
Đại tướng Phan Văn Giang trao Quyết định cho lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: TL
Tỉnh Đồng Tháp mới sau sáp nhập đang sở hữu nhiều tiềm năng "kép", vừa tận dụng lợi thế truyền thống (nông nghiệp, du lịch sinh thái), vừa bứt phá với tư duy mới (số hóa, logistics, công nghiệp chế biến, chính quyền số). Đồng Tháp cũng là tỉnh đi đầu trong cả nước về đổi mới tư duy và phát triển Tam nông hiện đại. Như Đại tướng Phan Văn Giang gợi mở, sau sáp nhập, tỉnh phấn đấu thành địa phương đi đầu xây dựng tam nông hiện đại.
Cụ thể với mô hình hội quán, nông nghiệp xanh – tuần hoàn – số hóa, và hệ sinh thái nông thôn khởi nghiệp năng động, Đồng Tháp đang tạo ra bản sắc riêng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tỉnh cũng đẩy mạnh mô hình “nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn”, ưu tiên lúa chất lượng cao, sen đa giá trị, xoài đạt chuẩn xuất khẩu, cá tra hữu cơ. Đồng thời hướng đến ứng dụng công nghệ, như áp dụng đồng bộ máy móc, phần mềm quản lý đất đai, dữ liệu thời tiết, giám sát môi trường và truy xuất nguồn gốc.

Xây dựng Đồng Tháp thành tỉnh kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại - Ảnh: TL
Trên cơ sở, tỉnh đã chủ động khuyến khích nông dân liên kết, học tập, khởi nghiệp, chia sẻ kỹ thuật sản xuất – tiêu thụ. Đến nay, toàn tỉnh có trên 200 hội quán, hình thành nhiều tổ hợp tác – hợp tác xã kiểu mới. Cũng như chú trọng vào đào tạo và khởi nghiệp, thông qua đa dạng lớp tập huấn, hội thảo, hỗ trợ thanh niên và nông dân trẻ khởi nghiệp từ nông sản bản địa (sen, quýt hồng, cá tra sấy...).
Không chỉ vậy, tỉnh cũng chú trọng đến đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn hiện đại, đáng sống như hạ tầng giao thông – thủy lợi – điện – viễn thông được đầu tư đồng bộ sau sáp nhập các xã, tạo thuận lợi phát triển sản xuất và đời sống. Đến 2024, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có nhiều xã đạt nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu như Phú Ninh, Phú Thành B (huyện Tam Nông).
Đồng Tháp hiện có trên 250 sản phẩm OCOP, trong đó nhiều sản phẩm đạt 4 sao, được phân phối qua sàn TMĐT, siêu thị. Địa phương khuyến khích liên kết chuỗi giữa nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp – nhà khoa học, từ sản xuất đến chế biến và xuất khẩu.
Sau sáp nhập, tỉnh tận dụng quy mô hành chính mới để giảm chồng chéo, nâng hiệu quả quản lý, tăng điều phối vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Chủ động đề xuất Trung ương cơ chế thí điểm "tam nông số", “vùng sản xuất trọng điểm theo chuỗi giá trị”, và tiếp tục dẫn đầu khu vực ĐBSCL về đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp.

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc là công trình mang tính nhân văn, thể hiện tình cảm của nhân dân Đồng Tháp đối với cụ Nguyễn Sinh Sắc - Ảnh: TL
Việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Đồng Tháp với tỉnh Tiền Giang hình thành tỉnh Đồng Tháp mang ý nghĩa quan trọng, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, mở rộng không gian phát triển và tạo động lực kết nối ĐBSCL với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, đặc biệt công tác quốc phòng. Việc hợp nhất tỉnh là điều kiện để hai địa phương cộng hưởng thế mạnh của nhau tạo ra giá trị vượt trội, vươn lên, phát triển mạnh mẽ, nhanh, toàn diện, bền vững trong giai đoạn lịch sử mới… Cùng hướng đến xây dựng tỉnh Đồng Tháp mới Xanh - Thông minh - Sáng tạo - Giữ gìn bản sắc văn hóa.
Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt mức tăng trưởng hai con số, thu nhập bình quân đầu người tăng cao; bảo đảm ngày càng tốt hơn chế độ, chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục - y tế, phát huy kinh nghiệm từ việc xây dựng 2 thành phố học tập toàn cầu được UNESCO công nhận từ tỉnh Đồng Tháp cũ sang tỉnh Đồng Tháp mới. Nâng cao chất lượng giáo dục, thu hút nhân tài, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp - sáng tạo, hướng đến là trung tâm khởi nghiệp của vùng Đồng bằng sông nước Cửu Long.
Trên cơ sở những định hướng đề ra, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cần tập trung tối đa khai thác thế mạnh này trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó cần có giải pháp để đột phá như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển. Đồng thời nhanh chóng hoàn thiện giao thông nội tỉnh, phối hợp các tỉnh, thành phố trong vùng để xây dựng các tuyến giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng, tạo cơ hội mới, động lực mới trong phát triển để phát triển giao dịch hàng hóa nông sản, du lịch theo hướng sinh thái, văn hóa sông nước…/.
Trí Đức - Hoàng Châu