày gấp rút thì họ ở lại luôn”, chị Ngọc nói.
Dỡ đi làm lại 2 lần mới ưng, tổng chi phí lên tới 700 triệu đồng
Theo dự tính ban đầu thì quá trình hoàn thiện công trình sẽ tốn từ 3-4 ngày, như lần chị trang trí Trung thu hay Giáng sinh. Thế nhưng, lần Tết này không suôn sẻ như vậy và đã tốn hơn 7 ngày.
Ban đầu, chị Ngọc dự kiến chỉ treo một con rồng vắt từ tầng 6 xuống, song, khi ngắm lại thì thấy còn trống trải và chưa thực sự ưng mắt. Do đó, chị đã đề nghị mua thêm một con rồng nữa để thành một cặp.
Chị Ngọc là người phụ trách trang trí cho gia đình nhưng chồng mới vừa là “nhà đầu tư”, cũng là nhà phê bình.
“Chị thì có thể phiên phiến, thấy đẹp và lộng lẫy rồi, không để ý chi tiết nhỏ. Nhưng anh lại giám sát cực kỹ. Khi thấy các khu vực mô phỏng cảnh chợ Tết chưa ưng ý, anh đã yêu cầuphải thay đổi thêm để làm sao thấy được màu sắc của ngày Tết cổ truyền Việt Nam, riêng khu trưng bày chợ Tết là sửa tới 3 lần anh mới ưng” , chị Ngọc kể.
Nói về điểm nhấn là 2 con rồng, chị Ngọc cho hay: “Mỗi con rồng dài 8m, được làm khung thép, bọc bằng chất liệu vải chống nước, chịu được mưa gió, ước tính khoảng hơn 200 triệu một con. Thật ra có thể dùng bằng chất liệu xốp thì giá thành rẻ hơn, nhưng vì là treo ở mặt tiền của căn nhà, chị muốn vừa đẹp, phải vừa bền nữa thì mới chịu được thời tiết gió rét của miền Bắc. Ngay cả mỗi chiếc vảy của 2 con rồng đều do người thợ mang đến nhà chị mới uốn thủ công, cầu kỳ đến từng chi tiết”.
So với quỹ trang trí đã đặt ra mỗi lần là khoảng 300 - 400 triệu thì lần này đã đội lên tới 700 triệu. Song, chị Ngọc cho rằng thành quả cuối cùng đã như mong đợi của hai vợ chồng.
Đóng cửa công ty sớm để đón mọi người tới chụp hình xuyên Tết
Vốn căn nhà này vừa là nơi ở, cũng là nơi đặt văn phòng công ty của chị Ngọc. Sau khi công trình trang trí Tết hoàn thành thì đội ngũ nhân viên sẽ là những người đầu tiên được check in ở nơi này. Sau đó, chị Ngọc cho mọi người nghỉ Tết sớm hơn 1 tuần.
Đợt Trung thu và Giáng sinh, chị Ngọc còn đầu tư tặng quà, phun tuyết và sắp xếp hẳn thợ chụp bằng máy ảnh để phục vụ mọi người. Lúc đó, chị phải phát số thứ tự để tránh lộn xộn và có nhân viên, bảo vệ của gia đình trực. Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi những vấn đề như lượng người tới đông quá, ùn tắc hay bị thất lạc cái này cái kia.
“Do đó lần này rút kinh nghiệm, chị sẽ không thông báo trước việc ngày nào có máy ảnh mà lúc nào cũng mở cửa chào đón mọi người. Nếu có duyên thì sẽ gặp thợ ảnh, còn không mọi người chụp bằng điện thoại cũng rất đẹp rồi. Thật ra khi đã xác định mở và đón khách thì chị cũng đặt tư tưởng từ đầu sẽ gặp phải những chuyện rắc rối. Nhưng bản thân chị luôn sẵn lòng chào đón mọi người”, chị Ngọc nói.
Về phía gia đình, chị Bảo Ngọc cho biết bố mẹ hai bên đã quá quen với độ chịu chơi của con gái. Chưa kể, thấy mọi người yêu quý và theo dõi nên bố mẹ cũng rất ủng hộ hai vợ chồng khi sảnh nhà trở thành điểm đến chơi Tết ở TP. Bắc Giang. Khu vực check in độc đáo này sẽ mở xuyên các ngày Tết và lúc nào cũng có nhân viên trực để phục vụ nhu cầu của mọi người.