Phục hồi chậm, có nên đầu tư?
Trong khi lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng ngày càng giảm sâu, các nhà đầu tư có sẵn tiền vẫn luôn trăn trở tìm kiếm một kênh đầu tư có lời hơn trong tương lai. Liệu bất động sản nghỉ dưỡng có còn là kênh đầu tư tốt?
Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản SGO Homes, đánh giá, việc condotel, biệt thự nghỉ dưỡng, officetel... được cấp “sổ đỏ” sẽ dễ dàng mua bán hơn với khách hàng. Họ sẽ có cơ hội vay được tiền ngân hàng khi đầu tư.
Tuy nhiên, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là phân khúc có tốc độ phục hồi sau các phân khúc khác trên thị trường.
“Năm 2024-2025, thị trường vẫn sẽ tập trung vào bất động sản nhà ở, khu công nghiệp, văn phòng... Còn bất động sản nghỉ dưỡng nằm ở khu vực thành phố lớn, có sở hữu lâu dài, có thể ở hoặc kinh doanh cũng đang ghi nhận có tín hiệu giao dịch khả thi. Tuy nhiên, để toàn thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi thì phải đến năm 2026.
Các thành phố lớn như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang sẽ là những thị trường có cơ hội phục hồi sớm nhất khi các nơi này có quá trình phát triển du lịch lâu dài, không phải thị trường mới. Còn với những khu vực như Quy Nhơn, Bình Thuận, Ninh Thuận... sẽ mất nhiều thời gian hơn”, ông Chung nhận định.
Do đó, ông Chung cho rằng, giai đoạn này, nếu có tiền vẫn có thể đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng khi sản phẩm đó đáp ứng được nhu cầu ở hoặc kinh doanh cho thuê, nằm ở vị trí trung tâm của một khu vực du lịch.
Tuy nhiên, khi đầu tư, cần lựa chọn sản phẩm có đủ tiêu chuẩn để có thể vận hành. Tùy từng khu vực có mức giá giảm khác nhau, nhưng ông Chung cho biết, thống kê chung của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, mức độ “cắt lỗ” đang dao động từ 30-40%; có khu vực bắt đầu phục hồi, mức cắt lỗ chỉ 10-20%.
Do đó, với nhà đầu tư khi tìm hiểu đầu tư, cần lựa chọn kỹ để có thể tìm được sản phẩm có pháp lý tốt và giá hợp lý nhất.
Còn theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, các bất động sản nghỉ dưỡng đều có giá trị, gia tăng theo thời gian. Bên cạnh pháp lý đầy đủ, chất lượng tốt và giá hợp lý, sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có cơ hội trong năm nay.
“Những sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng có sở hữu lâu dài có lợi thế hơn những loại hình được cấp sổ nhưng sở hữu có thời hạn. Những dự án được đầu tư bài bản, có chất lượng sẽ khai thác tốt hơn, chủ đầu tư tiềm lực có điều chỉnh về giá bán chắc chắn sẽ có sức hút đầu tư thời gian tới”, ông Thanh nói.
Thị trường thứ cấp giảm giá 50%
Số liệu mới nhất từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, trong năm 2023, cả nước đón nhận khoảng 3.165 sản phẩm bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng mới, giảm hơn 80% so với năm 2022.
Nguồn cung chủ yếu đến từ khu vực miền Trung với hơn 1.200 sản phẩm, tương đương khoảng 38% lượng cung toàn thị trường. Nửa đầu năm 2023, chủ đầu tư liên tục hoãn, rời thời gian triển khai bán hàng bởi đặc trưng của phân khúc này là giá trị lớn, chủ yếu phục vụ mục đích đầu tư, rất khó thanh khoản trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Thế nhưng, sang quý III/2023, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được cải thiện từ các dự án condotel, chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam, mức giá xung quanh 50 triệu đồng/m2. Riêng quý IV/2023, có khoảng 913 sản phẩm mới được đưa ra thị trường, tương đương nguồn cung quý III, bằng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Toàn thị trường ghi nhận 726 sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được giao dịch thành công trong năm 2023, con số này chỉ bằng 6,5% năm 2022.
Đáng chú ý, theo VARS, trên thị trường thứ cấp, giá giảm 50% song vẫn khó thanh khoản. Nhất là các sản phẩm biệt thự, shophouse nghỉ dưỡng giá trị cao trên 10 tỷ đồng.
Với việc được “cởi trói” về pháp lý, trong đó có cấp sổ hồng cho các loại hình như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng, officetel... theo Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 20/5/2023 khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng bất động sản nghỉ dưỡng sẽ sớm hồi phục.