Màn hình 13 inch của iPad Air có chất lượng hiển thị tốt
iPad Air 2024 đáp ứng phần lớn nhu cầu với mức giá vừa phải
Tuy không được trang bị những tính năng cao cấp nhất như iPad Pro, iPad Air 2024 cũng nhận những nâng cấp đáng giá, như con chip Apple M2. Về mặt thiết kế máy không thay đổi so với đời trước, nhưng có thêm lựa chọn màn hình 13 inch. Kích thước lớn cũng là điểm trừ với cách đăng nhập bằng vân tay (Touch ID), vì tôi luôn phải dùng một tay cầm, một tay giữ vào nút nguồn để mở máy. Với iPad 11 inch thì thao tác trên có thể làm bằng một tay.
iPad Air 2024
Bù lại màn hình lớn sẽ phục vụ tốt hơn cho hầu hết nhu cầu sử dụng của iPad của tôi như xem phim, chơi game hoặc duyệt web. Màn hình 13 inch của iPad Air có chất lượng hiển thị tốt, độ sáng không bị thiếu hụt kể cả khi dùng ngoài trời. Sự khác biệt so với màn hình OLED trên iPad Pro nằm ở khả năng hiển thị màu đen sâu, nhưng nếu không đặt cạnh và so trực tiếp sẽ khó nhận ra.
Màn hình của iPad Air hỗ trợ tần số quét 60 Hz
Màn hình của iPad Air vẫn chỉ hỗ trợ tần số quét 60 Hz, thấp hơn iPad Pro, nhưng sự khác biệt chỉ thể hiện rõ khi lướt qua các màn hình hoặc kéo ứng dụng. Loa ở iPad Air 13 inch có âm lượng lớn hơn, âm trầm sâu hơn so với bản 11 inch. Đây là khác biệt hiếm hoi, ngoài kích thước màn hình để phân biệt giữa hai phiên bản.
iPad Air 2024 được trang bị chip M2
iPad Air 2024 được trang bị chip M2, tương đương mẫu iPad Pro 2022. Cấu hình của máy đủ để xử lý mượt phần lớn tác vụ thông thường, cũng như hỗ trợ các tính năng Apple Intelligence, dự kiến được cập nhật vào cuối năm nay. Nếu muốn tận dụng sức mạnh của vi xử lý đời cao, người dùng có thể thử các ứng dụng sáng tạo chuyên nghiệp như Final Cut Pro, Lightroom hoặc game nặng. Tôi chọn chơi thử Assassin's Creed Mirage, tựa game AAA mới được đưa lên iPadOS và iOS đầu tháng 6. Máy đáp ứng được ở mức khoảng 30 fps tại tùy chọn đồ họa trung bình, nhưng vẫn có tình trạng tụt khung hình ở các cảnh giao chiến có nhiều người.
Phần đầu bút có cảm biến xoay góc, phù hợp để tô màu khi vẽ minh họa.
iPad Air mới hỗ trợ Apple Pencil Pro, với các tính năng tương đương dòng Pro. Tính năng mới tôi hay dùng nhất là bóp phần đầu bút để chuyển giữa ghi/xóa/đánh dấu trong ứng dụng Goodnotes. Phần đầu bút có cảm biến xoay góc, phù hợp để tô màu khi vẽ minh họa.
Bàn phím Magic Keyboard trên iPad Air tương đương thế hệ trước của iPad Pro.
Bàn phím Magic Keyboard trên iPad Air tương đương thế hệ trước của iPad Pro. Độ nảy của phím khá ổn, kích thước từng phím cũng ở dạng tiêu chuẩn, cảm giác gõ không thua nhiều so với MacBook Air. Thiếu sót đáng tiếc là Magic Keyboard của iPad Air không có hàng phím chỉnh nhanh chức năng loa, độ sáng màn hình, dù hàng phím này xuất hiện trên cả phím của iPad Pro lẫn thế hệ iPad 10 giá rẻ.
iPad Air vẫn là mẫu máy tính bảng đáp ứng phần lớn nhu cầu với mức giá vừa phải của Apple.
So với iPad Pro, mỗi mẫu iPad Air có kích thước, dung lượng tương tự đều rẻ hơn khoảng gần 10 triệu, con số chênh lệch đủ để mua bàn phím Magic Keyboard, hoặc nâng cấp bản có 5G và mua thêm Pencil Pro. Nếu không thực sự khai thác hết các tính năng Pro, iPad Air vẫn là mẫu máy tính bảng đáp ứng phần lớn nhu cầu với mức giá vừa phải của Apple. Samsung cũng có những đại diện ở tầm giá cạnh tranh là Tab S9 Plus và Tab S9 Ultra, nhưng về mặt phần mềm thì iPadOS vẫn đang trội hơn Android.