Vnluxury

Nét đẹp chùa cổ Nam Bộ: Kiến trúc và mỹ thuật chùa Giác Lâm

Mỗi công trình Phật giáo là một biểu tượng văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng với những nét nghệ thuật được khắc họa qua từng chi tiết kiến trúc và mỹ thuật. Chùa Giác Lâm – một đại diện tiêu biểu của phong cách thiền gia Nam Bộ – mang trong mình dấu ấn của từng giai đoạn phát triển xã hội, tạo nên diện mạo kiến trúc sáng tạo và ý nghĩa.

chua giac lam kien truc phat giao viet nam

Chùa Giác Lâm. Ảnh: Tư liệu

Dấu chân văn hóa: Phật giáo trong lòng Nam Bộ

Phật giáo du nhập vào Nam Bộ cùng với những người Việt đầu tiên đặt chân đến vùng Gia Định xưa. Đời sống tinh thần của tôn giáo này được người dân trân trọng và coi như một giá trị sống song song với Nho giáo – học thuyết chính trong việc cai trị Việt Nam thời quân chủ. Theo ghi chép của Trịnh Hoài Đức trong sách Gia Định thành thông chí, người Nam Bộ đặc biệt sùng kính Phật giáo.

Trong quá trình phát triển từ vùng đất Sài Gòn Gia Định đến Nam Kỳ lục tỉnh phồn hoa, nhiều ngôi cổ tự được triều đình sắc tứ, chẳng hạn như: Linh Thứu Tự, Long Hội Tự và Long An Tự ở Tiền Giang; Tam Bảo Tự ở Kiên Giang; Huệ Lâm Tự ở Long An; Trường Thọ Tự, Từ Ân Tự, Long Huê Tự và Tập Phước Tự ở TP.HCM… mỗi ngôi chùa đều là một chứng nhân sống động của lịch sử và giá trị kiến trúc Việt Nam.

Trong số các ngôi cổ tự, chùa Giác Lâm được xây dựng từ năm 1744 (theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức) là công trình mẫu mực đại diện cho kiến trúc Phật giáo Nam Bộ. Kiến trúc hiện tại được hình thành từ những đợt trùng tu vào đầu thế kỉ XX và vẫn giữ được hình thái cho đến ngày nay. Dù chịu ảnh hưởng của kiến trúc Pháp đương thời, ngôi chùa vẫn giữ trọn vẹn bản sắc truyền thống, từ khung cây, cấu kiện kiến trúc cho đến cách thức bài trí, tạo nên một sự kết hợp tinh tế giữa cái cổ và cái mới.

Giai đoạn đầu thế kỷ XX chứng kiến sự chuyển đổi văn hóa sâu sắc và kiến trúc Phật giáo cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng. Với tinh thần “ôn cố tri tân”, các thế hệ đi trước đã tài tình hòa quyện văn hóa Đông – Tây, tạo nên những công trình mang dấu ấn riêng với các vật tư, kỹ thuật xây cất, văn hóa kiến trúc từ nước ngoài.

Không gian kiến trúc hài hòa

Kiến trúc chùa Nam Bộ khác biệt so với miền Bắc ở cách bố trí các công trình theo chiều dọc và thành cụm, tạo nên không gian liên thông và thuận tiện cho di chuyển trong mọi điều kiện thời tiết. Chùa Giác Lâm là minh chứng rõ nét nhất cho phong cách này.

Chánh điện – trung tâm của ngôi chùa với ba công trình chính là chánh điện, tổ đường, quá đường – được thiết kế theo kiến trúc nhà rường truyền thống, với mái ngói âm dương và hệ thống cột kèo phức tạp. Ngoài ra còn có khách đường, thiền đường, giảng đường, nhà trù, nhà kho… Không gian bên trong trang trọng với những bức tượng Phật, hoành phi, liễn đối mang chi tiết nghệ thuật tinh xảo.

kien truc Phat giao Nam Bo chua Giac Lam

Cổng phía trước chánh điện.

Chánh điện được thiết kế theo dạng một căn hai chái kép, mở hai cửa ra vào tại chái nhứt đông và nhứt tây. Mái nhà lợp ngói âm dương, đường nóc đi chỉ dạng hồi văn, bên trên phông nóc bằng các loại gốm tượng và lưỡng long tranh châu.

kien truc Phat giao Nam Bo

Không gian chánh điện.

Mặt tiền ngôi chánh điện được thiết kế theo dạng các trụ cột và mái ngói. Phía trong trổ hai cửa đi lại và cửa sổ để lấy sáng và gió. Phía trước là bốn cột lớn và hai vách tường, tạo thành hàng hiên, vừa có tác dụng che mưa, vừa tạo sự thông thoáng.

Vào bên trong, căn giữa chánh điện tôn trí tượng đức Phật lớn, đặt trên bàn cao được thiết kế thành từng tầng bậc theo kiểu truyền thống. Lòng căn nhứt, nơi tôn trí tượng Phật được thiết kế với hai bộ bao lam tinh xảo: bao lam hướng bắc chạm bốn chữ Huỳnh Kim Điện Thượng, bao lam hướng nam chạm long vân, bên trên có hoành phi lớn thếp vàng với bốn chữ Đại Hùng Bửu Điện, phía bên ngoài là hoành phi đề chữ Giác Lâm Tự. Các trụ cột cái đều có kè liễn sơn thếp không kém phần tỉ mỉ và cầu kì.

kien truc Phat giao Nam Bo chua Giac Lam

Hoành phi Giác Lâm Tự.

kien truc Phat giao Nam Bo

Tượng Phật tại Chánh điện.

Hai bên chái lần lượt tôn trí tượng ngài Quan âm bồ tát và Đại thế chí bồtát. Kế đó là hai lối lên xuống chánh điện và hậu tổ. Trước mỗi bàn thờ cũng cho làm bao lam điêu khắc tinh xảo. Hai bên ngăn cách với lối đi bởi bộ bát bửu và lỗ bộ. Hai bên vách tường chánh điện đặt bàn thờ của các vị Thập điện Diêm vương, A La Hán và hai đầu ngoài an trí chuông trống bát nhã, tượng Hộ pháp đặt quay mặt vào chánh điện.

kien truc Phat giao Nam Bo chua Giac Lam

Tượng thờ tại Chánh điện.

Quảng cáo
kien truc Phat giao Nam Bo

Tượng thờ La Hán tại Chánh điện.

kien truc Phat giao Nam Bo chua Giac Lam

Tượng thờ Thập điện Minh vương.

Phía sau chánh điện là tổ đường, thờ các vị tổ khai sơn ngôi chùa và những vị tiền nhiệm đã góp phần tạo lập và phát triển chùa, được chia làm ba bàn thờ chính. Bên trên là những bức tranh phụng họa và long vị của các vị tổ sư. Kế tổ đường là quá đường, nơi dành cho quý sư thọ thực, được sắp xếp thành những dãy bàn dài. Hai bên vách là những dãy bàn thờ để cúng kiếng những Phật tử quá vãng.

kien truc Phat giao Nam Bo

Khu vực Tổ đường chùa Giác Lâm.

Phần chánh điện – hậu tổ – quá đường được thiết kế liền kề nhau dạng sắp đội, kế tiếp là khu vực hậu đường với hai dãy nhà cầu nối liền tạo thành một không gian giếng trời – thiên tĩnh có non bộ, là khu vực lấy gió và lấy sáng. Phần hậu đường chia làm nhiều khu vực, dùng làm nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của các vị sư và Phật tử.

kien truc Phat giao Nam Bo chua Giac Lam

Không gian nhà hậu chùa Giác Lâm

Chi tiết trang trí tinh xảo

Những ngôi cổ tự tại Nam Bộ thường được trang trí rất công phu, cả bên ngoài lẫn bên trong. Những ngôi chùa chịu ảnh hưởng của phong cách mới nửa đầu thế kỷ XX thường áp dụng các hình thức trang trí phương tây như cửa vòm, cù lá để làm điểm nhấn cho mặt tiền cũng như các chi tiết nội thất. Vật liệu chủ yếu là gạch và xi măng, được những người thợ tỉ mỉ chăm chút từng đường chỉ, tạo nên nét chấm phá thú vị cho công trình kiến trúc Phật giáo. Mái chùa được lợp ngói âm dương đặc trưng trong kiến trúc Nam Bộ. Bên trên được trang trí các họa tiết mĩ miều mang chủ đề nhã nhặn và thanh tao, toát lên sự thoát tục của ngôi già lam.

kien truc Phat giao Nam Bo

Mặt tiền chánh điện chùa Giác Lâm. Các công trình chùa tại Nam Bộ thường lợp bằng ngói âm dương, ngói ống. Mái chùa bằng phẳng, khác với mái cong của chùa Bắc Bộ.

Ngoài ra, chùa còn áp dụng kỹ thuật cẩn sành sứ từ triều Nguyễn, tận dụng các loại chén, dĩa để phối hợp hoa văn và màu sắc, tạo ra những mảng tranh tường sinh động mang tính chất triết lí, vừa gợi hình vừa gợi ý.

Không gian nội thất chùa thường được bao quanh bởi các bao lam, liễn đối, hoành phi, được sơn son thếp vàng hay cẩn xà cừ. Từng đường nét chạm khắc tinh xảo đã để lại các tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ, thể hiện tấm lòng trân trọng của những người thợ thủ công tài hoa đối với công trình tôn giáo có ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống.

Tông màu chủ đạo tại chùa được kết hợp giữa đỏ, vàng và nâu, tìm thấy trong nội thất và đồ mỹ nghệ gỗ, thể hiện lên sự quý phái, sang trọng và thâm nghiêm với chiều sâu văn hóa, tạo nên một không gian thờ tự đúng với câu “phạm vũ huy hoàng”.

Tạm kết

Văn hóa Phật giáo nói chung và kiến trúc Phật giáo nói riêng, trong đó có ngôi già lam Giác Lâm để lại dấu ấn mỹ thuật rõ nét trong lịch sử kiến trúc Việt Nam. Các công trình chùa không chỉ là không gian thờ tự, mà còn là một bảo tàng sống động của kiến trúc và văn hóa. Qua những bao lam chạm khắc, những hoành phi liễn đối, các giá trị truyền thống được các thế hệ trước gìn giữ và truyền tải một cách tinh tế.

Kiến trúc truyền thống là một tấm gương phản chiếu sinh động đời sống và tâm hồn của người dân quá khứ. Chùa – công trình mang đậm hơi thở tâm linh – gắn liền mật thiết với cuộc sống làng quê và bản sắc người Việt. Chuỗi bài “Nét đẹp chùa cổ Nam Bộ” giúp bạn đọc khám phá những giá trị kiến trúc, mỹ thuật, từ đó phác họa phong cách sống của người Nam Bộ xưa dưới lăng kính tâm thức Phật giáo.

Bài & Ảnh: Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính-Nhà nghiên cứu đam mê tìm hiểu về văn hóa lịch sử Việt Nam dưới triều Nguyễn và vùng Nam Bộ.


Xem thêm:

Cấu kiện trong kiến trúc gỗ truyền thống Việt Nam

Tranh Đông Hồ: Hồn Việt trong từng nét chạm

Tính nữ trong mỹ thuật Việt (Kỳ I)

Nguồn https://www.elledecoration.vn/ Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm