Vai trò của các nhà phê bình kiến trúc không dừng lại ở việc chỉ ra những điểm được và chưa được của môi trường xây dựng mà còn phải đánh giá và thúc đẩy những tác động tích cực mà kiến trúc có thể mang lại cho xã hội và thế giới. Nhìn lại xuyên suốt tiến trình phát triển của lĩnh vực này, phải thừa nhận rằng, lĩnh vực báo chí kiến trúc đã được dẫn dắt bởi những người phụ nữ phi thường, ngay cả trong thời đại mà việc theo đuổi sự nghiệp kiến trúc bị ngăn cản và không thể tiếp cận đối với phụ nữ. Từ Ada Louise Huxtable, nhà phê bình kiến trúc đầu tiên của tờ The New York Times, cũng là người đầu tiên nhận Giải thưởng Pulitzer cho hạng mục phê bình đến Esther McCoy, người chỉ bắt đầu sự nghiệp phê bình kiến trúc của mình sau khi bị ngăn cản, không được đào tạo chuyên sâu để trở thành một kiến trúc sư chuyên nghiệp nhưng ngòi bút của bà đã thay đổi bối cảnh của cả ngành xây dựng. Hãy cùng ELLE Decoration tìm hiểu năm người phụ nữ vĩ đại đã và đang thay đổi môi trường xây dựng bằng lời nói và câu chữ của mình.
Ada Louise Huxtable
Là nhà phê bình kiến trúc đầu tiên làm việc toàn thời gian cho tờ The New York Times, Ada Louise Huxtable (1921-2013) được công nhận là một trong những tiếng nói có sức ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực kiến trúc của nước Mỹ vào giữa thế kỷ 20. Bỏ qua những lời bình luận sáo rỗng về các phong cách, trường phái, các bài viết của bà tập trung vào bản chất xã hội của kiến trúc, mời gọi độc giả chiêm ngưỡng các tòa nhà dưới góc nhìn văn hóa.
Chân dung Ada Louise Huxtable. Ảnh: Gene Maggio
Không chỉ vậy, Ada Louise Huxtable còn quan tâm đến bảo tồn môi trường đô thị, xuất phát từ sự trân trọng sự sống và tình yêu của bà dành cho cảnh quan thành phố. Những tưởng điều này sẽ khiến bà trở thành kẻ thù của các hình thức kiến trúc hiện đại, nhưng đâu đó trong các bài viết của mình, bà vẫn ca ngợi những tòa nhà mang đậm dấu ấn của sự phát triển, từ đó đưa ra những lời khuyên cho hình thức kiến trúc mới của New York.
Thành phố New York. Ảnh: Simon Menges
Quan điểm của bà luôn được thể hiện một cách tự tin và rõ ràng với những lập luận thông minh, sâu sắc. Khi không đồng tình, bà không ngần ngại khiển trách hay châm biếm các nhà thiết kế, kiến trúc sư để cải thiện tình hình. Nhìn chung, tình yêu của Ada Louise Huxtable dành cho thành phố New York tỏa sáng trong chính những lời chỉ trích dành cho những dự án phát triển không phù hợp và trong nỗ lực xác định, bà luôn nỗ lực theo đuổi công tác bảo tồn và phát triển bản sắc chung của thành phố.
“A Look at the Kennedy Center” – một trong những tác phẩm phê bình hay nhất của Ada Louise Huxtable. Ảnh: Wikipedia
Jane Jacobs
Cuộc chiến khét tiếng giữa Jane Jacobs (1916-2006) và Robert Moses – viên chức đảm nhận phân bố quy hoạch nổi tiếng nhất nước Mỹ giữa thế kỷ 20 giúp định hình nên thành phố New York lẫn thái độ đối với quy hoạch đô thị thông qua sức mạnh của cộng đồng. Bà vô cùng am hiểu về hệ thống phức tạp của những thành phố lớn và nỗ lực dùng câu chữ của mình để phá bỏ khái niệm quy hoạch đô thị trên những trang giấy trắng.
Jane Jacobs, chủ tịch Ủy ban Help West Village, giơ cao bằng chứng tài liệu tại buổi họp báo ở Nhà hàng Lions Head trên phố Hudson & Charles. Ảnh: Phil Stanziola
Theo Jane Jacobs, quy hoạch cộng đồng phải đi từ dưới lên trên, những người dân sống trong chính khu phố đó mới hiểu rõ nhất những giải pháp nào sẽ phá vỡ hoặc củng cố sự cân bằng. Đến nay, di sản mà bà để lại vẫn tồn tại theo nhiều cách khác nhau, nổi bật nhất là Jane’s Walks – chuỗi sự kiện cộng đồng miễn phí diễn ra trên khắp thế giới, nơi người dân có cơ hội gặp gỡ và thảo luận về các vấn đề cấp bách tại khu phố của họ với giới chính quyền.
Hoạt động thuộc dự án “Jane’s Walk” tại Di tích lịch sử quốc gia Fort York ở Toronto. Ảnh: Yoho2001
Esther McCoy
Nhà báo, nhà phê bình và sử gia kiến trúc Esther McCoy (1904-1989) được ca ngợi là người đầu tiên ủng hộ kiến trúc hiện đại ở Nam California. Trước khi bà đưa ra những lập luận về phẩm chất và tính thẩm mỹ đáng chú ý của kiến trúc Bờ Tây, các trường phái và quy chuẩn Bờ Đông đã thống trị diễn ngôn Mỹ trong suốt thế kỷ 20. Nói cách khác, Esther McCoy chính là nhân tố góp phần vào việc công nhận và phổ biến rộng rãi Chủ nghĩa hiện đại Bờ Tây vào văn hóa đại chúng.
Nhà phê bình Esther McCoy. Ảnh: The Esther McCoy papers
Sau khi điều chuyển công tác từ New York đến Los Angeles, ban đầu vì lý do y tế, bà đã quan sát và ghi chép lại sự phát triển của một hình thức hiện đại mới ở khu vực Bờ Tây. Sau đó, Ester McCoy nhanh chóng hiểu ra rằng đây không chỉ đơn thuần là sự diễn giải lại các lý tưởng của Bờ Đông hay châu Âu đang thống trị nền công nghiệp thiết kế Mỹ thời bấy giờ mà là một hình thức kiến trúc hoàn toàn mới, mang đậm tính khu vực. Các tác phẩm phê bình của bà chú trọng tôn vinh những chi tiết kiến trúc được hình thành dựa trên địa lý, phản ứng với khí hậu cùng điều kiện địa phương, xoay quanh việc làm thế nào để mỗi công trình có thể hòa hợp với môi trường và cộng đồng bản địa.
Những quyển sách của Ester McCoy (từ trái qua): “Schindler, Space Architect” (1945), “Five California Architects” (1960), “The Second Generation” (1990). Ảnh: The Esther McCoy papers
Không chỉ vậy, Ester McCoy còn nỗ lực vun đắp tình bạn với các kiến trúc sư quốc tế. Vào đầu những năm 1950, bà nhiều lần du lịch đến Ý và Mexico để tìm hiểu và viết một cách nghiêm túc về văn hóa thiết kế của những đất nước này. Bằng cách giới thiệu các kiến trúc sư như Luis Barragán, Juan O’Gorman và Felix Candela đến công chúng Mỹ, bà đã góp phần lớn vào công cuộc xóa bỏ những định kiến, khuôn mẫu thực dân về kiến trúc Mexico.
Triển lãm “10 kiến trúc sư nổi tiếng nhất nước Ý” do Esther McCoy giám tuyển vào năm 1967 cho Bảo tàng nghệ thuật Los Angeles. Ảnh: The Esther McCoy papers
Beatriz Colomina
Beatriz Colomina (1952) là một nhà sử học và lý thuyết gia, người đã định hình lại hiểu biết cơ bản của công chúng về kiến trúc hiện đại thông qua nghiên cứu sáng tạo và quan điểm phê bình xác đáng. Bài viết của bà tập trung vào việc phản ánh sự phức tạp của các dòng chảy văn hóa và khám phá mối liên hệ độc đáo giữa kiến trúc với phương tiện truyền thông, công nghệ, tình dục, bệnh tật và chiến tranh. Đặc biệt đáng chú ý là cuộc điều tra về cách các căn bệnh như bệnh lao ảnh hưởng đến kiến trúc hiện đại và những phân tích sâu sắc về vai trò của tính gia đình trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Đồng thời, thông qua những cuốn sách có tầm ảnh hưởng như “Privacy and Publicity: Modern Architecture as Mass Media” (1994) và “X-Ray Architecture” (2019), Beatriz đã phát triển một khuôn khổ lý thuyết riêng biệt định vị kiến trúc trong bối cảnh xã hội, văn hóa và chính trị rộng lớn, tiết lộ cách môi trường xây dựng vừa định hình vừa phản ánh các điều kiện sống của cộng đồng địa phương.
Chân dung Beatriz Colomina. Ảnh: Cornell Architecture Art Planning
Bên trong quyển “X-Ray Architecture”. Ảnh: Tư liệu
Alexandra Lange
Alexandra Lange (1982) là một nhà thiết kế nổi tiếng, chủ nhân của loạt tác phẩm phê bình đóng góp đáng kể vào việc giúp công chúng dễ tiếp cận hơn với diễn ngôn kiến trúc. Bà đã khẳng định được vị thế của mình thông qua sự cộng tác với các ấn phẩm đình đám như The New Yorker, The New York Times và Dezeen. Cách tiếp cận của Alexandra đối với phê bình kiến trúc hoàn toàn mang tính dân chủ, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc trải nghiệm không gian trực tiếp và hiểu cách chúng ảnh hưởng đến người dùng hàng ngày.
Chân dung Alexandra Lange. Ảnh: Mark Wickens
Trong “Writing About Architecture: Mastering the Language of Buildings and Cities” và “Meet Me by the Fountain: An Inside History of the Mall” (2022), bà phân tích các công trình kiến trúc, trao quyền cho độc giả phát triển quan điểm phê bình của riêng họ về môi trường xây dựng. Phong cách viết của Alexandra Lange là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính nghiêm ngặt của nền tảng học thuật với lời kể hấp dẫn, giúp các khái niệm kiến trúc phức tạp trở nên dễ hiểu và sinh động.
Bìa sách “Meet Me by the Fountain: An Inside History of the Mall”. Ảnh: Tư liệu
Thực hiện: Thùy Như | Theo: ArchDaily
Xem thêm:
Nhà phục chế Greg Powlesland và sứ mệnh hồi sinh những cổ vật bị lãng quên
Những nữ kiến trúc sư có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử
Nhà giáo dục – Nghệ sĩ Hương Mi Lê: Tồn tại ở thể toàn vẹn