Đến với việc sáng tác dựa trên hình tượng các con giáp, chỉ là sự ngẫu hứng, tình cờ, không theo chủ đích ban đầu, nhưng qua từng năm, những tình cờ ấy đã định nên một phong cách, một lối sáng tạo riêng của họa sĩ Lê Huy. Con giáp của Lê Huy ấn tượng ngay chi tiết nhận diện, đó là kích thước nhỏ. Nói về cái sự nhỏ này, tác giả giải thích: “Tôi rất thích đồ chơi, mà đồ chơi thường nhỏ gọn. Ngay trong sáng tác hội họa, tôi hay vẽ kích thước nhỏ, khi thiết kế con giáp, tôi chọn hướng xử lý nhỏ, nhưng phải tinh, kỹ. Kích thước nhỏ không thể làm chi tiết qua loa, lấp liếm được”.

Hình tượng Ngọ với chi tiết hoa văn trang trí lấy cảm hứng từ nghệ thuật điêu khắc dân gian.

Dậu – hình tượng gà hóa thân trong chiếc hài làm từ gốm.

Sự tương phản kích thước của mèo và cá tạo thành món đồ chơi thú vị.

Tạo hình của bộ Mão tí hon chỉ là gợi về dáng, không chi tiết cụ thể.
Những Thìn, Mão, Sửu khi đi vào sáng tác của Lê Huy, được thu gọn kích cỡ tối thiểu, nhưng lại đặt trong những tình huống tương phản nhỏ – to có chủ đích. Lấy ví dụ hình dáng của mèo ung dung đứng trước con cá chép lửa ngoại cỡ, hay con trâu đang nằm miên man ngủ ngày trên cái mõ to ngoại hạng. Tất cả tương phản ấy gửi gắm tự tình đầy dung dị của người họa sĩ. Giấc ngủ “nhàn ngưu” như trâu kia, đơn giản vậy thôi mà đầy người mưu cầu, nhiều khi chỉ cần trong năm được một giấc ngủ ngon, thế thôi cũng đã là hạnh phúc.

Con trâu tí hon của năm Sửu chế tác từ chất liệu kim loại.

Giấc ngủ của Sửu trên mõ trâu ứng dụng họa tiết hoa cúc thời Lý vào trang trí.

Con chuột năm Tý hóa thân vào quả gấc có hoa văn từ áo bổ tử quan lại triều Nguyễn

Họa sĩ Lê Huy với sáng tác hình tượng rắn của năm Tỵ 2025 tại Lamphong Studio.

Rồng tí hon trên quả trứng ngoại cỡ, một lối sáng tác rút gọn gặp ở họa sĩ Lê Huy.
Càng dành nhiều thời gian “chơi” với những món đồ nghệ thuật của Lê Huy, dễ dàng khám phá ra ẩn sau hình hài con giáp, chất dân gian được thể hiện thực mạnh, có thể là chất liệu truyền thống (gốm, gỗ, sơn mài), nghề thủ công (pháp lam, chạm khắc), chi tiết trang trí (hoa văn, họa tiết từ các hiện vật cổ ở từng triều đại cụ thể), cho đến địa danh di sản (Văn Miếu, Hoàng Thành, chùa Phật Tích…). Tác giả sử dụng vốn kiến thức, kinh nghiệm bản thân ứng biến vào sáng tác, dựa trên hình con giáp, nhưng kể một câu chuyện mới, thú vị ngoài hình tượng con giáp.
Hoa văn trên chiếc mõ trâu là sự tái hiện hình ảnh hoa cúc ở thềm đá tượng A Di Đà từ thời Lý, đường nét từ áo quan triều Nguyễn được lặp lại vào chuột của năm Tý, nhưng dáng hình lại từ quả gấc nấu xôi – một món quen trong cỗ tết Việt. Cách vận dụng sáng tạo vào đời sống cũng là chi tiết được Lê Huy chú trọng khi tác phẩm hoàn thiện thường ứng dụng vào sản xuất đa phiên bản để nhiều người có thể sở hữu và chơi theo cách riêng mình.

Rắn của 2025 với tạo hình có thể xoay chuyển tạo thành nhiều công năng và thẩm mỹ khác nhau.

Nhâm nhi Dần trên chất liệu sơn mài, tay cầm hoa sen cũng là hình ảnh ngòi bút trong Văn Miếu.

Con mèo, xâu cá, cần câu… lại có khả năng liên tưởng về hình ảnh cây nêu ngày Tết.
Hỏi về chuyện nghề, Lê Huy cho biết phải làm tròn vai cả ba người khác nhau, anh tâm sự thêm: “Tác phẩm ra đời cần người nghệ sĩ để kể chuyện, để thể hiện những ý tưởng bay bổng. Nghệ nhân triển khai ý tưởng ấy thành sản phẩm cách chỉn chu, tinh tế. NTK tạo ra bao bì, ấn phẩm, đóng gói hoàn thiện. Cả ba đều đồng hành thì kết quả cuối cùng mới đạt hiệu ứng tốt, và cùng lúc lan tỏa, rủ rê thêm những người đồng sở thích để mong đi xa hơn như câu chuyện tôi đang tạo dựng cùng các bạn sinh viên ở Lamphong Studio”.
Sự kết hợp chất liệu trong các sáng tác của Lê Huy, cũng là chi tiết thường gặp như gốm – đồng, gốm – bạc, sơn mài – kim loại, sơn mài – pháp lam… đây là thế mạnh được tác giả khai thác tối ưu từ các nghề truyền thống để ứng dụng vào sáng tạo, mục đích: “Xây dựng một hệ thống những sáng tạo, kết nối dân gian, thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại, đậm dấu ấn và bản sắc của con người Việt Nam”.
Thực hiện: Nguyễn Đình
Xem thêm
Sài Gòn có tượng gốm Cây Mai
12 con giáp biến hóa trong tranh của feebee
Lịch sử xa hoa và trang nhã của đồ trang trí