Một mùa giải Miss Universe nữa đã kết thúc. Bên cạnh chiến thắng thuyết phục của Victoria Kjær Theilvig (Đan Mạch), người hâm mộ bày tỏ sự tiếc nuối cho những cô gái trượt top, trong đó có Nguyễn Cao Kỳ Duyên.
Câu nói "giá như" một lần nữa được fan sắc đẹp sử dụng, giá như Kỳ Duyên catwalk năng lượng hơn, giá như Kỳ Duyên bình tĩnh hơn, giá như Kỳ Duyên giỏi tiếng Anh... thì kết quả sẽ khác.
Từ trường hợp của Kỳ Duyên, có thể thấy các thí sinh Việt đi thi quốc tế còn thiếu nhiều yếu tố để trở thành ứng viên mạnh.
Hai thập kỷ 'chinh chiến' Miss Universe
Năm 2024 đánh dấu tròn 2 thập kỷ Việt Nam cử thí sinh đầu tiên đến Miss Universe. Hồi 2004, người đẹp dự thi là Hoàng Khánh Ngọc. Cô trượt top nhưng thắng giải phụ Catwalk đẹp nhất. Đại diện tiếp theo gọi tên Phạm Thu Hằng. Sự thể hiện không nổi trội đã khiến cô ra về tay trắng.
Việt Nam bỏ ghế trống vào năm 2006, 2007, trước khi đăng cai Miss Universe 2008. Năm ấy, Nguyễn Thùy Lâm, quê Thái Bình, làm bùng nổ sân khấu Trung tâm Hội nghị Hoàn Vũ (Nha Trang) khi tiến thẳng vào top 15. Ngoài ra, cô lọt top 5 Người đẹp Áo dài, top 10 Trang phục dân tộc đẹp nhất.
Sau thành tích đó là chuỗi thất bại liên tiếp của Võ Hoàng Yến (2009), Vũ Hoàng My (2011), Lưu Diễm Hương (2012), Trương Thị May (2013), Phạm Hương (2015), Đặng Thị Lệ Hằng (2016) và Nguyễn Thị Loan (2017).
Riêng Phạm Hương, mặc dù không ghi tên vào danh sách top 15, cô vẫn để lại ấn tượng mạnh với khán giả quốc tế bởi nhan sắc rực rỡ, lối catwalk lắc lư kiểu "mình xà", làm chủ sân khấu. Cô cũng không kém cạnh các ứng viên năm đó về mặt truyền thông.
H'Hen Niê lọt top 5 Miss Universe 2018. Ảnh: Miss Universe.
Trường hợp bùng nổ nhất phải kể đến H'Hen Niê - cô gái tóc tém, làn da nâu lệch chuẩn sắc đẹp Việt những năm 2017-2018, đi thi trong sự hoài nghi của số đông, rồi bất ngờ lọt top 5 người đẹp xuất sắc của Miss Universe 2018. H'Hen Niê còn ẵm luôn giải Timeless Beauty (Nhan sắc vượt thời gian), do chuyên trang Missosology bình chọn.
Niềm tự hào của Việt Nam còn có Hoàng Thùy - top 20 Miss Universe 2019, Khánh Vân - top 21 Miss Universe 2020 (thắng vote) và Kim Duyên - top 16 Miss Universe 2021 (thắng vote). Hai đại diện sau đó - Ngọc Châu và Quỳnh Hoa - vắng mặt ở top chung kết.
Năm nay, với thành tích top 30 của Kỳ Duyên, Việt Nam đã trở lại đường đua intop Miss Universe. Tuy vậy, trong xuyên suốt quá trình thi, cô gái 28 tuổi vướng nhiều tranh luận.
Điểm yếu của Kỳ Duyên, Bùi Quỳnh Hoa
Miss Universe đã trải qua 73 mùa tổ chức. Tiêu chí cuộc thi đề ra qua mỗi thời kỳ cũng thay đổi.
Thời Donald Trump còn nắm quyền, những cô gái sở hữu sắc vóc bốc lửa theo chuẩn các thiên thần Victoria's Secret, với kỹ năng catwalk thượng thừa và tạo dáng cuốn hút sẽ được ưu ái hơn cả. Vì vốn dĩ Miss Universe thiên về tính giải trí, chuyên "phục vụ" bữa tiệc mãn nhãn, mãn nhĩ.
Khi bản quyền thuộc về WME/IMG từ năm 2015, câu chuyện truyền cảm hứng được đặt lên hàng đầu, cơ hội chia đều cho thí sinh khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ. Hay nói cách khác, Miss Universe không còn là giải "Latin mở rộng".
Lu Sierra - huấn luyện viên catwalk của Miss Universe - cho biết người đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ phải là một "speaker", phải hoạt ngôn, có khả năng thuyết trình, có tiếng nói đại diện cộng đồng. Do đó, bên cạnh vẻ ngoài nổi bật, kỹ năng phỏng vấn là tiêu chí tiên quyết để chọn hoa hậu.
Gabriela Isler (2013) và Zozibini Tunzi (2019) đại diện cho 2 vẻ đẹp khác nhau của Hoa hậu Hoàn vũ ở 2 thời kỳ. Ảnh: Missosology.
Miss Universe dưới sự quản lý của JKN Global Group x Legacy Holding Group USA Inc. kết hợp các tiêu chí của thời trước, song Anne Jakkaphong Jakrajutatip - đồng sở hữu cuộc thi - nói thêm: "Chúng tôi yêu một hoa hậu khiêm tốn với tính cách độc đáo, người có thể trở thành phụ nữ mang tính biểu tượng toàn cầu, đại sứ thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ của chúng tôi".
Nhìn từ kết quả chọn hoa hậu mỗi thời kỳ, có thể thấy đại diện Việt Nam còn thiếu tinh thần hừng hực của một chiến binh sắc đẹp. Thực tế, thí sinh mang sash Việt đa số đều có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản trước khi "xuất khẩu". Nhưng so về phong thái, sự tận hưởng trên sân khấu (ngoại trừ H'Hen Niê và Phạm Hương), đại diện Việt Nam bị lép vế hẳn trước đối thủ quốc tế.
Điển hình là Kỳ Duyên. Có thể do áp lực cộng với sự kỳ vọng lớn từ fan, các màn trình diễn (nhất là áo tắm) của Kỳ Duyên không gây trầm trồ. Cô chưa kiểm soát tốt ánh mắt, bước đi và trụ người - lỗi Bùi Quỳnh Hoa từng mắc vào năm ngoái.
Đội ngũ Miss Universe còn đánh giá ứng viên qua các hoạt động thường ngày. Thay vì than thở điều kiện sinh hoạt, lịch trình khắc nghiệt, Opal Suchata Chuangsri (Thái Lan) luôn tỏa ra nguồn năng lượng vui vẻ, tích cực giao lưu với fan. Đó có thể là một phần lý do giúp cô trở thành đại diện châu Á duy nhất lọt top 5 năm nay.
Kỳ Duyên bị đánh giá không duy trì nguồn năng lượng tích cực như đại diện Thái Lan. Ảnh: @kyduyen1311, @suchaaata.
Không phải gạch đầu dòng bắt buộc nhưng tiếng Anh vẫn là quy định bất thành văn trong mỗi sân chơi hoa hậu. Đã có nhiều tranh luận cho rằng tiếng Anh không quan trọng ở Miss Univese. Nhưng thực tế đa số cô gái chiến thắng đều nói tiếng Anh trôi chảy. Giỏi tiếng Anh, họ mới có thể giao tiếp, hội nhập, và hơn hết là truyền tải thông điệp qua từng quốc gia mà họ ghé thăm trên hành trình đương nhiệm.
Với thí sinh Việt, Kỳ Duyên, Bùi Quỳnh Hoa, Khánh Vân và Kim Duyên là những đại diện từng gây tranh cãi vì tiếng Anh chưa đủ tốt trong lúc dự thi.
Như vậy, để trở thành một "chiến binh nghìn máu", khiến các đối thủ khác phải dè chừng, không chỉ các thí sinh Việt, những cô gái nuôi ước mơ chinh phục vương miện Miss Universe cần hoàn thiện về ngoại hình, đáp ứng được tiêu chí kỹ năng trình diễn, khả năng giao tiếp và hùng biện linh hoạt, luôn tỏa ra nguồn năng lượng tích cực và một tinh thần sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng làm việc.