Bồ Đào Nha là đất nước Tây Âu, nằm trên bán đảo Iberia, phía Tây và phía Nam giáp Đại Tây Dương, phía Đông và phía Bắc giáp Tây Ban Nha. Thủ đô là thành phố Lisbon, thành phố lâu đời thứ hai ở châu Âu, chỉ sau thành phố Athens của Hy Lạp.
Bồ Đào Nha có diện tích 92.000 kimomet vuông, tương ứng với diện tích của vùng Bắc Bộ Việt Nam, với dân số chỉ hơn 10 triệu người. Do có nhiều quần đảo trên đại dương và có đường bờ biển dài nên đây là nước có vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ 3 trong Liên minh châu Âu, lớn thứ 11 thế giới.
Với vị trí gần châu Phi, Bồ Đào Nha là quốc gia có khí hậu ấm áp nhất châu Âu với nhiệt độ trung bình từ 15 đến 18 độ C. Nước này cũng được biết đến là quốc gia lâu đời nhất ở châu Âu. Vương quốc Bồ Đào Nha được thành lập và công nhận năm 1143, tồn tại chế độ quân chủ trong gần 800 năm đến năm 1910.
Quốc kì Bồ Đào Nha được thiết kế bằng các màu sắc với thông điệp khác nhau. Màu xanh lá cây đại diện cho hy vọng và tương lai, màu đỏ thể hiện các trận chiến đẫm máu và chiếc khiên tượng trưng cho chiến thắng của quốc gia này trong các trận chiến đó.
Bồ Đào Nha là quốc gia tiên phong trong khám phá hàng hải. Từ thế kỉ 15, người Bồ Đào Nha đã giành được những lãnh thổ hải ngoại đầu tiên khi họ chinh phục những vùng đất bên ngoài. Một trong những nhà thám hiểm hàng đầu của nước này là Vasco De Gama. Năm 1498, ông đã đến được Ấn Độ, cũng là người đầu tiên đi thuyền từ châu Âu đến Ấn Độ.
Đến thế kỷ 16, các nhà thám hiểm đã khám phá ra Brazil, một số khu vực Trung Mỹ, Caribe, sau đó là Ấn Độ Dương, Nam Đại Tây Dương và cả những khu vực châu Á như Đài Loan, Nhật Bản, đảo Timor, và quần đảo Maruko. Do đó, một thời nước này được xem là “nơi mặt trời không bao giờ lặn”. Đế chế Bồ Đào Nha lúc đó thực sự đã là một đế chế toàn cầu đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Vào thời kỳ đỉnh cao, đế chế này đã trải dài trên 53 quốc gia khác nhau. Bồ Đào Nha đã chuyển giao thuộc địa cuối cùng của mình là Macau cho Trung Quốc vào năm 1999 sau 442 năm chiếm đóng.
Tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ chính thức của 9 quốc gia trên thế giới, tiêu biểu như Brazil, cộng hòa Angola, cộng hòa Mozambique… Ngoài ra tiếng này cũng được sử dụng ở Macau, Ấn Độ và Đông Timor. Đây là ngôn ngữ được sử dụng bởi 230 triệu người, phổ biến thứ 6 trên thế giới.
Đặc biệt, chữ Quốc ngữ mà người Việt Nam đang sử dụng hình thành phần lớn nhờ công của những giáo sĩ người Bồ Đào Nha đã đến Việt Nam vào thế kỉ 16, 17, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Trong đó, người có công lớn nhất là giáo sĩ Alexandre Rhodes.
Bồ Đào Nha là nơi sản xuất nút chai lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 70% số lượng nút chai của thế giới. Đức, Anh, Mỹ là những quốc gia nhập khẩu nút chai nhiều nhất. Vì rượu vang là thức uống quốc gia của nước này, cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng nhất. Hơn nữa, Bồ Đào Nha có rừng bần lớn nhất thế giới, chính là nguyên liệu để làm nút chai.
Bồ Đào Nha hiện giữ kỉ lục có cây cầu dài nhất châu Âu. Đó là cây cầu mang tên nhà thám hiểm Vasco de Gama với chiều dài 17km. Đây cũng là đất nước dẫn đầu về năng lượng tái tạo, nắng, gió, nước. Đến năm 2018, nước này đã có thể tạo ra 100% năng lượng từ thủy điện, điện gió, điện mặt trời.