Năm 2025 đánh dấu cột mốc lịch sử trọng đại của Việt Nam: 50 năm thống nhất đất nước, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò đặc biệt với tư cách nhân chứng lịch sử của ngày 30 tháng 4. Hãy cùng ELLE Decoration khám phá những di tích lịch sử tại thành phố mang tên Bác, nơi lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ của lịch sử Việt Nam cận hiện đại.
1. Dinh Độc Lập: Chứng tích lịch sử và biểu tượng thống nhất
Nằm giữa lòng TP.HCM, Dinh Độc Lập là di tích quốc gia đặc biệt, nơi ghi dấu những thăng trầm lịch sử của dân tộc. Từ năm 1868, dưới thời Pháp thuộc, dinh mang tên Norodom, chứng kiến sự xâm lược và đô hộ của thực dân. Sau năm 1954, khi đất nước tạm thời chia cắt, dinh trở thành biểu tượng của chính quyền Sài Gòn, mang tên Dinh Độc Lập.
Sau vụ không kích năm 1962, Dinh Độc Lập bị hư hại nặng. Ngô Đình Diệm quyết định xây mới hoàn toàn, giao cho kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Ông đã lấy cảm hứng từ triết lý phương Đông và bản sắc dân tộc, tạo nên một công trình kiến trúc độc đáo, nơi sự hiện đại và truyền thống hòa quyện vào nhau. Điển hình là bố cục tổng thể của dinh, được xây dựng theo hình chữ “Cát”, tượng trưng cho những điều tốt lành và may mắn.
Năm 1975, vào thời khắc lịch sử ngày 30/4, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc dinh, đánh dấu sự kết thúc của 30 năm chiến tranh gian khổ và anh dũng, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, Dinh Độc Lập là một điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh: Tư liệu
2. Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn: Hành trình của những chiến sĩ Biệt động
Ẩn mình trong con hẻm nhỏ tại số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM, căn nhà 37m² là chứng tích oai hùng của Biệt động Sài Gòn. Năm 1965, ông Trần Văn Lai (Năm Lai), vừa hoạt động trong Dinh Độc Lập vừa là chiến sĩ biệt động, đã mua căn nhà và bí mật xây hầm chứa vũ khí.
Căn hầm, ngụy trang dưới hố ga xây nhà vệ sinh, mất 7 tháng để hoàn thành, đủ chứa 15 người, 2 tấn vũ khí, có cả lối thoát hiểm và hệ thống thông khí. Lối vào hầm được che giấu dưới sàn nhà thông thường, nắp hầm gần cầu thang và có chốt vặn ở giữa để mở, kích thước nắp là 60cm x 40cm. Đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, 17 chiến sĩ Biệt động đã tập kết tại căn hầm này, nhận vũ khí và lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Sau trận đánh, căn nhà bị địch nghi ngờ và bắn phá, nhưng hầm vũ khí vẫn an toàn. Ông Năm Lai bị đày ra Côn Đảo, địch chiếm giữ căn nhà nhưng không phát hiện hầm bí mật. Đến năm 1988, nơi này được công nhận là di tích quốc gia Hầm chứa vũ khí Biệt động Sài Gòn.
Con trai ông Lai, Trần Vũ Bình, đã phục dựng di tích, trưng bày hiện vật, mở quán cà phê để du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ, tìm hiểu về chiến công của Biệt động Sài Gòn.

Bên trong hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn. Ảnh: Báo Lao động
3. Tiệm phở Bình: Đậm đà hương vị lịch sử
Phở Bình (số 7 Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM) vừa là nơi thực khách tìm đến hương vị phở gia truyền, vừa là căn cứ địa của Biệt động Sài Gòn, nơi những chiến sĩ quả cảm lên kế hoạch cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968. Ít ai ngờ rằng, nơi đây từng là Sở chỉ huy tiền phương, Phân khu 6, Đặc khu Sài Gòn – Gia Định. Ông Ngô Toại, chủ tiệm phở, đã biến nơi đây thành cứ điểm cách mạng, cùng con rể Nguyễn Kim Bạch (một trong những chiến sĩ Đoàn đặc công biệt động Thành) lên kế hoạch và chỉ đạo chiến dịch. Cuối tháng 1 năm 1968, hơn 100 chiến sĩ biệt động đã tập kết tại tiệm phở, chờ giờ G để tấn công vào các mục tiêu trọng yếu.
Sau khi được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1989, địa điểm này vẫn giữ nguyên vẻ bình dị của một cơ sở kinh doanh gia đình, nuôi sống nhiều thế hệ. Hiện tại, tiệm phở đã chuyển đổi sang địa điểm mới (số 9 Lý Chính Thắng), để bảo tồn giá trị lịch sử.

Phở Bình. Ảnh: omnia2070
4. Địa đạo Củ Chi: Cuộc chiến từ trong lòng đất
Nằm sâu trong lòng đất Củ Chi, cách trung tâm TP.HCM 70km, Địa đạo Củ Chi có hệ thống đường hầm chằng chịt dài 250km, hiện lên như một ngôi làng làng ngầm. Khởi nguồn từ những căn hầm bí mật đơn sơ trong kháng chiến chống Pháp, Địa đạo Củ Chi dần phát triển thành một hệ thống liên hoàn, bao gồm hầm ăn, ngủ, hội họp, quân y, kho vũ khí và cả bếp Hoàng Cầm huyền thoại. Các đường hầm được đào sâu trong lòng đất, có nhiều tầng (thường từ 2-3 tầng), giúp chống lại bom đạn của địch. Đường hầm có nhiều lối ra vào bí mật, được ngụy trang kỹ lưỡng. Mê cung lòng đất này không chỉ là nơi trú ẩn an toàn, mà còn là căn cứ địa vững chắc cho các chiến sĩ du kích, là nơi họ lên kế hoạch và thực hiện những trận đánh táo bạo.
Hiện nay, Địa đạo Củ Chi được bảo tồn tại hai địa điểm chính: Địa đạo Bến Dược, từng là căn cứ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia năm 1979; và Địa đạo Bến Đình, căn cứ Huyện ủy Củ Chi, được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia năm 2004.

Bản đồ các đường hầm trong Địa đạo Củ Chi. Ảnh: ResearchGate
5. Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM: Từ biểu tượng quyền lực đến ký ức lịch sử
Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, từ một biểu tượng quyền lực đến chứng nhân lịch sử, đã trải qua những thăng trầm cùng vận mệnh của chiến tranh Việt Nam. Được thành lập từ năm 1952, ban đầu là một lãnh sự quán nhỏ (tại số 39 đại lộ Hàm Nghi, tòa nhà ban đầu vẫn ở đó cho đến ngày nay), nó dần trở thành trung tâm điều phối các hoạt động quân sự và chính trị của Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Tòa nhà mới, kiên cố và hiện đại, được xây dựng năm 1965 tại đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), phản ánh sự leo thang của cuộc chiến.
Những năm tháng đỉnh điểm chiến tranh, Đại sứ quán trở thành tâm điểm của các sự kiện lịch sử: vụ đánh bom năm 1965, cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968, và cuối cùng là cuộc di tản hỗn loạn năm 1975, khi trực thăng Mỹ vội vã cất cánh từ nóc tòa nhà, mang theo những người Mỹ cuối cùng rời khỏi Sài Gòn.
Sau ngày thống nhất, tòa nhà Đại sứ quán trở thành trụ sở tạm thời của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, do công năng không phù hợp với nhu cầu sử dụng, tòa nhà dần rơi vào tình trạng xuống cấp. Năm 1995, khi quan hệ Việt Nam – Mỹ được bình thường hóa, tòa nhà cũ bị phá bỏ để xây dựng Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ mới.
Ngày nay, dấu tích của tòa nhà cũ không còn, nhưng ký ức về nó vẫn sống động trong lòng người Sài Gòn. Quá khứ là biểu tượng của sự can thiệp quân sự, chứng nhân cho những biến động lớn lao của thời đại, hiện tại là biểu tượng của quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai quốc gia – đó là sự thay đổi đầy ý nghĩa của tòa nhà này.

UH-1 đáp xuống sân bay trực thăng sân thượng Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn vào năm 1967. Ảnh: Tư liệu

Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ mới tại TP.HCM (được thiết kế bởi KCCT Architecture). Ảnh: Quang Vuong
Thực hiện: Thiên Thư
Xem thêm:
Những bảo tàng lịch sử nổi tiếng trên thế giới: Cánh cửa mở ra quá khứ
5 công trình kiến trúc Modernist nổi tiếng tại Sài Gòn
Tranh tường: Lịch sử, kỹ thuật và sự hồi sinh của một di sản nghệ thuật