Nằm trong vùng chịu ảnh hưởng rõ nét bởi khí hậu nhiệt đới, những trung tâm đô thị phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh và Thủ Đức luôn có nhiệt độ môi trường vào mùa khô cao hơn những vùng nông thôn lân cận. Để thích ứng với điều kiện nắng nóng mưa nhiều, những giải pháp và ý tưởng cải thiện không gian sống thân thiện, thích nghi với bối cảnh bản địa luôn được quan tâm. Nhằm mang lại sự tiện nghi khí hậu qua phong cách kiến trúc hiện đại nhiệt đới cho công trình dân dụng, văn phòng CTA | Creative Architects đã đưa vào dự án Nam House nhiều giải pháp mang tính bền vững.
Dự án được hoàn thành năm 2024.
Công trình xây dựng trên khu đất rộng 688m2 được truyền lại từ thế hệ ông bà, nằm trong một con hẻm nhỏ thuộc TP Thủ Đức. Ngôi nhà bên cạnh là nơi ở của mẹ gia chủ, bên còn lại là khu đất của họ hàng, từ đó hình thành mối liên kết giữa các thành viên trên một khu đất. Nắm bắt mối quan hệ xung quanh và mong muốn kết nối các thành viên thuộc nhiều thế hệ, các kiến trúc sư đã đề xuất ý tưởng thiết kế phân tách công trình thành ba khối chính. Trong đó, hai khối đặc nằm ở phía trước và sau, gồm những căn phòng có công năng riêng tư, được liên kết bằng một khối rỗng ở giữa với không gian mở dành cho khu vực sinh hoạt chung, giúp kết nối công trình với cảnh quan bên ngoài, đặc biệt là nhà của người mẹ.
Mặt bằng công trình. Ảnh: CTA | Creative Architects
Công trình được bao quanh bởi hàng rào bảo vệ, tạo khoảng đệm sân trong và phân chia nội khu với bên ngoài. Khối đặc phía trước bố trí khu vực gara để xe, phòng vệ sinh, phòng ngủ, phòng học và lối vào chính. Khối sau gồm hai phòng ngủ, nhà vệ sinh chung và khu giặt phơi. Tạo thành bốn khối kiến trúc với lớp tường đặc bao quanh các không gian riêng tư. Khối giữa là khu vực sinh hoạt chung gồm bếp, bàn ăn và phòng khách. Không gian mở kết nối với bên ngoài, đón ánh sáng tự nhiên tràn vào bên trong với phạm vi nắng chiếu sáng vừa phải nhờ vào tác dụng che chắn của hai khối trước và sau.
Khối nhà ở giữa là không gian phòng khách và bếp, được xử lý mở ra hai bên để kết nối với thiên nhiên, cũng như nhà của người mẹ bên cạnh.
Hai hướng của gian phòng đều được lắp nhiều cửa kính lớn, giúp không gian thông thoáng và sáng bừng.
Tối ưu công năng, lựa chọn vật liệu và thích nghi với khí hậu khu vực của một công trình kiến trúc hiện đại nhiệt đới là những yếu tố được các kiến trúc sư quan tâm, nghiên cứu và tích hợp vào ngôi nhà qua năm chiến lược thiết kế kiểm soát khí hậu, nhằm đưa ra giải pháp tiện nghi về nhiệt độ, hạn chế tối đa ảnh hưởng của môi trường lên công trình, cải thiện tiêu chuẩn không gian sống cho gia chủ.
Giải pháp cách nhiệt cho kết cấu: Vỏ ngoài công trình được bao bọc bởi một lớp tường dày 25cm có cấu tạo ba lớp: gạch đặc – không khí – tường gạch, giúp hạn chế tối đa hiện tượng truyền nhiệt từ tường ngoài vào tường trong.
Tường nhà được xây ba lớp, có sự tính toán về vật liệu và kết cấu để ngăn truyền nhiệt.
Chi tiết kế cấu tường. Ảnh: CTA | Creative Architects
Lớp gạch đặc làm nhiệm vụ ngăn chặn phần lớn lượng nhiệt từ ánh nắng mặt trời. Khoảng trống ở giữa giúp cách biệt hoàn toàn tường trong và tường ngoài. Lớp gạch ống giúp tăng khoảng đệm không khí, giảm hiện tượng truyền nhiệt. Sau ba lớp, lượng nhiệt từ ánh sáng hầu như đã được ngăn chặn hoàn toàn.
Việc giảm diện tích bề mặt tiếp xúc của ánh sáng mặt trời thông qua ron gạch âm, với lớp vữa được xây âm khỏi bề mặt 0.1cm giúp giảm từ 14 – 16% lượng nhiệt chiếu trực tiếp lên tường. Ảnh: CTA | Creative Architects
Tăng cường thông gió tự nhiên: Để hạn chế việc lưu nhiệt trong không gian bởi hiệu ứng nhà kính, những hệ cửa sắt được mở ra để nhận luồng đối lưu tự nhiên. Kể cả trong trường hợp các cửa được đóng kín, một hệ thống thông thoáng tự nhiên vẫn luôn hoạt động liên tục nhờ vào lam Z thông gió lắp ở cửa sổ và cửa đi, được bố trí để hút khí lạnh vùng thấp và thoát khí nóng trên cao.
Ảnh: CTA | Creative Architects
Giải pháp điều khiển độ trễ của dòng nhiệt cao nhất trong ngày tác động lên mặt trong của kết cấu (mái và tường) không rơi vào khung giờ sinh hoạt của con người, từ đó tăng tính tiện nghi khí hậu cho không gian. Phòng khách và bếp có có pha trễ nhất do có thời gian hoạt động cả ngày, với lượng bức xạ mặt trời hai hướng Đông Tây được che bởi nhiều lớp không gian, khiến hầu như lượng nhiệt trực tiếp từ bức xạ không còn.
Ba phòng ngủ đều có hướng nhìn ra sân vườn. Ở mỗi vị trí phòng khác nhau, thủ pháp điều khiển độ trễ của dòng nhiệt kết hợp với kết cấu tường ba lớp giúp cho các kiến trúc sư đưa ra giải pháp bố trí nội thất phù hợp, mang lại hiệu quả về tiện nghi khí hậu.
Các phòng ngủ đều được bố trí cửa kính lớn ra sân vườn bên ngoài.
Tính kết nối giữa nội thất và ngoại thất, giữa các không gian sống với nhau thể hiện mạnh mẽ.
Cảnh quan thiên nhiên: Ở Nam House, những mảng xanh được bố trí ở nhiều khu vực khác nhau để khắc phục ảnh hưởng của hướng nắng và nhiệt độ như cây bàng Đài Loan có tán rộng che nắng được đề xuất trồng hướng Tây Nam. Hồ nước được bố trí hướng Đông Bắc nhằm tăng độ ẩm và giải nhiệt độ xung quanh nhờ quá trình bốc hơi nước.
Ảnh: CTA | Creative Architects
Hồ nước trồng các loại cây thuỷ sinh giúp điều hoà không khí cho gian nhà giữa và một phòng ngủ.
Sân vườn trồng các loại cây thích hợp với điều kiện thời tiết và khí hậu nhiệt đới.
Nhà vệ sinh được lấy sáng và tạo hiệu ứng hoa nắng bằng đá sỏi trên mặt kính, mật độ rải đá được tính toán phù hợp với các loại cây nhiệt đới bên trong.
Thực hiện: Quốc Hải | Ảnh: Hiroyuki Oki
Xem thêm:
Nhà phố Cradle – Khúc hòa ca của hai thời đại – Limdim House Studio
Căn hộ Hoàng Anh River View-Bản hòa tấu của đường cong và vật liệu-IIN Studio
Nhà ống Mai Thúc Loan-Mối gắn kết bền vững