
Tối 6/4, đêm nhạc Chuyến tàu: Mùa xuân của Phan Mạnh Quỳnh diễn ra thành công tại Cung Thể thao Quần Ngựa, Hà Nội với sự tham gia của khoảng 4.000 khán giả cùng các khách mời: Hà Anh Tuấn, Hoàng Dũng và Bùi Lan Hương.

Sân khấu Chuyến tàu: Mùa xuân có thiết kế đa tầng, kết hợp hệ thống LED lưới tạo hiệu ứng hình ảnh trong suốt. Hình ảnh con tàu, biểu tượng quen thuộc từ đêm diễn tại TP.HCM, tiếp tục được đặt ở trung tâm, như cầu nối giữa nghệ sĩ và khán giả. Dưới sự chỉ đạo của tổng đạo diễn Nguyễn Hữu Trung, giám đốc âm nhạc Nguyễn Hữu Vượng, concert mang màu sắc mùa xuân qua sân khấu, kịch bản và danh sách bài hát được làm mới.

Phan Mạnh Quỳnh mở màn bằng Ngày chưa giông bão, ca khúc nhạc phim Người bất tử. Anh chia sẻ: “Ca khúc này tượng trưng cho những khó khăn chúng ta phải vượt qua. Chuyến tàu hôm nay cũng gặp trục trặc, dời lịch một ngày. Tôi và ê-kíp hy vọng mang đến những khoảnh khắc đáng nhớ cho khán giả”. Tiếp đó, anh trình diễn loạt hit như Ai cũng có ngày xưa, Con tim tan vỡ, và bản mash-up Từ đó - Tôi chỉ muốn nói - Hà Lan từ phim Mắt biếc. Những sáng tác thời kỳ đầu như Anh ghét em làm bạn, Em chưa từng biết cũng được anh đưa vào danh sách.

Bà xã Phan Mạnh Quỳnh chăm chú theo dõi các tiết mục âm nhạc. Không có MC, Phan Mạnh Quỳnh tự dẫn dắt chương trình bằng phong cách dí dỏm. Sau khi hát tặng vợ ca khúc Gặp gỡ, yêu đương và được bên em, nam ca sĩ chia sẻ về bạn đời. Trong mắt anh, cô là người mẹ và người vợ tuyệt vời, hỗ trợ anh mọi mặt. Là người sống cảm xúc, anh thấy như được bù đắp khi ở bên một người lý trí như cô. Phan Mạnh Quỳnh còn khiến cả khán phòng bật cười khi nói vợ có sở thích "hóng drama", tuân theo slogan "không được phép thua trong cuộc đua tin tức", chuyện gì trên mạng cũng biết.

Bùi Lan Hương là khách mời nữ duy nhất, song ca cùng Phan Mạnh Quỳnh trong Tri kỷ và mash-up Ngày mai em sẽ là ký ức - Anh, thế giới và em. Giọng ca này còn mang đến tiết mục Mê bùa cấm (Mê muội mash-up Bùa mê) với sự hỗ trợ của vũ đoàn. Cô được Phan Mạnh Quỳnh nhận xét là “ấn tượng nhất đêm vì màn vũ đạo hiếm có”. Tuy nhiên, vì tập trung vào vũ đạo, phần hát của Bùi Lan Hương có nhiều đoạn không rõ lời. Bùi Lan Hương bày tỏ sự ngưỡng mộ với hành trình âm nhạc bền bỉ của đàn anh.

Hoàng Dũng góp mặt với bản mash-up Sao cha không - Đi đâu để thấy hoa bay. Tiết mục này kết hợp sáng tác của cả anh với Phan Mạnh Quỳnh, mang không khí trầm lắng, gợi cảm xúc về tình cha. Hai nghệ sĩ từng gặp nhau tại Sing My Song 2016 và Hoàng Dũng chia sẻ anh luôn bị áp lực bởi tài năng của Phan Mạnh Quỳnh. Anh cũng thể hiện Khi người mình yêu khóc và Nhạt của đàn anh với phong cách mới mẻ.

Hà Anh Tuấn, người từng mời Phan Mạnh Quỳnh tham gia concert Romance năm 2018, tái hợp đồng nghiệp qua ca khúc Nước ngoài và Xuân thì. Hà Anh Tuấn kể lại kỷ niệm cũ và khẳng định: “Gần 10 năm, âm nhạc của Quỳnh vẫn giữ được sức hút. Tôi tin nó sẽ còn kéo dài nhiều thập kỷ nữa”. Anh hát các sáng tác Phan Mạnh Quỳnh viết riêng cho mình như Cô gái và cây dương cầm, Thương em, Hoa hồng, đồng thời nhận xét nhạc của đàn em sâu sắc nhờ khả năng biến nỗi buồn thành chất liệu sáng tác.

Phan Mạnh Quỳnh chia "chuyến tàu màu xuân" theo các vùng ký ức hoàng hôn, bình minh, rực rỡ. Ở miền ký ức rực rỡ nhất, anh mang Vợ người ta được phối màu sắc disco lên sân khấu. Nam ca sĩ nói không thể không hát ca khúc này bởi nhờ nó khán giả biết đến cái tên Phan Mạnh Quỳnh. Dẫu vậy, Vợ người ta lại có phần "lệch tông" so với tổng thể nội dung concert.

Phan Mạnh Quỳnh chọn khép lại đêm nhạc bằng Sau lời từ khước (nhạc phim Mai) và mash-up Xuân thì, Từ đó, Ngày chưa giông bão. Rất đông khán giả phía dưới hòa giọng theo nam ca sĩ và nán lại sân khấu đến phút cuối.
Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Sách khảo cứu Lịch sử opera Ý do GS Gianni Kriscak cùng Hiền Nguyễn Soprano (nghiên cứu sinh tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương), Trịnh Thị Oanh (giảng viên thanh nhạc tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương) thực hiện. Sách ra mắt vào tháng 2 và nhanh chóng được bạn đọc đón nhận.
Sách khảo cứu Lịch sử opera Ý là tác phẩm hiếm hoi về opera được thực hiện bằng tiếng Việt. Qua cuốn sách này, các tác giả đưa ra câu chuyện về một thành tựu văn hóa kinh điển của thế giới nhưng bằng góc nhìn nhẹ nhàng, dễ tiếp cận thay vì quá nặng nề, phức tạp. Các tác giả không đề cập quá nhiều tên, chi tiết và chỉ đưa vào cuốn sách những khoảnh khắc quan trọng, thú vị nhất trong giai đoạn đầu tiên của các vở opera.