Ngày 15/8, phương thức thanh toán không chạm Apple Pay chính thức khả dụng ở Việt Nam. Trước đó, tháng 11 năm ngoái, Google thông báo dịch vụ Google Pay chính thức có mặt tại Việt Nam với lời hứa hẹn cung cấp trải nghiệm thanh toán đơn giản và hữu ích hơn.
Còn Samsung Pay cũng đã ra mắt và dần trở nên quen thuộc với nhiều người dùng Việt kể từ năm 2017.
Ngoài các nền tảng do các “ông lớn” công nghệ cung cấp, người dùng còn có thể cất chiếc thẻ ngân hàng vật lý và sử dụng các hình thức thanh toán không chạm khác như ví điện tử, thẻ ảo, thẻ tín dụng hoặc ghi nợ chạm để thực hiện giao dịch.
Trong những năm gần đây, thanh toán không tiếp xúc đã nổi lên như một phương thức giao dịch phổ biến và tiện lợi.
Công nghệ này cho phép người tiêu dùng thực hiện việc trả tiền nhanh chóng và an toàn chỉ bằng cách chạm hoặc vẫy thẻ, điện thoại thông minh hoặc các thiết bị khác như máy tính bảng, đồng hồ đeo tay.
Trong đó, phải kể đến mã QR code (Quick Response Code) với độ phủ sóng rộng rãi. Tất cả điều khách hàng cần là một thiết bị có camera còn hoạt động tốt và kết nối được mạng.
TỪ CÔNG NGHỆ THÀNH TRÀO LƯU
Thanh toán không tiếp xúc đã cách mạng hóa cách thức người tiêu dùng thực hiện giao dịch. Với một lần chạm hoặc vài thao tác đơn giản, giao dịch có thể được hoàn thành chỉ trong vài giây, loại bỏ nhu cầu tiếp xúc trực tiếp, chữ ký hoặc nhập mã PIN.
Đơn cử, khách hàng dùng những chiếc thẻ gắn chip của Visa hay Mastercard chỉ cần chạm nhẹ thẻ vào máy POS và giữ trong 3 giây là giao dịch đã được thực hiện.
Tốc độ và tính dễ sử dụng này đã hợp lý hóa đáng kể quy trình thanh toán, giảm thiểu việc chờ đợi và nâng cao trải nghiệm tổng thể của khách hàng.
Mức độ tiện lợi cũng không bị giới hạn trong việc mua bán trực tiếp, theo cách thức truyền thống là đến cửa hàng để lựa chọn, trả tiền cho món đồ mình cần. Các nhà bán lẻ trực tuyến và nền tảng thương mại điện tử vốn không nằm ngoài cuộc chơi này, cho phép khách hàng truy cập vào giao dịch nhanh chóng và bảo mật chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và lan rộng ra toàn cầu vào năm 2020, những lo ngại về vệ sinh, nỗi sợ có thể lây nhiễm virus khi tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài càng thúc đẩy hình thức thanh toán này phát triển.
Việc giảm nhu cầu tiếp xúc trực tiếp với nhân viên thu ngân, thiết bị thanh toán hay cả những tờ tiền mặt cất vào ví phù hợp với các biện pháp giãn cách xã hội và củng cố cảm giác an toàn khi thực hiện giao dịch.
Theo nghiên cứu của Visa, việc sử dụng ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc qua thẻ và điện thoại thông minh, thanh toán bằng mã QR đều tăng mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch.
Tâm lý của người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể. Hiện tại, khi dịch bệnh không còn là mối nguy hại lớn, nhiều người vẫn ưu tiên thanh toán không chạm.
AI HƯỞNG LỢI NGOÀI KHÁCH HÀNG?
Thanh toán không tiếp xúc đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi đang diễn ra, sang một xã hội không dùng tiền mặt. Khi người tiêu dùng trở nên quen thuộc hơn với sự dễ dàng và hiệu quả của thanh toán không chạm, sự phụ thuộc của họ vào tiền mặt hay thẻ vật lý giảm dần.
Ví dụ, xu hướng này đang dần chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc - một trong những nền kinh tế hiện đại nhất châu Á. Hầu hết cửa hàng tiện lợi, dịch vụ công cộng như xe buýt đều chấp nhận thanh toán qua ứng dụng di động, do đó nhiều người, đặc biệt là thanh niên nước này, tự tin ra đường mà không đem theo tiền mặt, hoặc chỉ mang theo một khoản không đáng kể.
Sự tiện lợi, tốc độ và tính bảo mật của các giao dịch không tiếp xúc đã đẩy nhanh việc giảm sử dụng tiền mặt, với nhiều người tiêu dùng sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số làm cách giao dịch chính của họ.
Việc chuyển sang một xã hội không dùng tiền mặt này đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, bao gồm giảm chi phí liên quan đến xử lý tiền mặt và tăng hiệu quả hoạt động trong không gian kỹ thuật số.
Ngoài ra, các hình thức như Apple Pay, Samsung Pay hay ví điện tử còn ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ và thói quen chi tiêu của người tiêu dùng.
Về mặt kinh doanh, trải nghiệm mượt mà khi trả tiền khuyến khích xu hướng người mua chi tiền nhiều hơn so với dự tính ban đầu.
Cốt lõi của việc này là người tiêu dùng có thể hành động theo mong muốn của họ ngay lập tức. Tâm lý xa rời tiền tệ và sự dễ dàng của thanh toán tap-and-go dẫn đến cảm giác tách rời tài chính, khiến người tiêu dùng chi tiêu thoải mái hơn.
Nói cách khác, tốc độ và sự dễ dàng của các giao dịch không tiếp xúc tạo điều kiện thuận lợi cho mua sắm nhanh chóng và tự phát, vì người tiêu dùng có thể thực hiện giao dịch nhanh chóng mà không cần tiền mặt hoặc quy trình thanh toán kéo dài.
Điều này đặc biệt phổ biến trong các lĩnh vực như thực phẩm và đồ uống, hay bán lẻ và giải trí, nơi khách hàng có nhiều khả năng mua sắm bốc đồng hơn.
Mặt khác, khi các doanh nghiệp cung cấp thanh toán không tiếp xúc, bảo mật và niềm tin trở thành hai yếu tố quan trọng trong các đề xuất giá trị của họ.
Hình thức thanh toán này vốn được cho là an toàn hơn cách thức truyền thống, khi người dùng bớt lo lắng chuyện lộ thẻ thông tin thẻ ngân hàng ra ngoài.
Tuy vậy, khách hàng ngày càng quan tâm đến tính bảo mật của thông tin tài chính của họ trong môi trường kỹ thuật số bởi các hình thức lừa đảo chuyển tiền ngày càng tinh vi.
Điều này đồng nghĩa với các doanh nghiệp phải giải quyết những lo ngại này bằng cách triển khai các biện pháp bảo mật mạnh mẽ và cam kết bảo vệ dữ liệu của khách hàng.