Vnluxury

Sắc màu quyền quý trên điếu bát người xưa

Thuộc môn chơi hút hít, hội tủ đủ hài hước, vui nhộn, phong lưu, châm biếm, từ kiểu “một thằng hút” mà có đến “bốn thằng say”, để rồi “hai thằng châm điếu ngã lăn quay”, cả Ngọc Hoàng cũng bị môn chơi nghiện này dúi vào mê đến độ: “Vén mây nhìn xuống cũng say thuốc lào”. Bao bài thơ, vè dân gian… đủ hỉ nộ ái ố tả về thuốc lào, đủ minh chứng sự phổ biến, đại chúng của thú phê pha thuốc nước này. Điếu bát, dụng cụ rít thuốc lào, phổ biến từ thời phong kiến, hình thành cũng đủ dạng, lắm chất liệu.

Dieu bat 1

Điếu bát triều Nguyễn hiệu đề chữ Thọ (dấu triện), với lối trang trí thể hiện sự giàu sang, quyền quý gồm hoa mẫu đơn, song thọ, cuốn thư…

Hoa dieu thoi Nguyen

Đề tài hoa điểu thể hiện sự thanh cảnh, yên bình trên điếu bát thời Nguyễn.

Dieu bat 2

Rồng – mây trong trang trí bầu điếu của đồ sứ ký kiểu.

Thanh thoát từ dáng thế đến họa tiết trang trí.

Khi thuốc lào vươn qua hàng “sĩ diện” (hút thuốc lào nâng cao sĩ diện!?), cái điếu – dụng cụ phục vụ tín đồ rít rít cũng được nâng tầm lên nóc đỉnh. Khoan bàn về tạo hình, mà tìm hiểu trong cách diễn tả từ cao nhân thuở trước, cho thấy thuốc lào hiện hữu đường hoàng nơi cung đình. Vua Lê Thánh Tông từng diễn một số bài thơ Nôm tả về điếu bát chốn hoàng triều, trong đó có bài Cái xe điếu, với đoạn: “Vốn ở lâu đài đã bấy nay – Khi lên dễ khiến thế gian say – Lưng in chính trực mười phân thẳng – Dạ vẫn hư linh một tiết ngay…”.

Hình hài cụ thể chiếc điếu bát, thường có hình bầu, gọi là thân điếu hoặc bầu điếu. Đỉnh bầu là nõ điếu, chỗ đặt thuốc chờ giờ khai hỏa, chi tiết này được chăm chút kỹ lưỡng, trang trí bằng đồng, bạc hoặc vàng, tạo điểm nhấn toàn bầu điếu, qua đó cũng thể hiện sự đắt giá, quý phái của điếu. Phần quan trọng còn lại là xe điếu, với dáng một que rỗng ruột để dẫn khói từ bầu điếu vào buồng phổi. Điếu bát chỉ có thế, vậy mà qua câu chữ (đồn rằng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương), công dụng, cách sử dụng điếu bát khi ấy dễ khiến nhầm nhọt sang môn chơi “tứ khoái” khác của đời người, ấy là: “Mông tròn vành vạnh đít bảnh bao – Mân mân mó mó đút tay vào – Thủy hỏa tương giao sôi xình xịch – Âm dương nhị khí sướng làm sao”.

Hoa tiet chim hac

Hình tượng chim hạc trên bầu điếu.

Quảng cáo
Dieu bat 3

Điếu bát hình bát giác mang hiệu đề Thiệu Trị Niên Tạo.

Do su trieu Nguyen

Điếu bát với đề tài Mai – Hạc quen gặp trong trang trí đồ sứ triều Nguyễn.

Dieu bat 4

Nõ điếu, bầu điếu, lỗ đặt xe điếu… thể hiện vẻ đẹp tinh tế trong tác tạo.

Bày cái điếu bát từ đồ sứ xanh trắng trong tủ kính long lanh thấy được ở thời nay, nếu là điếu gia truyền, chắc chắn gia tộc ấy dẫu không là hoàng tộc hay phú quý hào hoa, thì cũng phải địa chủ, tá điền giàu có. Nếu là hiện vật sưu tầm, xin dành lời chúc mừng cho người sở hữu khi có được tác phẩm giá trị, bởi với độ hiếm hoi điếu bát cổ ở thời nay, dẫu nhiều tiền, cũng không dễ mua được.

Điếu bát xanh trắng của đồ sứ ký kiểu là dòng hiện vật độc đáo, được săn tìm với giá trị cao. Điếu bát xưa, giờ hiếm người đem dùng cho việc hút hít phê pha, thay vào đó là cất công sưu tầm, khám phá những tích truyện trang trí trên điếu bát qua sắc men tam lam độc đáo, thế nên thú vui mân mê cùng điếu bát, cho đến giờ, vẫn chưa hề hạ nhiệt.

Thực hiện: Nguyễn Đình


Xem thêm

Huế vàng son: Đồ sứ Tây Âu – Vàng son một thưở

Linh vật rồng Huế: Dấu ấn nghệ thuật xứ Huế kinh kỳ

Tính nữ trong mỹ thuật Việt (Kỳ I) – Vết dấu trong lớp văn hóa bản địa của người Việt cổ

Nguồn https://www.elledecoration.vn/ Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm