Vnluxury

Thị trường du thuyền Việt Nam: Tiềm năng trong khó khăn

Thị trường du thuyền Việt Nam: Tiềm năng trong khó khăn
Dự kiến du thuyền chạy động cơ vẫn là dòng sản phẩm chủ đạo do những thế mạnh mà nó mang lại. Tiếp đó là thị trường du thuyền buồm cũng đang xuất hiện nhu cầu ngày càng nhiều. Xa hơn, theo xu hướng chung của thế giới, du thuyền điện sẽ dần xâm nhập và tiến tới là du thuyền chạy bằng nhiên liệu Hydro…

Hai năm qua, đại dịch Covid 19 đã tàn phá nền kinh tế toàn cầu, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ với 4 làn sóng Covid và nhiều tháng giãn cách xã hội. Nền kinh tế nói chung bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, trong khủng hoảng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều cơ hội, nhiều doanh nghiệp thuộc một số nhóm ngành vẫn duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, thậm chí đột biến trong suốt thời gian diễn ra đại dịch. Và ngành du thuyền thế giới cũng không phải là ngoại lệ khi đạt được những thành công ấn tượng trong suốt 2 năm qua với số lượng đơn hàng tăng đột biến.

Bất chấp những chao đảo từ đầu năm 2020 do đại dịch Covid gây ra, ngành công nghiệp du thuyền đã vượt qua đại dịch với con số ghi nhận không tưởng: 2 năm tăng trưởng liên tiếp. Trong đó, năm 2021, số lượng đơn hàng siêu du thuyền toàn cầu là 821 dự án, phá mọi kỷ lục được ghi nhận trước đó. Nhưng sang năm 2022, kỷ lục lại bị phá vỡ với 1.024 mẫu siêu du thuyền được đặt hàng sản xuất, tăng 24,7% so với năm 2021.

Bên cạnh siêu du thuyền, các phân phúc khác như du thuyền hạng sang, du thuyền tầm trung, du thuyền phổ thông, thậm chí cả những mẫu thuyền giải trí kích thước nhỏ cũng ghi nhận lượng đơn hàng tăng kỷ lục. Nếu như năm 2020, bạn có thể dễ dàng mua 1 mẫu thuyền có sẵn trên thị trường và giao ngay, thì từ năm 2021 đến nay việc đó là không thể do tất cả các hãng đều trong tình trạng quá tải đơn hàng.

Nguyên nhân cho điều này chủ yếu đến từ việc đa số người dân ở các nước phát triển, đặc biệt là Châu Âu, Mỹ bị trói chân tại nhà trong suốt thời gian giãn cách xã hội. Họ nảy sinh tâm lý muốn được du lịch biển để giải tỏa căng thẳng, khiến nhu cầu mua và thuê du thuyền tăng đột biến. Bên cạnh đó, tình trạng giãn cách trong thời gian kéo dài cũng khiến nhu cầu chi tiêu của người giàu tăng cao, đặc biệt là nhu cầu với các xa xỉ phẩm.

Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thiếu nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, tình trạng giãn cách và làm việc luân phiên tại các nhà máy, cũng như cước vận tải tăng cao khiến du thuyền càng trở nên khan hiếm và gia tăng giá cả.

Trong tầm xu hướng

Cho dù là vùng trũng trên thế giới về du thuyền với thị trường non trẻ mới phát triển 5 năm trở lại đây, nhưng Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường thế giới khi nhu cầu mua sắm du thuyền cũng tăng khá nhiều trong vòng 2 năm qua do tầng lớp thượng lưu đã bắt đầu quen với thú chơi mới này. Bên cạnh các cá nhân, hàng loạt các tập đoàn bất động sản cũng đã có nhu cầu mua sắm du thuyền để phục vụ công việc kinh doanh cũng như phát triển dự án. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cản trở trong tương quan giữa tâm lý mua hàng và tình hình thực tế khiến doanh số phân phối du thuyền tại Việt nam chưa thực sự ấn tượng.

Thứ nhất, về mặt tâm lý, khách hàng tại Việt Nam chưa quen với việc phải đặt hàng và chờ đợi lâu. Đặc biệt là các khách hàng công ty lớn, do chưa lường trước được diễn biến của thị trường du thuyền, nên thường rơi vào tình trạng cần gấp để phục vụ nhu cầu phát triển dự án. Bên cạnh đó, khách hàng Việt Nam còn có thói quen đến tham quan và trải nghiệm trực tiếp tại các triển lãm du thuyền trên thế giới. Tuy nhiên, trong thời điểm các sự kiện du thuyền lớn trên thế giới đều bị hoãn/ hủy do dịch, nên nhiều khách hàng phải gác lại việc mua sắm.

Quảng cáo

Ngoài ra, không thể không kể đến nguyên nhân khan hiếm lượng hàng kho tại thị trường trong nước, và vì còn là thị trường mới, quy mô còn nhỏ nên Việt Nam vẫn chưa nhận được sự ưu tiên của các hãng, thời gian chờ đợi để đặt và nhận hàng là khá lâu, cũng dễ dẫn đến tâm lý chán nản từ khách hàng. Nhưng nhìn chung, thị trường đã có rất nhiều khởi sắc với số lượng đơn đặt hàng tăng đáng kể so với những năm trước đó.

Bên cạnh đó, do thấy được tiềm năng của thị trường trong nước, nên hàng loạt các thương hiệu tên tuổi từ Pháp, Ý, Mỹ đã có mặt tại Việt Nam thông qua các nhà phân phối độc quyền, các công ty thương mại cũng như đại lý. Các nhà phân phối lớn đã khẳng định được tên tuổi trên thị trường cũng liên tục tìm kiếm và đưa thêm thương hiệu mới về Việt Nam để đa dạng hóa sản phẩm cũng như nguồn cung, ví dụ như Vietyacht với thương hiệu du thuyền điện Alfastreet, hay SaigonYacht với Fiat… Ước tính, hiện nay đã có hơn 40 thương hiệu du thuyền xuất hiện tại thị trường Việt nam. Tuy nhiên, mới chỉ có một số thương hiệu thành công với số lượng vượt trội như Jeanneau, Prestige với hơn 50 sản phẩm được ký kết.

Thay đổi chiến lược

Để bắt kịp với xu thế chung của thị trường, các hãng du thuyền lớn trên thế giới đã không ngừng thay đổi chiến lược nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng bằng các biện pháp hết sức cụ thể như thu hẹp dòng sản phẩm, điều chỉnh bỏ bớt các mẫu cũ và tập trung vào một số mẫu chủ đạo để tận dụng triệt để dây chuyền sản xuất và tăng năng suất tối đa. Bên cạnh đó là nghiên cứu áp dụng công nghệ cao vào sản phẩm để tăng trải nghiệm khách hàng. Ví dụ như hãng Prestige đã đi tiên phong với công nghệ Dock sense (vào bến và đỗ thuyền tự động), hay hãng Ferretti với công nghệ độc quyền Watch it (Công nghệ chống va chạm trên biển)….

Đối với các công ty phân phối trong nước, việc giãn cách xã hội đã khiến các công ty phải có sự thay đổi nhanh để thích ứng. Trong khi phân phối du thuyền là việc phải được thực hiện thông qua trải nghiệm và tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, thì trong thời gian qua, các công ty đã linh động thay đổi bằng cách tổ chức các cuộc triển lãm thực tế ảo thông qua công nghệ VR cũng như tăng cường các hoạt động online.

Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng khan hiếm sản phẩm, các công ty cũng không ngừng tăng cường tìm kiếm thêm các thương hiệu mới để đáp ứng tốt hơn tiến độ bàn giao thuyền, đồng thời không ngừng nâng cao năng lực tài chính để đặt đặt slot và hàng kho, tăng cường kết nối với các đại lý trong khu vực để trao đổi slot, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng và dịch vụ sau bán hàng…

Tiềm năng tăng trưởng

Bước sang năm 2022, khi tình hình giãn cách xã hội đã dần nới lỏng và được cải thiện, dự báo nhu cầu trong nước sẽ vẫn tiếp tục tăng cao. Trên thế giới, hiện nhiều nhà máy sản xuất du thuyền đã có đơn đặt hàng đến tận năm 2027. Điều đó cho thấy, 5 năm tới thị trường vẫn phát triển mạnh với số lượng đơn hàng tăng liên tục.

Tại Việt Nam, hiện nay hầu hết các dự án Bất động sản, khu nghỉ dưỡng… ven sông, ven biển đều được thiết kế có bến du thuyền. Điều đó cho thấy nhu cầu trong thời gian tới là không nhỏ. Khi có bến, ắt sẽ phát sinh nhu cầu có thuyền. Tuy nhiên, như đã nói, thị trường Việt Nam phát triển đúng vào thời điểm thị trường thế giới bùng nổ, do vậy việc khan hiếm du thuyền và thời gian đặt hàng kéo dài là điều không thể tránh khỏi.

Ngoài phân khúc du thuyền phổ thông và tầm trung đang chiếm ưu thế trên thị trường, dự báo trong những năm tiếp theo, thị trường siêu du thuyền sẽ phát triển rất mạnh tại Việt Nam với sự xuất hiện của các tập đoàn lớn cùng nhu cầu mua sắm phục vụ cho các dự án và siêu dự án. Hiện đã có một số siêu du thuyền xuất hiện, nhưng chủ yếu là du thuyền đã qua sử dụng. Bên cạnh đó, lối sống du thuyền đang được hình thành sẽ dần phát triển mạnh kéo theo nhu cầu mua sắm tăng, hứa hẹn tạo nên một thị trường sôi động.

Nguồn nhipsongthoidai.nss.vn Copy
Vnluxury
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm