MỘNGMEE, mini album thứ hai đánh dấu sự trở lại của AMEE sau 4 năm kể từ album đầu tay dreAMEE vừa phát hành vào ngày 3/8 vừa qua, xoay quanh câu hỏi “Am I a sweet dream or am I a beautiful nightmare?”. Trong lần trở lại này, dường như AMEE không còn là giấc mơ ngọt ngào như trong dreAMEE. Giờ đây, cô phải nhìn sâu, đối mặt và can đảm bày tỏ sự chuyển biến trong tâm hồn mình. Điều đó có thể không dễ chịu, đôi khi là cơn ác mộng, nhưng cần thiết trong hành trình trưởng thành.
Bìa album MỘNGMEE của AMEE.
Sự trưởng thành của nàng công chúa
Với album thứ hai, AMEE và đội ngũ ST. 319 tiếp tục cho thấy sự chắc tay trong việc xây dựng định hướng âm nhạc và concept thống nhất cho toàn bộ album, đồng thời phát triển những gì đã có từ sản phẩm đầu tay. Như ST. 319 đã chia sẻ, quá trình sản xuất âm nhạc cho âm nhạc này gắn liền với những thay đổi trong tâm hồn và đời sống của AMEE. Trong quá trình phát triển và đổi thay đó, sự nữ tính quen thuộc của nữ ca sĩ vẫn còn, nhưng qua thời gian, nàng công chúa càng có những mối lo toan lẫn những xúc cảm phức tạp – không còn nhìn cuộc đời qua lăng kính màu hồng dễ chịu nữa. Kể cả trong những giận dỗi có vẻ trẻ con hay mong ước lãng mạn được cùng người yêu mình đến một nơi xa, cũng ẩn chứa trong đó những bận tâm, lo lắng thầm kín. Sự trưởng thành trong xúc cảm lẫn sự chân thành trong cách bày tỏ trở thành hai yếu tố tạo nên miền mộng mị rất AMEE trong album lần này.
Trong hai ca khúc đầu tiên, nữ ca sĩ tiếp tục thể hiện sự đáng yêu quen thuộc của mình. Với MỘNG YU, AMEE thể hiện tình yêu đầy tinh nghịch của cô qua cách chơi chữ đơn giản đáng nhớ (Mộng you – mộng về anh) nhưng cũng quyết liệt của mình: “Tính em quen được nuông chiều/ Rất mong anh hãy biết điều”. Ở Cuộc gọi lúc nửa đêm, nữ ca sĩ thể hiện tâm lý “chiếm hữu” của người con gái qua những lời ca hot trend, ngập tràn hook, gợi nhớ đến một bài hát khác của AMEE là Sao anh chưa về nhà?, với cách sáng tác tinh quái hơn rất nhiều.
MỘNGMEE tiếp tục thể hiện cá tính âm nhạc của AMEE.
Đến với nửa sau của album, kể từ sự băn khoăn trong interlude Beautiful nightmare, sự trưởng thành trong AMEE càng được biểu lộ rõ. Trong 2000 câu hỏi vì sao, bài hát đầy tính tự sự, nữ ca sĩ thành thật với trạng thái “overthinking” của mình, đối diện với những câu hỏi vì sao mà cô tự đặt cho bản thân khi cảm thấy sự không an toàn và mất cân bằng trong mối quan hệ: “Chỉ vì em quá yêu mà thôi/ Nhiều khi khóc đến ướt cả gối”. Trong Miền mộng mị, AMEE bắt đầu hát về những tổn thương trong tâm hồn của cả cô gái lẫn chàng trai cô yêu, rồi cô trực tiếp biểu lộ khao khát muốn được dắt anh vào một “miền xa xăm” bình yên, nơi “chẳng ai nỡ nặng lời gieo thương đau”. Cách chơi chữ gần như đồng âm giữa “heart” và “hurt” trong lời ca của Hứa Kim Tuyền cũng mang lại ấn tượng đặc biệt, như muốn nói lên rằng chỉ có tình yêu nơi chốn yên bình đó mới có thể giúp những người yêu nhau giữ gìn và ôm lấy trái tim mình, đồng thời ném đi những nỗi đau đớn trong tâm hồn.
Dù các câu chuyện trong từng ca khúc có vẻ riêng biệt, nhưng với sự thống nhất trong concept, người nghe có thể thấy mối liên hệ giữa chúng với nhau. Nỗi lo lắng có vẻ khá trẻ con trong Cuộc gọi lúc nửa đêm, đôi khi kéo dài lâu, lại vô tình trở thành nỗi đau trong Miền mộng mị hay 2000 câu hỏi vì sao. Nhưng hơn hết, các ca khúc, dù miêu tả bất kỳ trạng thái nào, vẫn hướng đến mong ước về một tình yêu bình yên đẹp đẽ.
… Đến hành trình trưởng thành trong âm nhạc
Sự trưởng thành về mặt cảm xúc không thể không đi đôi với những phát triển về mặt âm thanh – thứ mà AMEE đã làm tốt kể từ khi ra mắt. Trong MỘNGMEE, dù dĩ nhiên chưa được đưa đến đỉnh cao hay còn đôi chỗ vụng về trong sản xuất, nữ ca sĩ cùng đội ngũ đã cho thấy sự đầu tư của mình về mặt âm nhạc.
Khởi đầu với MỘNG YU, đĩa đơn chủ đạo của album, AMEE đã cho thấy tham vọng trong việc thử sức với future bass cùng với lớp âm thanh dày dặn hơn. Tuy nhiên, sự thiếu phát triển về mặt giai điệu lẫn phần trình bày có phần hơi lạc điệu của AMEE hay phần rap của MCK không đủ sức bù đắp cho phần production, khiến ca khúc dù phù hợp để trở thành bài hát chủ đề, lại không được đón nhận bởi phần đông khán giả bằng những bài khác. Đến Cuộc gọi lúc nửa đêm, đội ngũ sản xuất đã phần nào định hình được thứ phù hợp với nữ ca sĩ cũng như album thứ hai này. Ca khúc mang đậm màu sắc AMEE này có phần sản xuất vừa đủ, phù hợp với phần trình bày, cũng như những tiếng synth mô phỏng tiếng điện thoại được vận dụng vô cùng hợp lý khiến ta nhớ đến Yêu thì yêu không yêu thì yêu của nữ ca sĩ nhưng với giai điệu và không gian trầm lắng, dễ chịu hơn.
Sự chuyển biến trong MỘNGMEE được đánh dấu rõ nhất bởi interlude Beautiful nightmare, khi không gian đã thực sự lắng lại, chỉ còn giọng hát mong manh của AMEE tự hỏi nàng là một giấc mơ ngọt ngào hay một cơn ác mộng đẹp đẽ, là phần dẫn đầy hiệu quả để đưa người nghe đến với Miền mộng mị và 2000 câu hỏi vì sao. Như đa phần người nghe đều biết, Miền mộng mị lấy sample từ tiếng guitar của ca khúc Tình yêu tìm thấy của Quang Vinh – một ca khúc quen thuộc ở thập niên 00s, tạo nên nét hoài niệm đặc biệt cho bài hát. Tiếng guitar trải dài suốt ca khúc, bám theo từng nấc thang cảm xúc lẫn những khao khát của cô gái, vừa nổi bật vừa hòa hợp với phần sản xuất đầy mộng mị. Ta nhớ đến Wren Evans cũng mang vào âm nhạc của mình hơi thở hoài cổ trong Tình yêu vĩ mô hay Quyền anh, với phần nhạc mang âm hưởng xưa nhưng cách thể hiện lại rất mới. Sự tương đồng giữa Wren Evans và AMEE dường như biểu thị cho xu hướng làm nhạc mới trong giới trẻ hiện nay: tìm về với cái cũ, với chất liệu có sẵn và làm mới nó.
Cuối cùng, "2000 câu hỏi vì sao" là ca khúc chỉn chu, thể hiện cá tính âm nhạc mới của AMEE một cách rõ ràng nhất. Trong bài hát này, phần sáng tác nhiều cảm xúc của Trid Minh cùng phần sản xuất của DuongK và 2Pillz đạt được sự hòa hợp đáng ngạc nhiên, đặc biệt là phần production như được “bung xoã tất tay”, liên tục biến hóa nhưng vẫn vững vàng trong cấu trúc của bộ đôi producer. Nắm được từng sự dao động trong tâm hồn đầy nỗi lo âu của người con gái trong tình yêu, nhịp độ của bài hát tăng giảm liên tục cùng lớp âm thanh lúc thì dày lên như những con sóng cảm xúc dâng trào, lúc lại mỏng đi như khi những cơn sóng đó đã lắng lại. AMEE đã không còn chơi vơi như cách cô lạc lõng trong future bass của MỘNG YU mà ngược lại, phần trình bày phô được vẻ đẹp trong giọng hát của cô hòa hợp với từng biến đổi trong phần sản xuất tham vọng. Và rồi đoạn sau bài hát, tiếng violin được cất lên, hòa cùng với tiếng nhạc house và giọng hát của AMEE – lúc này cũng hệt như một loại nhạc cụ – là khoảnh khắc đẹp để kết thúc mini album này.
Khởi đầu với dreAMEE trong lúc V-Pop mainstream vẫn chưa có sự đầu tư đúng mực vào album nhạc – thứ định hình rõ nét con người nghệ thuật của người nghệ sĩ, cho đến nay, làng nhạc đã đón nhận những sản phẩm âm nhạc đặc sắc, thể hiện không gian tinh thần riêng biệt của người làm ra nó. Sự ra đời của album đầu tay dreAMEE như đóng vai trò mở đường cho việc các nghệ sĩ trẻ khai phóng bản thân mình bằng âm nhạc, cất lên những tiếng nói và tiếng lòng của giới trẻ, của thời hiện đại. Với một nghệ sĩ từng bị hoài nghi về khả năng và chất lượng như AMEE, điều này càng mang nhiều ý nghĩa. MỘNGMEE là sự tiếp nối của dreAMEE, là sự trưởng thành về cảm xúc lẫn nghệ thuật, cũng như sự trưởng thành của người nghệ sĩ trong cách bộc lộ chính mình.
Nàng công chúa mộng mơ ngày trước bây giờ đã tiến vào miền mộng mị, nơi cô không còn ngây thơ và buộc phải đối diện với cảm xúc của mình. Dù vậy, cô vẫn luôn mong muốn được sống với tình yêu một cách trọn vẹn. Dẫu có thể là một cơn ác mộng, nhưng ít nhất là cơn ác mộng đẹp đẽ.
MỘNGMEE là sự tiếp nối của dreAMEE