Vnluxury

Nike, Rick Owens làm mất lòng Trung Quốc trong năm qua

Các thương hiệu thời trang như Giambattista Valli, Nike và NTK Rick Owens khiến người Trung Quốc thất vọng bởi loạt hành động thiếu nhạy cảm của mình.

Rick Owens

Hình ảnh liếm vợt bóng bàn bị cho là thiếu tôn trọng trong quảng cáo của Nike.

Trung Quốc luôn được xem là một trong những thị trường lớn nhất đối với các thương hiệu thời trang trên thế giới. Tuy nhiên, sự thiếu nhạy cảm về văn hoá và chăm sóc khách hàng của một số nhãn hiệu tạo ra nhiều cuộc tranh cãi lớn tại xứ tỷ dân trong năm nay.

Trong khi Giambattista Valli không chăm sóc tốt người tiêu dùng VIP, làm mất đi tính độc quyền của sản phẩm may đo cao cấp, Nike lại tạo ra phản ứng tiêu cực từ quảng cáo Olympic “thiếu tôn trọng người Trung Quốc”.

Gần cuối năm, sự xuất hiện của Rick Owens và những người bạn trong trang phục tối tăm, kỳ dị tại Tử Cấm Thành (Bắc Kinh) cũng gây ra làn sóng phẫn nộ.

Giambattista Valli bị tố cho Anya Taylor-Joy mượn váy của khách VIP

Hồi tháng 6, Lu Min (Lulu), một khách hàng VIP của Giambattista Valli tại Trung Quốc, lên tiếng cáo buộc thương hiệu này cho diễn viên Anya Taylor-Joy mượn một thiết kế may đo cao cấp mà cô đã đặt hàng.

Người có sức ảnh hưởng trên MXH với hơn 1 triệu lượt theo dõi này cho biết cô phải cọc 27.600 USD cho chiếc váy, không ngờ món đồ xuất hiện ở Liên hoan phim Cannes trước khi đến tay mình.

Rick Owens

Lu Min thể hiện sự bức xúc khi thiết kế cô đặt hàng bị thương hiệu cho ngôi sao mượn và mặc trước. Ảnh: @lulu.

Trên MXH Xiaohongshu của Trung Quốc, bài đăng thu về 21.000 lượt thích và 1.696 bình luận. Nhiều người ủng hộ quyết định từ bỏ khoản tiền cọc và không mua sản phẩm thời trang này của Lu Min.

Theo Lu, cách hoạt động đề cao yếu tố thương mại của Giambattista Valli đã vi phạm quy tắc ngầm trong giới mua sắm hàng thời trang cao cấp, làm giảm giá trị của những thiết kế được may đo riêng.

Lu Min cũng thể hiện sự bức xúc khi gọi nhãn hàng Italy là “thương hiệu hạng hai”. Cô cũng lập luận rằng các bộ sưu tập thời trang cao cấp của những nhà mốt truyền thống như ValentinoGiorgio Armani Privé đặc biệt đề cao tính độc nhất.

Quảng cáo

Khi khách hàng đặt một sản phẩm, món đồ tuyệt đối không xuất hiện ở nơi khác. Nếu nhãn hàng muốn cho ngôi sao mượn, đại diện thương hiệu sẽ trao đổi với khách, điều chỉnh các chi tiết, màu sắc, thể hiện sự tôn trọng đối với người mua hàng thời trang may đo riêng.

Sức ảnh hưởng của Lu Min trong giới tiêu dùng xa xỉ tại Trung Quốc khiến sự cố này thu hút sự chú ý lớn trên MXH, tạo ra khủng hoảng quan hệ khách hàng nghiêm trọng cho thương hiệu. Lu Min cũng khẳng định không bao giờ mua thêm sản phẩm của Giambattista Valli.

Quảng cáo của Nike bị nhận xét thiếu tôn trọng

Hồi tháng 7, quảng cáo hưởng ứng Olympic Paris của Nike nhận về phản ứng trái chiều từ thị trường Trung Quốc. Cụ thể, trong thước phim tiếp thị Am I A Bad Person?, một nữ diễn viên châu Á vào vai vận động viên bóng bàn, thực hiện cảnh liếm vợt.

Hành động này bị cho là xúc phạm môn thể thao quốc gia của Trung Quốc. Nike chịu sự chỉ trích lớn vì thiếu tôn trọng môn thể thao và vận động viên của quốc gia này.

Thương hiệu thời trang thể thao trên nhanh chóng trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều ở nền tảng MXH Weibo với các bài đăng, bình luận chỉ trích. Đoạn clip liếm vợt đã thu hút hơn 53 triệu lượt xem trên nền tảng. Hashtag liên quan cũng đem về 81 triệu lượt xem trên Sina.

Trong khi một số cho rằng đây là sai lầm truyền thông đáng tiếc, nhiều người dùng MXH Trung Quốc lại kết luận rằng nhãn hàng cố ý khiêu khích, nhắm vào lòng tự hào của xứ tỷ dân.

Sự xuất hiện kỳ dị của Rick Owens ở Tử Cấm Thành

Tháng 10, nhà thiết kế Rick Owens, vợ Michèle Lamy và các nhà đồng sáng lập thương hiệu Fecal Matter tạo ra cuộc tranh cãi trên MXH Trung Quốc khi ăn mặc “tăm tối và kỳ dị” tại Tử Cấm Thành (Bắc Kinh).

Theo chia sẻ của bộ đôi NTK Hannah Rose Dalton và Steven Raj Bhaskaran, những người đứng sau Fecal Matter, hội nhóm này bị nhân viên an ninh yêu cầu “tẩy trang và thay quần áo bình thường trước khi vào”. Song, họ từ chối yêu cầu trên.

Rick Owens

NTK Rick Owens và những người bạn mặc trang phục lập dị, bị nhân viên an ninh cấm vào Tử Cấm Thành. Ảnh: Fecal Matter.

“Sau trải nghiệm này, chúng tôi càng quyết tâm hơn trong việc đấu tranh cho sự chấp nhận và lòng khoan dung đối với mọi sự khác biệt. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn chống lại những kẻ tước đoạt quyền tự do ngôn luận và trói buộc người khác”, Hannah Rose Dalton và Steven Raj Bhaskaran cho biết.

Khi sự việc này xảy ra, các phương tiện truyền thông Trung Quốc nhanh chóng bảo vệ quyết định cấm nhóm Owens vào Tử Cấm Thành của nhân viên an ninh. Theo tờ Beijing Daily, điều chưa được tôn trọng ở đây là lịch sử, văn hoá Trung Quốc, chứ không phải quyền tự do ăn mặc của nhóm NTK.

Nguồn https://lifestyle.znews.vn/lifestyle-style.html Copy
Vnluxury
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm