Vnluxury

Những điều không phải ai cũng biết về thương hiệu Comme des Garçons

Tuy Comme des Garçons nổi tiếng vì họa tiết trái tim có mặt cười, nhưng thực chất thương hiệu nổi tiếng hơn với những thiết kế avant-garde

Giày thể thao Comme des Garçons kết hợp với Converse. Hình ảnh trái tim có gương mặt ngộ nghĩnh đã trở thành biểu tượng nhận diện của thương hiệu Comme des Garcons.

Gucci vừa tung ra teaser cho một bộ sưu tập đặc biệt bắt tay cùng thương hiệu Comme des Garçons.

Khi nói đến Comme des Garçons, người ta nghĩ ngay đến những chiếc áo thun có trái tim mặt cười thêu trên ngực. Hình ảnh quả tim đỏ ngộ nghĩnh cũng là một trong những thiết kế thời trang bị đạo nhái nhiều nhất trên toàn cầu ở thời điểm hiện tại. Nhưng, Comme des Garçons không chỉ có thế. Hãng thời trang này có rất nhiều câu chuyện thú vị khác.

Sau đây là một số những điều ít ai biết về thương hiệu thời trang này.

1. Nhà sáng lập người Nhật, lấy cảm hứng từ văn hóa Pháp

Thương hiệu Comme des Garçons ra đời năm 1969 ở Tokyo, Nhật Bản. Cái tên được dịch từ câu tiếng Pháp, “giống như những đứa con trai”.

Nhà sáng lập thương hiệu, Rei Kawakubo, đã lấy cảm hứng từ một ca khúc của nghệ sỹ người Pháp Françoise Hardy. Ca khúc ấy tên là Toutes les garçons et les filles. Lời bài hát nói về một người con gái chưa một lần tìm được tình yêu trong đời, và cảm thấy bất hạnh khi bị vây quanh bởi những lứa đôi hạnh phúc. Ca khúc Toutes les garçons et les filles bán ra 500.000 bản ở Pháp năm sáng tác (1962), rồi được dịch ra đủ thứ tiếng khác như Anh, Ý, và Đức.

Trong ca khúc này có câu “comme les garçons et les filles de mon âge”, tạm dịch: “như tất cả lũ con trai và đám con gái đồng trang lứa”. Rei Kawakubo đã trích đúng đoạn Comme des Garçons để dùng làm tên thương hiệu thời trang của mình, với ý đồ thiết kế nên những trang phục không bị “bánh bèo”, có phần nam tính như đồ của lũ con trai choai choai. Có thể thấy bà đã nắm bắt xu hướng thời trang phi giới tính từ trước khi nó trở thành trào lưu.

2. Rei Kawakubo không theo học trường thời trang

Ảnh: Instagram @kawakubosan

Bà Rei Kawakubo thực chất theo học ngành mỹ thuật và văn học từ trường đại học Nhật Bản Keio. Ngành học của bà bao gồm lịch sử mỹ thuật, văn hóa mỹ thuật phong cách Âu và Á, nói chung là một ngành học chuyên môn về thẩm mỹ.

Sau đó, bà tìm được công việc trong bộ phận quảng cáo của công ty dệt may Asahi Kaisei. Từ từ, bà cảm thấy hứng thú với ngành thời trang nên chuyển sang làm công việc stylist năm 1967. Hai năm sau, bà bắt đầu thiết kế những trang phục đầu tiên cho thương hiệu Comme des Garçons cá nhân. Thương hiệu được đóng mộc thành lập công ty năm 1973.

3. Vì vậy mà trang phục Comme des Garçons rất nghệ thuật

Đế chế bí ẩn Comme des Garçons: 6 sự thật có thể bạn chưa biết -  Style-Republik.com

Cũng vì không được đào tạo chính quy, bà Rei Kawakubo có con mắt độc đáo khi thiết kế thời trang. Bà kết hợp phong cách ăn mặc vốn dĩ hơi lụng phụng, che khuất dáng vóc mà người Nhật yêu thích, cùng các trang phục đậm văn hóa Nhật Bản, cho thương hiệu thời trang của mình.

Các thiết kế của Comme des Garçons được liệt kê vào phong cách avant-garde, khi sở hữu phom dáng giải cấu (deconstruct) rất nghệ thuật.

Tất nhiên thì yếu tố avant-garde được áp dụng chủ yếu cho các trang phục runway. Các dòng thời trang ứng dụng của Comme des Garçons đều rất dễ mặc: ví dụ phân nhánh streetwear Comme des Garçons Play có họa tiết trái tim mặt cười, hay Comme des Garçons Homme Deux mang đến các trang phục dạ tiệc trang trọng cho nam giới.

Quảng cáo

4. Thương hiệu Nhật Bản đầu tiên tham gia tuần lễ thời trang Paris

Comme des Garcon Thu Đông 2021: Thế giới thanh bình của Rei Kawakubo

Comme des Garçons Thu Đông 2020. Các bộ sưu tập luôn được trình làng tại tuần lễ thời trang Paris.

Năm 1981, Comme des Garçons tổ chức sàn diễn runway đầu tiên ở tuần lễ thời trang Paris. Sự kiện này giúp thương hiệu trở nên nổi tiếng trong làng thời trang quốc tế. Đồng thời, Comme des Garçons trở thành thương hiệu thời trang Nhật đầu tiên tham dự tuần lễ thời trang Paris.

Vui vui: Highsnobiety ghi nhận, địa điểm tổ chức show runway tại Paris đầu tay của Comme des Garçons chỉ cách nơi ca khúc Toutes les garçons et les filles được sáng tác 19 năm về trước khoảng 10 dặm (16km).

5. Nhà thiết kế quạ đen

Ảnh: 1stdibs

Áo sweater thủng lỗ chỗ mà bà Rei Kawakubo gọi là áo ren, thuộc bộ sưu tập Destroy năm 1982.

Đến thập niên 1980, bà Rei Kawakubo bắt đầu bất mãn với những gì mình đã thiết kế trong thập niên trước. Bà nói, “Tôi cho rằng mình nên làm điều gì đó mạnh mẽ hơn, quyền lực hơn. Trong thời trang, chúng ta nên tránh bị ảnh hưởng bởi những gì đã được thực hiện trong quá khứ, ví dụ thập niên 1920 hay 1930. Vì vậy tôi quyết định sẽ bắt đầu từ con số không, làm nên những gì chưa từng được thiết kế trong quá khứ”.

Năm 1982, bà tung ra bộ sưu tập Destroy ở tuần lễ thời trang Paris. Cái tên có nghĩa là hủy diệt. Lúc này, giới thời trang đang mê đắm những gì màu mè, hào nhoáng mà Versace đưa lên sàn diễn. Còn Comme des Garçons lại bị bao phủ bởi màu đen u tối. Trang phục mang hơi thở punk rock, gấu váy áo rách rưới, trang phục lủng lỗ ngẫu hứng… tạo nên những hình thù quái dị.

Lúc ấy, giới thời trang thế giới chẳng ưa gì phong cách này. Họ gọi bà là nhà thiết kế quạ đen, hay thậm chí là phong cách mụ đàn bà Hiroshima. Nhưng bà Rei Kawakubo vẫn mặc kệ.

Phong cách lạ lùng, đen tối của các thiết kế Comme des Garçons mau chóng chinh phục một số đối tượng nhất định. Họ gọi bản thân là gia đình quạ đen (karasu-zoku). Chính họ đã giúp mang khuếch trương lối ăn mặc toàn đen ở New York vào cuối thập niên 1980, giúp màu đen vững chân trong làng thời trang khi đối mặt với những bộ sưu tập màu mè từ Dolce & Gabbana, Versace hay Giorgio Armani trong thời gian này.

6. Comme des Garçons là thương hiệu châu Á duy nhất có cả một triển lãm Met Gala tôn vinh bản thân

Ảnh: Instagram @commedesgarcons

Bên trong triển lãm Met Gala 2017.

Năm 2017, Commes des Garçons và Rei Kawakubo được Met Gala chọn làm chủ đề cho triển lãm năm ấy. Triển lãm mang tên Art of the In-Between (tạm dịch: Nghệ thuật của kẻ ở giữa). Hơn 120 thiết kế từ thương hiệu Comme des Garçons được lựa chọn để thể hiện khái niệm đối xứng và tương phản – Á và Âu, nam và nữ, quá khứ và hiện tại – nghệ thuật của cách bà Rei Kawakubo dung hòa những văn hóa khác nhau.

Như vậy, bà Rei Kawakubo là nhà thiết kế châu Á đầu tiên có cả một triển lãm Met Gala dành cho bản thân (triển lãm Through the Looking Glass về thời trang Trung Quốc không được tính, vì nó bao gồm nhiều nhà thiết kế và thương hiệu).

Đồng thời, trong lịch sử Met Gala, Rei Kawakubo là nhà thiết kế thứ hai vẫn còn sống khi triển lãm về bản thân được thực hiện – người đầu tiên là Yves Saint Laurent năm 1983.

Nguồn nhipsongthoidai.nss.vn Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm