Vnluxury

Trò chuyện về cấu kiện trong kiến trúc gỗ truyền thống

Nằm trong chuỗi các hoạt động chia sẻ những kiến thức về kiến trúc và văn hóa Việt Nam, buổi trò chuyện mang chủ đề Cấu kiện trong kiến trúc gỗ truyền thống của dự án Năm Năm Tháng Tháng thuộc Tản Mạn Kiến Trúc, trình bày khái quát về sự hình thành và biến đổi của hệ kết cấu kiến trúc gỗ truyền thống trong quá trình người Việt từ miền Bắc di cư về phía Nam. Chương trình được dẫn dắt bởi ThS. KTS Nguyễn Trần Trọng Nghĩa – thành viên dự án Tản Mạn Kiến Trúc, và cố vấn chuyên môn đến từ đại diện của nhóm nghiên cứu Tân Đô Thành Hiếu Cổ – KTS Trần Minh Đàm.

Sự thay đổi của kết cấu gỗ truyền thống trong lịch sử có sự tương ứng với các điều kiện tự nhiên và văn hóa đặc thù để tạo ra không gian sống phù hợp cho từng vùng miền. Lược đồ các hệ khung đặc trưng được kế thừa từ các nghiên cứu gốc của Đại học Nữ Chiêu Hòa, cho thấy sự đa dạng lẫn tương đồng của kiến trúc gỗ ba miền. Ví dụ, hệ khung tại miền Trung có mật độ kết cấu cao, lòng nhà hẹp, đan cài chặt chẽ để chống chọi với lực xô ngang của gió mạnh, độ dốc mái cao để thoát nước mưa nhanh. Xuôi về miền Nam, khung nhà càng thoáng hơn và phát triển về diện tích, đồng thời giảm độ dốc của mái. Những yếu tố này cũng dẫn đến sự khác biệt về không gian nội thất và những giải pháp chiếu sáng, thông gió, trang trí tại từng vùng.

tan man kien truc cau kien go nha viet nam

Ảnh: Thạch Duy Khang

tan man kien truc cau kien go nha viet nam

Ảnh: Thạch Duy Khang

Nhiều thuật ngữ quan trọng mô tả hệ khung kiến trúc gỗ truyền thống và các khái niệm về không gian kiến trúc nhà được giới thiệu tại chương trình, chẳng hạn như: gian, chái, hiên, buồng/phòng; về cấu trúc nhà: chồng rường, chồng rường kẻ bẩy, chồng rường giá chiêng, chồng rường/ trính chồng trụ đội, chồng rường giả thủ, giao nguyên, giao nguyên trụ đội, rường, rội, thừa lưu, vì thừa lưu, vì vỏ cua; các khái niệm liên quan đến kỹ thuật tạo tác: thượng thu – hạ thách và réo mái.

tan man kien truc nha viet nam

Ảnh: Thạch Duy Khang

Một vấn đề khá được quan tâm là cách tháo lắp khung nhà gỗ truyền thống. Thông qua tài liệu ảnh lưu trữ của KTS Vũ Hữu Minh và Nguyễn Thị Thuý Vi – các chuyên gia đã công tác tại Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế trong dự án trùng tu các hạng mục thuộc di tích Hiếu Lăng – Huế từ thập niên 1990, người tham dự được tìm hiểu chi tiết về quy trình một ngôi nhà được lắp dựng theo từng bước tiêu chuẩn của thợ mộc truyền thống, từ hệ kết cấu chính, phụ, lớp bao che… đến các phần hoàn thiện sau cùng.

tan man kien truc trung tu di tich viet nam
Quảng cáo

Ảnh: Thạch Duy Khang

Các cấu kiện gỗ luôn gặp phải tác động tiêu cực từ thời tiết nóng ẩm và mưa nhiều của Việt Nam, đặt ra yêu cầu phải được bảo dưỡng và trùng tu. Chương trình điểm qua các dự án khôi phục từ thập niên 1990 đến nay thông qua hình ảnh quá trình thực hiện chi tiết của nhiếp ảnh gia Nguyễn Tấn Anh Phong chụp tại Huế, Hội An và miền Nam, từ đó thảo luận các nguyên tắc, giải pháp đặc thù liên quan đến trùng tu kiến trúc gỗ.

Các dự án được giới thiệu trong chương trình gồm: Dự án tu bổ kiến trúc điện Thái Hoà – Đại Nội Huế; Dự án tu bổ, phục hồi kiến trúc chùa Cầu – Lai Viễn Kiều – Hội An; Dự án tu bổ, phục hồi kiến trúc điện Hoà Khiêm – Khiêm Lăng, Huế. Hình ảnh tư liệu giúp người tham dự bước đầu hình dung quá trình của một dự án trùng tu. Qua thời gian dài chịu tác động của thời tiết và các biến động bất lợi, các công trình gỗ chịu nhiều hư tổn. Ví dụ, lực xô nghiên của gió bão có thể khiến công trình bị chuyển vị, dẫn đến biến dạng, ngã đổ. Lượng mưa cao ở khu vực miền Trung gây ẩm cấu kiện, dẫn đến ẩm mốc, gây mục rã các cấu kiện, giảm sức chịu lực của công trình. Ngoài ra, công trình gỗ còn chịu nhiều tác động như lũ lụt, ngập úng, hỏa hoạn, mối mọt. Sau khi xác định các vấn đề và mức độ hư hại, các cấu kiện được xử lý một cách phù hợp, chẳng hạn như, đối với cấu kiện bị mục bề mặt thì được đắp, vá bề mặt, bị tiêu tâm thì được nhồi lõi, thay cốt, ốp mang…

trung tu chua cau di tich lich su tan man kien truc

Chùa Cầu qua các giai đoạn lịch sử. Ảnh: Tư liệu

Trường hợp của dự án trùng tu Chùa Cầu, Hội An được phân tích chi tiết. Đội ngũ thực hiện nhấn mạnh các yếu tố cũ và mới, bằng cách lắp ghép các phần gỗ mới và phủ sơ hoàn thiện không đồng màu với các chi tiết cũ, từ đó người tham quan có thể phân biệt được giữa cấu trúc nguyên bản và sau thay thế. Đây cũng là dự án mà công chúng có thể tiếp cận và quan sát trực tiếp quá trình thực hiện thông qua lối đi và các điểm quan sát quanh công trường. Bằng cách này, tính minh bạch được tăng cường, đồng thời nâng cao mức độ quan tâm của cộng đồng về bảo tồn di sản.

Thực hiện: Tản Mạn Kiến Trúc | Ảnh: Thạch Duy Khang


Xem thêm

Tết đến ngắm nhìn đồ án trái cây – Lời chúc phúc của tổ tiên

Dấu ấn kiến trúc và văn hóa trong những ngôi chùa Việt Nam

Ngũ Phụng Lâu uy nghi trên bản đồ Á Đông

Nguồn https://www.elledecoration.vn/ Copy
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm