Vnluxury

NTK Vũ Thảo: Khi hình khối ký ức dịch chuyển vào thời trang | Off the Duty

Quê hương Thái Bình không chỉ là nguồn cảm hứng làm nên tên thương hiệu Kilomet 109 của NTK Vũ Thảo, mà nơi đó cũng chính là cái nôi nuôi dưỡng tư duy thẩm mỹ của chị. Từ những điều gần gũi với cuộc sống trong ký ức, kiến trúc và điêu khắc trở thành đam mê, làm nền móng cho mọi sáng tạo sau này.

vu thao nha thiet ke kilomet 109

Chân dung NTK Vũ Thảo.

Ngoài thời trang, chị dành thời gian cho đam mê nào khác?

Tôi rất thích điêu khắc và kiến trúc. Tôi nghĩ nếu không phải là chuyên ngành thiết kế thời trang, kiến trúc đã là ngành tôi lựa chọn khi học đại học. Đam mê này bắt nguồn từ môi trường sống duy mỹ, có sự giao thoa văn hóa mà tôi đã lớn lên cùng.

Thế nhưng những nhận thức về cái đẹp của không gian và hình khối đầu đời của tôi lại có được từ bố mình. Ông từng làm việc trong ngành ngoại giao, có thời gian dài sinh sống tại nước ngoài. Ông cũng là một người có tâm hồn nghệ sĩ, yêu cái đẹp. Ông từng sở hữu một bộ sưu tập xe máy, nâng niu chúng hơn hẳn những vật chất khác. Tôi nhớ hình ảnh ông lau chùi tỉ mỉ, chăm chút vẻ ngoài của từng chiếc xe, hay say sưa nói về chúng với những người hàng xóm khi đến thăm nhà. Ngoài những sở thích cá nhân, ông cũng là người có tiêu chuẩn trong lối sống. Nội thất trong nhà luôn được bài trí một cách tươm tất, dù ở thời điểm đó, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn, trong khi hầu hết mọi gia đình người Việt đều ăn cơm trên chiếu thì ở nhà tôi có bàn ăn phủ khăn và lọ hoa pha lê. Tôi vẫn còn nhớ chiếc khăn đó làm bằng vải dạ kẻ ô đỏ, vàng của Tiệp Khắc.

vu thao gia dinh nha thiet ke kilomet 109

Ảnh trái: Bố của NTK Vũ Thảo (giữa) trong thời gian sinh sống tại Tiệp Khắc. Ảnh Phải: NTK Vũ Thảo và em trai cùng bố (phía sau).

Lớn hơn nội thất là kiến trúc của ngôi nhà. Gia đình tôi sống trong ngôi nhà ba gian truyền thống Bắc Bộ, được cất bằng gỗ lim, gỗ táu, bậc tam cấp và mái ngói. Sau này có điều kiện hơn, bố tôi xây thêm một ngôi nhà hai tầng mái bằng bên cạnh, có thiết kế lạ lẫm. Công trình này là sự thể nghiệm của ông từ những điều ông quan sát, chịu ảnh hưởng của trào lưu Space Age khi ông còn sinh sống tại châu Âu. Ngôi nhà có một ống khói lớn phía sau và một công trình phụ kiên cố trong vườn dành để tăng gia sản xuất: nuôi gà. Có thời điểm nó phổ biến đến mức người trong thị trấn bảo nhau, nếu muốn tìm nhà của Thảo, cứ tìm nhà nào có chuồng gà to nhất.

mai ngoi nha que kien truc thai binh

Mái ngói ngôi nhà ở quê của NTK Vũ Thảo.

Với tôi, kiến trúc là một ngành nghề nam tính và mạnh mẽ. Chính những đặc điểm này làm tôi bị cuốn hút, ảnh hưởng đến chuyên môn thời trang của mình. Đó là lý do tôi chọn dòng đồ nam khi bắt đầu với công việc thiết kế chuyên nghiệp. Không giống với trang phục nữ vốn có thể tự do bay bổng, đồ nam đề cao hình khối, cấu trúc, tỉ lệ, và đặc biệt là công năng – những đặc trưng cần có của kiến trúc.

Có vẻ như trong gia đình, bố là người ảnh hưởng đến chị nhiều nhất?

Ở một góc độ nào đó, tôi thấy mình là một bản sao của bố. Tôi và ông chia sẻ chung những mối quan tâm, sở thích. Trong ký ức của tôi, bố là người sống có cá tính, có gu. Không chỉ phong cách sống, những câu chuyện về những chuyến đi kéo dài hàng tháng trời từ Hà Nội băng qua Trung Quốc, Mông Cổ và Nga để đến Tiệp Khắc hay ngược lại đã truyền cho tôi cái máu du hí, sự hối thúc phải lên đường để tìm tòi, khám phá.

Kiến trúc và điêu khắc ảnh hưởng thế nào đến công việc thiết kế của chị?

Thiết kế của tôi đề cao tỷ lệ, tính cấu trúc, tính ứng dụng, đa tính năng để người dùng có thể mặc theo nhiều cách, trong nhiều hoàn cảnh. Tôi quan niệm mỗi bộ trang phục là một tác phẩm điêu khắc đa chiều – khi thay đổi góc nhìn, người mặc sẽ khám phá ra những đường nét mới lạ. Ngoài ra, ở đó còn có hình khối của kiến trúc. Hai yếu tố cốt lõi để tôi phát triển các bộ sưu tập.

Trong hai lĩnh vực này, ai là người truyền cảm hứng cho chị?

Tôi được truyền cảm hứng bởi hai nhà điêu khắc Richard Serra và Alberto Giacometti. Các tác phẩm của Serra có sự giản lược nhưng tầm vóc và tôi rung động trước sự tinh khiết trong tư duy nghệ thuật của ông. Ở Giacometti lại là sự biến ảo. Tính đa chiều trong phương pháp tạo hình của ông làm tôi thán phục.

Ngoài thời trang, chị từng áp dụng kiến trúc và điêu khắc vào thực hành sáng tạo nào khác?

Bên cạnh thời trang, tôi vẫn thực hành sáng tác nghệ thuật với những tác phẩm sắp đặt chất liệu. Nếu để thực sự được thăng hoa trong sáng tạo với đam mê về kiến trúc và điêu khắc, tôi nghĩ nghệ thuật sắp đặt là một vùng đất màu mỡ để thoả trí tung hoành. Điển hình như Khải tại London Design Biennale, là sự kết hợp của hai phần: Bể nhuộm đựng màu chàm và giàn giáo dye lab treo các mẫu vật của quá trình nghiên cứu nhuộm. Tác phẩm này gợi nhớ đến hình ảnh giàn mướp bên giếng nước thân thuộc của làng quê Bắc Bộ – một ẩn dụ đẹp về sự kết nối quá khứ và hiện tại. Giếng với tôi là một biểu tượng của điêu khắc và kiến trúc công cộng, thể hiện tính cộng đồng cao. Nó còn là biểu tượng của văn hóa làng xã Bắc Bộ, nơi diễn ra nhiều hoạt động mang tính gắn kết của tập thể con người.

khai vu thao London Design Biennale kien truc nghe thuat sap dat

Tác phẩm Khải của NTK Vũ Thảo tại London Design Biennale (2018).

Tác phẩm Vuông-Tròn trưng bày tại Pop-Up Office Mùa 2 của ELLE Decoration cũng là sự kết hợp giữa kiến trúc, điêu khắc và thời trang, kể về mối liên hệ mật thiết của chất liệu, phục trang với những nhân tố tự nhiên như đất, nước và ánh sáng. Vuông – tròn là một khái niệm phổ biến trong đời sống văn hóa thường nhật của người Việt, giàu tính tượng trưng, thể hiện khát vọng về sự cân bằng, sự hòa hợp của càn khôn.

elle decoration pop up office vuong tron trien lam

Tác phẩm Vuông Tròn (2023) của NTK Vũ Thảo tại ELLE Decoration Pop-Up Office Mùa 2 chủ đề The Story of Our Time. Ảnh: Duong Rkudo

Dự án sắp đặt gần đây nhất của tôi là không gian của triển lãm Thiên Thủy Thổ nhằm khám phá tính chất vật lý và sân khấu của việc biến thực vật thành sản phẩm thời trang, về mối quan hệ mật thiết của tự nhiên và tín ngưỡng, hay tại một dự án bảo tồn Di Sản Kết Nối của British Council, tôi dựng một khung tre có cấu trúc đan cài, được cuốn chặt bằng những dải ruy băng đa sắc rồi đính, kết với cườm sứ, quả dua thủ công… minh họa một quần thể sống, giống những bào tử.

Quảng cáo
thien thuy tho sap dat nghe thuat trien lam vu thao

Sắp đặt của NTK Vũ Thảo tại triển lãm Thiên, Thủy, Thổ (2023).

di san ket noi hoi dong anh vu thao sap dat nghe thuat

Sắp đặt của NTK Vũ Thảo tại dự án Di Sản Kết Nối (2023).

Chị làm thế nào để cân bằng giữa đam mê, công việc và gia đình?

Thật khó để cân bằng mọi thứ trong cuộc sống, nhưng tôi may mắn có được sự cảm thông và ủng hộ trọn vẹn từ gia đình, đặc biệt là chồng tôi – Benjamin. Anh ấy không chỉ là người bạn đời mà còn là cộng sự đắc lực. Anh thậm chí đã từ bỏ công việc chuyên môn của mình để cùng tôi xây dựng thương hiệu, cũng như quán xuyến mọi việc trong nhà.

Benjamin là người yêu nhiếp ảnh, với thế mạnh về phóng sự. Thật may mắn khi những chủ đề về di cư, nhập cư trong các dự án của anh lại có điểm chung với các dự án cộng đồng mang tính văn hóa và di sản, mang tính tư liệu cao của tôi. Từ đó, anh trở thành một phần trong công việc của tôi một cách tự nhiên, đảm nhiệm phần ghi lại tư liệu hình ảnh cho các dự án.

Nếu có 1 ngày trọn vẹn cho đam mê kiến trúc và điêu khắc của mình, chị sẽ sử dụng nó như thế nào?

Tôi sẽ đi xem triển lãm, thăm các xưởng sáng tác hoặc xưởng chế tác. Tôi thích tìm đến những nơi mà ở đó diễn ra quá trình hình thành. Một xưởng làm đậu phụ hay lò rèn, xưởng mộc, xưởng thổi thủy tinh… tôi luôn cảm thấy những nơi đó chất chứa các phép màu. Sự kì diệu là từ những nguyên vật liệu thô sơ rời rạc trải qua những công đoạn dưới những bàn tay và óc tưởng tượng dần dần biến thành những đồ vật, những tác phẩm thú vị.

Gần đây, tôi có cơ hội đến thăm xưởng vẽ của họa sĩ Lý Trực Sơn. Trải nghiệm đó đã đem lại cho tôi vô vàn cảm xúc, ý tưởng, không chỉ cho công việc sáng tạo mà cả cuộc sống. Một căn nhà cấp 4 nằm ở giữa khu đầm nước ngoại ô Hà Nội bao quanh bởi ao cá, bờ giậu. Vài con vịt trắng thảnh thơi bơi lội trong làn nước trong xanh, vài khóm sen cuối mùa lưa thưa rữa lá, tiếng cá quẫy xa xa và những bụi hồng, cúc chi chen chúc lối đi còn đang be dở. Hai gian phòng chính của xưởng vẽ như đặc lại bởi lớp lớp các tác phẩm với hoạ phẩm và bột màu. Sự tự nhiên ở cả trong và ngoài của xưởng vẽ cho tôi thấy bản chất mộc mạc và chân phương của người nghệ sĩ. Chính trong cái không gian có phần ngổn ngang vật thể ấy, tôi nhìn thấy hư không, sự tĩnh lự, sự hiền minh lơ lửng.

ly truc son studio lang que viet nam

Cảnh quan xung quanh studio của họa sĩ Lý Trực Sơn.

ly truc son studio hoa si son mai

Studio của họa sĩ Lý Trực Sơn.

Nếu được chọn lại, chị có chọn trở thành một Kiến trúc sư hay nhà điêu khắc không?

Tôi nghĩ mình vẫn sẽ lựa chọn thời trang và nghiên cứu chất liệu bởi chúng thỏa mãn niềm yêu thích được chạm vào sự vật của một người đề cao xúc giác như tôi. Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng đến ngày được thoả mãn niềm đam mê kiến trúc với ngôi nhà tương lai của chính mình. Còn điêu khắc, ở một chừng mực nào đó nó đã được lồng ghép vào thực hành sáng tác của tôi rồi. Có thể trong thời gian tới, bạn sẽ thấy nó hiện hữu rõ nét hơn.

Theo chị, có quá muộn để một người thay đổi và lựa chọn đam mê của mình không?

Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một điều gì mà mình yêu thích. Bản thân tôi bắt đầu học thiết kế thời trang khi đã bước qua tuổi 30, lại chọn con đường làm thời trang “chậm”. Hay một ví dụ khác là một người bạn Mexico mà tôi từng có cơ hội gặp gỡ và làm việc. Bà đã rũ bỏ hết mọi thành tựu trong công việc liên quan đến nghệ thuật nhiếp ảnh để quay lại với niềm đam mê vải vóc của mình ở tuổi xế chiều. Tôi cho rằng sự thôi thúc để tìm hiểu và khám phá những điều mới lạ là bản năng tự nhiên của con người, điều quan trọng là chúng ta có can đảm để theo đuổi nó đến cùng hay không.

Với những người đang có ý định bắt đầu lại với đam mê của mình, theo chị, họ cần phải chuẩn bị những gì?

Hãy dành thời gian để nghiên cứu, tích luỹ vốn kiến thức, vốn văn hóa nhiều nhất có thể. Khi có được nền tảng vững chắc, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn, và con đường phía trước cũng bớt xa xôi, bớt gập ghềnh hơn.

Series phỏng vấn Off the Duty khám phá cuộc sống đời thường và những đam mê bên lề của những con người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo. Tại đây, các nhân vật gác lại công việc chính hằng ngày của mình để kể về những đam mê và sở thích cá nhân đầy cảm hứng sống.

Thực hiện: Hoàng Lê | Ảnh: NVCC


Xem thêm

NTK Vũ Thảo cùng Kilomet 109 – tiên phong với Thời trang bền vững

Vũ Thảo – Lấy thiết kế làm nền cho chất liệu thăng hoa

Tiềm năng vật liệu bền vững từ cây cối tại triển lãm Abney Effect

Nguồn https://www.elledecoration.vn/ Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm