Vnluxury

Trà cụ: Muôn kiểu chơi tìm về tao nhã

Trong môn chơi trà, đặc biệt là trà cụ (dụng cụ pha trà), danh sĩ Phạm Đình Hổ lúc sinh thời có kể lại rõ trong tác phẩm Vũ Trung Tùy Bút, ở bài Cách Uống Chè, tác giả viết: “Ta sinh trưởng đương lúc thịnh thời đời Cảnh Hưng, trong nước vô sự, các nhà quý tộc, các bậc công hầu, các con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ, có khi mua một bộ ấm chén, phí tổn đến vài mươi lạng bạc”. Quy chiếu vào tỉ lệ hối đoái thời Lê, một quan tiền tương đương một lạng bạc ròng, vài mươi lạng mới đủ mua bộ ấm chén. Trong khi mức lương quan Chánh Bát Phẩm theo quy định từ chính sách lương bổng của vua Lê Thánh Tông, bắt đầu từ 1477, chỉ là 21 quan tiền cho một năm làm việc.

Tra cu 1

Ấm trà vẽ tích Tô Đông Pha du Xích Bích

Tra cu 2

Ấm trà ký kiểu thời Minh Mạng, trang trí đề tài Thái Công Điếu Vị

Am tra Ung Chinh

Ấm pha trà thời Ung Chính

Am cuu long do co gom su

Ấm cửu long với đề tài rồng mây quen thuộc

Tra cu am tra do co gom su

Ấm phỏng theo dáng Thủy Bình, trang trí hoa điểu.

Trà cụ, có thể quy gọn vào hai “cụ” chính, đó là ấm – chén. Do Việt Nam không có lò chế tác sứ, từ thời chúa Trịnh, đã cho đặt tại lò sứ Cảnh Đức Trấn các sản phẩm cao cấp về sử dụng trong chánh cung tại vương phủ phía Nam thành Thăng Long, trong đó có các hiệu đề chính là Nội Phủ Thị Trung và Khánh Xuân Thị Tả. Đến thời Nguyễn, các vua khi lên ngôi cũng đặt đồ sứ đem về dùng, định thành dòng sản phẩm đặc trưng, sắc men chủ yếu là men lam, nên còn được gọi là “đồ sứ men lam Huế”.

Ấm sứ xanh trắng trong trà cụ Việt khá phong phú và đa dạng, về kiểu dáng có dáng ống, dáng bầu, dáng bình bát, quả lê, hình bát giác, tứ giác… Đề tài trang trí có rồng, phượng, hoa điểu, sơn thủy, các tích truyện xưa như Tô Vũ chăn dê, Trúc Lâm Thất Hiền, Tuế Hàn Tam Hữu, Bá Nha Tử Kỳ, Thái Công Điếu Vị… Bộ trà cụ hoàn chỉnh bao gồm ấm sứ hoặc ấm tử sa vùng Nghi Hưng, kèm đĩa bàn đựng chén tống, đĩa dầm đựng bốn chén quân, gọi gọn là dầm – bàn – tống – tốt hoặc chỉ gồm dầm – tống – tốt. Trà từ ấm pha, rót vào chén tống, chuyển sang các chén quân (tốt), chuyển đến người thưởng thức.

Tra cu do co gom su

Bộ đĩa, chén trà hiệu đề Thư Đới Lưu Hương.

Tra cu do co gom su

Bộ chén trà Hạ ẩm (dùng cho mùa Hạ) với miệng rộng, lòng nông.

Tra cu gom su do co

Ấm sứ dáng trái bần trang trí hoa điểu hoặc Trúc Lâm

Quảng cáo

Tất cả chi tiết trang trí trong trà cụ đều được thể hiện tinh xảo, công phu, đẹp mắt, đặc biệt là những dòng đồ ký kiểu phục vụ hoàng triều. Ấm sứ mang đề tài trang trí phong phú, kiểu dáng đa dạng, riêng ấm đất tử sa lại không nhiều, và bởi đặc tính độc đáo của dòng ấm này có công năng tăng thêm hương vị cho trà nhờ khoáng chất và kết cấu tử sa (cát tím) có trong cốt ấm, nên sử dụng theo thời gian, ấm càng thêm trân quý.

Phổ biến trong hệ ấm đất có các hiệu đề như Thế Đức, Lưu Bội, Mạnh Thần… ấm được chế tác rất nhỏ, phục vụ một người dùng (độc ẩm), bé lọt lòng bàn tay, kỹ thuật chú trọng vào kiểu dáng, độ cân bằng, đường nét thanh thoát, công dụng hoàn hảo hơn là chi tiết trang trí. Bởi vậy ở dòng ấm đất, không có chi tiết trang trí vẽ vời, thay vào đó dưới trôn ấm, tác giả thường đề những câu thiệu lời hay ý đẹp cùng hiệu đề, đây cũng là giá trị cộng thêm của ấm đất trong môn chơi sưu tầm trà cụ xưa nay.

Am dat Manh Than co co gom su

Ấm đất hiệu đề Mạnh Thần, dòng ấm trứ danh trong bộ trà cụ thời Nguyễn.

Am Nghi Hung do co gom su

Ấm Nghi Hưng, độc ẩm, màu gan gà, hiệu đề Thế Đức.

Tra cu do co gom su

Bộ trà đông ẩm tích Lục Vũ, đề thơ: “Tẩy nghiễn ngư thôn mặc – Phanh trà hạc tị yên”. Dịch nghĩa: “Cá quen nghiên rửa mực – Hạc lánh khói pha trà”.

Bo tra kieu Hue do co gom su

Bộ trà kiểu Huế hiệu đề Vĩnh Mậu Nguyên Ký, đồ ký kiểu muộn (đầu thế kỷ 20).

Bo tra kieu Hue do co minh mang

Bộ trà kiểu Huế với một tống – ba quân, thuộc dòng Xuân – Thu ẩm, trang trí đề tài sơn thủy, đồ ký kiểu Minh Mạng.

Trà cụ sở hữu một chi tiết độc đáo khác chính là đĩa dầm, mang công năng đựng chén quân (chén tốt), nhưng nhờ tiết diện rộng, phẳng của mặt đĩa nên người tác tạo sẽ vẽ lên những đề tài trang trí tùy giá trị, đẳng cấp người sử dụng, cùng ý nghĩa của đề tài, từ thơ phú, hoạt cảnh, phong cảnh, đến tích truyện… cực đa dạng, là tác phẩm nghệ thuật hơn là sản phẩm thông thường. Môn chơi trà cụ xưa, vẫn cứ thế tồn tại và phát triển theo thời gian. Sở hữu một bộ trà cụ hoàn hảo ở thời nay không dễ dàng bởi hiện vật có hạn, người sưu tầm cùng đam mê thì vô số kể.

Thực hiện: Nguyễn Đình


Xem thêm

Đưa kỹ thuật chế tác bạc vào trà cụ

Sắc màu quyền quý trên điếu bát người xưa

Gốm Bàu Trúc: Sắc đen huyền bí của di sản Champa

Nguồn https://www.elledecoration.vn/ Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm