Lịch sử Thuộc Địa thế kỷ trước chỉ ra một quy luật, rằng phương Tây hùng cường áp đảo phương Đông. Nhưng với nền văn minh lâu đời, châu Á hấp thụ, chuyển hóa và tạo thành phản lực vào những áp chế có sẵn với nhiều lĩnh vực, trong đó có kiến trúc.
Từ buổi đầu Duy Tân Minh Trị, văn minh Tây Phương thay đổi toàn bộ xã hội Nhật. Ở chiều ngược lại, các học giả nước ngoài không khỏi trầm trồ trước thẩm mỹ truyền thống của dân tộc này. Một Nhật Bản độc lập về thiết chế chính trị nhưng có sự giao hòa văn hóa phong phú. Hay như trường hợp Ấn Độ, từng là thuộc địa của Anh, nhưng vốn là một trong những cái nôi đầu tiên của văn minh nhân loại, bản sắc Hiện Đại Ấn Độ định hình riêng.
Những hoạt động thực hành kiến trúc trong hai nền văn hoá trên, với những cá nhân tiên phong là minh chứng sống động cho một phong vị châu Á: mơ hồ, phảng phất, nhưng không lầm lẫn và không thể nào biến mất được.
1. Nhật Bản
Xưa kia, người làm nhà, làm vườn Nhật Bản đã hiểu rất rõ mối liên hệ giữa trải nghiệm vận động và thị giác. Như lối sống bao đời, người Nhật đã học cách làm ra những không gian nhỏ nhất. Họ đặc biệt tài tình trong việc kéo giãn thị giác bằng cách phóng đại không gian chuyển động. Người ta không chỉ làm cho đẹp mắt, mà còn bắt nhiều nhóm cơ phải vận động hơn khi bước qua. Trên mặt hồ, những phiến đá được đặt cách nhau không đều. Phải ngừng chân lại, rồi nhìn xuống để bước bước tiếp theo: bước đi là việc của đôi chân, mà ở đây, cơ cổ cũng phải làm việc. Khoảnh khắc ngẩng đầu lên để thu vào mắt hình ảnh của khu vườn sẽ kết thúc khi anh tiếp tục đi.

Vương phủ Katsura, Kyoto, Nhật Bản, được xây dựng từ đầu thế kỷ XVI, thời kì Edo, là một trong những báu vật của nghệ thuật kiến trúc và làm vườn Nhật Bản. Ảnh: Phaidon

… Kiến trúc khiêm nhường, khu vườn với những lối đi rẽ đôi, nhất bộ nhất cảnh. Ảnh: Bercy Chen Studio
Frank Lloyd Wright ở Nhật Bản
Kiến trúc sư Mỹ trứ danh, người định hình kiến trúc thế kỷ XX, từng có thời kỳ mê đắm sự khiêm cung và tinh tế của kiến trúc Nhật Bản. Sau lần ghé thăm năm 1905, Frank trở thành nhà sưu tầm nghệ thuật Nhật. Ông kết nối và dần có được tín nhiệm để thực hiện một đồ án tại đây, đó là công trình Khách sạn hoàng gia Tokyo.

Khách sạn hoàng gia Nhật Bản, 1923-1968, Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: oldtokyo.com
Thành công của kiến trúc sư đến từ sự nhìn nhận đa chiều về trải nghiệm người dùng. Một không gian thấp tầng nhưng bề thế, không ngừng lay động đôi mắt, bàn tay đến tận gót chân của lữ khách. Một thế giới hoàn toàn xa lạ với người phương Tây, từ những đoạn giật cấp, đường tròn, tường âm, thang bộ đến tất cả các chi tiết nhỏ đều mang trải nghiệm mới. Frank là nghệ sĩ sử dụng chất cảm. Ông dùng những viên gạch thô nhất, mạch vữa xây mềm dày nửa inch. Bước xuống những khoảng sảnh, người ta có thể cảm nhận rằng ngón chân mình luôn đặt vào phần mạch vữa. Trải nghiệm không gian tăng lên qua từng bề mặt vật liệu mà da lướt qua.

Hàng hiên mở ra thiên nhiên xung quanh. Ảnh: Tư liệu

Sảnh đón tiếp, một không gian thấp tầng nhưng bề thế, không ngừng lay động đôi mắt, bàn tay đến tận gót chân. Ảnh: Tư liệu

Từng cấu kiện kết cấu như nguyên liệu của một món ăn Nhật Bản, khi dọn lên bàn ăn vẫn giữ được nguyên vẻ ban đầu của chúng ở mức tối đa, mà không trải qua các biến đổi như của ẩm thực phương Tây. Ảnh: Tư liệu
“Những triều đại, những đời người, những thân phận của gỗ trải qua sự hưng phế, nhưng cái tồn tại lâu dài chính là hình dạng lý tưởng của toà nhà, và không thành vấn đề nếu mọi bộ phận cấu kiện của nó đã được dỡ bỏ và thay thế vô số lần. Dù lần thay thế gần nhất vẫn còn thơm mùi gỗ mới bào, tính mong manh của các bộ phận càng làm nổi bật vẻ cổ kính của tổng thể.” – Viết về kiến trúc gỗ Nhật Bản, tiểu luận Bộ sưu tập Cát của Italo Calvino – Hà Vũ Trọng dịch.

Khu vực phòng tiệc với kết cấu đặc trưng của Khách sạn hoàng gia, 1923-1968, Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: oldtokyo.com

Ảnh: oldtokyo.com
Kenzo Tange – người truyền thừa, cũng là người chuyển hóa
Kenzo Tange bị quyến rũ bởi những bản vẽ của Le Corbusier, khiến ông chọn theo học khoa kiến trúc, Đại học Tokyo. Năm 1946, Kenzo trở thành trợ lý giáo sư tại Đại học Tokyo và thành lập xưởng thực nghiệm Tange. Ông là nhà tiên phong của giới kiến trúc sư Nhật Bản thời kỳ hậu chiến và vươn mình của xứ Phù Tang. Thông qua những đồ án quy hoạch quy mô lớn, và phong trào cấp tiến Chuyển Hóa Luận (Metabolism).

Chân dung Kenzo Tange (1913-2005). Ảnh: Tư liệu
Phong cách kiến trúc của ông là sự pha trộn hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và kiến trúc cổ truyền Nhật Bản. Nền kỹ thuật của Nhật Bản những năm 60 vươn lên tiệm cận Thế giới, thậm chí dẫn đầu, mà kiến trúc của Kenzo Tange là một hiện thân cho nó. Công trình nhà thi đấu Yoyogi năm 1964 là kết tinh của công nghệ cáp và vỏ mỏng thời bấy giờ. Hay nhà thờ St. Mary là một khối bê tông mạnh mẽ dứt khoát, tương đương về quy mô và chất lượng với những cấu trúc bê tông tốt nhất trên thế giới.
Cảm giác u huyền hiện hữu trong không gian khi đám đông rời khỏi. Khoảng trống mênh mông này chính là khái niệm, là nguyên tắc mỹ học “Ma” trong nghệ thuật Nhật Bản.

Nội thất nhà thi đấu Yoyogi, 1964, Tokyo, Nhật Bản. Những nguồn sáng tự nhiên sinh ra từ vết cắt của kết cấu mang lại một cảm giác u huyền Á Đông. Ảnh: wayofthesamvrai

Nhà thờ St. Mary (1964) với ánh sáng huyền diệu, cũng sinh ra từ vết cắt trên cấu trúc. Ảnh: Architecture-Tokyo

Ảnh: James Florio Photography
“Bản thân truyền thống không có khả năng biểu hiện sức sáng tạo, nó luôn luôn biểu hiện xu hướng khả thi và sao chép. Để hướng truyền thống vào con đường sáng tạo, cần có nghị lực để gạt bỏ những hình thức đã hết sinh khí. Với ý nghĩa đó, truyền thống cần phải thường xuyên được phá vỡ để giữ gìn bản chất sinh động của nó… Không ai ấu trĩ đem một mái nhà cổ úp lên một công trình kiến trúc hình hộp rồi bảo đó là dân tộc – hiện đại.” – Kiến trúc sư Kenzo Tange phát biểu trong lần thăm Việt Nam cuối năm 1995.
2. Ấn Độ
Thực dân Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ từ năm 1947. Giai đoạn đầu, trong bối cảnh hậu Thế chiến, quốc gia này trả qua thời kỳ khó khăn: nguồn lực xã hội hạn chế trước nhu cầu xây dựng lớn. Tuy nhiên, nền kiến thiết non trẻ này lại có sự giao thoa đầy thú vị. Những người tiên phong của kiến trúc Hiện Đại đã hiện diện tại đây, với những sản phẩm rất bản địa, và những người truyền thừa xuất sắc.
Từ Le Corbusier, Louis Kahn …
Khi thực hành trong điều kiện hạn hẹp về kĩ thuật và tài chính, hai đại thụ của chủ nghĩa Hiện đại đều hướng tới nguồn lực địa phương, chủ yếu là gạch và bê tông để tạo nên cấu trúc phù hợp với bản địa. Bề mặt thô ráp, có phần trông như không hoàn thiện tạo nên vẻ đẹp riêng. Diện mạo bên ngoài đượm hơi nồng của đất, nội thất bên trong hiệu quả về vi khí hậu.
Le Corbusier chuộng bê tông hơn như cách xử lý vẫn thường làm ở Âu châu. Những khối lớn, những cột cao vượt thông tầng, mảng mái,… là bê tông. Điểm khác biệt của ông là phần xây gạch. Trong công trình Bảo tàng thành phố Sanskar Kendra, mô típ gạch xây bên ngoài đi ngược lại với nguyên tắc xây dựng truyền thống: mạch vữa ngang và vữa dọc thẳng nhau từ chân đến đỉnh. Với mô típ này, gạch chỉ là vật liệu bao che cho công trình.
Louis Kahn duy lý hơn: gạch là cấu kiện chịu lực. Những biểu hiện của gạch trên bề mặt công trình phải mang trạng thái làm việc của cấu kiện. Những vòm cửa gạch với lanh tô bê tông hỗ trợ, những ô cửa với phương vị của viên gạch thay đổi,… từng chi tiết cấu tạo của khối xây được tính toán hợp lý về phương chịu lực. Cách thực hành của Louis Kahn là sự tiếp nối các đồ án của ông tại Hoa Kỳ: phòng thí nghiệm nghiên cứu y khoa Richards, thư viện Exeter – những ví dụ kinh điển của kiến trúc thế kỷ XX về sự kết hợp của gạch – bê tông. Một đặc điểm nữa làm công trình của Kahn gần với tín ngưỡng dân gian Ấn Độ, đó là tính thiêng, sự huyền ảo.
Le Corbusier và Louis Kahn đã mở ra những tiềm năng của kiến trúc Hiện đại tại xứ sở này. Những nguyên tắc lỏng được xây dựng, cho phép dung nạp nhiều yếu tố bản địa, cũng giống như cách thức tổ chức xây dựng các jharokha (những ban công nhỏ có mái che) trong kiến trúc truyền thống Ấn Độ, có thể một jharokha, hai cột và một không gian, có thể là bốn jharokha và một hàng cột. Lựa chọn phụ thuộc vào khả năng tài chính.

Bảo tàng thành phố Sanskar Kendra, Le Corbusier, 1957. Ảnh: Cemal Emden

Ảnh: Cemal Emden

Học viện quản lý Ahmedabad, Louis Kahn, 1962 . Ảnh: Klaus-Peter Gast

Học viện quản lý Ahmedabad, Louis Kahn, 1962 . Ảnh: Edmund Sumner
… đến Doshi và Charles Correa
Balkrishna Vithaldas Doshi là nhân vật có tầm ảnh hưởng trong tiến trình phát triển của kiến trúc đương đại. Ông là tư vấn và điều phối viên địa phương cho các dự án tại Ấn Độ của cả Le Corbusier lẫn Louis Kahn.

Chân dung Balkrishna Vithaldas Doshi (1927-2023).
“Tôi cho rằng nền kiến trúc Ấn Độ luôn luôn có sự mở rộng, quan niệm về thời gian không bao giờ là tĩnh. Không có công trình nào là hoàn thiện hay dang dở, chúng luôn xoay vần, hoặc chết yểu. Đạo Hindu, hay là tín ngưỡng phương Đông nói chung cho rằng: khi nào bạn ngừng chuyển động, nghĩa là bạn đã chết. Làm thế nào để tạo ra một không gian với điểm kết mở, mà trong đó con người là trung tâm của sự biến đổi bởi dòng chảy vô định của thời gian?
Triết lý trên được thể hiện qua những công trình. Công trình không phải là vấn đề. Câu hỏi mà tôi đặt ra là: Công trình đã được hoàn thành một cách cẩu thả hay chỉn chu? Anh có tận hưởng những gì mình đã làm? Đây là phần bị thiếu trong xã hội Ấn Độ. Vả lại trong kiến trúc, quan niệm trên có tiềm năng vô cùng lớn, cho tôi một gợi ý rằng mọi công trình có thể được biến đổi.” – B.V.Doshi trao đổi với B.Jain (studio Mumbai) trong cuộc phỏng vấn của tạp chí El Croquis số 157+200.
Thời kỳ đầu, phong cách của Doshi ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hai người thầy phương Tây. Với những dự án công cộng hay nhà ở quy mô lớn trên xứ sở tỷ dân, nét đơn giản, không gian phóng khoáng của chủ nghĩa Hiện Đại phù hợp với bối cảnh xã hội. Ông chuộng những mảng bê tông trần, cột vượt nhịp, giống Corbusier. Nhưng kiến trúc của Doshi tích hợp được cây cối ở những khoảng thông tầng hay sân trong, làm công trình mềm mại và hoà quyện hơn với đời sống nhiệt đới.

Học viện quản lý Ấn Độ, 1983, Bangalore. Ảnh: Vinay Panjwani

Studio Sangath, 1980, Ahmedabad. Ảnh: Edmund Sumner
Dự án triển lãm nghệ thuật Amdavad ni Gufa (Hang động Ahmedabad ở Gujarati), là một dấu mốc đột phá trong sự nghiệp của Doshi, cũng trở thành một không gian độc bản cho các tác phẩm của M.F. Hussain. Thay vì trưng bày trong các khung hộp, tác phẩm của Hussain vẽ lên tường như các bức bích họa thời tiền sử. Không chỉ thể hiện tính vô định của thời gian và văn hoá, kiến trúc này cũng trở nên lấp lửng: một tạo vật của tự nhiên hay nhân tạo? Không gian là phép ẩn dụ hiện đại của những đền đài cổ đại khoét sâu vào đá tại Ấn Độ.
Người ta sẽ phải khéo léo tạo ra một khuôn khổ, một quy tắc, lỏng thôi, mà không làm mất đi tiềm năng khai thác… Thứ tôi quan sát được sau khi trở về Ấn Độ là tính “dang dở” trong sự “hoàn thiện.
Tôi cho rằng điều này là rất quan trọng, đặc biệt hơn đối với nền kiến trúc Ấn Độ. Với tôi, có thứ gì đó riêng về nền kiến trúc truyền thống mà tôi đã trải nghiệm. Đó là khả năng tiếp thu những phát sinh mà con người ta không nghĩ tới, nhưng có thể dự đoán trước. Làm cách nào mà đưa được những biến đổi đang tiếp diễn vào trong công trình? Công trình luôn luôn ẩn chứa khoảng trống cho việc biến đổi. Tôi cho rằng đặc tính này rất hấp dẫn. Những khoảng trống đó nằm ở đâu?” – B.Jain (studio Mumbai) trao đổi với B.V.Doshi trong cuộc phỏng vấn của tạp chí El Croquis số 157+200.

Amdavad ni Gufa, 1992, Ahmedabad. Ảnh: Iwan Baan

Ảnh: Iwan Baan

Ảnh: Iwan Baan

Ảnh: Iwan Baan
Charles Correa là kiến trúc sư được đào tạo bài bản tại MIT Hoa Kỳ. Ông về nước và thành lập văn phòng từ rất sớm, năm 1958. Về quan điểm hành nghề, ông không tin vào việc sao chép nguyên mẫu từ quá khứ, hay nơi nào khác. Kiến trúc cần được tái hiện lại, là tiếng nói của thời đại.

Chân dung Charles Correa (1930-2015).
“Những ngôi nhà đơn giản với mái lợp ngói, tường gạch, chỉ đơn giản vậy. Nếu cố làm thứ gì đó tham vọng hơn, chúng tôi sẽ giết chết khu đất này. Phải rất yên lặng để nghe địa điểm cất tiếng.” Trích từ cuộc phỏng vấn của The Unstoppable Indians, tháng Tư năm 2008
Charles Correa nổi danh từ một dự án gần như đầu tay, nhà tưởng niệm Gandhi – được xem là một trong những công trình thuyết phục nhất ở thể loại này, trong kiến trúc đương đại tại Ấn Độ và thậm chí trên toàn thế giới – hoàn thành năm 1963, khi kiến trúc sư mới 33 tuổi.
So với những nhân vật chính trị khác trên thế giới, lãnh tụ Gandhi, dường như là một người khiêm cung hơn. Đồ án được thai nghén từ quan niệm đó, rằng nó nên là một khối vật chất hài hòa với tỉ lệ con người. Không đóng kín theo lối kinh viện của Âu châu, Correa luôn thiết kế một mặt bằng mở, bởi khí hậu và các yếu tố trưng bày. Một bảo tàng theo quan điểm của Correa, là nơi có điểm nhìn thành chuỗi và kết thúc bằng một điểm để suy ngẫm.

Nhà tưởng niệm – bảo tàng này không có cửa. Con người được chào đón từ mọi hướng. Một diện mạo kỳ lạ với chuẩn mực bảo tàng phương Tây, nhưng lại thân thuộc trong văn hoá phương Đông. Nhà tưởng niệm mang diện mạo của một ngôi đền. Ảnh: Evan Chakroff

Không gian của nhà tưởng niệm Gandhi là tập hợp của nhiều mô đun giống nhau. Sự liên thông làm nhân lên tính bất tận của không gian. Với mô hình này, Charles Correa đã đạt được một “điểm kết mở” như quan điểm của Doshi về yêu cần phải có của không gian Ấn Độ. Ảnh: Evan Chakroff

Vật liệu chính của công trình đều hiện lên trong ảnh này: bê tông, gạch, ngói, lam chớp. Ảnh: Evan Chakroff
Charles Correa còn là một nhà hoạch định chiến lược: ông thiết kế kiến trúc với tâm thế của quy hoạch gia, suy nghĩ cách công trình ảnh hưởng đến lối sống sinh hoạt cho một xứ sở đông dân. Các đồ án như: Tube housing, Previ housing, hay chung cư Kanchanjunga đều là những ví dụ điển hình về kiến trúc đáp ứng được nhu cầu an sinh (diện tích, ánh sáng, thông thoáng), đồng thời thể hiện được văn hoá địa phương (không gian mang hơi hướng truyền thống, các khoảng chung cho cộng đồng).

Chung cư Kanchanjunga, Mumbai. Ảnh: Evan Chakroff
Tạm kết
Văn hoá châu Á dường như mơ hồ trong dòng chảy Hiện đại. Thêm nữa, với người Châu Á, tính khuyết danh còn là một đặc điểm cố hữu. Chỉ bằng đấy cá nhân, trong hai dân tộc lớn, không đủ để lột tả những khía cạnh muôn hình vạn trạng của kiến trúc, nói rộng ra là nền nghệ thuật này. Dẫu vậy, người viết mong mỏi khơi gợi được một phần nào đó, phong vị phảng phất và lâu bền này.
“The First Bricks” là hành trình khám phá những nhân vật tiên phong đã đặt nền móng cho các trào lưu đổi mới trong thiết kế và nghệ thuật. Qua series này, ELLE Decoration sẽ đưa bạn đến với những câu chuyện đầy cảm hứng về những cá nhân đã dám mơ và dám làm khác, đặt những “viên gạch đầu tiên” cho sự phát triển của ngành.
Thực hiện: Nguyễn H. Quân
Xem thêm:
Những tên tuổi tiên phong bên lề những diễn ngôn của Kiến trúc Hiện đại
Kiến trúc sư Frank Lloyd Wright và những công trình mang tính lịch sử
Những kiến trúc sư tiên phong với vật liệu gạch