Vnluxury

Những ái nữ 9x kế nghiệp của các đại gia Việt

Xinh đẹp, tài năng và có trong tay tài sản thừa kế mà nhiều người mơ ước, những ái nữ 9x của đại gia Việt đang đem đến một “làn gió mới” cho sức sống của doanh nghiệp nước nhà.

Sự xuất hiện bất ngờ của nhiều gương mặt 9x với tài sản hàng trăm, hàng chục tỷ đồng và nắm những vị trí quan trọng trong doanh nghiệp thời gian gần đây cho thấy dường như đang có một xu hướng mới trong đời sống kinh doanh của cộng đồng các đại gia Việt.
Xu hướng này được xem là dấu hiệu của một lớp doanh nhân hình thành sau thời kỳ đổi mới kinh tế đang bước sang tuổi xế chiều và cần một lớp người thay thế. Và các ái nữ đã được mở rộng cửa để thể hiện tài năng của mình, tiếp nối các đấng sinh thành, tiếp tục phát triển đam mê với thương trường.

Nguyễn Ngọc Mỹ (Sylvia), con gái út của ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị Alphanam là một những ái nữ nhà đại gia luôn thu hút sự chú ý của công chúng. Sinh năm 1991, 8 năm du học nước ngoài, thông thạo 4 ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung Quốc và Hàn Quốc cộng với thành tích học tập “đáng nể” trong giới “con nhà đại gia”, Ngọc Mỹ đã làm mờ đi cái bóng của một ái nữ được sinh ra trong nhung lụa. Trở về nước với số vốn kiến thức đó, Ngọc Mỹ tham gia vào công ty của bố mẹ với vai trò không hề nhỏ.
Hiện tại, trang cá nhân của Ngọc Mỹ có hơn 20.000 lượt theo dõi, nhờ vậy rất nhiều người biết được công việc kinh doanh đồng thời tỏ ra ngưỡng mộ. Với sức trẻ cộng với “làn gió tư duy mới và hiện đại”, Ngọc Mỹ đang đưa đến những hy vọng mới cho tập đoàn gia đình của mình.
Tổng tài sản hiện nay của Ngọc Mỹ được tính khoảng 30 tỷ đồng gồm cổ phần trong tập đoàn Alphanam và một số công ty khác.
Có được điều này ngoài sự hỗ trợ của gia đình, Ngọc Mỹ đã sớm bộc lộ đam mê kinh doanh của mình. Ngay từ khi mới là du học sinh năm 2, Mỹ đã thành lập công ty tư vấn kiến trúc mang tên Sdesign cùng với bà Nguyễn Hải Yến và ông Salvador Perez Arroyo - kiến trúc sư trong top 10 thế giới với rất nhiều công trình được công nhận là kỳ quan. Công ty của Ngọc Mỹ chính là đơn vị thiết kế cụm công trình Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh, được Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam bình chọn là Công trình của năm 2013. Ngọc Mỹ cũng là đồng sáng lập nhà hàng nổi tiếng 1915 Indochine ở Hà Nội, tuy rằng, nhà hàng này đã đóng cửa, nhưng nó vẫn kịp để lại dấu ấn rất riêng của nữ doanh nhân trẻ tuổi.
Ông Nguyễn Tuấn Hải từng chia sẻ về việc hoàn thành sứ mệnh doanh nhân, và giờ muốn chuyển giao cho thế hệ thứ 2, đó là con gái Nguyễn Ngọc Mỹ và con trai Nguyễn Minh Nhật (hiện đang là thành viên HĐQT Alphanam, phụ trách mảng tài chính và vật liệu xây dựng).
Nguyễn Ngọc Mỹ hiện đảm nhiệm điều hành, phát triển các dự án BĐS của Alphanam.
Khi vừa tiếp quản lĩnh vực này, Ngọc Mỹ đã thể hiện được tiềm năng của một lãnh đạo thế hệ tiếp nối khi đầu tư hàng chục tỷ đồng với các dự án lớn tại các thành phố. Đầu tư BĐS vốn là một lĩnh vực khó, gai góc, đòi hỏi bản lĩnh, thông minh, chiến lược. Đối với các tiểu thư lá ngọc cành vàng như Ngọc Mỹ rõ ràng không phải là thử thách dễ dàng. Nhưng cô gái ấy không hề e ngại mà dấn thân. Chính điều ấy đã nói lên sự vững mạnh của một thế hệ kế thừa mới, cũng là một bảo chứng cho niềm tin về nữ doanh nhân trẻ Việt Nam ngày nay sẽ tạo nên những kỳ tích trong thời gian tới trên mặt trận thương trường đầy cạnh tranh.

Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh sinh năm 1991 là ái nữ của bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch REE. Cô gái 9X này từng được biết đến là triệu phú trẻ nhất trên sàn chứng khoán năm 2013, đứng ở vị trí 104 trong danh sách người giàu với tài sản ước tính khi đó khoảng 93,5 tỷ đồng. Cô gái này, qua lời kể của mẹ mình tại hôi nghị Women’s Summit 2017 hiện lên vô cùng cá tính. “Khi tôi nhận được đề tài sẽ nói về cách nuôi dạy con gái như thế nào, tôi đã trao đổi với cháu”, bà Mai Thanh nói.
Nhất Hạnh đã tốt nghiệp Đại học Warwick, trường Đại học danh tiếng bậc nhất nước Anh. Về nước, cô không tham gia ngay vào hoạt động của REE mà trở thành nhân viên của ngân hàng HSBC. Trong cuộc chuyện trò của hai người, Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh nói rằng cô luôn ngưỡng mộ cuộc sống của “ba má”.
Cô cũng cho rằng, nhiều người nghĩ đàn ông sẽ là chỗ dựa của phụ nữ trong cuộc sống hôn nhân, nhưng trong trường hợp gia đình cô, “má mới là chỗ dựa của ba”. Điều này đã ăn sâu vào suy nghĩ của cô gái trẻ. Vì vậy, Nhất Hạnh bảo với mẹ, cô cũng muốn trở nên mạnh mẽ, để có thể là chỗ dựa của người chồng tương lai.
Câu chuyện của con gái cũng chính là một phần thông điệp mà bà Mai Thanh muốn gửi đến toàn bộ thính giả về một người phụ nữ hiện đại thế kỷ 21.
Nữ tướng của REE cho rằng người phụ nữ hiện đại là người có hiểu biết sâu sắc về kinh tế, chính trị và môi trường mà họ tương tác. Những điều này tạo nên sự tự tin, tự chủ trong công việc, nhờ đó trở nên độc lập trong các mối quan hệ xã hội. Cũng theo đó, bà và con gái của mình cho rằng chính nhờ sự độc lập, tự chủ của bản thân đã giúp cho gia đình của mình có được sự cân bằng nhất định. Bởi lẽ, nó đã không tạo những áp lực lên người bạn đời của mình, cả hai đều cùng có thể san sẻ, là chỗ dựa cho nửa kia. Bên cạnh đó, bà Mai Thanh cũng nhấn mạnh việc hạnh phúc của người phụ nữ ở trong gia đình. Bởi vậy, “công – dung – ngôn – hạnh” là điều vô cùng quan trọng.
“Tôi cảm thấy hạnh phúc khi thể hiện điều đó trong gia đình và cộng đồng xã hội”, bà cho biết.

Quảng cáo

Bùi Tú Phương là con gái của ông Bùi Tố Minh - một đại gia kín tiếng ở Hà Nội. Theo các dữ liệu thì ngoài chuỗi khách sạn 5 sao Silk Path, ông Bùi Tố Minh còn sở hữu nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản và sản xuất bao bì.
Thông tin từ TCT Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam - Vneco (VNE), cho biết doanh nghiệp này đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 99,86% vốn nắm giữ tại CTCP Du lịch Xanh Huế, đơn vị đang sở hữu khách sạn tiêu chuẩn 4 sao Xanh Huế, một trong những khách sạn đẹp nhất ở Huế thu về gần 280 tỷ đồng. Đối tác nhận chuyển nhượng lần này gồm 1 doanh nghiệp và 2 cá nhân, đó là Công ty TNHH Khách sạn Silk Path nhận 20,384 triệu cổ phiếu, nữ doanh nhân 9X Bùi Tú Phương nhận 208.000 cổ phiếu và 178.000 cổ phiếu khác về tay ông Tạ Đàm Hưng.
Bùi Tú Phương (sinh năm 1992) là giám đốc và người đại diện pháp luật tại chuỗi khách sạn Silk Path. Nói cách khác, tổng số tiền liên quan đến công ty và giao dịch cá nhân 9X trong thương vụ này là gần 277 tỷ đồng.
Được thành lập cuối năm 2010, công ty TNHH Khách sạn Silk Path hiện còn sở hữu chuỗi khách sạn hạng sang đều có vị trí “đất kim cương” tại Thủ đô Hà Nội gồm khách sạn Silk Path Hotel Hà Nội tại số 195-199 Hàng Bông và Silk Path Boutique Hà Nội tại số 21 Hàng Khay.
Đồng thời, Bùi Tú Phương cũng là giám đốc khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Sa Pa - Silk Path Grand Sa Pa Resort & Spa.
Từng trao đổi với báo giới về Resort cao cấp tại Sapa, Bùi Tú Phương cho biết: “Nhận thấy tiềm năng du lịch vùng núi đang chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả do chi phí đầu tư vào thị trường này thường cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với chi phí đầu tư ở khu vực khác, Pusamcap Sa Pa đã nắm bắt cơ hội này để đầu tư, phát triển Khu nghỉ dưỡng Silk Path, có thể nói là sự “đón đầu” xu hướng “rời biển về núi” của doanh nghiệp với mong muốn mang đến cho du khách một khu nghỉ dưỡng tuyệt vời nhất giữa lòng Sa Pa”.
Bùi Tú Phương hiện chỉ sở hữu 1% vốn của công ty do cô làm lãnh đạo cấp cao. Chủ tịch Hội đồng thành viên của chủ đầu tư chuỗi khách sạn hạng sang kể trên là ông Bùi Tố Minh (sinh năm 1967) với tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ gần như tuyệt đối là 99% vốn điều lệ.
Tập đoàn Silk Path Hotels and Resorts có 3 thương hiệu là Silk Path Boutique (Khách sạn theo dạng boutique nhỏ nhưng vẫn sang trọng), Silk Path Hotel (Khách sạn 4 sao) và Silk Path Grand (Khách sạn 5 sao theo dòng resort nghỉ dưỡng).

Trần Thị Quỳnh Ngọc sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh địa ốc. Cô gái sinh năm 1990 này có mẹ chính là bà chủ của tập đoàn Nam Cường - Lê Thị Thúy Ngà.
Khi còn tu nghiệp tại Anh ngành Địa lý Kinh tế, Trần Thị Quỳnh Ngọc không nghĩ mình sẽ theo nghiệp bất động sản của bố (ông Trần Văn Cường – cố Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường). Cô từng tâm sự:
“Trước khi được chọn để theo nghiệp kinh doanh này, tôi cũng có thắc mắc hỏi bố rằng: Kinh doanh khô khan quá! Con thích cái gì nghệ thuật hơn. Nếu chọn, con sẽ làm các hoạt động xã hội như giáo dục, văn hóa mang lại giá trị cho cộng đồng nhiều hơn là làm kinh doanh. Nó khốc liệt quá! Bố tôi nói với con gái: "Kinh doanh cũng là một loại nghệ thuật và quản trị được một doanh nghiệp như Nam Cường là nghệ thuật đỉnh cao". Vì câu nói đó mà suốt cả cuộc đời này tôi sẽ đi tìm câu trả lời”.
Những gì cô gái trẻ đang từng ngày làm cho tập đoàn Nam Cường chính là đáp án cho vị chủ tịch đã khuất núi, đó cũng là một cách mà thế hệ lãnh đạo tiếp nối như Quỳnh Ngọc đóng góp cho gia đình và xã hội.
Tại Nam Cường, lượng cổ phần phó chủ tịch HĐQT Trần Thị Quỳnh Ngọc sở hữu lên tới 11,11%. Quy ra tiền mặt theo giá trị cổ phiếu, số tiền thuộc sở hữu của cô vào khoảng 500 tỷ đồng.

Bài viết Trần Én

Thiết kế Bùi Đức

Nguồn nhipsongthoidai.nss.vn Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm