Contemporary không mang theo những đặc trưng cụ thể và gắn liền với một giai đoạn lịch sử nhất định mà là một thuật ngữ rộng bao gồm nhiều kỹ thuật và khái niệm kiến trúc khác nhau. Nó có lẽ là một trong những phong cách được sử dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực thiết kế trong vài thập kỷ qua. Xuyên suốt hành trình phát triển từ những năm 1970, có rất nhiều kiến trúc sư danh tiếng theo đuổi phong cách này. Họ đã kết hợp những đặc trưng của trường phái cùng với cá tính riêng để tạo ra những công trình ấn tượng, đại diện cho bối cảnh kiến trúc thời hiện đại.
1. Daniel Libeskind
Daniel Libeskind được biết đến với phong cách thiết kế độc đáo, đầy cảm xúc và mang tính biểu tượng. Các công trình của ông thường được ví như những tác phẩm điêu khắc khổng lồ, với những đường nét mạnh mẽ và đầy góc cạnh, tạo ra những không gian vừa quen thuộc vừa lạ lẫm. Kiến trúc sư không đơn thuần xây dựng những tòa nhà mà những câu chuyện qua kiến trúc, thường lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hóa và những sự kiện quan trọng để tạo nên những toà nhà mang ý nghĩa sâu sắc. Ông sử dụng rất nhiều loại vật liệu khác nhau, từ kim loại, bê tông đến kính, tạo nên những hiệu ứng thị giác độc đáo. Ngoài ra, ánh sáng và bóng tối đóng vai trò quan trọng trong các thiết kế của Daniel, tạo nên những không gian vừa huyền bí, vừa đầy cảm xúc.
Ảnh: Getty Images
Bảo tàng Do Thái (Berlin): Đây là một trong những công trình tiêu biểu nhất của Daniel Libeskind, lấy cảm hứng từ những vết sẹo lịch sử. Ảnh: Denis Esakov
Bảo tàng Nghệ thuật Denver (Colorado): Kiến trúc sư đã sử dụng đồng thời những vật liệu vốn có của công trình trước đó cùng với những vật liệu mới như titan để tạo ra sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại cho bảo tàng. Ảnh: Bitter Bredt
2. Norman Foster
Norman Foster được xem là một trong những kiến trúc sư có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, đặc biệt là trong lĩnh vực kiến trúc đương đại. Ông được biết đến với những công trình sử dụng kính và thép một cách tinh tế, tạo nên những không gian nội và ngoại thất thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng tự nhiên. Các thiết kế của ông ngoài tính thẩm mỹ còn đáp ứng tiêu chí bền vững, sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Ảnh: Foster + Partners
Toà nhà The Gherkin (London): Công trình biểu tượng của thủ đô Vương quốc Anh là dấu ấn nổi bật trong sự nghiệp của Norman Foster. Ảnh: Nigel Young
Tòa nhà Reichstag (Berlin): Đây là một trong những công trình lâu đời mà chi tiết hiện đại được thêm vào một cách khoa học và tinh tế, mang lại vẻ đẹp giao thoa giữa hai thời kỳ cho kiến trúc. Ảnh: Rudi Meisel
3. Richard Meier
Nổi tiếng với phong cách thiết kế tối giản, Richard Meier sử dụng chủ yếu màu trắng và các hình khối đơn giản trong đa số các dự án của mình. Ông thường được so sánh với kiến trúc sư Le Corbusier, một trong những người sáng lập phong trào đương đại của thế kỷ 20. Tuy nhiên, Richard đã mang đến một góc nhìn mới cho kiến trúc đương đại bằng cách kết hợp giữa sự tinh khiết của hình khối với ánh sáng tự nhiên một cách tinh tế. Trong quá trình thiết kế, kiến trúc sư thường sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau, nhưng chủ yếu ưu tiên các vật liệu có màu trắng hoặc màu sáng để tạo ra sự thống nhất trong thiết kế.
Ảnh: Richard Phibbs
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Barcelona (Barcelona). Ảnh: E-Flux
Nhà Smith (Darien). Ảnh: Mike Schwartz
4. Frank Gehry
Là một trong những kiến trúc sư có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 với phong cách thiết kế độc đáo, phá cách và mang đậm tính điêu khắc, Frank Gehry được biết đến với những công trình mang hình dáng uốn lượn, mềm mại, thường được so sánh với những tác phẩm điêu khắc đương đại. Ông sử dụng rất nhiều loại vật liệu khác nhau, từ kim loại, kính đến gỗ, tạo nên những hiệu ứng thị giác vô cùng độc đáo. Phong cách thiết kế của Frank thường được gọi là giải phóng kết cấu hoặc phá vỡ cân đối. Tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào thiết kế, ông thường sử dụng các phần mềm thiết kế 3D để tạo ra những hình khối phức tạp và độc đáo.
Ảnh: 20th-century Architecture
Bảo tàng Guggenheim Bilbao (Bizkaia): Một trong những công trình nổi tiếng nhất của Frank Gehry, với kiến trúc độc đáo và ấn tượng, góp phần đưa thành phố Bilbao trở thành một điểm đến du lịch nổi tiếng. Ảnh: Erika Ede
Phòng hoà nhạc Walt Disney (Los Angeles): Kiến trúc sư được ủy nhiệm thiết kế công trình ngay trước khi được xướng tên là người đoạt giải Pritzker (1989). Đây cũng là dự án lớn đầu tiên của ông tại quê nhà Los Angeles. Ảnh: Carol M Highsmith
5. Jeanne Gang
Kiến trúc sư Jeanne Gang là người sáng lập và lãnh đạo Studio Gang, một công ty kiến trúc và thiết kế đô thị có văn phòng tại Chicago, New York, San Francisco và Paris. Bà được biết đến với những thiết kế kết hợp hài hòa giữa tính thẩm mỹ và bền vững, đặc biệt trong việc ứng dụng các nguyên tắc sinh thái vào kiến trúc. Bà thường sử dụng các vật liệu từ môi trường tự nhiên, tối ưu hóa ánh sáng mặt trời và thông gió tự nhiên để tạo ra những không gian sống bền vững và thân thiện với môi trường. Jeanne Gang quan niệm rằng kiến trúc không chỉ là những công trình xây dựng mà còn là những không gian sống, làm việc và giao lưu của con người. Bà luôn cố gắng tạo ra những công trình có thể kết nối cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ảnh: Studio Gang
Tòa nhà Aqua (Chicago): Một trong những công trình đầu tiên và nổi tiếng nhất của Jeanne Gang, được đánh giá là một trong những tòa nhà cao tầng bền vững nhất thế giới. Ảnh: Hedrich Blessing
Tòa nhà Solar Carve (Chelsea): Một dự án sử dụng năng lượng mặt trời nổi bật, kết hợp giữa kiến trúc và công nghệ. Ảnh: Jeanne Gang Architects
Thực hiện: Quốc Huy
Xem thêm:
KTS Shigeru Ban đoạt giải thưởng Praemium Imperiale 2024
Phong cách Contemporary: Vẻ đẹp của mọi thời đại và hướng đến tương lai
Vẻ đẹp phục hưng của phong cách kiến trúc Tân cổ điển