Từ trang trại đến bàn ăn
Một buổi chiều tối, tôi ghé Ushino Kura với tâm trạng háo hức và tò mò. Tuy đây không phải lần đầu tiên tới thưởng thức nhưng thay vì trở thành thực khách sẵn sàng tận hưởng bữa tối đầy thư thái của mình, thì lần này tôi đến với tâm thế học hỏi và trò chuyện nhiều hơn về mô hình farm to table đang rất thành công nơi đây.
Ushino Kura là một nhà hàng fine dining tập trung phục vụ món bò wagyu A5 Nhật Bản thuộc chuỗi nhà hàng của một tập đoàn chuyên kinh doanh thịt bò cao cấp. Nơi đây mang phong cách hiện đại với thiết kế không gian dễ chịu và riêng tư. Bước vào trong sân nhà hàng, điều đầu tiên mà thực khách có thể cảm nhận là sự yên tĩnh và lắng đọng khác hẳn với những xô bồ ngoài kia.
Farm to table – từ trang trại đến bàn ăn không phải là mô hình quá mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đáp dụng thành công sự đặc sắc của xu hướng mới này lên nhà hàng của mình thì không phải nơi nào cũng làm trọn vẹn. Tại Ushino Kura, những chú bò được giới thiệu là bò wagyu A5. Nhưng điều gì khiến chúng khác biệt và thu hút được lượng thực khách ổn định qua nhiều năm như thế?
Đại diện nhà hàng chia sẻ: “Ở Ushino Kura Hà Nội, chúng tôi không những sử dụng thương hiệu bò Wagyu A5 Nhật Bản thuần chủng mà còn có chất lượng cao nhất từ thương hiệu Satsuma Gyu 4% Miracle. Những chú bò hạnh phúc được chăm sóc tận tâm từ những người nông dân đam mê và tận tụy trong hệ thống trang trại của chúng tôi ở Nhật Bản."
Anh cũng nói thêm, đối với người Việt Nam, phần thăn Sirloin là một trong những phần thịt được ưa chuộng. Thói quen này rất dễ xác nhận khi chúng ta chứng kiến thời kỳ hoàng kim của các nhà hàng bán đồ Âu với món thăn nội beef steak được coi là phần thịt bò quý giá nhất. Với Ushino Kura, phần thăn Sirloin này được ưu ái miêu tả với cái tên tiếng Nhật “kuchidoke” có nghĩa là “lan tỏa trong miệng”. Ở đây chúng ta lan tỏa sự mềm mại và tan chảy của miếng bò.
Bí mật của những chú bò hạnh phúc
Những chú bò được nhà hàng sử dụng đến từ trang trại nhà Mitsuhiro Nozaki nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Kagoshima, một nơi có vị trí địa lý hấp dẫn, giao thương sầm uất từ lâu đời và có thiên nhiên trù phú. Cùng là những chú bò wagyu A5 nhưng tùy theo điểm vân mỡ mà chúng được xếp hạng tương ứng. Các điểm vân mỡ được xếp từ 1 tới 12 và điểm vân mỡ càng cao, chú bò ấy càng được săn đón. Một chú bò với điểm vân mỡ hoàn hảo thường nằm trong khoảng từ 10 tới 12.
Thưởng thức miếng thịt bò mới nhất tại nhà hàng với điểm vân mỡ hoàn hảo BMS12, tôi công nhận rằng chúng có hương vị vô cùng khác biệt. Nhân viên nhà hàng giới thiệu rằng mô hình farm to table đã được áp dụng thành công từ những bước nhỏ nhất: “Phần bò wagyu A5 của nhà hàng được lấy từ trang trại Mitsuhiro Nozaki, là một trong mười trang trại tốt nhất trong tổng số 70 trang trại mà chủ sở hữu hiện có”.
Là một trong mười trang trại tốt nhất thuộc mô hình farm to table rộng lớn, trang trại Mitsuhiro Nozaki được một gia đình người nông dân Nhật Kamimura chăm sóc. Tại đây, họ chuyên chăn nuôi, chế biến và kinh doanh bò wagyu theo mô hình khép kín từ khâu sản xuất, cung cấp thức ăn chăn nuôi, nuôi giống bò đến kinh doanh nhà hàng theo chuỗi giá trị “từ trang trại tới bàn ăn”.
Bí mật của những chú bò hạnh phúc bắt đầu được bật mí. Đây là giống bò wagyu lông đen sừng ngắn với xuất xứ đầy tự hào từ tỉnh Kagoshima – nơi có điều kiện chăn nuôi uy tín tại xứ sở mặt trời mọc. Mỗi chú bò đều có chứng chỉ riêng, được ghi lại chi tiết quá trình từ khi sinh ra cho tới khi lớn với chế độ ăn uống, chăm sóc đặc biệt.
Mỗi chú bò sẽ được gắn lên cổ chiếc “bảng tên” ghi ngày sinh, mã số và số vân mỡ. “Nhà hàng lấy bò từ trang trại riêng và chỉ lựa chọn những trang trại có loại bò cao cấp nhất là Satsuma Gyu 4% Miracle với điểm vân mỡ 10 – 12”, đại diện nhà hàng chia sẻ về quá trình lựa chọn những chú bò wagyu A5. Riêng về khái niệm 4% Miracle, nhà hàng cho biết trong số 25 con bò A5, họ chỉ lựa chọn ra một con bò có chất lượng tốt nhất để phục vụ. Điều này khiến triết lý farm to table – từ trang trại đến bàn ăn trở nên chỉn chu và đặc biệt hơn bao giờ hết, vì họ không chỉ đơn thuần lấy sản phẩm từ trang trại, từ địa phương mà còn ưu tiên chọn ra nguyên liệu tinh túy, đặc sắc nhất để tạo ra những trải nghiệm ẩm thực cao cấp hoàn hảo.
Việc lựa chọn thịt bò từ vùng Kagoshima mà không phải từ vùng khác cũng là một trong số những “bí mật” của các chú bò hạnh phúc. Trong lần bật mí thứ hai, đại diện nhà hàng cho biết tỉnh Kagoshima có khí hậu hoàn toàn thuận lợi để nuôi giống bò A5 này với sự ấm áp, trù phú và đất đai màu mỡ. Cuối cùng, mục đích mà nhà hàng Ushino Kura muốn đưa mô hình farm to table tới gần hơn với thực khách, ngoài việc hòa vào dòng chảy chung của sự phát triển ngành F&B, còn là cách để đội ngũ phục vụ ẩm thực chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của người nông dân và kỳ vọng có thể chia sẻ các hương vị và món ngon cho những người yêu ẩm thực.
Dự định mang hệ sinh thái farm to table về Việt Nam
Không chỉ dừng lại ở những trang trại tại Nhật Bản, nhà sáng lập và vận hành của nhà hàng còn có dự định về việc sẽ xây một hệ sinh thái trang trại tương tự như vậy tại Việt Nam.
Với định hướng mang kỹ thuật, công nghệ chăn nuôi, giống vật nuôi, quy trình và những phát triển của các trang trại nuôi bò wagyu A5 về Việt Nam, đội ngũ quyết định chọn Ba Vì làm nơi đặt trang trại đầu tiên. Anh giải thích: “Ba Vì có khí hậu mát mẻ, không gian thuận lợi cho bò sinh trưởng, tuy không được 100% như ở Nhật Bản nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng với đất nước nổi tiếng về bò wagyu này. Hơn nữa, nông nghiệp Nhật Bản phát triển rất mạnh với nhiều công nghệ khoa học hiện đại. Nếu xây dựng được hệ sinh thái ấy và áp dụng được những phát triển của nền nông nghiệp xứ sở mặt trời mọc này thì không lâu sau, Việt Nam hoàn toàn có thể là nơi xuất khẩu bò wagyu A5 tới thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc”.
Tuy nhiên, khó khăn không phải là thứ dễ dàng chinh phục. Với hiện trạng nền nông nghiệp tại Việt Nam chưa thực sự phát triển và các nguồn cung ứng chưa ổn định thì việc đưa bò wagyu A5 từ Nhật Bản về nước ta sẽ là những thử thách lớn. Một thách thức nữa khi nhà hàng Ushino Kura phát triển mô hình trang trại tại Việt Nam chính là vấn đề về bảo mật con giống. Những giống bò đặc thù của Nhật Bản không dễ gì được đưa ra ngoài thế giới. Để làm được điều này cần có những nghiên cứu nghiêm túc và quá trình trau dồi công nghệ, kỹ thuật nhiều hơn nữa.