Vnluxury

Nét đẹp chùa cổ Nam Bộ: Kiến trúc chùa Phước Tường – Tiếng gọi trăm năm

Thủ Đức là vùng đất địa đầu phía đông của Gia Định xưa, tồn lưu nhiều dấu tích lịch sử, văn hóa hàng trăm năm, với những công trình đình chùa, mồ mả, phản ánh đời sống sung túc và mật độ dân cư phân bố rộng rãi. Trong số các công trình Phật giáo tại đây có chùa Phước Tường, nằm trên đường Lã Xuân Oai, phường Tăng Nhơn Phú A. Công trình thể hiện sự giao thoa giữa hình thái kiến trúc Phật giáo truyền thống Nam Bộ với một số chi tiết trang trí mang ảnh hưởng phương Tây ở mặt tiền, tạo nên một ngôi tự viện có hình hài đặc trưng cho phong cách kiến trúc giao thời Tây – ta từ gần 300 năm trước.

chua phuoc tuong kien truc chua Nam Bo

Chùa Phước Tường là ngôi cổ tự tại Thủ Đức, với lịch sử hàng trăm năm, được coi như hình mẫu của ngôi chùa tại khu vực Đông Nam Bộ về kiến trúc cũng như giá trị nghệ thuật. Tên gọi của chùa mang ý nghĩa may mắn, tốt lành.

Chùa Phước Tường được xây dựng từ thế kỷ XVIII. Theo một số tài liệu, ngôi chùa được khởi cất vào năm 1741. Đến khoảng năm Giáp Ngọ Minh Mạng thứ 15 (1834), ngôi chùa được dời về địa điểm hiện tại.

Tại chánh điện hiện nay còn lưu giữ một bức hoành phi có chữ “福祥寺” (Phước Tường tự) với lạc khoản “明命甲午年孟月” (Minh Mạng giáp ngọ niên, mạnh ngoạt, nghĩa là Năm Giáp Ngọ niên hiệu Minh Mạng nhà Nguyễn, tức là năm 1834). Với hình thức tạo tác mỹ thuật, chi tiết chạm trổ sống động, nét chữ dứt khoát, bức thư họa này vừa thể hiện sự tài hoa của người thợ thủ công lúc bấy giờ, vừa là một kỷ vật gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của chùa.

chua phuoc tuong kien truc phat giao

Hoành phi “Phước Tường Tự”.

Kiến trúc của công trình mang những đặc trưng thường thấy tại các ngôi chùa miền Đông, với Thảo bạt được thiết kế phía trước Chánh điện, vừa là nơi an trí tôn tượng Hộ pháp, vừa mở rộng không gian thờ tự. Thảo bạt được xây dựng theo kiểu ba căn hai chái, mặt tiền có ba vòm cổng, hai bên hông có lối đi xuống, phía trên lợp ngói âm dương.

chua phuoc tuong kien truc chua Nam Bo

Tổng thể kiến trúc chùa Phước Tường.

Kế bên Thảo bạt là Chánh điện và Hậu điện, được xây theo dạng sắp đội một căn hai chái kép. Phần Hậu đường được kê cao thành dạng Cổ lâu, nhằm thu nhận ánh sáng cho khu vực phía sau.

Chánh điện tôn trí tượng đức Phật ở vị trí trung tâm, hai bên chái có lập hai bàn thờ. Chái nhứt tả – chái đầu tiên bên trái (phía trong nhìn ra) thờ Quan thánh đế, chái nhứt hữu – chái đầu tiên bên phải (phía trong nhìn ra) thờ Địa tạng Bồ-tát. Hai bên vách đặt bàn thờ các vị Diêm vương. Không gian còn được trần thiết nhiều hoành phi liễn đối. Tại hàng cột nhứt là hoành phi “Đại hùng bửu điện”, bên ngoài là hoành phi “Phước Tường tự”. Bên dưới, các chi tiết gỗ đều có kè bao lam, liễn chữ được chạm khắc tinh xảo, xung quanh Chánh điện được trang trí bằng nhiều hoành phi câu đối sơn son thếp vàng.

kien truc Nam Bo

Không gian Chánh điện.

chua phuoc tuong kien truc chua Nam Bo

Tượng Thập điện Minh Vương.

Quảng cáo

Chái nhà được trổ hai cửa mỗi bên để đi xuống Tổ đường, nằm quay lưng vào chánh điện cách bởi một tấm vách ngăn. Chính giữa thờ phụng các bức họa của các vị tổ sư và long vị thờ.

kien truc Nam Bo

Không gian Tổ đường.

chua phuoc tuong kien truc chua Nam Bo

Không gian Tổ đường.

Tiếp theo Chánh điện – Tổ đường là Quá đường, khu vực Ngọ trai, dẫn xuống phía sau là một sân thiên tỉnh với non bộ, hai bên có nhà cầu nối phần Trai đường với Hậu đường thờ các tiên linh phụng tự tại chùa. Xung quanh chùa, không gian rộng rãi, thoáng mát, hệ thống các ngôi mộ tháp phân bố trong khuôn viên phản ánh lịch sử lâu đời của ngôi tự viện tại vùng đất Thủ Đức này.

kien truc Nam Bo

Tổng thể ngôi chùa mang hình thức kiến trúc dạng một trục dọc, bên trong có tận dụng thiết kế giếng trời nhằm điều hòa không khí và lấy sáng.

Chùa Phước Tường là một công trình kiến trúc mang hơi thở văn hóa Phật giáo thế kỷ XVIII. Theo dòng lịch sử với nhiều biến chuyển của thời cuộc, ngôi chùa đã trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo quan trọng vào các năm 1930, 1952 và 1991. Tuy vậy, phần kiến trúc và đặc trưng mỹ thuật vẫn được gìn giữ cẩn trọng.

Ngôi chùa không quá phô diễn mỹ thuật, tạo hình bằng các chi tiết sơn son thiếp vàng, song bên trong vẫn giữ một bố cục thờ cúng đặc trưng của các tự viện phong cách Nam Bộ, mang đến không gian ấm áp và trang nghiêm.

Kiến trúc truyền thống là một tấm gương phản chiếu sinh động đời sống và tâm hồn của người dân quá khứ. Chùa – công trình mang đậm hơi thở tâm linh – gắn liền mật thiết với cuộc sống làng quê và bản sắc người Việt. Chuỗi bài “Nét đẹp chùa cổ Nam Bộ” giúp bạn đọc khám phá những giá trị kiến trúc, mỹ thuật, từ đó phác họa phong cách sống của người Nam Bộ xưa dưới lăng kính tâm thức Phật giáo.

Bài & Ảnh: Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính – Nhà nghiên cứu đam mê tìm hiểu về văn hóa lịch sử Việt Nam dưới triều Nguyễn và vùng Nam Bộ.


Xem thêm:

Kiến trúc và mỹ thuật chùa Giác Lâm

Dấu ấn kiến trúc và văn hóa trong những ngôi chùa Việt Nam

Thiết kế tượng kết hợp tôn giáo và công nghệ

Nguồn https://www.elledecoration.vn/ Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm