Lễ hội đền Đức Thánh Cả làng Đông Sơn
Đền Đức Thánh Cả, làng Đông Sơn là một công trình kiến trúc nghệ thuật công phu, đặc sắc, có lịch sử lâu đời, khung cảnh bình yên và giữ được nét linh thiêng.
Phường Hàm Rồng có bề dày truyền thống về lịch sử văn hóa, từ thuở Hùng Vương cư dân Lạc Việt đã đến đây quần cư sinh sống, xây dựng xóm làng. Cùng với quá trình tồn tại và phát triển, con người nơi đây đã tạo dựng nên những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, để lại cho con cháu đời sau. Trong hệ thống kiến trúc đình, chùa, miếu mạo đó thì Đền Đức Thánh Cả, làng Đông Sơn là một công trình kiến trúc nghệ thuật công phu, đặc sắc, có lịch sử lâu đời, đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngôi đền này nằm dưới chân núi Mã Yên thuộc phía Tây Nam làng, quay mặt về hướng Tây.
Đền Thờ “Tham xung Tá quốc chàng Ât Đại Vương”, người có công dẹp giặc ngoại xâm. Trong trận quyết chiến với quân nhà Đường, Ngài bị vây hãm, bị chém rơi đầu, Ngài lắp lại đầu đánh tiếp, thoát khỏi vòng vây của quân Đường, ngựa của Ngài chạy đến đầu Trang “Đông Cương Thượng”(một trong hai Trang lập thành làng Đông Sơn sau này) và Ngài hóa tại chỗ. Ngày Ngài hóa là ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch. Để ghi nhớ công lao to lớn của Ngài, Nhân dân làng lập đền thờ cúng để ghi nhớ công ơn của Ngài. Với công tích của Ngài, các triều: Lê, Quang Trung, Nguyễn… liên tiếp tặng 31 Sắc Phong cho Ngài (1604 - 1924), nhà Lê Trung Hưng đã tấn phong cho Ngài chức tối cao “Thánh Hoàng” (thể hiện trên Bài Vị của Ngài). Hiện Bài Vị của Ngài còn như mới nguyên, 31 Sắc phong bằng chữ Hán vẫn được lưu giữ nơi đây.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, hàng năm vào ngày 3/3 âm lịch, Chính quyền địa phương và Nhân dân phường Hàm Rồng long trọng tổ chức Lễ giỗ Ngài với tấm lòng trang nghiêm, thành kính, việc tổ chức Lễ giỗ cũng trở thành dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong khu dân cư, thành ngày hội của làng. Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được tổ chức với mục đích phát huy và khơi dậy tinh thần yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức hướng về cội nguồn, thể hiện tính cộng đồng sâu sắc. Đồng thời việc tổ chức lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa, đời sống tâm linh của nhân dân địa phương và du khách gần xa, tạo khí thế sôi nổi, cổ vũ động viên nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Đồng thời, Lễ hội góp phần tái hiện và phát huy những nét văn hóa độc đáo của người Việt, lan tỏa và nâng cao những giá trị truyền thống trong nhịp sống đương đại. Từ đó, bồi dưỡng niềm tự hào, yêu quê hương, đất nước, hướng con người tới những giá trị nhân văn tốt đẹp.
Lễ hội năm nay được tổ chức gồm 2 phần, Phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức bắt đầu từ sáng ngày 21/4 với những hoạt động như: Lễ Mộc dục là lễ tắm tượng và thay áo thánh. Lễ rước kiệu: Rước chân linh Đức Thánh Đệ Nhị (Ngài Trịnh Thế Lợi) từ Miếu nhị về Đền Đức Thánh Cả; Lễ tế An vị; Lễ thánh tâm: (Cúng sang canh). Tối cùng ngày là sinh hoạt văn hóa cộng đồng: Hát giao duyên, các diễn xướng sân khấu cổ truyền tại sân trước đền Đức Thánh Cả. Ngày 22/4, diễn ra các hoạt động đọc thần phả, dâng hương, lễ tế Đức Thánh Cả, lễ hồi kiệu đưa chân linh Đức Thánh Đệ Nhị hoàn nghinh từ Đền Đức Thánh Cả về Miếu nhị. Tiếp đến là phần hội với các hoạt động của các dòng họ, các phố làng, các bản hội, đơn vị và gia đình dâng cỗ cúng thánh, cỗ làng (nhận lộc thánh) các quý vị đại biểu, Nhân dân làng Đông Sơn tham dự tại sân đền; Tham quan các sắc phong; Tổ chức các trò chơi dân gian.
Được biết, từ sáng sớm ngày 21/4 đông đảo Nhân dân làng cổ Đông Sơn, các phố, trên địa bàn phường, một số phường, xã lân cận của TP Thanh Hóa và du khách thập phương đã nô nức về dự lễ hội và dâng hương tưởng công lao to lớn của Đức Thánh cả và tham gia các hoạt động tại lễ hội.
Lễ hội là dịp để quảng bá rộng rãi hình ảnh, con người ở vùng đất nghĩa tình, giàu truyền thống cách mạng… Đây cũng là một trong những điểm đến văn hoá quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của phường Hàm Rồng và thành phố Thanh Hoá, giai đoạn 2021 - 2025. Góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương.