Bạn từng “mắt chữ A mồm chữ O” khi nghe những thuật ngữ lạ lẫm từ bartender? Bạn từng bẽn lẽn nhờ người kia gọi cocktail giúp vì đọc thực đơn không hiểu?
Mùa trẩy hội đêm hè đã đến, bộ cẩm nang vô giá với 5 thuật ngữ dưới đây sẽ giúp bạn giải ngố khi xuống phố đi bar!
1. Neat
Neat là ly rượu hoàn toàn nguyên chất, được bartender rót trực tiếp từ chai rượu vào ly. Một ly “neat” sẽ không pha thêm bất kỳ nguyên liệu nào, thậm chí không đá, không khuấy, không lắc. Nhờ đó, bạn được nếm trọn hương vị tinh túy nhất, nguyên chất đúng nghĩa.
Một ly rượu neat sẽ được rót trực tiếp từ chai mà không pha trộn thêm bất kỳ thành phần nào | Nguồn: Rolling Stone
Không phải dòng rượu nào cũng phù hợp để uống “neat”. Whisky và Brandy là 2 loại rượu mạnh phổ biến cho kiểu uống này, vì chúng vẫn giữ nguyên độ ngon ở nhiệt độ phòng. Nếu muốn trải nghiệm neat, bạn có thể nhờ bartender gợi ý một số dòng rượu mạnh chất lượng cao.
2. Pre-drink
Pre-drink đơn giản là ly rượu giúp bạn lâng lâng “lót dạ” trước khi vào bar. Tăng 1 (Pre-drink) này sẽ cho bạn làm ấm cơ thể, thúc đẩy hưng phấn và say ở mức độ vừa phải để sẵn sàng nhập cuộc "hăng" hơn.
Văn hóa pre-drink rất phổ biến ở giới trẻ nước ngoài
Trên thực tế, văn hóa pre-drink vô cùng phổ biến ở giới trẻ nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. Các hội bạn sẽ gặp nhau uống rượu trong chai ở cửa hàng tiện lợi, rồi mới lên đường đi bar.
Đặc biệt nếu giá rượu mua tại bar quá cao, tăng 1 pre-drink giúp bạn tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể để có thể vui mà không quá tốn kém.
3. Guest Shift
Guest Shift là sự kiện giao lưu nơi quán rượu chào đón 1 bartender khách mời đặc biệt từ quán khác đến. Nhân vật này có thể là Head Bar nổi tiếng thế giới hoặc đại sứ các thương hiệu rượu trứ danh.
Đến với Guest Shift, bartender khách mời sẽ đứng quầy pha chế chính và trình diễn kỹ thuật độc đáo hay ly cocktail tâm đắc nhất của họ.
Các bartender khách mời trong Guest Shift có thể là tên tuổi lớn đang đi “tour” lưu diễn đa quốc gia. Xuyên suốt sự kiện, khách tham dự sẽ được chiêm ngưỡng kỹ nghệ pha chế từ bartender, tham gia các hoạt động hấp dẫn và thưởng thức thành phẩm cocktail cuối cùng.
4. Happy Hour
Happy Hour là “khung giờ vàng”. Quán sẽ có chương trình ưu đãi đặc biệt chỉ diễn ra trong khung giờ này. Đây là thuật ngữ phổ biến trong ngành F&B, dùng cho cả nhà hàng và quán bar.
Happy Hour sẽ diễn ra vào các khung giờ thấp điểm trong ngày khi phần lớn khách hàng đang trong giờ làm việc, nhằm kích cầu tiêu dùng của họ. Ví dụ Happy Hour của quán ăn thường rơi vào xế chiều từ 14h đến 18h, hay Happy Hour quán bar rơi vào tối sớm từ 18h đến 20h. Bạn phải tranh thủ chớp lấy khung giờ này để tận hưởng ưu đãi trọn vẹn nhất có thể.
Happy Hour là “khung giờ vàng” của quán.
Tùy vào quy mô và concept của mỗi quán bar mà Happy Hour sẽ có các chương trình sáng tạo khác nhau. Ưu đãi từ Happy Hour có thể kể đến:
- Giảm giá các món đồ uống signature.
- Menu món đặc biệt, chỉ có thể gọi trong vòng 1 tiếng Happy Hour.
- Uống theo cảm xúc, ăn theo yêu cầu. Bartender có thể khiến bạn bất ngờ với một món đồ uống theo sở thích bạn.
- Âm nhạc DJ vào giờ hoàng hôn.
5. Ladies’ Night
Ladies’ Night là thuật ngữ xuất phát từ Anh Quốc, là một ngày cố định trong tuần quán tôn vinh phái đẹp với những chương trình đặc biệt cho nữ giới.
Ladies’ Night thường được tổ chức vào thứ 4 hoặc thứ 5, nơi các cô gái chỉ cần xuất hiện thật lộng lẫy và quán sẽ lo từ A-Z. Các ưu đãi đặc biệt trong Ladies’ Night thường bao gồm menu cocktail tinh tế được thiết kế riêng cho nữ phái, tiệc hóa trang (mặc đồ màu hồng sẽ có quà), và các hoạt động sáng tạo khác.
Ladies' Night dành tặng cho phái đẹp mỗi một ngày cố định trong tuần, thường rơi vào thứ 4.
Trải qua nhiều năm, Ladies’ Night đã trở thành một văn hóa lành mạnh nơi gắn kết mọi cô gái yêu tiệc tùng. Nếu bạn lỡ “viêm màng túi” cuối tháng, Ladies Night sẽ là cứu cánh cho bạn tận hưởng những giờ phút bên chị em vô ưu và “bung lụa” nhất có thể.